• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/08/1992
BỘ XÂY DỰNG-TỔNG CỤC QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT
Số: 07/LB-TT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 1 tháng 8 năm 1992

THÔNG TƯ LIÊN BỘ CỦA

BỘ XÂY DỰNG VÀ TỔNG CỤC QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT
Hướng dẫn việc
sản xuất gạch ngói nung nhằm bảo vệ đất canh tác

Hiện nay các cơ sở sản xuất gạch ngói nung nở nước ta đang phát triển nhiều, ngoài các doanh nghiệp của nhà nước còn có hàng ngàn cơ sở sản xuất gạch của các hợp tác xã, tổ chức kinh tế và tư nhân. Với sản lượng gạch ngói nung sản xuất hàng năm từ 3 đến 4 tỷ viên, sử dụng hết hàng trăm ha đất. Thực tế trong quá trình sản xuất của các thành phần ngoài quốc doanh, do thiếu quy hoạch, chỉ đạo và quản lý của Nhà nước đã gây nên thiệt hại lớn cho đất sản xuất nông nghiệp, vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng và pháp lệnh bảo vệ tài nguyên khoáng sản; Đồng thời đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng vì chất lượng sản phẩm không đúng tiêu chuẩn và ảnh hưởng xấu đến môi trường môi sinh.

Căn cứ vào Luật đất đai, Pháp lệnh tài nguyên khoáng sản, Pháp lệnh chất lượng hàng hoá, Chỉ thị số 119/HĐBT ngày 2-4-1984 về phát triển sản xuất gạch ngói và bảo vệ đất nông nghiệp.

Bộ Xây dựng và Tổng cục Quản lý ruộng đất ban hành Thông tư này nhằm chấn chỉnh việc sản suất gạch ngói nung, ngăn chặn tình trạng tuỳ tiện sử dụng đất nông nghiệp. Đưa việc sản xuất gạch ngói nung vào nề nếp, đúng pháp luật.

 

I. QUY ĐỊNH CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ SẢN XUẤT
GẠCH NGÓI ĐẤT SÉT NUNG

Các điều kiện để sản xuất gạch ngói nung là căn cứ để Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc Uỷ ban nhân dân huyện cấp giấy phép (đối với cá nhân) và cơ quan quản lý ruộng đất giao đất sản xuất gạch ngói.

1. Tổ chức, các cá nhân sản xuất gạch ngói nung phải có các điều kiện sau đây:

- Có luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc báo cáo các phương án sản xuất (đối với tư nhân), luận chứng kinh tế kỹ thuật phải có dây chuyền công nghệ sản xuất gạch ngói nung được bố trí hợp lý, có đầu tư kỹ thuật phù hợp với từng loại đất và sản phẩm bảo đảm chất lượng theo TCVN 1450-85 (gạch rỗng), và TCVN 1452-86 (đối với các loại ngói).

- Đối với những cơ sở chưa sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn Nhà nước thì phải đăng ký chất lượng sản phẩm và nhãn hiệu hàng hoá theo Pháp lệnh chất lượng hàng hoá và quy định số 255-BXD/VLXD ngày 15-10-1989 về quản lý nhãn hiệu và chất lượng vật liệu xây dựng trong sản xuất kinh doanh.

- Có phương án bảo vệ môi trường, môi sinh, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến người sản xuất lân cận.

2. Những điều kiện để sản xuất gạch ngói nung cụ thể khác thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc uỷ quyền cho Sở Xây dựng quy định cho phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

3. Trách nhiệm thẩm định điều kiện sản xuất gạch ngói nung.

- Đối với các doanh nghiệp thì Sở Xây dựng có trách nhiệm thẩm định các điều kiện sản xuất kinh doanh gạch ngói nung để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc ra quyết định. Đối với những nhà máy gạch ngói nung lớn, có trình độ kỹ thuật công nghệ cao, thì quá trình thẩm định của Sở Xây dựng có sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng.

- Đối với các cá nhân và nhóm sản xuất có vốn pháp định thấp hơn vốn quy định trong Nghị định 221-HĐBT ngày 23-7-1992 thì Phòng xây dựng thẩm định các điều kiện sản xuất kinh doanh gạch ngói nung trình Uỷ ban nhân dân huyện và cấp tương đương cấp giấy phép hành nghề.

4. Khi có quyết định của Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền tại điểm B mục I, thì cơ quan quản lý ruộng đất mới tiến hành làm các thủ tục giao đất cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân sản xuất gạch ngói nung.

 

II. QUY ĐỊNH SỬ DỤNG ĐẤT ĐỂ SẢN XUẤT GẠCH NGÓI NUNG

1. Đất để sản xuất gạch ngói nung là đất có thành phần đáp ứng các yêu cầu của công nghệ, nhưng trước hết phải tận dụng các loại đất đồi không canh tác, đất gò bãi hoang, đất lòng sông, ao hồ cần khơi sâu, đất ven sông ngòi không sản xuất nông nghiệp, đất đê bồi huỷ bỏ, đất do cải tạo đồng ruộng...(dưới đây gọi tắt là đất tận dụng).

Trong trường hợp không có các nguồn đất nói trên mới sử dụng các nguồn đất khác như: Đất chân ruộng bạc màu, đất nhiễm mặn, nhiễm phèn, đất Laterit...đã chuyển sang đất chuyên dùng và được quy hoạch để sản xuất gạch ngói nung.

2. Thẩm quyền cấp đất để sản xuất gạch ngói nung được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13 Luật đất đai và điểm 3 Điều 14 Nghị định 95/HĐBT ngày 25-3-1992 về việc thi hành pháp lệnh tài nguyên khoáng sản.

Cơ quan quản lý đất đai ở Trung ương và địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thẩm định, làm các thủ tục giao đất để sản xuất gạch ngói nung:

3. Điều kiện xin giao đất để sản xuất gạch ngói nung:

a) Phải có quyết định hoặc giấy phép sản xuất kinh doanh gạch ngói nung quy định tại điểm 3 mục I của Thông tư này.

b) Đất để sản xuất gạch ngói nung phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đai của địa phương và Luật đất đai.

c) Có đủ trữ lượng và thành phần đất phù hợp với yêu cầu sản xuất gạch ngói nung.

4. Tổ chức, cá nhân được giao đất theo quy định tại điều 46 Luật đất đai để sản xuất gạch ngói nung phải đền bù theo Quyết định 186/HĐBT ngày 31-5-1990 và Thông tư hướng dẫn số 18/BTC ngày 5-6-1992 của Bộ Tài chính.

5. Thời gian giao đất để sản xuất gạch ngói nung căn cứ vào quy mô sản xuất, và trữ lượng đất khai thác được ghi trong quyết định giao đất. Nhưng nhiều nhất không quá 10 năm. Hết thời hạn, tổ chức, cá nhân muốn tiếp tục sử dụng đất thì phải làm đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền giao đất và cơ quan quản lý ngành ở địa phương xem xét quyết định.

6. Các hộ nhân dân sản xuất gạch ngói nung một lần để sử dụng chỉ được sử dụng các nguồn đất tận dụng khi cải tạo vườn ruộng (hạ cốt đất).

- Với diện tích từ 100 m2 trở xuống do Uỷ ban nhân dân xã quyết định.

- Với diện tích dưới 300m2 do Uỷ ban nhân dân huyện quyết định .

Quyết định ghi rõ địa điểm, khối lượng đất khai thác cho một lần sản xuất và phải bảo vệ lớp đất mặt để trả lại cho sản xuất nông nghiệp.

7. Tổ chức, cá nhân được phép sử dụng đất để sản xuất gạch ngói nung phải sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm, đúng mục đích, ranh giới và thực hiện đầy đủ các quy định tại Điều 45, 46 và 48 Luật đất đai; Không được tuỳ tiện mở rộng phạm vi khai thác. Khi hết thời hạn sử dụng phải trả lại đất với trạng thái được quy định trong quyết định giao đất.

8. Nghiêm cấm sử dụng những loại đất sau đây vào sản xuất gạch ngói nung: Đất có các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và đất khoanh vùng bảo vệ các di tích đó; Đất nằm trong phạm vi bảo vệ hành lang giao thông theo quy định của ngành giao thông; Đất nằm trong phạm vi bảo vệ chân đê theo quy định tại Điều 2, Điều 5 khoản 2 Nghị định 429/HĐBT ngày 15-12-1990, quy định về việc thi hành Pháp lệnh bảo vệ đê điều.

Các thành phố lớn nghiên cứu các giải pháp thích hợp cho vật liệu xây lợp để thay thế một phần gạch ngói nung như đầu tư phát triển gạch silicát, tấm lợp xi măng lưới thép, chất dẻo và vật liệu kim loại...

9. Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký, các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, Ngành và các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh gạch ngói nung chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện ngành Xây dựng và quản lý ruộng đất ở các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau để việc quản lý có hiệu quả. Nếu có gì vướng mắc đề nghị các địa phương, Bộ, Ngành phản ảnh về Bộ Xây dựng và Tổng cục Quản lý ruộng đất để nghiên cứu giải quyết.

Đang cập nhật Bộ Xây dựng

Đang cập nhật Tổng cục Quản lý ruộng đất

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Mạnh Kiểm

Tôn Gia Huyên

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.