• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 12/02/2018
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2024
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Số: 75/2017/TT-BTNMT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 29 tháng 12 năm 2017

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG KHOAN, ĐÀO, THĂM DÒ, KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Căn cứ Luật tài nguyên nước năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất, gồm các hoạt động sau: thăm dò, khai thác nước dưới đất, khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ và các hoạt động khoan, đào khác có liên quan đến nước dưới đất.

2. Việc khoan thăm dò, khai thác dầu khí không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước và các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có liên quan đến bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất.

Điều 3. Nguyên tắc bảo vệ nước dưới đất

1. Bảo vệ nước dưới đất lấy phòng ngừa làm chính, chú trọng việc bảo vệ nguồn nước dưới đất tại các khu vực bị khai thác quá mức hoặc bị suy thoái nghiêm trọng, các vùng cấm, vùng hạn chế khai thác, các khu vực cấp nước sinh hoạt, khu vực đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, khu dân cư tập trung, các vùng khan hiếm nước, các khu vực nước dưới đất có nguy cơ bị cạn kiệt, ô nhiễm, xâm nhập mặn và các khu vực có nguy cơ bị sụt, lún đất.

2. Bảo vệ nước dưới đất phải gắn với khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước dưới đất; gắn với các hoạt động bảo vệ nguồn nước mặt, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên.

3. Bảo vệ nước dưới đất phải xem xét, thực hiện ngay trong giai đoạn lập các quy hoạch có liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đối với các dự án đầu tư có hoạt động liên quan đến thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất hoặc có hoạt động khoan, đào gây ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng nước dưới đất thì việc bảo vệ nước dưới đất phải thực hiện trong giai đoạn lập dự án đầu tư.

Điều 4. Yêu cầu chung về bảo vệ nước dưới đất trong thiết kế, thi công lỗ khoan, giếng khoan

Tổ chức, cá nhân thiết kế, thi công lỗ khoan, giếng khoan (sau đây gọi chung là giếng khoan) trong hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất, khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ và các hoạt động khoan, đào khác có liên quan đến nước dưới đất phải thực hiện các yêu cầu về bảo vệ nước dưới đất sau:

1. Thực hiện các quy định tại Thông tư số 59/2015/TT-BTNMT ngày 14 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật khoan điều tra, đánh giá và thăm dò nước dưới đất.

2. Chèn cách ly bằng đất sét tự nhiên hoặc vật liệu có tính chất thấm nước tương đương đất sét xung quanh thành giếng khoan và ống chống tạm thời. Trong phạm vi bán kính tối thiểu 01m xung quanh miệng giếng khoan phải gia cố, tôn cao bằng đất sét tự nhiên hoặc các vật liệu chống thấm khác để ngăn ngừa nước bẩn từ trên mặt đất chảy trực tiếp vào giếng khoan hoặc thấm qua thành, vách giếng khoan vào tầng chứa nước.

3. Không dùng nước thải, nước bẩn, nước có chứa dầu mỡ, hóa chất độc hại làm dung dịch khoan hoặc pha trộn dung dịch khoan để đưa vào giếng khoan; không để rò rỉ nhiên liệu, dầu mỡ ra môi trường xung quanh khu vực giếng khoan.

4. Bảo đảm ổn định của môi trường đất xung quanh khu vực giếng khoan trong quá trình khoan và khi thực hiện các công việc nghiên cứu, thí nghiệm trong giếng khoan hoặc trong quá trình sử dụng giếng khoan.

5. Đối với giếng khoan có thời gian dự kiến hoạt động từ hai (02) năm trở lên thì phải thực hiện việc chống ống và trám cách ly, bảo đảm ngăn nước từ trên mặt đất xâm nhập vào các tầng chứa nước hoặc nước của các tầng chứa nước có chất lượng khác nhau lưu thông qua thành giếng khoan.

6. Trường hợp khi thi công hoặc trong quá trình sử dụng giếng khoan mà gây sự cố sụt, lún đất và các sự cố bất thường khác thì phải dừng ngay việc thi công, sử dụng, kịp thời xử lý, khắc phục sự cố, bồi thường thiệt hại (nếu có); thông báo kịp thời tới Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Tài nguyên và Môi trường) nơi xảy ra sự cố.

7. Đối với các giếng khoan không sử dụng hoặc bị hỏng trong quá trình thi công, sử dụng thì phải xử lý, trám lấp theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Điều 5. Yêu cầu về thiết kế, thi công giếng khoan khai thác nước dưới đất

Tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất phải thực hiện các quy định tại Điều 4 Thông tư này và các yêu cầu cụ thể sau:

1. Việc thiết kế giếng khoan khai thác nước dưới đất phải do người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật của tổ chức, cá nhân có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất hoặc người phụ trách kỹ thuật của tổ chức, cá nhân tư vấn lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác nước dưới đất thực hiện.

2. Việc thi công giếng khoan khai thác nước dưới đất phải do tổ chức, cá nhân có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

3. Ống chống, ống lọc lắp đặt tại các giếng khoan khai thác nước dưới đất phải là loại ống chuyên dùng cho giếng khoan khai thác nước dưới đất, bảo đảm các yêu cầu sau: ghi rõ ký hiệu, mã hiệu, tiêu chuẩn và tên nhà sản xuất; có độ dầy và các chỉ tiêu cơ lý, hóa học phù hợp với đặc điểm địa tầng, chiều sâu, đường kính, thời gian sử dụng và đặc tính ăn mòn hóa học của đất, nước tại nơi lắp đặt giếng; bảo đảm sự ổn định của giếng khoan trong suốt thời gian sử dụng.

4. Đối với trường hợp miệng giếng khoan đặt trên bề mặt đất thì miệng ống giếng khoan phải lắp đặt cao hơn bề mặt đất hoặc sàn nhà bơm tối thiểu 0,3m hoặc cao hơn mực nước lũ trung bình hằng năm đối với vùng thường xuyên bị lũ, lụt.

Đối với trường hợp miệng giếng khoan đặt âm dưới bề mặt đất thì hầm chứa máy bơm phải bảo đảm chống thấm để cách ly với các nguồn nước từ trên mặt đất; phần mặt đất trong phạm vi bán kính tối thiểu 1,5m xung quanh miệng giếng khoan phải tôn cao hoặc bằng với bề mặt đất và được gia cố bằng bê tông hoặc xây, trát, láng vữa xi măng để phòng, tránh nước bẩn xâm nhập vào tầng chứa nước thông qua giếng khoan khai thác.

5. Phải có bản vẽ thiết kế cấu trúc giếng khoan và phương án thi công giếng khoan thể hiện được các nội dung sau:

a) Tên chủ giếng và tổ chức, cá nhân thiết kế giếng;

b) Cột địa tầng và mô tả địa tầng, chiều sâu phân bố của từng lớp đất đá tại vị trí khoan giếng; loại, đường kính, chiều dầy, chiều sâu của từng đoạn ống chống, ống lọc; kích thước, vị trí lắp đặt của các bộ định tâm cột ống chống (nếu có);

c) Chiều sâu, chiều dầy, loại và kích thước vật liệu lọc của từng đoạn thu nước;

d) Chiều sâu, chiều dầy, loại vật liệu trám cách ly của từng đoạn xung quanh ống chống giếng khoan. Việc trám cách ly xung quanh ống chống giếng khoan thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều này;

đ) Lưu lượng khai thác và dự kiến độ sâu mực nước tĩnh, mực nước động lớn nhất; sơ đồ lắp đặt thiết bị khai thác và thiết bị quan trắc, giám sát mực nước, lưu lượng khai thác của giếng;

e) Kích thước của phần bê tông bảo vệ miệng giếng khoan và cao độ miệng giếng;

g) Nêu rõ biện pháp thi công các lớp vật liệu lọc, đoạn trám cách ly và cách thức kiểm tra, kiểm soát khi thi công giếng khoan.

6. Việc trám cách ly xung quanh ống chống giếng khoan quy định tại điểm d Khoản 5 Điều này phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Đoạn chiều sâu tối thiểu 05m tính từ bề mặt đất phải trám bằng vữa xi măng;

b) Đoạn chiều sâu tiếp theo đến mái của tầng chứa nước khai thác hoặc đến đỉnh của lớp vật liệu lọc phải trám bằng vữa xi măng hoặc vữa xi măng trộn với sét tự nhiên hoặc bentonit;

c) Ngoài các yêu cầu quy định tại điểm a, b Khoản này, đối với trường hợp đường kính giếng khoan lớn hơn 250mm so với đường kính ngoài lớn nhất của ống chống lắp đặt tại đoạn đó hoặc giếng khoan khai thác có đường kính ống chống nhỏ hơn 60mm và chiều sâu giếng không quá 30m thì được sử dụng vật liệu trám là sét tự nhiên dạng viên có kích thước nhỏ hơn 0,25 lần chiều dầy của lớp trám;

d) Trường hợp giếng khoan khai thác đồng thời từ hai (02) tầng chứa nước không liên tục trở lên thì phải thực hiện trám đoạn chiều sâu nằm giữa các tầng chứa nước theo quy định tại điểm b Khoản này;

đ) Lớp trám phải có độ dầy tối thiểu 30mm đối với trường hợp ống chống có đường kính nhỏ hơn 60mm hoặc có độ dầy tối thiểu 50mm đối với các trường hợp khác.

7. Khi thi công giếng khoan khai thác phải lắp đặt ống chống tạm thời với chiều sâu tối thiểu là 03m tính từ bề mặt đất; miệng ống chống tạm thời cao hơn bề mặt đất xung quanh miệng giếng tối thiểu 0,2m và phải bảo vệ, duy trì trong quá trình thi công giếng khoan.

8. Vật liệu sử dụng để lắp đặt giếng khoan không chứa hóa chất độc hại, vi khuẩn gây bệnh và được bảo quản nơi khô ráo, cách xa các nguồn có khả năng gây ô nhiễm. Trường hợp sử dụng hóa chất để ngâm, rửa giếng khoan thì hóa chất sử dụng phải thuộc danh mục hóa chất được phép sử dụng theo quy định của pháp luật, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.

Điều 6. Yêu cầu về thiết kế, thi công giếng khoan thăm dò, điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất, khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ và giếng đào

Tổ chức, cá nhân thiết kế, thi công giếng khoan phải thực hiện các quy định tại Điều 4 Thông tư này và các yêu cầu cụ thể sau:

1. Đối với giếng khoan thăm dò, điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất:

a) Trường hợp giếng khoan được sử dụng làm giếng khoan khai thác nước dưới đất, quan trắc lâu dài hoặc giếng khoan có thời gian dự kiến sử dụng từ hai (02) năm trở lên thì thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư này;

b) Các giếng khoan không thuộc trường hợp quy định tại điểm a Khoản này thì phải trám cách ly đoạn chiều sâu từ miệng giếng đến mái của tầng chứa nước hoặc trám cách ly đến đỉnh của lớp vật liệu lọc.

2. Đối với giếng khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ:

a) Trường hợp giếng khoan có thời gian dự kiến sử dụng từ hai (02) năm trở lên thì thực hiện việc trám cách ly giếng khoan theo quy định tại Khoản 6 Điều 5 Thông tư này;

b) Trường hợp giếng khoan không thuộc trường hợp quy định tại điểm a Khoản này thì phải trám cách ly đoạn chiều sâu tối thiểu 05m tính từ bề mặt đất.

3. Đối với giếng đào:

a) Vị trí giếng được lựa chọn bảo đảm có khoảng cách từ 10m trở lên đến chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh, hố rác và các nguồn có khả năng gây ô nhiễm khác;

b) Thành giếng phải xây gạch, đá, bê tông và phải cao hơn bề mặt đất tối thiểu 0,5m, bảo đảm cách ly không cho nước từ trên mặt đất chảy vào giếng.

Điều 7. Yêu cầu bảo vệ nước dưới đất khi thực hiện thí nghiệm trong giếng khoan

Tổ chức, cá nhân thi công, sử dụng giếng khoan khi thực hiện thí nghiệm trong giếng khoan phải bảo đảm các yêu cầu sau:

1. Phương pháp, cách thức thí nghiệm trong giếng khoan được thể hiện đầy đủ trong các đề án, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, hồ sơ kỹ thuật thi công công trình. Trong quá trình thực hiện thí nghiệm chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

2. Trường hợp trong quá trình thí nghiệm xảy ra sự cố sụt, lún đất, rạn nứt nhà cửa, công trình xây dựng xung quanh hoặc sự cố bất thường khác thì phải dừng ngay, kịp thời xử lý, khắc phục, bồi thường thiệt hại (nếu có); thông báo kịp thời tới Ủy ban nhân dân cấp xã và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi xảy ra sự cố.

3. Hóa chất, chất phóng xạ sử dụng trong quá trình thí nghiệm phải thuộc danh mục hóa chất, chất phóng xạ được phép sử dụng theo quy định của pháp luật, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.

4. Có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không để nước thải, nước có chứa chất độc hại vào trong giếng khoan.

5. Trường hợp thí nghiệm bơm hút nước, ngoài việc thực hiện các quy định tại Khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều này còn phải thực hiện các yêu cầu sau:

a) Nước bơm lên phải thu gom, dẫn cách xa miệng giếng khoan ít nhất 10m, bảo đảm không gây ngập úng và ảnh hưởng tới môi trường xung quanh;

b) Không gây hạ thấp mực nước quá mức và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khai thác của các công trình khai thác nước dưới đất lân cận;

c) Trường hợp nước bơm lên có dấu hiệu bất thường hoặc làm chết động vật, thực vật trong khu vực thì phải dừng ngay việc bơm nước, kịp thời xử lý, khắc phục, bồi thường thiệt hại (nếu có); thông báo kịp thời tới Ủy ban nhân dân cấp xã và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi xảy ra sự cố.

Điều 8. Bảo vệ nước dưới đất trong quá trình khai thác

1. Chủ công trình khai thác nước dưới đất có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh xung quanh giếng khai thác và thực hiện các biện pháp phòng, chống, ngăn ngừa ô nhiễm nước dưới đất qua giếng khoan khai thác.

2. Chủ công trình khai thác nước dưới đất phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt phải xây dựng vùng bảo hộ vệ sinh của công trình theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

3. Chủ công trình khai thác thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất tổ chức lắp đặt thiết bị, bố trí nhân lực thực hiện việc quan trắc lưu lượng, mực nước, chất lượng nước tại các giếng khai thác, giếng quan trắc của công trình bảo đảm thông số, hình thức và chế độ quan trắc để cung cấp, cập nhật số liệu vào hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Việc quan trắc mực nước tại giếng quan trắc của công trình khai thác phải được thực hiện tối thiểu tại 01 giếng đối với công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm đến dưới 5.000 m3/ngày đêm; tối thiểu tại 02 giếng đối với công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng từ 5.000 m3/ngày đêm đến dưới 10.000 m3/ngày đêm; tối thiểu tại 03 giếng đối với công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng từ 10.000 m3/ngày đêm trở lên.

4. Phát hiện, xử lý, khắc phục các hiện tượng, sự cố bất thường về chất lượng nước, mực nước trong quá trình khai thác và các sự cố khác do hoạt động khai thác của mình gây ra; trường hợp xảy ra sự cố thì phải dừng ngay việc khai thác, kịp thời xử lý, khắc phục sự cố, bồi thường thiệt hại (nếu có); thông báo kịp thời tới Ủy ban nhân dân cấp xã và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi xảy ra sự cố và báo cáo cơ quan cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất.

Điều 9. Bảo vệ nước dưới đất trong hoạt động điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất, khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ

1. Tổ chức, cá nhân điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất, khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ có các hạng mục khoan, đào, thí nghiệm trong giếng khoan ngoài việc thực hiện các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan phải thực hiện đầy đủ yêu cầu về bảo vệ nước dưới đất theo quy định tại Điều 4, Điều 6 và Điều 7 của Thông tư này.

2. Tổ chức, cá nhân xử lý nền móng công trình chỉ được sử dụng các vật liệu được phép sử dụng theo quy định của pháp luật; không sử dụng nước thải, nước bẩn, nước có chứa dầu mỡ để xử lý nền móng công trình.

3. Đối với hoạt động bơm hút nước để tháo khô mỏ thì thực hiện theo các quy định tại Khoản 4 Điều 26 Luật tài nguyên nước năm 2012.

4. Đối với các hồ, bể chứa hoặc khu vực chứa nước thải, bã quặng và các chất thải lỏng khác trong hoạt động khai thác khoáng sản phải tuân thủ các quy định, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, khoáng sản và pháp luật về tài nguyên nước để bảo đảm không gây ô nhiễm nước dưới đất.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 02 năm 2018.

2. Chương III, Chương IV, Chương V và Điều 21 Chương VI Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Cục Quản lý tài nguyên nước có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Quý Kiên

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.