• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/12/2018
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2025
CHÍNH PHỦ
Số: 138/2018/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 8 tháng 10 năm 2018

NGHỊ ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe

__________

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư ngày 22 tháng 11 năm 2016;

Căn cứ Luật giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ cơ sở đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe

1. Sửa đổi Điều 3 như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Cơ sở đào tạo lái xe ô tô là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng đào tạo nghề lái xe ô tô.

2. Xe tập lái dùng để đào tạo lái xe ô tô, được gắn 02 biển “TẬP LÁI” trước và sau xe theo mẫu quy định tại Phụ lục II Nghị định này, có thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường của học viên, có hệ thống phanh phụ được lắp đặt bảo đảm hiệu quả phanh, được bố trí bên ghế ngồi của giáo viên dạy thực hành lái xe, xe tập lái loại tải thùng có mui che mưa, che nắng, ghế ngồi cho học viên, có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn hiệu lực.

3. Xe sát hạch dùng để sát hạch lái xe, được gắn 02 biển “SÁT HẠCH” trước và sau xe, có hệ thống phanh phụ được lắp đặt bảo đảm hiệu quả phanh, có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn hiệu lực.

4. Lưu lượng đào tạo là số lượng học viên lớn nhất mà cơ sở được phép đào tạo tại một thời điểm, được xác định bằng tổng số học viên đào tạo các hạng giấy phép lái xe, bao gồm cả học viên học lý thuyết và thực hành tại thời điểm xác định lưu lượng đào tạo.

5. Trung tâm sát hạch lái xe là cơ sở được xây dựng phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cung cấp dịch vụ sát hạch lái xe và được phân loại như sau:

a) Trung tâm sát hạch loại 1: Thực hiện sát hạch để cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E và các hạng F (FB2, FC, FD, FE);

b) Trung tâm sát hạch loại 2: Thực hiện sát hạch để cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3, A4, B1, B2 và hạng C;

c) Trung tâm sát hạch loại 3: Thực hiện sát hạch để cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3 và hạng A4.”

2. Sửa đổi điểm đ khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 6 như sau:

a) Sửa đổi điểm đ khoản 1 Điều 6 như sau:

“đ) Phòng học Kỹ thuật lái xe: Có phương tiện nghe nhìn phục vụ giảng dạy (băng đĩa, đèn chiếu...); có hình hoặc tranh vẽ mô tả các thao tác lái xe cơ bản (điều chỉnh ghế lái, tư thế ngồi lái, vị trí cầm vô lăng lái...); có xe ô tô được kê kích bảo đảm an toàn để tập số nguội, số nóng (có thể bố trí ở nơi riêng biệt); có thiết bị mô phòng để đào tạo lái xe;”

b) Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 6 như sau:

“a) Có xe tập lái các hạng được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái; trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe, căn cứ thời gian sử dụng xe sát hạch vào mục đích sát hạch, được phép sử dụng xe sát hạch để vừa thực hiện sát hạch lái xe, vừa đào tạo lái xe nhưng số lượng xe sát hạch dùng để tính lưu lượng đào tạo không quá 50% số xe sát hạch sử dụng để dạy lái;”

3. Sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 6 như sau:

“a) Thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe;”

4. Sửa đổi Điều 7 như sau:

“Điều 7. Điều kiện về giáo viên

1. Có đội ngũ giáo viên dạy lý thuyết, thực hành đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Nghị định này.

2. Đảm bảo có ít nhất 01 giáo viên dạy thực hành lái xe trên 01 xe tập lái.”

5. Sửa đổi Điều 8 như sau:

“Điều 8. Tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe, Giấy chứng nhận và thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy lái xe ô tô

1. Tiêu chuẩn chung: Giáo viên dạy lái xe phải đáp ứng tiêu chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp;

2. Giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô hoặc các ngành nghề khác có nội dung đào tạo chuyên ngành ô tô chiếm 30% trở lên, giáo viên dạy môn Kỹ thuật lái xe phải có giấy phép lái xe tương ứng hạng xe đào tạo trở lên;

3. Giáo viên dạy thực hành lái xe đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

a) Có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2;

b) Giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 03 năm trở lên, kể từ ngày trúng tuyển; giáo viên dạy các hạng C, D, E và F phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 05 năm trở lên kể từ ngày trúng tuyển;

c) Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe

a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe cho giáo viên thuộc các cơ sở đào tạo thuộc cơ quan trung ương do Bộ Giao thông vận tải giao;

b) Sở Giao thông vận tải cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe cho giáo viên thuộc các cơ sở đào tạo do địa phương quản lý.”

6. Sửa đổi điểm a và b khoản 2 Điều 9 như sau:

a) Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 9 như sau:

“a) Cá nhân hoặc cơ sở đào tạo lập 01 bộ hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe quy định tại khoản 4 Điều 8 của Nghị định này;”

b) Sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 9 như sau:

“b) Sở Giao thông vận tải hoặc Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận hồ sơ cá nhân hoặc hồ sơ, danh sách do cơ sở đào tạo lập theo mẫu quy định tại Phụ lục V kèm theo Nghị định này; trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định, tổ chức kiểm tra, đánh giá. Trường hợp cá nhân không đủ điều kiện, Sở Giao thông vận tải hoặc Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;”

7. Sửa đổi khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 10 như sau:

a) Sửa đổi khoản 1 Điều 10 như sau:

“1. Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe được cấp lại trong trường hợp bị mất, bị hỏng, có sự thay đổi liên quan đến nội dung của Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe. Hồ sơ bao gồm các thành phần quy định tại điểm a và điểm e khoản 1 Điều 9 của Nghị định này.”

b) Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 10 như sau:

“a) Cá nhân hoặc cơ sở đào tạo lập 01 bộ hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe quy định tại khoản 4 Điều 8 của Nghị định này;”

8. Sửa đổi điểm c khoản 1 và bổ sung điểm g khoản 1 Điều 18 như sau:

a) Sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 18 như sau:

“c) Số lượng xe cơ giới dùng để sát hạch: Sát hạch lái xe trong hình hạng A1, B1, B2 và C tối thiểu mỗi hạng 02 xe, các hạng khác tối thiểu mỗi hạng 01 xe và không được sử dụng vào mục đích kinh doanh khác; sát hạch lái xe trên đường tối thiểu mỗi hạng 01 xe. Xe sát hạch lái xe thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân có trung tâm sát hạch lái xe.”

b) Bổ sung điểm g khoản 1 Điều 18 như sau:

“g) Thiết bị mô phỏng để sát hạch lái xe: Có ít nhất 01 thiết bị được cài đặt phần mềm sát hạch lái xe mô phỏng do Bộ Giao thông vận tải quy định.”

9. Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 20 như sau:

“a) Quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền đối với nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ dưới 51% vốn điều lệ) trừ các dự án không phải phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên) (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực);”

10. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1, điểm b khoản 5 và khoản 6 Điều 26 như sau:

a) Bổ sung điểm c khoản 1 Điều 26 như sau:

“c) Quy định quy chuẩn, lộ trình trang bị thiết bị mô phỏng để đào tạo, sát hạch lái xe, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe của học viên; hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát thời gian học lý thuyết đối với học viên của các cơ sở đào tạo lái xe ô tô.”

b) Sửa đổi điểm b khoản 5 Điều 26 như sau:

“b) Duy trì, tăng cường vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy; quản lý đội ngũ giáo viên bảo đảm điều kiện theo quy định; có đủ phương tiện, thiết bị đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn cháy nổ theo quy định của pháp luật; định kỳ 3 năm 1 lần tổ chức tập huấn để nâng cao nghiệp vụ đối với giáo viên dạy thực hành lái xe theo nội dung do Bộ Giao thông vận tải quy định.”

c) Sửa đổi khoản 6 Điều 26 như sau:

“6. Trung tâm sát hạch lái xe có trách nhiệm bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị kiểm tra, chấm điểm, có đủ phương tiện, thiết bị đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn cháy nổ theo quy định để thực hiện các kỳ sát hạch đạt kết quả chính xác, khách quan.”

11. Thay thế Phụ lục IV về mẫu đơn đề nghị tập huấn, cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe quy định tại Nghị định số 65/2016/NĐ-CP bằng Phụ lục IV về mẫu đơn đề nghị tập huấn, cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 2. Bãi bỏ các quy định sau:

Điều 4; khoản 2 Điều 5; điểm h khoản 1 Điều 6; các điểm c, đ, e, g, h, i, k khoản 2 Điều 6; khoản 4 Điều 6; các điểm c và đ khoản 1 Điều 9; điểm c khoản 1 Điều 14; Điều 17; điểm b khoản 1 Điều 18; Điều 25; Phụ lục I của Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp

1. Giáo viên dạy thực hành lái xe đã được cấp giấy chứng nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà chưa đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Nghị định này, phải đáp ứng quy định của Nghị định này trước ngày 01 tháng 7 năm 2019.

2. Giấy phép đào tạo lái xe ô tô, giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động có thời hạn đã cấp trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 được cấp lại khi hết thời hạn sau khi đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô hoặc dịch vụ sát hạch lái xe.

3. Các cơ sở đào tạo lái xe ô tô, Trung tâm sát hạch lái xe được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép đào tạo lái xe ô tô, Giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực, được tiếp tục hoạt động đào tạo lái xe ô tô và sát hạch lái xe và phải thực hiện trang bị thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường của học viên, thiết bị mô phỏng để sát hạch lái xe theo lộ trình do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.

Điều 4. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2018.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.