• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/08/2007
BỘ NỘI VỤ
Số: 05/2007/TT-BNV
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 21 tháng 6 năm 2007

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện một số điều quy định tại Nghị định số 15/2007/NĐ-CP

ngày 26/01/2007 của Chính phủ về phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện

______________________________________

Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 05 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị định số 15/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ về phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện;

Bộ Nội vụ hướng dẫn một số Điều quy định tại Nghị định số 15/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ về phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện như sau:

I. CÁCH THỨC TÍNH ĐIỂM PHÂN LOẠI

1. Dân số: Số liệu về dân số để tính điểm được quy định tại Khoản 1 - Điều 7 và Khoản 1 - Điều 8 của Nghị định số 15/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ về phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện (sau đây gọi tắt là Nghị định số 15/2007/NĐ-CP), cách tính như sau:

1.1. Lấy số liệu dân số tự nhiên trên địa bàn đến hết ngày 31 tháng 12 của năm liền kề với năm phân loại. Số liệu dân số để tính điểm phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh do Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp; số liệu dân số để tính điểm phân loại đơn vị hành chính cấp huyện do Phòng Thống kê cấp huyện cung cấp, theo quy định của Luật thống kê;

1.2. Đối với các trường hợp mới chia tách, sáp nhập, thành lập đơn vị hành chính sau ngày 31 tháng 12 của năm liền kề với năm phân loại, thì lấy số liệu dân số theo Nghị quyết của Quốc hội đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc Nghị định của Chính phủ về chia tách, sáp nhập, thành lập mới đơn vị hành chính cấp huyện.

2. Diện tích tự nhiên, quy định tại Khoản 2 - Điều 7, Khoản 2 - Điều 8 của Nghị định số 15/2007/NĐ-CP:

2.1. Diện tích tự nhiên của cấp tỉnh và cấp huyện thống nhất lấy số liệu theo Quyết định số 272/QĐ-TTg ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kết quả kiểm kê đất đai năm 2005 đối với cấp tỉnh và cấp huyện.

2.2. Trường hợp đơn vị hành chính các cấp mới được điều chỉnh địa giới hành chính hoặc mới thành lập sau ngày 31 tháng 12 năm 2005, thì số liệu diện tích tự nhiên là số liệu ghi trong Nghị quyết của Quốc hội đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc Nghị định của Chính phủ đã ban hành đối với đơn vị hành chính cấp huyện.

2.3. Trường hợp các đơn vị hành chính có tranh chấp về địa giới hành chính thì căn cứ vào hồ sơ địa giới thực hiện Chỉ thị số 364-CT ngày 06/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính các cấp.

3. Các yếu tố đặc thù, quy định tại Khoản 3 Điều 7 và Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 15/2007/NĐ-CP:

3.1. Về tỷ lệ % thu so với chi ngân sách nhà nước bình quân hàng năm trên địa bàn của đơn vị hành chính cấp tỉnh (tính bình quân trong 3 năm đến năm ngân sách gần nhất với thời điểm phân loại) để tính điểm:

a) Số liệu thu và chi ngân sách nhà nước bình quân hàng năm trên địa bàn của đơn vị hành chính cấp tỉnh do cơ quan tài chính cùng cấp báo cáo.

b) Đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh có tỷ lệ thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm trên địa bàn đạt trên 100% (thu nhiều hơn chi) theo quy định tại Điểm g, Khoản 3 - Điều 7 của Nghị định 15/2007/NĐ-CP thì cứ thu thêm 10% được tính thêm 01 điểm, tương ứng với thêm 01% được tính 0,1 điểm, điểm tối đa không quá 40 điểm.

c) Cách tính điểm theo công thức:

 

Tỷ lệ thu, chi ngân sách nhà nước bình quân hàng năm trên địa bàn

=

Tổng thu ngân sách trên địa bàn của 3 năm gần nhất

---------------------------------------

Tổng chi ngân sách địa phương của 3 năm gần nhất

x

100%

 

Ví dụ 1: Tỉnh B có tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn của 03 năm là: năm 2004 là 900 tỷ; năm 2005 là 1.100 tỷ; năm 2006 là 1500 tỷ. Có tổng chi ngân sách địa phương của 03 năm là: năm 2004 là 1.000 tỷ; năm 2005 là: 1.100 tỷ; năm 2006 là 1.200 tỷ, thì được tính điểm như sau:

 

900 + 1.100 + 1.500

----------------------------

1.000 + 1.1000 + 1.200

x 100% = 106%

 

- Điểm về tỷ lệ thu, chi ngân sách của tỉnh B là: 05 điểm + 0,6 điểm = 5,6 điểm.

3.2. Về tỷ lệ thu ngân sách nhà nước bình quân trên địa bàn so với kế hoạch dự toán ngân sách của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao hàng năm (tính bình quân trong 03 ngân sách gần nhất) của cấp huyện để tính điểm:

a) Số liệu về thu ngân sách nhà nước bình quân hàng năm trên địa bàn so với kế hoạch được giao thu ngân sách nhà nước của đơn vị hành chính cấp huyện lấy theo số liệu do cơ quan tài chính cùng cấp báo cáo;

b) Đối với đơn vị hành chính cấp huyện có tỷ lệ thu ngân sách nhà nước hàng năm trên địa bàn đạt trên 100% so với kế hoạch được giao, quy định tại Điểm i, Khoản 3 - Điều 8 của Nghị định 15/2007/NĐ-CP thì cứ đạt thêm 05% được tính thêm 01 điểm, tương ứng với thêm 01% được tính 0,2 điểm, điểm tối đa không quá 20 điểm;

c) Cách tính điểm theo công thức:

 

Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước bình quân hàng năm trên địa bàn

=

Tổng thu ngân sách trên địa bàn

của 3 năm gần nhất

---------------------------------------

Tổng kế hoạch thu ngân sách

của 3 năm gần nhất

x

100%

 

Ví dụ 2: Huyện C có tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn của 03 năm là: năm 2004 là 90 tỷ; năm 2005 là 100 tỷ; năm 2006 là 150 tỷ; có kế hoạch thu ngân sách địa phương được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao của 03 năm là: năm 2004 là 90 tỷ; năm 2005 là 95 tỷ; năm 2006 là 115 tỷ, thì được tính điểm như sau:

 

90 + 100 + 150

---------------------

90 + 95 + 115

x 100% = 113,3%

 

Điểm về tỷ lệ % thu ngân sách nhà nước bình quân hàng năm trên địa bàn so với kế hoạch được giao của huyện C là: 05 điểm + 2,66 điểm = 7,66 điểm.

3.3. Một số điểm cần lưu ý về số liệu thu, chi ngân sách:

a) Số liệu thu, chi ngân sách nhà nước cấp tỉnh được tính theo số thu, chi ngân sách nhà nước thực hiện đến thời điểm 31/12 hàng năm và chỉ tính phần, chi cân đối ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước;

b) Trường hợp đơn vị hành chính cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện mới chia tách, sáp nhập, thành lập đơn vị hành chính mới, mà không đủ số liệu về ngân sách nhà nước trên địa bàn thì được lấy số liệu ngân sách nhà nước của 01 năm liền kề với năm lập hồ sơ phân loại theo số liệu các đơn vị hành chính cùng cấp trước khi chia tách, sáp nhập cộng lại.

3.4. Các đặc thù khác:

a) Đơn vị hành chính là vùng cao thì chỉ được tính điểm vùng cao, không được cộng thêm điểm là miền núi. Việc xác định đơn vị hành chính các cấp là miền núi, vùng cao thực hiện theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc công nhận đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã;

b) Tỉnh thuộc khu vực biên giới quốc gia quy định tại Điểm d, Khoản 3 - Điều 7 của Nghị định 15/2007/NĐ-CP là tỉnh có ít nhất 01 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc khu vực biên giới. Đơn vị hành chính cấp huyện thuộc khu vực biên giới quốc gia, hải đảo quy định tại Điểm d, Khoản 3 - Điều 8 của Nghị định 15/2007/NĐ-CP chỉ cần có 01 đơn vị hành chính chính cấp xã thuộc khu vực biên giới hoặc hải đảo thì được tính 20 điểm. Việc xác định đơn vị hành chính các cấp thuộc khu vực biên giới trên đất liền hoặc biên giới biển được quy định tại:

- Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới biển;

- Thông tư số 179/2001/TT-BQP ngày 22 tháng 01 năm 2001 của Bộ Quốc phòng về các đơn vị hành chính thuộc khu vực biên giới đất liền;

- Đối với các trường hợp mới chia tách, sáp nhập, thành lập đơn vị hành chính mới sau thời gian của hai văn bản trên, thì việc xác định đơn vị hành chính các cấp thuộc khu vực biên giới trên đất liền hoặc biên giới biển phải căn cứ vào Nghị định của Chính phủ về chia tách, sáp nhập, thành lập mới đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đó, nhưng phải thể hiện trên bản đồ địa giới hành chính là đơn vị hành chính cấp đó có đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với nước khác hoặc có đường biên giới biển thì mới được tính điểm phân loại.

c) Đơn vị hành chính có cửa khẩu Quốc tế và cửa khẩu Quốc gia để tính điểm, quy định tại Điểm h, Khoản 3 - Điều 8 của Nghị định 15/2007/NĐ-CP, các xác định như sau:

- Cửa khẩu cảng biển là cửa khẩu Quốc tế, căn cứ vào quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải hoặc của Cục Hàng hải Việt Nam thuộc Bộ Giao thông - Vận tải ban hành công bố cảng biển cho tàu thuyền nước ngoài và Việt Nam ra vào hoạt động). Cảng nội địa không được tính là cửa khẩu Quốc gia, nên không được tính điểm để phân loại.

- Cửa khẩu cảng Hàng không thì căn cứ vào quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải hoặc của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam thuộc Bộ Giao thông - Vận tải ban hành công bố cảng hàng không Quốc tế và cảng hàng không Quốc gia. Cảng hàng không nội địa không được tính là cửa khẩu Quốc gia, nên không được tính điểm để phân loại.

- Cửa khẩu đường bộ thì căn cứ vào Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14 tháng 03 năm 2005 của Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận cửa khẩu Quốc tế và cửa khẩu Chính (cửa khẩu Quốc gia). Cửa khẩu phụ không được tính là cửa khẩu Quốc gia, nên không được tính điểm để phân loại.

d) Việc xác định số liệu về người dân tộc ít người (thiểu số) bao gồm các dân tộc trừ dân tộc Kinh được quy định tại Điểm e, Khoản 3 - Điều 7 và Điểm k, Khoản 3 - Điều 8 của Nghị định 15/2007/NĐ-CP, lấy số liệu đến 31 tháng 12 của năm liền kề với năm lập hồ sơ phân loại, do cơ quan quản lý dân tộc ít người (thiểu số) cùng cấp báo cáo.

đ) Đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện có nhiều yếu tố đặc thù quy định tại Khoản 3 Điều 7 đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 15/2007/NĐ-CP đối với đơn vị hành chính cấp huyện, thì được cộng dồn điểm của các tiêu chí đặc thù đó để tính điểm phân loại (trừ đặc thù ở điểm a nêu trên).

3.5. Cách thức làm tròn tổng số điểm để phân loại đơn vị hành chính được tính là điểm nguyên, trường hợp có số thập phân, thì được quy tròn theo nguyên tắc làm tròn số (sau khi cộng tất cả các tiêu chí và yếu tố đặc thù); số lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn thành 01 điểm, nếu số nhỏ hơn 0,5 thì lấy điểm của phần nguyên.

Ví dụ 3: Huyện Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), có điểm dân số là 179,58 điểm, có điểm diện tích tự nhiên là 66,41 điểm, có 6 xã miền núi được tính 6 điểm, huyện có 18 xã được tính 01 điểm, tỷ lệ thu ngân sách so với kế hoạch được giao là 12,72 điểm; tổng số điểm là: 265,71 điểm, được quy tròn số là 266 điểm.

II. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN PHÂN LOẠI

Trình tự, thủ tục và thẩm quyền phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện như sau:

1. Lập hồ sơ:

Sở Nội vụ chủ trì lập hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, Phòng Nội vụ - Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì lập hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp huyện; mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện lập 04 bộ hồ sơ phân loại, gồm:

1.1. Bản đồ sao lục của mỗi đơn vị hành chính trên khổ giấy A0 hoặc A1, A2; bản đồ sao lục thể hiện rõ địa giới hành chính, ghi tỷ lệ bản đồ, số liệu về diện tích tự nhiên, vị trí địa lý, ngày tháng năm sao lục và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ký tên, đóng dấu xác nhận vào bản đồ đó. Bản đồ sao lục một trong các loại sau:

a) Bản đồ trích lục trên cơ sở bản đồ 364 (được thực hiện theo Chỉ thị số 364-CT ngày 06/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính các cấp);

b) Bản đồ mới điều chỉnh địa giới hành chính;

c) Bản đồ của đơn vị hành chính mới thành lập.

1.2. Vẽ số liệu dân số, diện tích:

a) Bản báo cáo số liệu dân số tự nhiên trên địa bàn do cơ quan thống kê cùng cấp xác nhận;

b) Bản báo cáo số liệu diện tích tự nhiên trên địa bàn do cơ quan quản lý Tài nguyên - Môi trường cùng cấp xác nhận.

1.3. Các yếu tố đặc thù, gồm:

a) Báo cáo số liệu về người dân tộc thiểu số do cơ quan quản lý dân tộc cùng cấp báo cáo;

b) Báo cáo số liệu về tài chính: thu, chi ngân sách nhà nước đối với cấp tỉnh; thu và kế hoạch giao ngân sách Nhà nước đối với cấp huyện do cơ quan quản lý tài chính cùng cấp báo cáo.

1.4. Bản thống kê tổng hợp các tiêu chí dân số, diện tích và các yếu tố đặc thù, địa phương tự chấm điểm; các tiêu chí về miền núi, vùng cao, biên giới, cửa khẩu, bản quyết toán hoặc bản Dự toán (nếu chưa quyết toán) thu ngân sách trên địa bàn và bản quyết toán hoặc bản Dự toán (nếu chưa quyết toán) chi ngân sách địa phương của cấp tỉnh; Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về giao chỉ tiêu kế hoạch thu ngân sách trên địa bàn của cấp huyện 3 năm gần nhất phải ghi rõ số văn bản, cơ quan ban hành (theo biểu mẫu số 01) có đóng dấu xác nhận của Ủy ban nhân dân cùng cấp.

1.5. Đối với các đơn vị hành chính quy định tại Điều 5 của Nghị định, được công nhận là đơn vị hành chính loại đặc biệt, loại I thì không tính điểm phân loại, nhưng phải lập hồ sơ có đủ 3 tiêu chí là dân số, diện tích và yếu tố đặc thù để thẩm định và trình cấp có thẩm quyền quyết định công nhận phân loại đơn vị hành chính.

2. Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp:

2.1. Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ - Lao động Thương binh và Xã hội hoàn chỉnh hồ sơ và Tờ trình của Ủy ban nhân dân để báo cáo với Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành Nghị quyết thông qua.

2.2. Đối với hồ sơ của đơn vị hành chính quy định tại Điều 5, Nghị định 15/2007/NĐ-CP thì không phải thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành Nghị quyết, nhưng Ủy ban nhân dân phải báo cáo để Hội đồng nhân dân cùng cấp biết trước khi thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phân loại.

3. Thẩm định hồ sơ

3.1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định do Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê tiến hành kiểm tra, xem xét về hồ sơ, trình tự, thủ tục và phương pháp tính điểm phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh.

3.2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định do Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thống kê tiến hành kiểm tra, xem xét hồ sơ, trình tự, thủ tục và phương pháp tính điểm phân loại đơn vị hành chính cấp huyện.

4. Trình và quyết định phân loại:

4.1. Sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện (trừ đơn vị hành chính quy định tại Điều 5, Nghị định 15/2007/NĐ-CP) và kết quả của Hội đồng thẩm định cấp tỉnh, Sở Nội vụ hoàn chỉnh hồ sơ và để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ trưởng Bộ Nội vụ xem xét, quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp huyện.

4.2. Sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (trừ đơn vị hành chính quy định tại Điều 5, Nghị định 15/2007/NĐ-CP) và kết quả của Hội đồng thẩm định, Bộ Nội vụ hoàn chỉnh hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh.

5. Quản lý hồ sơ phân loại:

5.1. Bộ Nội vụ quản lý và lưu trữ hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh.

5.2. Sở Nội vụ quản lý và lưu trữ hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp huyện.

5.3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác thống kê, đánh giá và báo cáo kết quả phân loại đơn vị hành chính cấp huyện gửi về Bộ Nội vụ (theo biểu mẫu số 02); Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh (theo biểu mẫu số 03).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, Ngành có liên quan giúp Chính phủ tổ chức thực hiện và hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện triển khai thực hiện Nghị định số 15/2007/NĐ-CP của Chính phủ về phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện; chậm nhất là Quý I năm 2008 hoàn thành việc phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện trong cả nước.

2. Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các quy định tại Nghị định số 15/2007/NĐ-CP của Chính phủ về phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và các hướng dẫn tại Thông tư này.

3. Bộ Nội vụ chỉ đạo, thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại và kiểm tra xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại và kiểm tra xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về phân loại đơn vị hành chính cấp huyện.

4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành liên quan gửi ý kiến về Bộ Nội vụ để nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp báo cáo Chính phủ./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Quang Trung

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.