• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/02/2021
BỘ TƯ PHÁP
Số: 06/2020/TT-BTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 17 tháng 12 năm 2020
THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2018/TT-BTP ngày 20 tháng 6 năm 2018

của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm,

hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch,

tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.

____________

 

Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính;

Căn cứ Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm;

Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm;

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2018/TT-BTP ngày 20 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2018/TT-BTP ngày 20 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp (sau đây gọi là Thông tư số 08/2018/TT-BTP)

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 2 như sau:

“3. Cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản nêu tại điểm b khoản 1 Điều 63 của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm (sau đây gọi là Nghị định số 102/2017/NĐ-CP) đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; phương tiện giao thông đường sắt; phương tiện thủy nội địa; tàu cá; phương tiện chuyên dùng có đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản.”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:

Điều 5. Đăng ký biện pháp bảo đảm

Trường hợp cá nhân, tổ chức có yêu cầu thì Trung tâm Đăng ký thực hiện đăng ký các biện pháp bảo đảm, đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký, sửa chữa sai sót, xóa đăng ký, đăng ký văn bản thông báo việc xử lý tài sản bảo đảm trong các trường hợp sau đây:

1. Thế chấp động sản, trừ tàu bay, tàu biển bao gồm cả thế chấp động sản hình thành trong tương lai;

2. Bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản là động sản, trừ tàu bay, tàu biển có bảo lưu quyền sở hữu.”

4. Bổ sung Điều 5a vào sau Điều 5 như sau:

Điều 5a. Đăng ký hợp đồng

1. Trường hợp cá nhân, tổ chức có yêu cầu đăng ký nhằm công khai hoá thông tin thì Trung tâm Đăng ký thực hiện việc đăng ký hợp đồng, đăng ký thay đổi nội dung hợp đồng đã đăng ký, sửa chữa sai sót, xoá đăng ký đối với các hợp đồng sau đây (trừ hợp đồng thuê mua tàu bay dân dụng theo quy định của pháp luật về hàng không, hợp đồng cho thuê tài chính đối với tàu bay theo quy định của pháp luật về cho thuê tài chính, hợp đồng thuê mua tàu biển theo quy định của pháp luật về hàng hải, hợp đồng cho thuê tài chính đối với tàu biển mà không thuộc trường hợp nêu tại khoản 3 Điều 39 của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở):

a) Hợp đồng thuê tài sản có thời hạn từ một năm trở lên hoặc hợp đồng có thời hạn thuê tài sản dưới một năm, nhưng các bên giao kết hợp đồng thỏa thuận về việc gia hạn và tổng thời hạn thuê (bao gồm cả thời hạn gia hạn) từ một năm trở lên; hợp đồng ký gửi hàng hoá;

b) Hợp đồng cho thuê tài chính theo quy định của pháp luật về cho thuê tài chính;

c) Hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ, khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác bao gồm quyền đòi nợ, khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác hiện có hoặc hình thành trong tương lai.

2. Việc đăng ký nêu tại khoản 1 Điều này không làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng. Người yêu cầu đăng ký chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp và tính chính xác của các thông tin kê khai trong Phiếu yêu cầu đăng ký.”

5. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 6 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Máy móc; phương tiện chuyên dùng theo quy định của pháp luật liên quan không thuộc tài sản nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này và không phải là tàu bay, tàu biển; thiết bị, dây chuyền sản xuất; nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng hoá; kim khí, đá quý; động sản khác là vật.”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 7 như sau:

“7. Các quyền tài sản gồm:

a) Quyền tài sản đối với đối tượng quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; quyền tài sản phát sinh từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ hoặc quyền tài sản khác trị giá được bằng tiền trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, công nghệ thông tin; quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên;

c) Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng bao gồm quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền thụ hưởng lợi ích hình thành từ hợp đồng, quyền khai thác, quản lý dự án, quyền được bồi thường thiệt hại theo hợp đồng hoặc quyền tài sản khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ hợp đồng (trừ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, quyền sở hữu hoặc quyền khác phải đăng ký đối với tàu bay, tàu biển theo quy định của pháp luật về hàng không, hàng hải); quyền thụ hưởng bảo hiểm; quyền được bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;

d) Quyền tài sản khác theo quy định của pháp luật.”

c) Sửa đổi, bổ sung khoản 8 như sau:

“8. Quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với tài sản bảo đảm hoặc các lợi ích khác thu được từ tài sản bảo đảm nêu tại Điều này; hoa lợi; lợi tức, khoản phải thu, khoản phí thu được từ việc khai thác tàu bay, tàu biển, từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc từ việc đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý, phát triển dự án xây dựng nhà ở, dự án xây dựng công trình và cơ sở hạ tầng, tài sản khác gắn liền với đất.”

6. Bổ sung Điều 7a vào sau Điều 7 như sau:

Điều 7a. Đăng ký trực tuyến trong trường hợp không yêu cầu cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm

1. Cá nhân, pháp nhân nếu không yêu cầu cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm nhưng có yêu cầu đăng ký trực tuyến thì có thể khởi tạo một tài khoản để thực hiện đăng ký, yêu cầu cung cấp thông tin.

Cá nhân, pháp nhân sử dụng tài khoản đã khởi tạo để thực hiện việc đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng do chính mình xác lập.

2. Khi khởi tạo tài khoản đăng ký trực tuyến trên hệ thống đăng ký trực tuyến của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp, cá nhân, pháp nhân kê khai đầy đủ thông tin và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đồng thời đính kèm lên hệ thống bản quét (scan) từ bản gốc giấy tờ xác định tư cách pháp lý (Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc giấy chứng minh được cấp theo quy định của pháp luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên và viên chức quốc phòng đối với cá nhân là công dân Việt Nam; Hộ chiếu đối với cá nhân là người nước ngoài; Thẻ thường trú đối với cá nhân là người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh, Quyết định thành lập đối với tổ chức khác) của người khởi tạo tài khoản. Bản quét (scan) sử dụng định dạng tệp dữ liệu theo chuẩn kỹ thuật Portable Document Format (PDF).

3. Khi thực hiện đăng ký trực tuyến, cá nhân, pháp nhân thực hiện việc kê khai các nội dung trên Biểu mẫu điện tử tương tác theo hướng dẫn tại Thông tư này.

4. Cá nhân, pháp nhân phải thanh toán phí đăng ký, cung cấp thông tin trước khi xác nhận yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin trên hệ thống đăng ký trực tuyến.

5. Cá nhân, pháp nhân đã được Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm thì không được khởi tạo tài khoản quy định tại khoản 1 Điều này.

Trường hợp cá nhân, pháp nhân đã khởi tạo tài khoản theo quy định tại khoản 1 Điều này mà có yêu cầu cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm thì gửi hồ sơ đề nghị Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cấp theo quy định. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thực hiện đóng tài khoản này trước khi cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.”

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và bổ sung khoản 6, khoản 7 vào Điều 9 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 như sau:

“1. Thông tin về bên bảo đảm, bên mua tài sản có bảo lưu quyền sở hữu, bên thuê tài sản, bên thuê tài chính, bên chuyển giao quyền đòi nợ, bên nhận ký gửi hàng hoá (sau đây gọi là bên bảo đảm) được kê khai như sau:

a) Đối với cá nhân là công dân Việt Nam thì kê khai đầy đủ họ và tên, số của một trong những loại giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân; thẻ Căn cước công dân; giấy chứng minh được cấp theo quy định của pháp luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên và viên chức quốc phòng;

b) Đối với cá nhân là người nước ngoài thì kê khai đầy đủ họ và tên, số Hộ chiếu theo đúng nội dung ghi trên Hộ chiếu;

c) Đối với cá nhân là người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam thì kê khai đầy đủ họ và tên, số Thẻ thường trú theo đúng nội dung ghi trên Thẻ thường trú;

d) Đối với doanh nghiệp tư nhân thì kê khai đầy đủ tên, mã số thuế của doanh nghiệp tư nhân đó;

đ) Đối với hộ gia đình thì kê khai thông tin của thành viên hộ gia đình theo quy định tại điểm a khoản này;

e) Đối với hộ kinh doanh, tổ hợp tác thì kê khai thông tin của thành viên hộ kinh doanh, thành viên tổ hợp tác theo quy định tại điểm a khoản này;

g) Đối với pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam thì kê khai tên và mã số thuế do cơ quan thuế cấp; trường hợp pháp nhân không có mã số thuế thì kê khai theo hướng dẫn tại điểm k khoản này;

h) Đối với chi nhánh pháp nhân thì kê khai đầy đủ tên, mã số thuế của chi nhánh pháp nhân đó;

i) Đối với tổ chức được thành lập, hoạt động theo pháp luật nước ngoài thì kê khai tên được đăng ký tại cơ quan nước ngoài có thẩm quyền. Trong trường hợp tên được đăng ký của tổ chức không viết bằng chữ Latinh thì kê khai tên giao dịch bằng tiếng Anh;

k) Đối với tổ chức khác thì kê khai tên của tổ chức đó;

l) Địa chỉ của bên bảo đảm.

2. Thông tin về bên nhận bảo đảm, bên bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu, bên cho thuê tài sản, bên cho thuê tài chính, bên nhận chuyển giao quyền đòi nợ, bên ký gửi hàng hoá (sau đây gọi là bên nhận bảo đảm) được kê khai như sau:

a) Tên của bên nhận bảo đảm;

b) Địa chỉ của bên nhận bảo đảm.”

b) Bổ sung khoản 6 và khoản 7 như sau:

“6. Trường hợp kê khai tài sản bảo đảm là phương tiện chuyên dùng có đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản, người yêu cầu đăng ký kê khai theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều này. Việc mô tả tài sản bảo đảm thực hiện theo hướng dẫn tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 10 của Thông tư này.

7. Trường hợp kê khai thông tin về bên bảo đảm là cá nhân theo giấy chứng minh được cấp theo quy định của pháp luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên và viên chức quốc phòng thì người yêu cầu đăng ký thực hiện việc kê khai vào ô thể hiện Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân trên Phiếu yêu cầu đăng ký hoặc trường tương ứng trên Biểu mẫu điện tử tương tác của hệ thống đăng ký trực tuyến.”

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và bổ sung khoản 3, khoản 4 vào Điều 11 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 như sau:

“1. Phiếu yêu cầu đăng ký phải có đầy đủ chữ ký, con dấu (nếu có) của pháp nhân, cá nhân là các bên tham gia biện pháp bảo đảm, hợp đồng hoặc người được pháp nhân, cá nhân đó ủy quyền, trừ các trường hợp nêu tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

2. Phiếu yêu cầu đăng ký chỉ cần chữ ký, con dấu (nếu có) của một trong các bên tham gia biện pháp bảo đảm, hợp đồng hoặc người được một trong các bên này uỷ quyền trong các trường hợp sau đây:

a) Trường hợp một trong các bên tham gia biện pháp bảo đảm, hợp đồng không ký vào Phiếu yêu cầu đăng ký thì người yêu cầu đăng ký gửi Phiếu yêu cầu đăng ký kèm theo bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp đồng bảo đảm, hợp đồng để Trung tâm Đăng ký sao lưu, đối chiếu (01 bản). Trường hợp Phiếu yêu cầu đăng ký được gửi qua thư điện tử thì người yêu cầu đăng ký gửi đính kèm bản quét (scan) từ bản gốc Phiếu yêu cầu đăng ký và các tài liệu kèm theo, bản quét (scan) sử dụng định dạng tệp dữ liệu theo chuẩn kỹ thuật (PDF);

b) Trường hợp yêu cầu đăng ký thay đổi về bên nhận bảo đảm hoặc rút bớt tài sản bảo đảm, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm thì Phiếu yêu cầu đăng ký chỉ cần chữ ký, con dấu (nếu có) của bên nhận bảo đảm hoặc người được bên nhận bảo đảm ủy quyền yêu cầu đăng ký;

c) Trường hợp xóa đăng ký, đăng ký thay đổi rút bớt tài sản bảo đảm mà có nhiều bên nhận bảo đảm nhưng Phiếu yêu cầu đăng ký chỉ có một trong các bên nhận bảo đảm ký thì phải gửi kèm theo văn bản thể hiện sự đồng ý của các bên nhận bảo đảm còn lại về việc xóa đăng ký (như bản chính hoặc bản sao có chứng thực biên bản thanh lý hợp đồng thế chấp hoặc văn bản thông báo giải chấp) hoặc văn bản thể hiện sự đồng ý của các bên nhận bảo đảm còn lại về việc rút bớt tài sản bảo đảm (bản chính hoặc bản sao có chứng thực).

Trường hợp bên nhận bảo đảm không ký vào Phiếu yêu cầu đăng ký thì Phiếu yêu cầu đăng ký chỉ cần chữ ký, con dấu (nếu có) của bên bảo đảm hoặc người được bên bảo đảm ủy quyền và người yêu cầu đăng ký nộp kèm theo văn bản đồng ý xóa đăng ký (như bản chính hoặc bản sao có chứng thực biên bản thanh lý hợp đồng thế chấp hoặc văn bản thông báo giải chấp), văn bản đồng ý đăng ký thay đổi rút bớt tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm (bản chính hoặc bản sao có chứng thực);

d) Trường hợp tổ chức không có con dấu mà người ký trên Phiếu yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký, Phiếu yêu cầu sửa chữa sai sót, Phiếu yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, Phiếu yêu cầu xoá đăng ký không đúng với người ký trên Phiếu yêu cầu đăng ký trước đó thì người yêu cầu đăng ký có trách nhiệm cung cấp văn bản xác định người có thẩm quyền ký trên Phiếu yêu cầu đăng ký (bản chính hoặc bản sao có chứng thực) để sao lưu, đối chiếu.”

b) Bổ sung khoản 3 và khoản 4 như sau:

“3. Trường hợp yêu cầu đăng ký thay đổi bên nhận bảo đảm do tổ chức lại doanh nghiệp, mua bán nợ hoặc do chuyển giao quyền yêu cầu, chuyển giao nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật thì Phiếu yêu cầu đăng ký chỉ cần có chữ ký, con dấu (nếu có) của bên nhận bảo đảm mới hoặc của người được bên nhận bảo đảm mới ủy quyền.

4. Trường hợp xóa đăng ký theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 21 của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP mà người yêu cầu xóa đăng ký là Cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng thừa phát lại đã kê biên, xử lý tài sản bảo đảm hoặc của cá nhân, pháp nhân mua tài sản thi hành án thì Phiếu yêu cầu đăng ký chỉ cần có chữ ký, con dấu (nếu có) của các tổ chức, cá nhân này hoặc của người được cá nhân, pháp nhân mua tài sản thi hành án ủy quyền. Trong trường hợp này, Cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng thừa phát lại, cá nhân, pháp nhân mua tài sản thi hành án hoặc người được cá nhân, pháp nhân mua tài sản thi hành án ủy quyền ký, đóng dấu (nếu có) tại phần ký nhận của bên nhận bảo đảm trên Phiếu yêu cầu xoá đăng ký.”

9. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 như sau:

“1. Phương thức thanh toán phí khi thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin biện pháp bảo đảm, hợp đồng gồm:

a) Nộp trực tiếp tại Trung tâm Đăng ký nơi nộp Phiếu yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin;

b) Thanh toán trực tuyến trên hệ thống đăng ký trực tuyến;

c) Chuyển tiền vào tài khoản của Trung tâm Đăng ký mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc mở tại Ngân hàng.”

10. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung các khoản 4, 5 và 6 vào Điều 13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Trường hợp đăng ký thay đổi về bên nhận bảo đảm trong nhiều biện pháp bảo đảm đã đăng ký thì người yêu cầu đăng ký có thể nộp một bộ hồ sơ yêu cầu đăng ký thay đổi về bên nhận bảo đảm đối với tất cả các biện pháp bảo đảm đó gồm: Phiếu yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký; văn bản uỷ quyền (nếu có); danh mục các số đăng ký cần đăng ký thay đổi.”

b) Bổ sung các khoản 4, 5 và 6 như sau:

“4. Trường hợp đăng ký thay đổi về thời điểm ký kết hợp đồng bảo đảm hoặc hợp đồng khác thì thời điểm này không được sau thời điểm đăng ký lần đầu của biện pháp bảo đảm hoặc hợp đồng đã đăng ký.

5. Trường hợp biện pháp bảo đảm, hợp đồng đã đăng ký có tài sản là phương tiện có số khung được mô tả theo phiếu xuất xưởng hoặc tờ khai hải quan thì khi phương tiện này được cấp Giấy đăng ký phương tiện mà số khung trên Giấy này khác với số khung đã đăng ký biện pháp bảo đảm trước đó thì người yêu cầu đăng ký thực hiện đăng ký thay đổi thông tin về số khung theo số khung được ghi trên Giấy đăng ký phương tiện theo thủ tục được quy định tại Điều 52 của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP.

6. Trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng mà trong hồ sơ đăng ký có các tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì các tài liệu này phải được dịch ra tiếng Việt có công chứng theo quy định của pháp luật.”

11. Sửa đổi, bổ sung các khoản 1, 2, 3 và bổ sung khoản 4 vào Điều 17 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung các khoản 1, 2 và 3 như sau:

“1. Theo số giấy tờ xác định tư cách pháp lý của bên bảo đảm nêu tại khoản 1 Điều 9 của Thông tư này.

2. Theo số khung của phương tiện giao thông hoặc phương tiện chuyên dùng có đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản trong trường hợp tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông hoặc phương tiện chuyên dùng có số khung.

3. Theo số đăng ký của biện pháp bảo đảm, hợp đồng đã được đăng ký.”

b) Bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Theo tên của bên bảo đảm nêu tại điểm i và điểm k khoản 1 Điều 9 của Thông tư này.”

12. Sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 1 Điều 20 như sau:  

“a) Thông tin về bên bảo đảm gồm tên, số giấy tờ xác định tư cách pháp lý; thông tin về bên nhận bảo đảm là tên được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm;

 b) Thông tin về phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa, tàu cá, phương tiện giao thông đường sắt, phương tiện chuyên dùng gồm: Số khung, số máy (nếu có), biển số xe, tên phương tiện đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện chuyên dùng có đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản; tên phương tiện, số đăng ký, năm và nơi đóng, chiều dài, chiều rộng, chiều cao mạn, trọng tải toàn phần, công suất máy chính (nếu có) đối với phương tiện thủy nội địa, tàu cá; tên phương tiện, số đăng ký, số động cơ, kiểu loại động cơ (nếu có) đối với phương tiện là đầu máy và các phương tiện động lực chuyên dùng, số đăng ký đối với phương tiện là toa xe, toa xe gòong (nếu có);”

13. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 22 như sau:  

“1. Trường hợp có yêu cầu gửi thông báo thế chấp tài sản là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện chuyên dùng có đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản, phương tiện thủy nội địa, tàu cá, phương tiện giao thông đường sắt thì Trung tâm Đăng ký gửi bản sao văn bản chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên tài sản thi hành án kèm theo Phụ lục thông tin tài sản thế chấp (hoặc xóa thế chấp) là phương tiện giao thông đến cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản.

Sau khi nhận được văn bản thông báo kết quả tiếp nhận, giải quyết thông tin về tài sản bảo đảm do cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản gửi đến, Trung tâm Đăng ký gửi văn bản thông báo kết quả tiếp nhận, giải quyết thông tin về tài sản bảo đảm đó cho người yêu cầu đăng ký.”

14. Bổ sung khoản 4 vào Điều 24 như sau:

“4. Kể từ ngày Luật Chứng khoán năm 2019 và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán có hiệu lực, Trung tâm Đăng ký thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán khác chưa đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Chứng khoán.”

Điều 2. Bãi bỏ điểm b khoản 7 Điều 6, khoản 2 Điều 12 của Thông tư số 08/2018/TT-BTP ngày 20 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2021./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Thành Long

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.