• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 17/01/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 02/07/2011
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 17/2005/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 22 tháng 12 năm 2005

 

 

 

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thi hành Nghị định thư 2001 ngày 18 tháng 7 năm 2001

giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải,

Bưu điện và Xây dựng Lào thực hiện Hiệp định vận tải đường

bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

và Chính phủ nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

Thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 24 tháng 2 năm 1996 (gọi tắt là Hiệp định); Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định và Nghị định thư 2001 giữa Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải, Bưu điện và Xây dựng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 18 tháng 7 năm 2001 về việc thực hiện Hiệp định, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc thực hiện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH THƯ

Phương tiện vận tải đường bộ được quy định tại Khoản 1 Điều 1 và Khoản 2 Điều 2 của Hiệp định cụ thể như sau:

1. Phương tiện vận tải đường bộ gồm ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc kéo theo ô tô để chuyên chở hàng hóa, người, hành lý và các phương tiện chuyên dùng lưu thông trên đường bộ đã được đăng ký tại Việt Nam hoặc Lào.

2. Phương tiện tham gia giao thông được qua lại giữa Việt Nam và Lào là các phương tiện vận tải thương mại và phi thương mại:

a) Phương tiện vận tải thương mại là phương tiện tham gia vào vận chuyển người và hàng hóa có thu tiền hoặc phương tiện chuyên chở phục vụ hoạt động kinh doanh ngoài kinh doanh vận tải của doanh nghiệp;

b) Phương tiện vận tải phi thương mại là phương tiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động không vì mục đích kinh doanh như: xe của các cơ quan, tổ chức đi công tác xa, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe cứu hộ, xe thực hiện sứ mệnh nhân đạo (gọi chung là xe công vụ) và xe của cá nhân đi việc riêng.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH THƯ

1. Phương tiện chỉ được phép qua lại 10 cặp cửa khẩu đã được hai Bên quy định. Các cửa khẩu về phía Việt Nam bao gồm:

 

STT

Tên cửa khẩu

Thuộc tỉnh

Đường đến cửa khẩu

1

Tây Trang

Điện Biên

Quốc lộ 279

2

Pa Háng

Sơn La

Quốc lộ 43

3

Na Mèo

Thanh Hóa

Quốc lộ 217

4

Cầu Treo

Hà Tĩnh

Quốc lộ 8

5

Nậm Cắn

Nghệ An

Quốc lộ 7

6

Cha Lo (đèo Mụ Giạ)

Quảng Bình

Quốc lộ 12A

7

Lao Bảo

Quảng Trị

Quốc lộ 9

8

Bờ Y

Kon Tum

Quốc lộ 40

9

Chiềng Khương

Sơn La

Đường tỉnh 105

10

La Lay

Quảng Trị

Đường tỉnh Tà Rụt - La Lay

 

2. Việc vận chuyển hàng hóa và hành khách kể cả khách du lịch giữa hai nước được thực hiện bằng phương tiện theo hình thức đi thẳng từ nơi gửi hàng tới nơi nhận hàng (đối với vận chuyển hàng hóa), từ nơi hành khách đi tới nơi hàng khách đến (đối với vận chuyển hành khách). Phương tiện vận chuyển theo tuyến vận tải khách cố định giữa Việt Nam và Lào phải xuất phát và kết thúc tại bến xe theo quy định.

3. Phương tiện và người điều khiển phương tiện khi hoạt động trên đường phải có đủ các loại giấy tờ còn giá trị sử dụng sau đây để xuất trình cho nhà chức trách khi cần thiết:

a) Giấy phép liên vận Việt - Lào và phù hiệu;

b) Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện;

c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cùng với tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

d) Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang lái;

đ) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

e) Giấy phép lưu hành đặc biệt (trong trường hợp phương tiện chở hàng ghi tại điểm 5 dưới đây);

g) Ngoài ra các xe phải có thêm giấy tờ sau:

- Đối với xe vận chuyển khách chạy tuyến cố định phải có thêm:

Phù hiệu "xe chạy tuyến cố định" liên vận Việt - Lào;

Sổ nhật trình chạy xe vận chuyển khách giữa Việt Nam và Lào theo quy định;

Bảng kê danh sách hành khách đi xe.

- Đối với xe vận chuyển khách theo hợp đồng vận chuyển khách du lịch phải có thêm:

Phù hiệu "xe chạy hợp đồng" hoặc biển hiệu xe vận chuyển khách du lịch do cơ quan có thẩm quyền cấp;

Hợp đồng vận chuyển khách hoặc bản phôtô có dấu xác nhận của doanh nghiệp, chủ phương tiện.

- Đối với xe vận chuyển hàng hóa phải có bảng kê khai hàng hóa và các giấy tờ có liên quan đến hàng hóa.

4. Phương tiện vận tải qua lại giữa hai nước phải là xe ô tô có tay lái phía bên trái theo chiều xe chạy, có kích thước và tải trọng phù hợp với quy định của mỗi nước.

5. Phương tiện vận tải hàng nguy hiểm hoặc hàng có kích thước, trọng tải vượt quá quy định của Việt Nam hoặc Lào phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc Lào cấp giấy phép lưu hành đặc biệt.

6. Phương tiện vận tải đường bộ khi hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam hoặc Lào phải dừng, đỗ tại các trạm nghỉ, điểm dừng hoặc bến xe và phải mua phí giao thông, phí bến bãi, các loại phí và lệ phí khác theo quy định của Việt Nam hoặc của Lào.

7. Phương tiện của Việt Nam và Lào không phải thay đổi biển đăng ký của nước mình khi hoạt động trên lãnh thổ của nước kia.

8. Lái xe thực hiện vận tải quốc tế Việt - Lào phải có giấy phép lái xe quốc gia hoặc quốc tế phù hợp với loại xe đang điều khiển và không phải đổi giấy phép lái xe khi hoạt động trên lãnh thổ của nước kia.

9. Phương tiện qua lại giữa hai nước được phép hoạt động trong phạm vi, thời hạn, qua các cặp cửa khẩu đã ghi trong phép liên vận Việt - Lào. Mỗi chuyến, phương tiện của nước đi được lưu lại ở nước đến không quá 30 ngày, kể từ ngày nhập cảnh. Trường hợp phương tiện không thể quay về nước mình trước khi giấy phép hết hạn, nếu có lý do chính đáng, sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước kia xem xét cho gia hạn 01 lần với thời gian đủ để trở về nước, nhưng không quá 10 ngày.

10. Cục Đường bộ Việt Nam xem xét chấp thuận cho phương tiện vận tải hành khách theo tuyến cố định giữa Việt Nam và Lào, và tổ chức quản lý hoạt động vận tải hành khách liên vận quốc tế Việt - Lào. Chấp thuận hoạt động trên tuyến vận tải hành khách cố định giữa Việt Nam và Lào có hiệu lực 07 năm.

11. Hồ sơ đề nghị chấp thuận hoạt động trên tuyến vận tải khách cố định giữa Việt Nam và Lào gồm có:

a) Đơn đề nghị đăng ký tham gia hoạt động trên tuyến có xác nhận của Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông công chính địa phương nơi đi, nơi đến giữa Việt Nam và Lào;

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp (bản phôtô có công chứng hoặc bản phôtô kèm theo bản chính để đối chiếu);

c) Phương án hoạt động trên tuyến;

d) Danh sách phương tiện tham gia hoạt động trên tuyến (kèm theo bản phôtô giấy tờ xe);

đ) Hợp đồng liên doanh, liên kết vận chuyển hành khách theo tuyến cố định với đối tác phía Lào (nếu có).

III. CẤP PHÉP LIÊN VẬN VIỆT - LÀO

1. Hồ sơ, thủ tục và thời hạn cấp phép liên vận Việt - Lào cho phương tiện như sau:

1.1. Đối với phương tiện vận tải thương mại:

a) Các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam (Luật doanh nghiệp nhà nước, Luật Hợp tác xã, Luật Doanh nghiệp) phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đối với doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải có giấy phép đầu tư.

b) Các doanh nghiệp vận tải của quân đội và công an làm kinh tế thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

c) Hồ sơ đề nghị cấp phép vận tải quốc tế Việt - Lào bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép liên vận Việt - Lào của doanh nghiệp kèm theo danh sách phương tiện vận tải (theo kiểu mác xe, trọng tải và biển đăng ký xe) đăng ký tham gia vận tải quốc tế Việt - Lào (mẫu số 01 của Phụ lục kèm theo Thông tư này);

- Tờ khai đề nghị cấp giấy phép liên vận Việt - Lào cho mỗi phương tiện (mẫu số 02 của Phụ lục kèm theo Thông tư này);

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các đơn vị kinh doanh vận tải (bản phôtô có công chứng hoặc bản phôtô kèm theo bản chính để đối chiếu);

- Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện (bản phôtô). Ô tô phải mang biển đăng ký tại địa phương nơi doanh nghiệp vận tải đăng ký kinh doanh;

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (bản phôtô);

- Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đề nghị cấp phép (bản phôtô); và

- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bản phôtô).

d) Thời hạn cấp phép:

Giấy phép liên vận Việt - Lào (gọi tắt là Giấy phép) cấp cho phương tiện vận tải đường bộ tham gia vận tải quốc tế Việt - Lào được qua lại nhiều lần với thời hạn tối đa là 01 năm. Tùy theo mục đích công việc, thời hạn cấp có thể dưới 01 năm nếu doanh nghiệp vận tải hoặc chủ phương tiện yêu cầu bằng văn bản.

1.2. Đối với phương tiện vận tải phi thương mại:

a) Xe công vụ:

- Hồ sơ cấp phép gồm các giấy tờ sau:

Đơn đề nghị cấp giấy phép liên vận Việt - Lào (mẫu số 01 của Phụ lục kèm theo Thông tư này);

Tờ khai đề nghị cấp giấy phép liên vận Việt - Lào cho mỗi phương tiện (mẫu số 02 của Phụ lục kèm theo Thông tư này);

Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện (bản phôtô);

Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (bản phôtô);

Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đề nghị cấp phép (bản phôtô);

Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bản phôtô).

- Thời hạn cấp phép:

Thời hạn cấp giấy phép liên vận Việt - Lào bằng thời gian ghi trong đơn đề nghị cấp giấy phép liên vận Việt - Lào nhưng không quá 01 năm.

- Khi cấp phép cho các xe thuộc đối tượng này, cơ quan cấp phép ghi trên trang 1 dưới dòng "Số (Nr.):......" dòng chữ sau:

XE CÔNG VỤ (OFFICIAL CAR)

b) Xe cá nhân:

- Hồ sơ cấp phép gồm các giấy tờ sau:

Đơn đề nghị cấp giấy phép liên vận Việt - Lào có xác nhận của UBND xã, phường nơi cá nhân đăng ký hộ khẩu thường trú (mẫu số 01 của Phụ lục kèm theo Thông tư này);

Tờ khai đề nghị cấp giấy phép liên vận Việt - Lào cho phương tiện (mẫu số 02 của Phụ lục kèm theo Thông tư này);

Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện (bản phôtô);

Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (bản phôtô);

Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đề nghị cấp phép (bản phôtô);

Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bản phôtô).

- Thời hạn cấp phép:

Thời hạn cấp giấy phép liên vận Việt - Lào cho xe cá nhân đi việc riêng tối đa không quá 01 tháng. Cơ quan cấp phép tùy theo mục đích chuyến đi của cá nhân để cấp phép với thời hạn phù hợp.

Khi cấp phép cho các xe thuộc đối tượng này, cơ quan cấp phép ghi trên trang 1 dưới dòng "Số (Nr.):......" dòng chữ sau:

XE CÁ NHÂN (PRIVATE CAR)

2. Cơ quan cấp giấy phép liên vận Việt - Lào

2.1. Cục Đường bộ Việt Nam cấp giấy phép cho phương tiện của các đối tượng sau:

a) Cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước, văn phòng các Bộ, các đoàn thể và các tổ chức quốc tế, đoàn ngoại giao đóng tại Hà Nội;

b) Đơn vị, công ty trực thuộc Bộ Giao thông vận tải đóng trên địa bàn Hà Nội; và

c) Các công ty vận tải và các đơn vị trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam.

2.2. Các Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông công chính cấp giấy phép cho phương tiện của các đối tượng còn lại, cụ thể như sau:

a) Cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước, văn phòng các Bộ, các đoàn thể và các tổ chức quốc tế, đoàn ngoại giao đóng tại địa bàn;

b) Cơ quan nhà nước, tổ chức đóng tại địa bàn đi công vụ;

c) Đơn vị vận tải có trụ sở giao dịch đóng tại địa bàn;

d) Cá nhân có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại địa bàn đi việc riêng;

đ) Các đối tượng khác.

2.3. Danh sách phương tiện đề nghị cấp phép do Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông công chính gửi về Cục Đường bộ Việt Nam để thẩm định trước khi cấp giấy phép.

2.4. Lệ phí cấp giấy phép: cơ quan cấp giấy phép được thu và sử dụng lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

3. Mẫu sổ giấy phép và phù hiệu vận chuyển liên vận Việt - Lào:

3.1. Giấy phép liên vận Việt - Lào gồm sổ giấy phép và phù hiệu liên vận Việt - Lào. Sổ giấy phép liên vận Việt - Lào dùng để xuất trình khi cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát. Phù hiệu liên vận Việt - Lào được dán lên kính xe phần góc trên phía tay phải theo chiều xe đi.

3.2. Mẫu sổ giấy phép liên vận Việt - Lào: kích thước 90 mm x 130 mm, nội dung theo mẫu số 03 của Phụ lục kèm theo Thông tư này.

Loại 12 trang dùng để cấp cho xe công vụ và xe cá nhân đi việc riêng hoặc xe của doanh nghiệp đi lại không thường xuyên.

Loại 48 trang dùng để cấp cho phương tiện đi lại thường xuyên.

Bìa Sổ giấy phép mầu đỏ đậm; Chữ và hình Quốc huy Việt Nam trên trang bìa trước màu vàng. Các trang bên trong sổ in hình Quốc huy và hoa văn xung quanh quốc huy màu xanh nhạt.

3.3. Phù hiệu liên vận Việt - Lào: kích thước 115 mm x 210 mm, có nền trắng chữ đỏ, nội dung theo mẫu số 04 của Phụ lục kèm theo Thông tư này.

3.4. Cục Đường bộ Việt Nam thống nhất in, phát hành tờ khai đề nghị cấp giấy phép liên vận Việt - Lào và giấy phép liên vận Việt - Lào.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 201/2000/TT-BGTVT ngày 22 tháng 5 năm 2000 của Bộ Giao thông vận tải. Giấy phép và phù hiệu liên vận Việt - Lào đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn được tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn giá trị ghi trên giấy phép.

2. Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông công chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức phổ biến kịp thời và triển khai thực hiện Thông tư này.

3. Vào tháng 7 hàng năm và tháng 01 đầu năm sau, Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông công chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải lập báo cáo số lượng giấy phép đã cấp và tình hình thực hiện hoạt động vận tải liên vận Việt - Lào trong 06 tháng và 01 năm tại địa phương gửi về Cục Đường bộ Việt Nam để theo dõi, tổng hợp và báo cáo Bộ Giao thông vận tải.

4. Cục Đường bộ Việt Nam thống nhất quản lý hoạt động vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Lào; có trách nhiệm tổ chức, kiểm tra và theo dõi việc thực hiện Thông tư này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đào Đình Bình

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.