• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 30/09/2003
BỘ CÔNG AN
Số: 15/2003/TT-BCA(V19)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 10 tháng 9 năm 2003

THÔNG TƯ

Hướng dẫn hoạt động hỗ trợ tư pháp của lực lượng cảnh sát

bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân

Để bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động hỗ trợ tư pháp của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân, Bộ Công an hướng dẫn hoạt động hỗ trợ tư pháp của lực lượng này như sau:

1. Lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân (sau đây viết gọn là lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp) là lực lượng được giao trách nhiệm bảo vệ các phiên toà hình sự và khi có yêu cầu thì bảo vệ các phiên toà dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, hôn nhân và gia đình (sau đây viết gọn là các phiên toà); dẫn giải người làm chứng, bắt giữ, áp giải bị can, bị cáo, người đã có quyết định thi hành án theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền; bảo vệ nhà tạm giữ, trại tạm giam thuộc Công an nhân dân; hỗ trợ thi hành bản án, quyết định hình sự, dân sự và bản án, quyết định khác do pháp luật quy định theo yêu cầu của cơ quan thi hành án có thẩm quyền; trực tiếp thi hành án tử hình; quản lý kho vật chứng thuộc Công an nhân dân.

Việc bảo vệ nhà tạm giữ, trại tạm giam thuộc Công an nhân dân thực hiện theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 của Chính phủ ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam.

Việc quản lý kho vật chứng thuộc Công an nhân dân thực hiện theo Thông tư số 06/2003/TT-BCA(V19) ngày 12/3/2003 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý kho vật chứng (ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/2/2002 của Chính phủ) trong lực lượng Công an nhân dân.

2. Hoạt động hỗ trợ tư pháp của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp phải bảo đảm yêu cầu nhanh chóng, kịp thời, chính xác, hiệu quả. Nghiêm cấm việc lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp phải được đào tạo, huấn luyện về chuyên môn nghiệp vụ cần thiết về hoạt động hỗ trợ tư pháp.

3. Người chỉ huy lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp ở Bộ Công an là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát được Tổng cục trưởng phân công; người chỉ huy lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp ở Công an cấp tỉnh là Phó Giám đốc Công an cấp tỉnh phụ trách Cảnh sát; người chỉ huy lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp ở Công an cấp huyện là Phó trưởng Công an cấp huyện phụ trách Cảnh sát. Lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp làm nhiệm vụ bảo vệ các trại tạm giam thuộc Công an nhân dân đặt dưới sự quản lý, chỉ huy trực tiếp của giám thị trại tạm giam.

Người chỉ huy lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân (sau đây viết gọn là các cơ quan tiến hành tố tụng) cùng cấp hoặc cấp trên trong việc bảo vệ các phiên toà, dẫn giải người làm chứng, bắt giữ, áp giải bị can, bị cáo, người đã có quyết định thi hành án; hỗ trợ thi hành bản án, quyết định hình sự, dân sự và bản án, quyết định khác do pháp luật quy định theo yêu cầu của cơ quan thi hành án có thẩm quyền; tổ chức lực lượng để thi hành án tử hình theo yêu cầu của Hội đồng thi hành án tử hình.

4. Thẩm quyền trong hoạt động hỗ trợ tư pháp của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp được phân công như sau:

a) Lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp ở Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp Trung ương và cơ quan thi hành án có thẩm quyền trong việc bảo vệ phiên toà, bắt giữ, áp giải bị can, bị cáo, người đã có quyết định thi hành án, dẫn giải người làm chứng, hỗ trợ thi hành bản án, quyết định hình sự, dân sự và bản án, quyết định khác do pháp luật quy định; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp cấp dưới; hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ cho lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp làm nhiệm vụ bảo vệ các nhà tạm giữ, trại tạm giam thuộc Công an nhân dân.

b) Lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh hoặc cấp trên và cơ quan thi hành án có thẩm quyền trong việc bảo vệ các phiên toà, bắt giữ, áp giải bị can, bị cáo, người đã có quyết định thi hành án, dẫn giải người làm chứng, hỗ trợ thi hành bản án, quyết định hình sự, dân sự và bản án, quyết định khác do pháp luật quy định; tổ chức thực hiện bảo vệ trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh; trực tiếp thi hành án tử hình theo yêu cầu của Hội đồng thi hành án tử hình cấp tỉnh và chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp cấp huyện.

c) Lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an cấp huyện có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện hoặc cấp trên và cơ quan thi hành án có thẩm quyền trong việc bảo vệ các phiên toà, bắt giữ, áp giải bị can, bị cáo, người đã có quyết định thi hành án, dẫn giải người làm chứng, hỗ trợ thi hành bản án, quyết định hình sự, dân sự và bản án, quyết định khác do pháp luật quy định; tổ chức thực hiện bảo vệ nhà tạm giữ thuộc Công an cấp huyện; phối hợp với lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp cấp tỉnh trong việc thi hành án tử hình và tổ chức chôn cất thi thể người bị thi hành án, nếu bản án tử hình được thi hành tại địa phương.

5. Khi có yêu cầu hỗ trợ tư pháp của các cơ quan có thẩm quyền, đơn vị Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận các văn bản theo quy định tại các mục 6, 7, 8, và 9 Thông tư này và đề xuất kế hoạch, phương án giải quyết, trình cán bộ có thẩm quyền theo quy định tại mục 3 Thông tư này phê duyệt.

6. Khi nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử và công văn đề nghị của Toà án có yêu cầu bảo vệ phiên toà, lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp có trách nhiệm:

a) Bố trí lực lượng, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện bảo vệ phiên toà theo kế hoạch, phương án đã được phê duyệt;

b) Phòng ngừa, ngăn chặn việc tiếp xúc trái phép với bị cáo trong thời gian xét xử;

c) Giữ gìn trật tự nơi tổ chức phiên toà theo lệnh của chủ toạ phiên toà; bảo vệ an toàn những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng và tham dự phiên toà; ngăn chăn, bắt giữ và xử lý kịp thời người có hành vi chiếm đoạt, huỷ hoại tài liệu, hồ sơ, vật chứng đang sử dụng tại phiên toà phục vụ cho việc xét xử; bắt giữ hoặc buộc người có hành vi gây mất trật tự ra khỏi phòng xử án theo lệnh của chủ toạ phiên toà;

d) Phòng ngừa, ngăn chặn bị cáo thông cung, tự sát, bỏ trốn hoặc có hành vi nguy hiểm;

đ) Phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tấn công, gây cản trở phiên toà; giải tán, bắt giữ những người có hành vi tấn công, gây cản trở phiên toà hoặc đánh tháo bị cáo hoặc người bị bắt tại phiên toà theo lệnh của chủ toạ phiên tòa;

e) Chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị hữu quan tổ chức di chuyển khẩn cấp bị cáo và những người khác tham dự phiên toà đến nơi an toàn trong trường hợp có nguy cơ đe doạ sự an toàn của phiên toà;

g) Tổ chức truy bắt ngay bị cáo hoặc người có lệnh bắt giữ của chủ toạ phiên toà mà bỏ trốn và thông báo ngay cho Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát cùng cấp;

h) Có kế hoạch, phương án phối hợp với lực lượng vũ trang nhân dân và chính quyền địa phương để chủ động triển khai lực lượng hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

7. Trường hợp bắt giữ, áp giải bị can, bị cáo, người đã có quyết định thi hành án hình sự thì cần phải có lệnh bắt, lệnh trích xuất bị can, bị cáo và công văn yêu cầu bắt giữ, áp giải của cơ quan yêu cầu bắt giữ, áp giải.

Sau khi nhận được lệnh trích xuất của Toà án, lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp phải thông báo ngay cho trại tạm giam hoặc nhà tạm giữ nơi đang giam, giữ bị can, bị cáo biết để có kế hoạch phối hợp thực hiện.

Thủ tục bắt giữ người thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Trường hợp dẫn giải người làm chứng thì cần phải có giấy triệu tập người làm chứng, quyết định dẫn giải người làm chứng và công văn yêu cầu dẫn giải người làm chứng của cơ quan yêu cầu dẫn giải.

Lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thực hiện yêu cầu bắt giữ, áp giải bị can, bị cáo, người đã có quyết định thi hành án hình sự, dẫn giải người làm chứng có trách nhiệm:

a) Bố trí lực lượng, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện và tiến hành bắt giữ, dẫn giải, áp giải bị can, bị cáo, người đã có quyết định thi hành án hình sự, dẫn giải người làm chứng theo kế hoạch, phương án đã được phê duyệt;

b) Phòng ngừa, ngăn chặn việc bỏ trốn, thông cung, tự sát, tiếp xúc trái phép hoặc hành vi chống đối của người bị bắt giữ, bị dẫn giải, áp giải;

c) Phòng ngừa, ngăn chặn, giải tán hoặc bắt giữ những người có hành vi tấn công, đánh tháo người bị bắt giữ, bị dẫn giải, áp giải;

d) Tổ chức truy bắt ngay bị can, bị cáo bỏ trốn khi bị bắt giữ, bị dẫn giải, áp giải hoặc người bị kết án phạt tù, tử hình bỏ trốn;

đ) Chủ trì phối hợp với lực lượng khác trong ngành Công an, chính quyền địa phương tổ chức bắt giữ, áp giải bị can, bị cáo, người đã có quyết định thi hành án hình sự.

8. Khi nhận được quyết định thi hành bản án, quyết định hình sự, dân sự và bản án, quyết định khác do pháp luật quy định và công văn của cơ quan thi hành án yêu cầu hỗ trợ thi hành án, lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp có trách nhiệm:

a) Bố trí lực lượng, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện bảo đảm trật tự an toàn cho việc thi hành án theo kế hoạch, phương án đã được phê duyệt;

b) Giải tán, bắt giữ người có hành vi cản trở, chống đối, tấn công người có trách nhiệm thi hành án;

c) Bảo vệ an toàn tài sản thu giữ, ngăn ngừa người phải chấp hành án hoặc người nào khác thực hiện hành vi tẩu tán, huỷ hoại, chiếm đoạt tài sản cần thu giữ.

9. Khi nhận được công văn yêu cầu thi hành án của Hội đồng thi hành án tử hình kèm theo quyết định thi hành án tử hình của Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm, lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp có trách nhiệm:

a) Bố trí lực lượng, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ thi hành án tử hình theo kế hoạch, phương án đã được phê duyệt và thông báo cho cơ quan Công an địa phương nơi có pháp trường để phối hợp bảo vệ trật tự, an toàn việc thi hành án;

b) Tổ chức áp giải người bị kết án tử hình từ trại giam đến pháp trường;

c) Phòng ngừa, ngăn chặn người bị kết án tử hình bỏ trốn, tự sát, hoặc có hành động gây nguy hiểm cho người thi hành nhiệm vụ và những người khác trong quá trình bị áp giải, chấp hành án. Chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị hữu quan bảo vệ trật tự, an toàn pháp trường; phòng ngừa, ngăn chặn, giải tán hoặc bắt giữ những người có hành vi tấn công, gây cản trở việc thi hành án hoặc đánh tháo người bị kết án tử hình;

d) Chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị hữu quan tổ chức di chuyển khẩn cấp người bị kết án tử hình đến nơi an toàn trong trường hợp có nguy cơ đe doạ sự an toàn của việc thi hành án. Yêu cầu lực lượng vũ trang nhân dân và chính quyền địa phương hỗ trợ bảo vệ pháp trường trong trường hợp cần thiết;

đ) Chấp hành quyết định hoãn thi hành án của Hội đồng thi hành án tử hình và tổ chức dẫn giải người bị kết án tử hình về nơi giam giữ;

e) Trực tiếp thi hành án tử hình và tổ chức chôn cất thi thể người bị thi hành án tử hình.

10. Lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhà tạm giữ, trại tạm giam có trách nhiệm:

a) Bố trí lực lượng, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện bảo vệ nhà tạm giữ, trại tạm giam theo kế hoạch, phương án đã được phê duyệt;

b) Phòng ngừa, ngăn chặn việc tiếp xúc trái phép với người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân trong khu vực bảo vệ;

c) Ngăn chặn, truy bắt ngay người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân bỏ trốn hoặc có hành động nguy hiểm;

d) Phòng ngừa, ngăn chặn, bắt giữ những người tấn công hoặc có hành vi nguy hiểm đối với nhà tạm giữ, trại tạm giam;

đ) Bảo vệ, hỗ trợ việc di chuyển khẩn cấp người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân đến nơi an toàn trong trường hợp có nguy cơ đe doạ sự an toàn của họ;

e) Có kế hoạch, phương án phối hợp với lực lượng vũ trang nhân dân và chính quyền địa phương để chủ động triển khai lực lượng hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

11. Trong khi thi hành nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện đặc chủng và các phương tiện cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

Kinh phí để trang bị và phục vụ cho các hoạt động hỗ trợ tư pháp của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp do ngân sách Nhà nước bảo đảm, được bố trí trong dự toán ngân sách của Bộ Công an và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

12. Giao cho Tổng cục Cảnh sát có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương có liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.

Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm triển khai thi hành Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc vấn đề mới nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương cần báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Cảnh sát) để có hướng dẫn kịp thời./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Hồng Anh

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.