• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 02/07/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 03/04/2006
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 45/2005/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 6 tháng 6 năm 2005

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 78/2003/NĐ-CP ngày 01/07/2003,

 Nghị định số 151/2004/NĐ-CP ngày 05/08/2004, Nghị định số 213/2004/NĐ-CP

ngày 24/12/2004, Nghị định số 13/2005/NĐ-CP ngày 03/02/2005 của Chính phủ về

 ban hành Danh mục hàng hoá và thuế suất của Việt Nam để thực hiện Hiệp định về

 Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của các nước ASEAN

___________________

 

Thực hiện Nghị định thư về việc tham gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào Hiệp định về Chương trình Ưu đãi Thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) để thực hiện Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) (sau đây được gọi là Hiệp định CEPT/AFTA), ký tại Băng cốc ngày 15/12/1995;

Thi hành Nghị định số 78/2003/NĐ-CP ngày 01/07/2003, Nghị định số 151/2004/NĐ-CP ngày 05/08/2004, Nghị định số 213/2004/NĐ-CP ngày 24/12/2004, Nghị định số 13/2005/NĐ-CP ngày 03/02/2005 của Chính phủ về ban hành Danh mục hàng hoá và thuế suất của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CEPT/AFTA;

Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. PHẠM VI VÀ ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG

1. Hàng hoá nhập khẩu để được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt CEPT (sau đây gọi tắt là mức thuế suất CEPT), quy định tại Điều 1 của Nghị định số 78/2003/NĐ-CP ngày 01/07/2003, Nghị định số 151/2004/NĐ-CP ngày 05/08/2004, Nghị định số 213/2004/NĐ-CP ngày 24/12/2004, Nghị định số 13/2005/NĐ-CP ngày 03/02/2005 của Chính phủ phải đáp ứng các điều kiện sau:

1.1. Nằm trong Danh mục hàng hoá và thuế suất của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CEPT/AFTA ban hành kèm theo Nghị định số 78/2003/NĐ-CP ngày 01/07/2003, Nghị định số 151/2004/NĐ-CP ngày 05/08/2004, Nghị định số 213/2004/NĐ-CP ngày 24/12/2004, Nghị định số 13/2005/NĐ-CP ngày 03/02/2005 của Chính phủ.

1.2. Được nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN vào Việt Nam, bao gồm các nước sau:

- Bru-nây Đa-ru-sa-lam;

- Vương quốc Cam-pu-chia;

- Cộng hoà In-đô-nê-xi-a;

- Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào;

- Ma-lay-xi-a;

- Liên bang My-an-ma;

- Cộng hoà Phi-líp-pin;

- Cộng hoà Sing-ga-po; và

- Vương quốc Thái lan;

1.3. Thoả mãn yêu cầu xuất xứ ASEAN, được xác nhận bằng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ASEAN - Mẫu D (viết tắt là C/O mẫu D), quy định tại phần III của Thông tư này.

1.4. Vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu là thành viên của ASEAN đến Việt Nam được qui định tại Quyết định số 1420/2004/QĐ-BTM ngày 04/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

2. Hàng hoá của doanh nghiệp chế xuất được thành lập tại Việt Nam (sau đây gọi là doanh nghiệp chế xuất) bán vào thị trường nội địa hoặc gia công cho doanh nghiệp trong thị trường nội địa khi nhập khẩu được áp dụng mức thuế suất CEPT phải thoả mãn các điều kiện 1.1 và 1.3 nêu trong phần I của Thông tư này.

II. THUẾ SUẤT THUẾ NHẬP KHẨU ÁP DỤNG

1. Mức thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu thuộc diện áp dụng thuế suất CEPT theo quy định tại phần I của Thông tư này là thuế suất CEPT cho từng năm, tương ứng với cột thuế suất CEPT của năm đó, được quy định tại Danh mục hàng hoá và thuế suất của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CEPT/AFTA, ban hành kèm theo Nghị định số 78/2003/NĐ-CP ngày 01/07/2003, Nghị định số 151/2004/NĐ-CP ngày 05/08/2004, Nghị định số 213/2004/NĐ-CP ngày 24/12/2004, Nghị định số 13/2005/NĐ-CP ngày 03/02/2005 của Chính phủ.

2. Những hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa và thuế suất ban hành kèm theo các Nghị định số 78/2003/NĐ-CP ngày 01/07/2003, Nghị định số 151/2004/NĐ-CP ngày 05/08/2004, Nghị định số 213/2004/NĐ-CP ngày 24/12/2004, Nghị định số 13/2005/NĐ-CP ngày 03/02/2005 của Chính phủ chỉ quy định lộ trình thực hiện thuế suất CEPT đến năm 2006 thì mức thuế suất CEPT áp dụng cho các năm tiếp theo là mức thuế suất CEPT của năm 2006 quy định tại các Nghị định nói trên, trừ khi có quy định khác của Chính phủ.

3. Trường hợp mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) của một mặt hàng quy định trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành được điều chỉnh thấp hơn so với mức thuế suất CEPT thì mức thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng cho mặt hàng này sẽ là mức thuế suất MFN.

Khi mức thuế suất MFN quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi của mặt hàng này được điều chỉnh cao hơn mức thuế suất CEPT thì mức thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng sẽ là mức thuế suất CEPT.

4. Trường hợp hàng hoá do doanh nghiệp nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp sản phẩm cơ khí, điện, điện tử vừa đủ điều kiện để áp dụng mức thuế suất CEPT, vừa đủ điều kiện áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá theo các quy định hiện hành thì doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai cách là thực hiện chính sách thuế theo tỷ lệ nội địa hoá hoặc theo thuế suất CEPT, cụ thể như sau:

Nếu doanh nghiệp chọn áp dụng mức thuế suất theo tỷ lệ nội địa hoá thì khi nhập khẩu chi tiết hoặc cụm chi tiết không đồng bộ, doanh nghiệp phải áp dụng chung một mức thuế suất theo tỷ lệ nội địa hoá cho toàn bộ danh mục các chi tiết hoặc cụm chi tiết nhập khẩu mặc dù trong danh mục có những chi tiết đủ điều kiện áp dụng theo mức thuế suất CEPT.

Trường hợp doanh nghiệp chọn áp dụng mức thuế suất CEPT thì những chi tiết hoặc cụm chi tiết không đồng bộ có đủ điều kiện áp dụng theo mức thuế suất CEPT thì được áp dụng theo mức thuế suất CEPT; những chi tiết và cụm chi tiết còn lại áp dụng theo mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) hoặc thông thường.

5. Các bộ phận, phụ tùng của bộ linh kiện ô tô dạng CKD nhập khẩu từ nhiều nguồn (nước xuất xứ) và nhiều chuyến hàng khác nhau được áp dụng mức thuế suất CEPT theo mức thuế suất quy định cho bộ linh kiện ô tô dạng CKD với điều kiện xuất trình một hoặc nhiều hoá đơn thương mại riêng biệt cho các bộ phận, phụ tùng đề nghị áp dụng mức thuế suất CEPT, ngoài các điều kiện nêu tại phần I của Thông tư này.

Các bộ phận, phụ tùng của bộ linh kiện ô tô dạng CKD nhập khẩu từ nhiều nguồn, nhiều chuyến còn lại không đủ điều kiện áp dụng theo quy định tại phần I của Thông tư này được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) hoặc thuế suất thông thường của bộ linh kiện ô tô dạng CKD.

Việc áp dụng thuế suất CEPT được thực hiện khi làm thủ tục nhập khẩu từng lô hàng cụ thể. Thủ tục quyết toán thuế nhập khẩu với cơ quan Hải quan được thực hiện theo quy định hiện hành.

6. Thuế suất CEPT áp dụng cho hàng hoá do doanh nghiệp chế xuất gia công cho doanh nghiệp trong thị trường nội địa là mức thuế suất CEPT của mặt hàng gia công nhập khẩu theo quy định tại danh mục hàng hoá và thuế suất CEPT ban hành kèm theo các Nghị định số 78/2003/NĐ-CP ngày 01/07/2003, Nghị định số 151/2004/NĐ-CP ngày 05/08/2004, Nghị định số 213/2004/NĐ-CP ngày 24/12/2004, Nghị định số 13/2005/NĐ-CP ngày 03/02/2005 của Chính phủ.

7. Trường hợp có thay đổi đối với những mặt hàng trong các văn bản pháp lý của các nước ASEAN ban hành để thực Hiệp định CEPT/AFTA làm ảnh hưởng đến quyền được áp dụng mức thuế suất CEPT của Việt Nam quy định tại phần I, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

III. GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ (C/O) VÀ KIỂM TRA GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ

1. Các quy tắc để hàng hoá được công nhận là có xuất xứ ASEAN được quy định tại Quy chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ASEAN của Việt Nam - Mẫu D ban hành kèm theo Quyết định số 1420/2004/QĐ-BTM ngày 04/10/2004 và Quyết định số 151/2005/QĐ-BTM ngày 27/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

2. Giấy chứng nhận xuất xứ phải có chữ ký và con dấu phù hợp với mẫu chữ ký và con dấu chính thức do các Cơ quan có thẩm quyền cấp C/O mẫu D của các nước thành viên ASEAN sau đây cấp:

- Tại Bru-nây Đa-ru-sa-lam là Bộ Công nghiệp và tài nguyên;

- Tại Vương quốc Cam-pu-chia là Bộ Thương mại;

- Tại Cộng hoà In-đô-nê-xi-a là Bộ Thương mại và công nghiệp;

- Tại Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào là Bộ Thương mại;

- Tại Ma-lay-xi-a là Bộ Ngoại thương và công nghiệp;

- Tại Liên bang My-an-ma là Bộ Thương mại;

- Tại Cộng hòa Phi-líp-pin là Bộ Tài chính;

- Tại Cộng hòa Sing-ga-po là Cơ quan Hải quan; và

- Tại Vương quốc Thái lan là Bộ Thương mại.

3. C/O mẫu D cho hàng hoá của doanh nghiệp chế xuất bán vào thị trường nội địa hoặc do doanh nghiệp chế xuất gia công cho doanh nghiệp trong thị trường nội địa phải có chữ ký và con dấu phù hợp với mẫu chữ ký và con dấu chính thức do các Phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực hoặc các Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất được Bộ Thương mại uỷ quyền cấp.

4. Riêng đối với C/O mẫu D cho hàng hoá nhập khẩu nằm trong Danh mục hàng hoá ban hành kèm theo Nghị định số 213/2004/NĐ-CP ngày 24/12/2004 của Chính phủ (trừ hàng hoá do doanh nghiệp chế xuất gia công cho doanh nghiệp trong thị trường nội địa), thuộc các tờ khai hải quan hàng nhập khẩu đã đăng ký với cơ quan Hải quan từ ngày 01/01/2004 đến khi Thông tư này có hiệu lực, được gia hạn giá trị hiệu lực nhưng không quá hai (02) năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Thời hạn xuất trình C/O mẫu D cho cơ quan Hải quan được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1420/2004/QĐ-BTM ngày 04/10/2004 và Quyết định số 151/2005/QĐ-BTM ngày 27/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

5. Trong trường hợp có sự nghi ngờ về tính trung thực và chính xác của C/O mẫu D thì Cơ quan Hải quan có quyền:

- Yêu cầu kiểm tra lại C/O mẫu D: Cơ quan Hải quan sẽ gửi yêu cầu tới cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ này của nước xuất khẩu để đề nghị xác nhận.

- Đình chỉ việc áp dụng mức thuế suất CEPT và tạm thu theo mức thuế suất của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc thông thường hiện hành.

- Yêu cầu người nhập khẩu cung cấp thêm tài liệu (nếu có) để chứng minh hàng hoá thực sự có xuất xứ ASEAN trong thời hạn chậm nhất không quá 01 (một) năm.

- Trong thời gian chờ kết quả kiểm tra lại, vẫn tiếp tục thực hiện các thủ tục để giải phóng hàng theo các quy định nhập khẩu thông thường.

- Khi có đủ tài liệu chứng minh đúng là hàng có xuất xứ ASEAN, Cơ quan Hải quan có trách nhiệm tiến hành các thủ tục thoái trả lại cho người nhập khẩu khoản chênh lệch giữa số tiền thuế tạm thu theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc thông thường hiện hành và số tiền thuế tính theo mức thuế suất CEPT.

Qui trình và thủ tục yêu cầu kiểm tra lại được thực hiện theo quy định tại Quy chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ASEAN của Việt Nam - Mẫu D ban hành kèm theo Quyết định số 1420/2004/QĐ-BTM ngày 04/10/2004 và Quyết định số 151/2005/QĐ-BTM ngày 27/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

IV. CÁC QUY ĐỊNH KHÁC

1. Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá nằm trong Danh mục hàng hoá ban hành kèm theo Nghị định số 213/2004/NĐ-CP ngày 24/12/2004 của Chính phủ, thuộc các tờ khai hải quan hàng nhập khẩu đã đăng ký với cơ quan Hải quan kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2004 đến khi Thông tư này có hiệu lực, được nộp bổ sung C/O mẫu D và các chứng từ liên quan khác theo quy định của pháp luật hiện hành để làm căn cứ tính lại số thuế nhập khẩu phải nộp. Doanh nghiệp được hoàn lại phần thuế chênh lệch giữa số thuế nhập khẩu đã nộp và số thuế nhập khẩu tính theo mức thuế suất CEPT, nếu đáp ứng các điều kiện nêu trong phần I của Thông tư này. Trường hợp doanh nghiệp chưa nộp thuế nhập khẩu theo thông báo của cơ quan Hải quan, có phát sinh tiền phạt chậm nộp thuế thì được tính lại số thuế nhập khẩu, tiền phạt chậm nộp theo mức thuế suất CEPT quy định ở trên.

Doanh nghiệp nộp bổ sung C/O mẫu D và các chứng từ liên quan khác nêu trên để hoàn thành thủ tục tính lại số thuế nhập khẩu phải nộp không muộn hơn ngày 31 tháng 12 năm 2005.

2. Các quy định về căn cứ tính thuế, chế độ thu nộp thuế, chế độ miễn, giảm thuế, chế độ hoàn thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm và các quy định khác thực hiện theo các quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo; thay thế cho Thông tư số 64/2003/TT-BTC ngày 01/07/2003, Công văn số 9493/TC-HTQT ngày 12/09/2003, Công văn số 736/TC-HTQT ngày 19/01/2004, Công văn số 3932/TC-HTQT ngày 15/04/2004 và Công văn số 5127/TC-HTQT ngày 14/05/2004 của Bộ Tài chính.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời để Bộ Tài chính có hướng dẫn bổ sung cho phù hợp.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Văn Tá

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.