• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 16/04/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 19/09/2024
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 12/2005/CT-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 8 tháng 4 năm 2005

CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về công tác phòng, chống
lụt, bão và tìm kiếm, cứu nạn năm 2005

Nước ta nằm ở vị trí thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai bão, lũ. Năm 2004 và những tháng đầu năm 2005, tình hình thời tiết, khí hậu, thuỷ văn có những diễn biến bất thường, trái quy luật. Nhiều vùng ở nước ta lượng mưa thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, nắng nóng, khô hạn kéo dài trên diện rộng. Đặc biệt là ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ hầu như không có mưa, các hồ chứa nước lớn chỉ còn 25 - 30% dung tích, nhiều hồ có dung tích vừa và nhỏ đã cạn kiệt. Mực nước sông Hồng xuống đến mức thấp nhất trong vòng 100 năm qua. Bão số 01 xuất hiện sớm trong tháng 3 năm 2005 và ở vĩ độ thấp. Năm 2005 là tròn chu kỳ 60 năm tính từ năm ất Dậu 1945 - năm đã xảy ra lũ đặc biệt lớn gây vỡ đê ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ làm chết nhiều người, mất mùa, cùng với các nguyên nhân khác đã gây ra nạn đói lớn.

Để chủ động phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn với phương châm "chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả", hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ và các sự cố, tai nạn có thể xẩy ra trong mùa mưa bão, nhất là thiệt hại về người, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2005, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp tổ chức thực hiện tốt một số việc sau đây:

1. Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn ở các ngành, các cấp theo hướng gọn, mạnh; chỉ đạo rà soát để hoàn thiện các phương án, kế hoạch phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn sát với thực tế và đặc điểm của từng Bộ, ngành, địa phương; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhất là đối với các vùng trọng điểm, xung yếu và các vùng, khu vực thường xuyên xẩy ra lũ, bão, thiên tai để chủ động xử lý, đối phó kịp thời trong mọi tình huống.

2. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 63/2002/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai; Quyết định số 63/2000/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi tên và bổ sung nhiệm vụ của Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn; phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để chủ động đối phó có hiệu quả đối với các sự cố do thiên tai, tai nạn xẩy ra.

3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Căn cứ vào kế hoạch, phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2005, cần phân công, phân cấp cụ thể cho các cấp, các ngành và tổ chức kiểm tra tại chỗ việc thực hiện; kiểm tra các phương án huy động và bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn trên từng địa bàn; rà soát, xác định cụ thể về số lượng, chủng loại phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn hiện có để bổ sung, đảm bảo đủ cơ số và chất lượng cần thiết và có thể huy động kịp thời khi thiên tai, sự cố, tai nạn xẩy ra.

Đối với các địa phương bị hạn hán, cần chỉ đạo làm tốt việc khắc phục hậu quả và phòng, chống cháy rừng, bảo vệ rừng, thực hiện cứu trợ, cứu đói kịp thời; đồng thời phải xây dựng ngay các phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn để chủ động đối phó.

- Khi lũ, bão, thiên tai xảy ra, các địa phương phải chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả theo phương châm "bốn tại chỗ"; chỉ đạo các cấp, các ngành có quy định và hướng dẫn cụ thể về quy trình huy động nguồn lực, phân phối nguồn lực và các công việc khác để chủ động đối phó, cứu trợ, khắc phục hậu quả khi thiên tai, tai nạn xảy ra; chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Các số liệu thiệt hại phải được kiểm tra, xác minh trước khi báo cáo lên cấp trên.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện và trực tiếp trước Thủ tướng Chính phủ về việc huy động các nguồn lực của địa phương theo quy định để làm tốt công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, tại nạn xẩy ra trên địa bàn.

4. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão của các Bộ, ngành, địa phương; chỉ đạo, điều hành, xử lý kịp thời, có hiệu quả việc đối phó với các tình huống của lũ, bão, thiên tai; tổng hợp tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời.

5. Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn kiểm tra, rà soát lại các phương án, kế hoạch cụ thể về tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo sát thực tế để chủ động phòng ngừa và đối phó trong mọi tình huống; rà soát, nắm lại các phương tiện, vật tư cấp thiết phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn để có biện pháp điều chỉnh, bổ sung kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao; chỉ đạo, tổ chức phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và giải quyết hậu quả các tai nạn kịp thời, hiệu quả.

6. Bộ Quốc phòng chuẩn bị phương án bố trí lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành, địa phương để tham gia cứu hộ đê, đập, các công trình phòng, chống lụt bão và tìm kiếm, cứu nạn; ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp về lũ, bão, sự cố, tai nạn, thiên tai.

7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương tập trung hoàn thành công tác tu bổ đê điều để đưa các công trình vào chống lũ; rà soát và chỉ đạo các địa phương kiên quyết di dời dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm, vùng bãi sông, ven biển và các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; kiểm tra và có phương án xử lý bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, các công trình phòng, chống lụt bão; đồng thời làm tốt công tác bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, công tác khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra, bảo đảm kịp thời và có hiệu quả.

8. Bộ Giao thông vận tải có phương án bảo đảm giao thông thông suốt trong mùa mưa bão; phối hợp với Bộ Thủy sản tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các phương tiện hoạt động trên sông, trên biển; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về quản lý, đăng kiểm, đăng ký tàu thuyền, trang thiết bị cần thiết đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn, không có các phương tiện bảo vệ người khi hoạt động trên sông, trên biển.

9. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm hoàn chỉnh dự thảo Nghị định của Chỉnh phủ về Quy chế báo bão, lũ (sửa đổi) trình Chính phủ ban hành trước mùa mưa bão năm 2005; chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến lũ, bão, thiên tai để có dự báo, cảnh báo sớm và có trách nhiệm thông báo kịp thời cho các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động phòng, chống thiên tai có hiệu quả.

Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng thêm thời lượng thông báo các thông tin về tình hình lũ, bão, thiên tai và các biện pháp phòng, chống của các Bộ, ngành, địa phương.

10. Năm 2005, tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu có nhiều biểu hiện bất thường. Việc giảm nhẹ thiệt hại do lũ, bão, thiên tai gây ra là một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Yêu cầu các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo làm tốt công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để phối hợp tham gia việc phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.