• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 18/11/1989
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 156/NH-QĐ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 18 tháng 11 năm 1989

QUYẾT ĐỊNH

CỦA TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
SỐ 156/NH-QĐ NGÀY 18-11-1989 BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC THẾ CHẤP TÀI SẢN ĐỂ VAY VỐN NGÂN HÀNG

Căn cứ Nghị định số 35/CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ "Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước";

Căn cứ Nghị định số 53/HĐBT ngày 26-3-1988 của Hội đồng Bộ trưởng "Về tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam";

Nhằm tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng Ngân hàng;

Trong khi chờ Nhà nước ban hàng Luật thế chấp;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành bản "Quy định về việc thế chấp tài sản để vay vốn Ngân hàng".

 

Điều 2. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Đ/c Tổng Giám đốc Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quy định này.

Điều 4. Các Đ/c Chánh văn phòng, Vụ trưởng, Viện trưởng, Trưởng ban thuộc Ngân hàng Nhà nước, các Đ/c Tổng Giám đốc Ngân hàng chuyên doanh, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng chuyên doanh tỉnh, thành phố, đặc khu, khu vực, huyện, quận, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quy định này.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC THẾ CHẤP TÀI SẢN ĐỂ VAY VỐN NGÂN HÀNG

(Ban hành theo Quyết định số 156/NH-QĐ ngày 18-11-1959
của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Các hợp tác xã, tổ hợp sản xuất kinh doanh, các hộ tư doanh, cá thể và các tổ chức liên doanh, tập thể, tư nhân sản xuất làm dịch vụ, cán bộ công nhân viên làm kinh tế gia đình (gọi tắt là bên vay) khi vay vốn Ngân hàng phải có tài sản làm thế chấp cho mỗi lần vay. Số tiền được vay tối đa bằng 80% trị giá tài sản thế chấp.

Điều 2. (1) Tài sản thế chấp phải là sở hữu hợp pháp của bên vay. Trường hợp bên vay yêu cầu và được sự thoả thuận của Ngân hàng, bên thứ ba có thể bảo lãnh thay cho bên vay bằng tài sản của mình. Nếu bên vay không có khả năng thanh toán nợ, tài sản bảo lãnh thế chấp của bên thứ ba sẽ được giải quyết như đối với tài sản của bên vay.

2) Việc thế chấp tài sản ở khác địa phương (bên vay không có hộ khẩu thường trú nơi Ngân hàng cho vay đóng trụ sở) do Ngân hàng cho vay xem xét, giải quyết.

3) Mỗi tài sản chỉ được dùng để thế chấp cho một món nợ. Ngân hàng cùng bên vay xác định giá trị tài sản thế chấp. Thoả thuận của bên vay và bên cho vay về giá trị tài sản thế chấp phải có chứng nhận của phòng công chứng địa phương, nơi Ngân hàng cho vay đóng trụ sở. Nơi chưa có phòng công chứng, phải có xác nhận của cơ quan chính quyền quận, huyện, thị xã.

4) Tài sản thế chấp do Ngân hàng cho vay bảo quản (trừ loại tài sản dùng làm thế chấp là bất động sản), chỉ trả lại cho bên vay khi trả hết nợ và lãi Ngân hàng.

 

Điều 3. Tài sản dùng làm thế chấp nợ vay Ngân hàng gồm:

Vàng lá hoặc đồ trang sức bằng vàng, bạc, đá quý, kim cương;

Số dư của chứng chỉ tiền gửi, các thẻ, phiếu tiết kiệm do Ngân hàng phát hành;

Các vật dụng đắt tiền trong sinh hoạt gia đình;

Các bất động sản như nhà ở, nhà xưởng, thiết bị sản xuất, nhà kho...

CHƯƠNG II
MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Bên vay phải giao tờ cam kết thế chấp và các giấy tờ (bản chính) chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của mình cho cơ quan Ngân hàng.

Đơn xin vay cùng các loại tài sản đưa vào thế chấp phải lập thành hồ sơ gồm một bản chính và bản sao. Ngân hàng giữ lại bản chính, bên vay giữ bản sao. Trong hồ sơ có ghi rõ số lượng, tên giá trị tài sản còn lại, có đầy đủ các chữ ký đương sự. Bên vay vốn đưa hồ sơ đến phòng chước bạ để đăng ký "tài sản đã thế chấp" rồi nộp cho Ngân hàng để nhận vốn vay.

Điều 5. Tài sản thế chấp thuộc quyền sở hữu chung của nhiều người (từ 2 người trở lên), trong hồ sơ thế chấp phải có đầy đủ chữ ký của những người đồng sở hữu.

Tài sản thế chấp thuộc quyền sở hữu của một tổ chức kinh tế tập thể hoặc liên doanh, phải có nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đại biểu các thành viên đính kèm vào hồ sơ thế chấp.

Tài sản thế chấp của người đứng ra bảo lãnh cho bên vay, hồ sơ phải có chữ ký và cam kết của người bảo lãnh cùng với chữ ký của bên vay.

Điều 6. Trách nhiệm của Ngân hàng.

Khi tiếp nhận các tài sản thế chấp, Ngân hàng phải kiểm tra hoặc tổ chức việc xét nghiệm chất lượng (nếu cần) kiểm đủ số lượng, có đối chiếu với tình trạng đã ghi trong hồ sơ thế chấp từng loại tài sản.

Các chi phí có liên quan đến việc xét nghiệm do bên vay phải chịu.

Đối với các tài sản thế chấp mà bên vay vẫn được sử dụng và chịu trách nhiệm bảo quản như nhà ở, nhà xưởng, thiết bị sản xuất, nhà kho, các loại phương tiện giao thông, Ngân hàng phải thông báo bằng văn bản cho chính quyền địa phương của bên vay vốn (phường, xã...) và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền biết về các tài sản thế chấp đó để phối hợp kiểm tra, theo dõi việc bảo quản và sử dụng tài sản của bên vay. Nếu phát hiện bên vay vi phạm, phải có biện pháp ngăn ngừa và xử lý kịp thời.

Điều 7. Trách nhiệm của bên vay:

1) Cùng Ngân hàng chứng kiến việc kiểm tra, xét nghiệm, kiểm kê số lượng, chất lượng... và tự tay niêm phong (nếu là vàng bạc, tư trang) để đưa vào kho Ngân hàng bảo quản;

2) Bảo quản chu đáo tài sản thế chấp được lưu giữ và sử dụng, nếu có hư hỏng phải sửa chữa;

3) Chịu sự kiểm tra, giám sát của Ngân hàng và chính quyền địa phương trong thời gian tài sản đưa vào thế chấp;

4) Không được phép bán, cầm cố, chuyền nhượng, trao đổi các tài sản đã thế chấp với Ngân hàng.

Điều 8. Thanh lý, sử lý tài sản thế chấp:

1) Trường hợp bên vay tiền đã trả nợ sòng phẳng, Ngân hàng phải giao lại cho bên vay toàn bộ các hồ sơ giấy tờ đã nhận cũng như các tài sản đã thế chấp theo đúng như khi nhận; nếu làm hư hỏng, mất mát thì phải bồi thường; nếu có trường hợp tranh chấp phải cùng bên vay thỏa thuận giải quyết. Trường hợp không thỏa thuận được, bên vay có quyền đề nghị cơ quan pháp luật xét xử.

2) Trường hợp bên vay không trả được nợ, Ngân hàng làm văn bản kèm theo hợp đồng tín dụng và hồ sơ thế chấp đề nghị cơ quan pháp luật xử lý tài sản thế chấp do thu hồi nợ.

3) Số tiền thu được do đấu giá tài sản thế chấp được xử lý theo thứ tự ưu tiên:

a) Thanh toán nợ vay (cả gốc + lãi) cho Ngân hàng;

b) Thanh toán các chi phí, thủ tục tố tụng trong quá trình đấu giá tài sản;

c) Các chi phí khác phát sinh trong khi đấu giá tài sản;

d) Trả lại cho chủ sở hữu tài sản thế chấp hoặc đưa vào Ngân sách Nhà nước (nếu chủ nhân mất tích);

đ) Nếu số tiền thu được không đủ trang trải các khoản trên thì Ngân hàng phải làm thủ tục khởi tố.

 

CHƯƠNG III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Tổng Giám đốc Ngân hàng chuyên doanh căn cứ các điều quy định trên đây ra văn bản hướng dẫn cụ thể cho Ngân hàng cơ sở và các bên vay vốn thực hiện.

Tổng Giám đốc

(Đã ký)

 

Cao Sĩ Kiêm

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.