• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 26/04/2002
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 57/2002/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 26 tháng 4 năm 2002

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thể dục thể thao đến năm 2010

____________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về công tác thể dục thể thao trong giai đoạn mới;

Chỉ thị số 133-TTg ngày 07 tháng 3 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Quy hoạch phát triển ngành thể dục thể thao;

Căn cứ Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg ngày 23 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đến năm 2010;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tờ trình số 2449/BKH-VPTĐ ngày 21 tháng 4 năm 1999 và công văn số 6289-BKH/VPTĐ ngày 18 tháng 9 năm 2001), của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao (tờ trình số 168/UBTDTT ngày 15 tháng 6 năm 2001 và văn thư ngày 07 tháng 3 năm 2002) xin phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thể dục thể thao đến năm 2010.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thể dục thể thao đến năm 2010 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm:

a) Thể dục thể thao là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhằm bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người; góp phần nâng cao thể lực, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh, làm phong phú đời sống văn hóa và phát huy tinh thần dân tộc của con người Việt Nam, phục vụ đắc lực cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010.

b) Xây dựng nền thể dục thể thao phát triển, tiến bộ có tính dân tộc, khoa học và nhân dân. Giữ gìn, phát huy bản sắc và truyền thống dân tộc, đồng thời nhanh chóng tiếp thu những thành tựu khoa học hiện đại.

Phát triển rộng rãi thể dục thể thao quần chúng, các môn thể thao dân tộc và các hoạt động thể dục thể thao mang tính phổ cập đối với mọi đối tượng, lứa tuổi, tạo thành phong trào thể dục thể thao quần chúng "Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Tập trung phát triển những môn thể thao trọng điểm phù hợp đặc điểm và thể chất người Việt Nam nhằm nhanh chóng nâng cao thành tích thể thao. Từng bước xây dựng lực lượng thể thao chuyên nghiệp.

c) Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước.

d) Mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế trong sự nghiệp phát triển thể dục thể thao, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân ta với nhân dân các nước trong khu vực, châu lục và trên thế giới.

2. Mục tiêu:

a) Thực hiện giáo dục thể chất trong tất cả các trường học. Tuyệt đại bộ phận học sinh, sinh viên, thanh niên, thiếu niên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức và một bộ phận ngày càng lớn nhân dân thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.

b) Đào tạo đội ngũ vận động viên thể thao tài năng quốc gia với các tuyến, các lớp kế cận hoàn chỉnh, có trình độ chuyên môn và thành tích cao, có phẩm chất, đạo đức tốt; phấn đấu đưa nền thể thao Việt Nam xếp vào những nước hàng đầu khu vực, có thứ hạng cao ở một số môn phù hợp đặc điểm và thể chất người Việt Nam trong các giải châu lục và thế giới.

c) Kiện toàn hệ thống đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, huấn luyện viên, giáo viên thể dục thể thao.

Nâng cấp, xây dựng mới và hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật thể dục thể thao. Hình thành các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, y học thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu phát triển thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao của đất nước.

3. Phương hướng:

a) Về thể dục thể thao quần chúng:

- Đối với các trường học:

Đến năm 2010: 95% các trường học ở thành phố, thị xã, khu công nghiệp (hiện nay là 36,4%) bảo đảm đầy đủ các tiết học thể dục thể thao; 70 - 80% học sinh (hiện nay là 60%) và 90-95% sinh viên (hiện nay là 80%) đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định.

- Đối với lực lượng vũ trang:

Đến năm 2010: 100% cán bộ, chiến sĩ tham gia luyện tập thường xuyên và đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo lứa tuổi; 50% số đơn vị có phong trào thể dục thể thao mạnh.

- Đối với cán bộ, công chức, viên chức, công nhân:

Mỗi người luyện tập thường xuyên một môn thể thao. Củng cố và phát triển các câu lạc bộ thể dục thể thao ở cơ quan, xí nghiệp dưới mọi hình thức (phúc lợi, công ích, hoạt động dịch vụ).

- Đối với nhân dân:

Động viên, khuyến khích phong trào rèn luyện thân thể, giữ gìn sức khỏe, thể dục chữa bệnh, thể dục dưỡng sinh đối với người cao tuổi. Chú trọng phát triển các môn thể thao được quần chúng yêu thích và thể thao dân tộc. Đến năm 2010 có 18 - 20% dân số tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.

b) Về thể thao thành tích cao:

- Phát triển các môn thể thao có trong chương trình thi đấu tại Đại hội Thể thao Đông Nam á (SEA Games), Đại hội Thể thao châu á (ASIAD), Đại hội Olympic. Tập trung nâng cao thành tích các môn thể thao mà vận động viên nước ta có thế mạnh.

- Phấn đấu là 1 trong 3 nước hàng đầu về thể thao trong khu vực tại SEA Games 22 và là 1 trong 15 nước có thành tích thể thao cao ở châu á. Có từ 4 - 5 môn thể thao đạt thành tích cao trong các giải thể thao thế giới.

4. Các giải pháp về tổ chức, đào tạo:

a) Xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao:

- Phát triển các cơ sở tập luyện thể dục thể thao dưới nhiều hình thức.

- Đa dạng hóa các hình thức thi đấu thể dục thể thao.

- Liên kết các hoạt động thể dục thể thao giữa các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội. Lồng ghép các hoạt động thể dục thể thao với các hoạt động văn hóa, du lịch.

- Huy động các nguồn lực của nhân dân và xã hội đầu tư cho các công trình thể thao.

- Củng cố và phát triển các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia.

b) Đào tạo, bồi dưỡng:

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hiện có, đồng thời mở rộng quy mô đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường đại học và cao đẳng thể dục thể thao; mở rộng sự hợp tác đào tạo cán bộ và chuyên gia thể dục thể thao với một số nước.

- Đối với cán bộ nghiên cứu, giảng dạy cao cấp:

Từng bước hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo sau đại học, đại học và cao đẳng thể dục thể thao.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy cao cấp; cử đi đào tạo ở nước ngoài đối với một số môn khoa học thể thao cơ bản.

- Đối với giáo viên thể dục thể thao các cấp:

Thường xuyên nâng cao chất lượng chuyên môn của các giáo viên thể dục thể thao các cấp; đến năm 2010 bảo đảm 80% nhu cầu giáo viên thể dục thể thao cho các trường, các cấp học.

Củng cố, nâng cấp, mở rộng, phát triển các trường thể dục thể thao.

- Đối với huấn luyện viên, hướng dẫn viên, trọng tài thể dục thể thao:

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao chất lượng đào tạo để nhanh chóng nâng cao trình độ đội ngũ huấn luyện viên, hướng dẫn viên, trọng tài, tiếp cận trình độ quốc tế.

Có các biện pháp cần thiết để tăng nhanh số lượng huấn luyện viên, hướng dẫn viên, trọng tài đạt đẳng cấp quốc tế.

c) Công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, y học thể dục thể thao:

- Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, y học thể dục thể thao để thiết thực phục vụ phong trào thể dục thể thao quần chúng và nâng cao thành tích thể thao. Chú trọng ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, y - sinh học vào thể dục thể thao. Tăng cường nghiên cứu lý luận giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao, vận dụng phù hợp với điều kiện và đặc điểm của Việt Nam. Xúc tiến nghiên cứu xã hội học, kinh tế học thể dục thể thao để xác định thêm các căn cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách thể dục thể thao.

- Tăng cường đầu tư xây dựng tiềm năng khoa học, công nghệ, y học thể dục thể thao ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực.

- Xây dựng cơ chế liên kết giữa khoa học, công nghệ, y học với đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao.

- Định kỳ điều tra tình trạng thể chất nhân dân. Xây dựng các giải pháp về thể dục thể thao để góp phần nâng cao tầm vóc, thể trạng cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

- Coi trọng việc phổ biến tri thức khoa học, công nghệ, y học thể dục thể thao và hướng dẫn tri thức thể dục thể thao phổ thông cho quần chúng.

5. Các giải pháp về cơ sở vật chất - kỹ thuật.

a) Đối với các xã, phường.

- Mỗi xã, phường có quỹ đất, địa điểm làm cơ sở tập luyện thể dục thể thao.

- Tiến tới mỗi trường phổ thông trên địa bàn đều có địa điểm phục vụ cho các tiết học thể dục thể thao nội khóa và tập luyện ngoại khóa.

- Từng bước hoàn thiện các cơ sở tập luyện thể dục thể thao.

b) Đối với các huyện, quận:

- Mỗi huyện, quận có qũy đất, địa điểm dành cho hoạt động tập luyện và thi đấu thể dục thể thao.

- Tùy theo đặc điểm, quy mô, dân số, từng bước xây dựng các công trình: sân vận động, nhà tập luyện - thi đấu, bể bơi.

c) Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Trên cơ sở nâng cấp, bổ sung, phát triển những cơ sở đã có, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến tới có những công trình thể dục thể thao: sân vận động, cung thể thao hoặc nhà thi đấu, phòng tập luyện hoặc nhà tập luyện từng môn, khu công viên thể thao - giải trí.

Đối với các tỉnh, thành phố có chức năng làm trung tâm vùng (Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ), được tạo điều kiện xây dựng sớm các công trình thể dục thể thao có quy mô lớn hơn để thực hiện thêm chức năng này.

d) Đối với các ngành:

- Từng ngành có quy hoạch, kế hoạch, biện pháp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động thể dục thể thao, từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật và đội ngũ cán bộ thể dục thể thao trong ngành.

- Ngành giáo dục và đào tạo đặc biệt coi trọng giáo dục thể chất trong nhà trường, cải tiến nội dung giảng dạy thể dục thể thao nội khoá, ngoại khoá; bảo đảm có sân bãi, phòng tập luyện cho các trường học.

- Ngành quân đội, công an phát triển hoạt động thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khoẻ, tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; từng bước nâng cấp, hoàn thiện hoặc xây mới các công trình thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu phát triển những môn thể thao phù hợp với đặc điểm của ngành, một số môn thể thao trọng điểm của nền thể thao quốc gia.

đ) Đối với các công trình cấp quốc gia:

- Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm vùng, đồng thời làm nhiệm vụ trung tâm thể dục thể thao quốc gia.

Tại 2 thành phố này hình thành các khu liên hợp thể thao quốc gia bao gồm nhiều công trình đủ tiêu chuẩn quốc tế trên cơ sở nâng cấp, hiện đại hoá một số công trình đã có kết hợp với đầu tư xây dựng mới một số công trình cần thiết.

- Các công trình cấp quốc gia và một số công trình ưu tiên của các địa phương liên quan đáp ứng được yêu cầu tổ chức SEA Games 22 vào năm 2003 và tổ chức các giải thể thao quốc tế, tổ chức ASIAD trong những năm sau.

6. Các giải pháp về hợp tác quốc tế:

a) Mở rộng và tăng cường mối quan hệ và hợp tác quốc tế về thể dục thể thao với các nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam á (ASEAN), các nước có mối quan hệ truyền thống và những nước ở các khu vực khác trên thế giới.

b) Tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ của các tổ chức thể thao quốc tế về các mặt: kinh nghiệm tổ chức, quản lý; đào tạo vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ khoa học, công nghệ, y học, tài chính.

c) Tổ chức thành công SEA Games 22 năm 2003 tại Việt Nam.

Chuẩn bị đăng cai tổ chức ASIAD trong những năm sau vào thời điểm thích hợp.

7. Nguồn vốn đầu tư:

Vốn để đầu tư quy hoạch phát triển thể dục thể thao được huy động từ các nguồn sau:

a) Vốn ngân sách nhà nước.

b) Vốn nước ngoài.

c) Vốn của các tổ chức và cá nhân trong nước.

d) Viện trợ không hoàn lại của các quốc gia hoặc các tổ chức quốc tế.

đ) Vốn của các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực thể dục thể thao.

e) Các nguồn vốn khác.

Điều 2. Uỷ ban Thể dục Thể thao phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tổng cục Địa chính và các Bộ, ngành liên quan, các địa phương, căn cứ những nội dung chủ yếu tại Điều 1 Quyết định này lập quy hoạch chi tiết trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức triển khai lập, xác định danh mục dự án đầu tư, giải pháp huy động vốn cho từng dự án, đề xuất những bổ sung, điều chỉnh cần thiết, từng bước đầu tư phát triển sự nghiệp thể dục thể thao theo các kế hoạch 5 năm và hàng năm.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UỶ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

 

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phạm Gia Khiêm

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.