• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 20/11/2001
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 172/2001/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 5 tháng 11 năm 2001

QUYẾT ĐỊNH

Về việc xử lý giãn nợ, khoanh nợ, xóa nợ thuế và các khoản

phải nộp ngân sách nhà nước đối với những doanh nghiệp,

cơ sở sản xuất kinh doanh có khó khăn do nguyên nhân khách quan

________________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ các Luật thuế, Pháp lệnh thuế hiện hành;

Căn cứ Nghị định số 50/CP ngày 28 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ và Nghị định số 38/CP ngày 28 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể và phá sản doanh nghiệp nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 44/1998/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1998 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành Công ty cổ phần;

Căn cứ Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 1999 của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà nước;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước do các nguyên nhân khách quan được xử lý giãn nợ, khoanh nợ, xóa nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo các quy định dưới đây:

1. Giãn nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước trong các trường hợp sau đây:

a) Doanh nghiệp nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhưng không có khả năng nộp ngân sách nhà nước đúng hạn do các nguyên nhân khách quan như : thay đổi chính sách thuế và thu ngân sách nhà nước làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; di chuyển địa điểm kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thiệt hại do thiên tai. Thời gian doanh nghiệp được chậm nộp các khoản nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách tối đa là 12 tháng, kể từ ngày xác định nợ.

b) Doanh nghiệp nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước do chưa được nhà nước giải quyết nguồn vốn, thì được giãn nợ cho tới khi doanh nghiệp được Nhà nước giải quyết nguồn vốn.

c) Doanh nghiệp còn nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước từ ngày 31 tháng 12 năm 1998 trở về trước, phải đăng ký kế hoạch thanh toán các khoản nợ với cơ quan thu thuế. Thời hạn các doanh nghiệp phải thanh toán hết các khoản nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2002.

Các doanh nghiệp được giãn nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này phải thực hiện nộp đủ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo đúng thời hạn được giãn nợ.

Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu còn nợ thuế hàng xuất nhập khẩu phải có kế hoạch trả nợ dần, trả một phần nợ cũ trước khi mở tờ khai nhập khẩu và không để phát sinh nợ thuế các lô hàng nhập khẩu mới.

2. Khoanh nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp nợ đọng thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước nhưng không có khả năng nộp do sản xuất kinh doanh thua lỗ đang lâm vào tình trạng phải giải thể, phá sản. Khi doanh nghiệp giải thể, phá sản thì áp dụng các biện pháp và trình tự thu hồi nợ theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản.

3. Giải quyết hỗ trợ vốn đầu tư cho trường hợp sau đây :

Doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước nay đã chuyển sang công ty cổ phần) có dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhưng thiếu vốn phải sử dụng tiền thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tính đến ngày 31 tháng 12 năm 1999 trở về trước để thực hiện dự án đầu tư, đến nay vẫn không có khả năng thanh toán, nếu công trình đầu tư đã hoàn thành đưa vào sử dụng thì doanh nghiệp được xem xét giải quyết hỗ trợ vốn đầu tư từ số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước mà doanh nghiệp đã sử dụng để bổ sung vốn đầu tư.

Đối với các khoản thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước từ ngày 01 tháng 01 năm 2000 trở đi doanh nghiệp chưa nộp mà sử dụng để đầu tư, thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ ngay cho ngân sách nhà nước và tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định.

4. Xóa nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước cho các trường hợp :

a) Doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng giao, bán theo Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 1999 của Chính phủ mà các khoản phải trả lớn hơn giá trị tài sản của doanh nghiệp hoặc lớn hơn số tiền thu từ bán doanh nghiệp.

b) Doanh nghiệp nhà nước chuyển sang công ty cổ phần, còn nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước, nếu đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ về tài chính và tín dụng, mà doanh nghiệp vẫn còn khó khăn không có khả năng thanh toán nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.

c) Doanh nghiệp nhà nước được phép sáp nhập vào doanh nghiệp nhà nước khác, đã được áp dụng các biện pháp hỗ trợ về tài chính, tín dụng mà doanh nghiệp nhận sáp nhập vẫn không có khả năng thanh toán nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Số nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước được xóa tối đa bằng số lỗ của doanh nghiệp sáp nhập.

d) Doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh bị lỗ, còn nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước của năm 1998 trở về trước do các nguyên nhân thay đổi cơ chế chính sách, do thiên tai gây thiệt hại, do thiếu vốn đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị, do khó khăn về giải quyết sắp xếp lao động, nếu doanh nghiệp không thuộc loại phải giải thể, phá sản và các trường hợp được xoá nợ quy định tại các khoản a, b, c khoản 4 Điều này, sau khi đã áp dụng các biện pháp miễn thuế, giảm thuế theo luật định, hỗ trợ về tài chính, tín dụng và các biện pháp khác mà doanh nghiệp vẫn còn lỗ và không có khả năng thanh toán nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước khác. Số nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước được xoá tối đa bằng số lỗ của doanh nghiệp tính đến năm xử lý xoá nợ.

đ) Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu bị truy thu tiền thuế, tiền phạt đối với hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu do nguyên nhân khách quan như chính sách thay đổi, do văn bản hướng dẫn thực hiện không rõ ràng, không đầy đủ làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Việc xử lý xoá nợ tiền thuế, tiền phạt bị truy thu do các nguyên nhân trên sẽ xem xét cho từng trường hợp cụ thể.

e) Hộ kinh doanh nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước nhưng cá nhân đứng tên kinh doanh đã chết mà trong hộ không còn người tiếp tục kinh doanh, không còn đối tượng để thu hồi nợ; hộ kinh doanh nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước, nhưng nay đã chuyển đi nơi khác, không còn xác định được đối tượng để thu hồi nợ.

Điều 2. Thẩm quyền xử lý giãn nợ, khoanh nợ, xoá nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước :

1. Bộ Tài chính xét và quyết định khoanh nợ, giãn nợ, xoá nợ và giải quyết hỗ trợ vốn đầu tư đối với các trường hợp quy định tại Điều 1 (trừ khoản 4e) của Quyết định này.

2. Tổng cục Hải quan phối hợp với Bộ Tài chính xem xét và quyết định xử lý nợ thuế đối với hàng xuất nhập khẩu theo Quyết định này.

3. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét và quyết định xoá nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước đối với các hộ kinh doanh trên địa bàn theo quy định tại khoản 4e Điều 1 của Quyết định này.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Các đối tượng đã được xử lý khoanh nợ theo Chỉ thị số 790/TTg ngày 26 tháng 10 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện, đến nay vẫn còn nợ ngân sách, được xác định cụ thể nguyên nhân và trường hợp nợ đọng để xử lý theo quy định tại Quyết định này.

2. Các quy định về xử lý giãn nợ, khoanh nợ, xoá nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tại Quyết định này không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng xử lý nợ thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước quy định tại Điều 1 Quyết định này nhưng đang bị vi phạm pháp luật hoặc chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

b) Doanh nghiệp thuộc đối tượng đang được xem xét xử lý các khoản nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 95/1998/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 1998 và Quyết định số 05/2000/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về thanh toán công nợ thì không thuộc đối tượng được xử lý giãn nợ, khoanh nợ, xoá nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước quy định tại Quyết định này.

3. Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra xác định đối tượng nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước để xử lý theo thẩm quyền, theo quy định tại Quyết định này.

4. Không tính phạt chậm nộp đối với tiền thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước được xử lý giãn nợ, khoanh nợ, xoá nợ trong thời gian được giãn nợ, khoanh nợ, xoá nợ.

5. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện theo đúng Quyết định này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính phải tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý giãn nợ, khoanh nợ, xoá nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo Quyết định này.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quyết định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.