• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 25/11/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 21/03/2007
BỘ TƯ PHÁP
Số: 06/2003/TT-BTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 29 tháng 10 năm 2003

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2003

của Chính phủ về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam

___________________

 

Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ quy định tại Điều 47 và Điều 58 của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam;

Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nghị định số 87/2003/NĐ-CP) như sau:

1. Về Tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài

1.1. Tổ chức luật sư nước ngoài nói tại Nghị định số 87/2003/NĐ-CP là tổ chức hành nghề luật sư được thành lập và hành nghề hợp pháp ở nước ngoài.

1.2. Giấy tờ chứng minh việc thành lập hợp pháp của tổ chức luật sư nước ngoài quy định tại Khoản 2 Điều 12, Khoản 2 Điều 14 và Khoản 2 Điều 17 của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP là một trong các loại giấy tờ sau đây:

a) Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

b) Hợp đồng hợp danh, điều lệ công ty;

c) Giấy tờ xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài về việc thành lập và hoạt động hợp pháp.

1.3. Luật sư nước ngoài nói tại Nghị định số 87/2003/NĐ-CP là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có giấy phép hành nghề luật sư do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp.

Trong trường hợp công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có giấy phép hành nghề luật sư do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp muốn hành nghề với tư cách là luật sư nước ngoài tại Việt Nam, thì phải tuân theo quy định của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP.

2. Về Tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, luật sư Việt Nam

2.1. Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh Việt Nam nói tại Nghị định số 87/2003/NĐ-CP là Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh được thành lập hoạt động theo quy định của Pháp lệnh Luật sư năm 2001.

2.2. Luật sư Việt Nam là người đã gia nhập một Đoàn luật sư và có Chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định của Pháp lệnh Luật sư năm 2001.

3. Về hồ sơ xin thành lập Chi nhánh, Công ty luật nước ngoài, Công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam (sau đây gọi chung là Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam)

3.1. Tổ chức luật sư nước ngoài muốn thành lập Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam phải làm một bộ hồ sơ theo quy định của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP.

3.2. Trong trường hợp hai hoặc nhiều tổ chức luật sư nước ngoài xin phép thành lập chung một Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, thì đơn xin phép thành lập Công ty luật nước ngoài phải do người đứng đầu của các tổ chức luật sư nước ngoài hoặc người được đứng đầu của các tổ chức luật sư nước ngoài đó uỷ quyền ký.

3.3. Trong trường hợp tổ chức luật sư nước ngoài muốn thành lập nhiều Chi nhánh tại Việt Nam, thì phải làm thủ tục xin phép riêng đối với mỗi Chi nhánh.

Mỗi Chi nhánh chỉ được có một trụ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi được phép đặt Chi nhánh.

3.4. Tên gọi của Chi nhánh phải bao gồm cụm từ "Chi nhánh", tên tổ chức luật sư nước ngoài và tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi được phép đặt Chi nhánh.

Tên gọi của Công ty luật nước ngoài phải bao gồm cụm từ "Công ty luật" và tên của tổ chức luật sư nước ngoài.

Tên gọi của Công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam do tổ chức luật sư nước ngoài và Công ty luật hợp danh Việt Nam lựa chọn nhưng phải bao gồm cụm từ "Công ty luật hợp danh".

4. Về thủ tục cấp Giấy phép thành lập Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam

4.1. Hồ sơ xin thành lập Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam được gửi đến Bộ Tư pháp. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp có thể yêu cầu bổ sung hoặc làm rõ những thông tin trong hồ sơ. Thời hạn xem xét hồ sơ và cấp Giấy phép quy định tại Điều 20 của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP được tính từ ngày hoàn thiện hồ sơ.

4.2. Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp nhận và thẩm tra hồ sơ xin thành lập Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

5. Về thủ tục thay đổi nội dung Giấy phép thành lập Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam

5.1. Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam thay đổi tên gọi trong những trường hợp sau đây:

a) Tên gọi của tổ chức luật sư nước ngoài thay đổi theo quy định của pháp luật nước ngoài;

b) Tên gọi của Công ty luật hợp danh Việt Nam trong Công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam thay đổi theo quy định của pháp luật Việt Nam;

c) Tên gọi của Công ty luật nước ngoài thay đổi trong trường hợp sáp nhập hoặc hợp nhất các Công ty luật nước ngoài.

5.2. Trong trường hợp thay đổi Trưởng Chi nhánh, Giám đốc Công ty luật nước ngoài, Giám đốc Công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam, thì kèm theo đơn xin phép phải có văn bản cử luật sư khác làm Trưởng Chi nhánh, Giám đốc công ty luật nước ngoài, Giám đốc Công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam.

5.3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Bộ Tư pháp có văn bản chấp thuận việc thay đổi nội dung Giấy phép; trong trường hợp từ chối, phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

6. Về việc lập chi nhánh của Công ty luật nước ngoài, của Công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam

6.1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định cho phép lập chi nhánh, Công ty luật nước ngoài, Công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam phải đăng ký hoạt động của chi nhánh tại Sở Tư pháp của địa phương, nơi đặt trụ sở của chi nhánh.

6.2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Sở Tư pháp có trách nhiệm cấp Giấy đăng ký hoạt động cho chi nhánh của Công ty luật nước ngoài, chi nhánh của Công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam.

7. Về hồ sơ hợp nhất Công ty luật nước ngoài

7.1. Hai hoặc nhiều Công ty luật nước ngoài có thể thoả thuận hợp nhất thành một Công ty luật nước ngoài mới.

Hồ sơ hợp nhất Công ty luật nước ngoài gồm các giấy tờ sau đây:

a) Đơn xin hợp nhất;

b) Bản sao Giấy phép thành lập của các Công ty luật nước ngoài xin hợp nhất;

c) Bản sao hợp đồng hợp nhất;

d) Văn bản thoả thuận cử Giám đốc Công ty luật nước ngoài mới.

7.2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Bộ Tư pháp chấp thuận việc hợp nhất dưới hình thức cấp Giấy phép thành lập Công ty luật nước ngoài mới.

7.3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập Công ty luật nước ngoài mới, các Công ty luật nước ngoài xin hợp nhất phải nộp lại Giấy phép thành lập cho Bộ Tư pháp, Giấy đăng ký hoạt động cho Sở Tư pháp, nộp lại con dấu cho cơ quan có thẩm quyền cấp con dấu.

8. Về thủ tục sáp nhập Công ty luật nước ngoài

8.1. Một hoặc nhiều Công ty luật nước ngoài có thể sáp nhập vào một Công ty luật nước ngoài khác. Trong trường hợp việc sáp nhập làm thay đổi một trong các nội dung của Giấy phép thành lập Công ty luật nước ngoài nhận sáp nhập, thì Công ty này phải thực hiện thủ tục thay đổi nội dung Giấy phép theo quy định tại Điều 23 của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP.

8.2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày sáp nhập, các Công ty luật nước ngoài sáp nhập phải nộp lại Giấy phép thành lập cho Bộ Tư pháp, Giấy đăng ký hoạt động cho Sở Tư pháp, nộp lại con dấu cho cơ quan có thẩm quyền cấp con dấu.

9. Về việc tạm ngừng hoạt động của Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam

9.1. Trong trường hợp tự quyết định tạm ngừng hoạt động, thì Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam phải gửi thông báo bằng văn bản về việc tạm ngừng hoạt động cho Bộ Tư pháp chậm nhất là 30 ngày, trước ngày dự định tạm ngừng hoạt động. Thông báo về việc tạm ngừng hoạt động phải nói rõ lý do và thời hạn dự định tạm ngừng hoạt động.

Thời hạn mỗi lần tạm ngừng hoạt động của Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam tối đa là một năm và có thể được xem xét gia hạn một lần không quá một năm.

9.2. Trong trường hợp Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam tạm ngừng hoạt động do bị xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức đình chỉ hoạt động có thời hạn, thì thời hạn tạm ngừng hoạt động được ghi trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

10. Về việc nhận luật sư tập sự Việt Nam

10.1. Khi nhận luật sư tập sự Việt Nam vào tập sự hành nghề, Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam cử luật sư nước ngoài hoặc luật sư Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn luật sư tập sự đó.

10.2. Luật sư tập sự Việt Nam tập sự hành nghề trong Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam không được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người đại diện cho khách hàng trước Toà án Việt Nam.

Luật sư tập sự được thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp luật khác cho khách hàng theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý và phải chịu trách nhiệm về chất lượng công việc mà mình thực hiện trước luật sư hướng dẫn và Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Luật sư tập sự không được ký văn bản tư vấn pháp luật.

11. Về phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam

11.1. Luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam và có bằng đại học luật của Việt Nam, thì được Bộ Tư pháp cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tư vấn về pháp luật Việt Nam.

11.2. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tư vấn về pháp luật Việt Nam gồm những giấy tờ sau đây:

a) Đơn xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tư vấn về pháp luật Việt Nam;

b) Bản sao bằng tốt nghiệp đại học luật của Việt Nam;

c) Bản sao Giấy phép hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

11.3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tư vấn về pháp luật Việt Nam cho luật sư nước ngoài; trong trường hợp từ chối, thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

11.4. Giấy chứng nhận đủ điều kiện tư vấn về pháp luật Việt Nam có giá trị trong thời hạn Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài đó có hiệu lực.

12. Về việc kiểm tra về tổ chức, hoạt động của Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam

12.1. Định kỳ hàng năm, Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra về tổ chức và hoạt động của Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

Sở Tư pháp có thể tiến hành kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

12.2. Việc kiểm tra được thông báo cho Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam 7 ngày trước khi tiến hành kiểm tra, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất.

12.3. Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định kiểm tra và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra.

13. Về chế độ báo cáo

13.1. Định kỳ 6 tháng và hàng năm, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam phải báo cáo bằng văn bản về tổ chức và hoạt động của mình cho Sở Tư pháp và Bộ Tư pháp. Báo cáo 6 tháng được gửi trước ngày 1/10 và báo cáo năm được gửi trước ngày 31/3 của năm tiếp theo.

13.2. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp có thể yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam báo cáo đột xuất về tổ chức và hoạt động của Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

14. Về chế độ khen thưởng luật sư nước ngoài, Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam

14.1. Luật sư nước ngoài, Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam hành nghề liên tục tại Việt Nam từ 5 năm trở lên, có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghề nghiệp và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực hợp tác với cơ quan, tổ chức của Việt Nam thì được xem xét khen thưởng.

14.2. Thủ tục và hình thức khen thưởng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

15. Về quy định chuyển tiếp

15.1. Tổ chức luật sư nước ngoài đã được Bộ Tư pháp cấp giấy phép đặt chi nhánh tại Việt Nam theo quy định của Nghị định số 92/1998/NĐ-CP mà Giấy phép còn hiệu lực thì được tiếp tục hành nghề cho đến ngày Giấy phép hết hiệu lực.

Sau khi Giấy phép hết hiệu lực mà tổ chức luật sư nước ngoài muốn tiếp tục hành nghề tại Việt Nam dưới hình thức Chi nhánh thì phải có đơn gửi Bộ Tư pháp xin đổi lại Giấy phép đặt Chi nhánh. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn, Bộ Tư pháp chập thuận việc đổi lại Giấy phép đặt Chi nhánh dưới hình thức cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh mới.

Sau khi được cấp Giấy phép mới, Chi nhánh thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động, đăng báo, thông báo về việc thành lập theo quy định tại Điều 21, Điều 22 của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP; trong thời hạn 15 ngày, nộp lại Giấy phép đặt Chi nhánh cho Bộ Tư pháp, Giấy đăng ký hoạt động đã được cấp theo quy định của Nghị định số 92/1998/NĐ-CP cho Sở Tư pháp.

15.2. Tổ chức luật sư nước ngoài đã được Bộ Tư pháp cấp Giấy phép đặt Chi nhánh tại Việt Nam theo quy định của Nghị định số 92/1998/NĐ-CP muốn chuyển đổi Chi nhánh thành Công ty luật nước ngoài, thì phải có hồ sơ xin chuyển đổi gửi Bộ Tư pháp.

Hồ sơ xin chuyển đổi gồm các giấy tờ sau đây:

a) Đơn xin chuyển đổi Chi nhánh thành Công ty luật nước ngoài;

b) Bản sao Giấy phép đặt Chi nhánh tại Việt Nam;

c) Điều lệ của Công ty luật nước ngoài;

d) Quyết định cử Giám đốc Công ty luật nước ngoài.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Bộ Tư pháp chấp thuận việc chuyển đổi dưới hình thức cấp Giấy phép thành lập Công ty luật nước ngoài; trong trường hợp từ chối, thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Sau khi được cấp Giấy phép, Công ty luật nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động, đăng báo, thông báo về việc thành lập theo quy định tại Điều 21, Điều 22 của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP; trong thời hạn 15 ngày, nộp lại Giấy phép đặt Chi nhánh cho Bộ Tư pháp, Giấy đăng ký hoạt động cho Sở Tư pháp, nộp lại con dấu cho cơ quan có thẩm quyền cấp con dấu.

Công ty luật nước ngoài được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, các hợp đồng dịch vụ pháp lý đang thực hiện, hợp đồng lao động đã ký với luật sư, nhân viên lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của Chi nhánh sau khi chuyển đổi.

15.3. Đối với cử nhân luật Việt Nam tập sự hành nghề tư vấn pháp luật tại Chi nhánh của Tổ chức luật sư nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 92/1998/NĐ-CP, thì thời gian tập sự hành nghề tư vấn pháp luật tại Chi nhánh trước ngày Nghị định số 87/2003/NĐ-CP có hiệu lực được tính vào thời gian tập sự theo quy định của Pháp lệnh luật sư, khi người đó gia nhập Đoàn luật sư.

Kể từ ngày Nghị định số 87/2003/NĐ-CP có hiệu lực, quy chế về tập sự hành nghề tư vấn pháp luật tại Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam chỉ áp dụng đối với luật sư tập sự của các Đoàn luật sư Việt Nam theo quy định tại Điều 34 của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP. Cử nhân luật Việt Nam được làm việc cho Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam với tư cách là người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

16. Ban hành kèm theo Thông tư này các mẫu giấy tờ sau đây:

16.1. a) Đơn xin thành lập Chi nhánh của Tổ chức luật sự nước ngoài (mẫu số 1a);

b) Đơn xin thành lập Công ty luật nước ngoài (mẫu số 1b);

c) Đơn xin thành lập Công ty luật luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam (mẫu số 1c);

16.2. Đơn xin thành lập Chi nhánh của Công ty luật nước ngoài, Công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam (mẫu số 2);

16.3. Đơn xin hợp nhất Công ty luật nước ngoài (mẫu số 3);

16.4. Đơn chuyển đổi Chi nhánh thành lập Công ty luật nước ngoài (mẫu số 4);

16.5. Đơn xin thay đổi nội dung Giấy phép của Chi nhánh, Công ty luật nước ngoài, Công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam (mẫu số 5);

16.6. Đơn xin cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài (mẫu số 6);

16.7. Đơn xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tư vấn về pháp luật Việt Nam (mẫu số 7);

16.8. a) Giấy phép thành lập Chi nhánh của Tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam (mẫu số 8a);

b) Giấy phép thành lập Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam (mẫu số 8b);

c) Giấy phép thành lập công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam (mẫu số 8c);

16.9. a) Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh của Tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam (mẫu số 9a);

b) Giấy đăng ký hoạt động của Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam (mẫu số 9b);

c) Giấy đăng ký hoạt động của Công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam (mẫu số 9c);

16.10. Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh của Công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam (mẫu số 10);

16.11. Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài (mẫu số 11);

16.12. Giấy chứng nhận đủ điều kiện tư vấn về pháp luật Việt Nam (mẫu số 12);

16.13. a) Thông báo về việc thay đổi nội dung Giấy phép của Chi nhánh, Công ty luật nước ngoài, Công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam (mẫu số 13a);

b) Thông báo về việc tạm ngừng hoạt động của Chi nhánh, Công ty luật nước ngoài, công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam (mẫu số 13b);

c) Thông báo về việc chấm dứt hoạt động của Chi nhánh, Công ty luật nước ngoài, Công ty hợp danh nước ngoài và Việt Nam (mẫu số 13c);

16.14. a) Báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của Chi nhánh, Công ty luật nước ngoài, Công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam (mẫu số 14a);

b) Báo cáo của Sở Tư pháp về tình hình tổ chức và hoạt động của các Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại địa phương (mẫu số 14b).

17. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Thông tư này thay thế Thông tư số 08/1999/TT-BTP ngày 13 tháng 2 năm 1999 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 92/1998/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ về hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam và Thông tư số 02/2000/TT-BTP ngày 23 tháng 3 năm 2000 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thủ tục chấm dứt hoạt động của Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Uông Chu Lưu

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.