• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 14/02/2011
BỘ VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Số: 17/2010/TT-BVHTTDL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2010

THÔNG TƯ

Quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức

hoạt động mô tô nước trên biển

_______________

Căn cứ Luật Thể dục, thể thao số 77/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 112/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, thể thao;

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ Về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về điều kiện hoạt động chuyên môn của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động mô tô nước trên biển như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết điều kiện chuyên môn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân viên chuyên môn của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động mô tô nước trên biển.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động mô tô nước trên biển tại Việt Nam.

Điều 3. Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động

1. Cơ sở thể thao tổ chức hoạt động mô tô nước trên biển là doanh nghiệp khi tiến hành hoạt động phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động theo thủ tục quy định tại Điều 55 của Luật Thể dục, thể thao.

2. Cơ sở thể thao khi tổ chức hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao thành tích cao môn mô tô nước trên biển phải bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 43 của Luật Thể dục, thể thao, Luật thi đấu môn mô tô nước và Điều lệ giải.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Điều kiện về vùng hoạt động mô tô nước

1. Vùng hoạt động mô tô nước là vùng mặt nước được xác định bằng tọa đồ trên hải đồ và hệ thống phao tiêu hoặc cờ được định vị phù hợp với quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Vùng hoạt động mô tô nước ven biển phải bảo đảm các điều kiện sau:

a) Có độ sâu tối thiểu 2m, không có đá ngầm, không có rạn san hô;

b) Khoảng cách từ mép nước của bờ biển đến giới hạn ngoài của vùng hoạt động tối đa là 650m, đến giới hạn trong của vùng hoạt động tối thiểu là 60m.

Điều 5. Điều kiện về bảng khuyến cáo và bảng nội quy hoạt động

Bảng khuyến cáo và bảng nội quy hoạt động phải đặt ở những vị trí thích hợp, dễ nhận biết. Nội dung chủ yếu của bảng khuyến cáo và bảng nội quy hoạt động gồm:

1. Người tắm biển, người đang thực hiện các công tác trên biển tuyệt đối không được vào vùng có phương tiện hoạt động, hoặc đu bám hệ thống cờ, phao neo giới hạn an toàn (trừ nhân viên đang thừa hành nhiệm vụ và thực hiện công tác cứu nạn trên biển);

2. Người tham gia vào hoạt động thể thao mô tô nước phải mặc áo phao, biết bơi, không mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, hô hấp;

3. Không được uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi tham gia các hoạt động thể thao mô tô nước;

4. Không được điều khiển các phương tiện ra khỏi vùng hoạt động cho phép đã có cờ, phao neo.

Điều 6. Điều kiện về bến bãi neo đậu

1. Phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Phải có hệ thống tiếp nhận dầu thải từ các phương tiện khi hoạt động trên biển.

3. Vị trí cửa ra vào của mỗi bến bãi neo đậu phương tiện phải cách nhau ít nhất là 250m; cửa ra vào bến bãi neo đậu của phương tiện phải có chiều rộng tối thiểu là 6m.

Điều 7. Điều kiện về phao neo, cờ

1. Phao neo, cờ có màu sắc tương phản với màu nước và cảnh quan môi trường để dễ quan sát, phù hợp theo Quy tắc báo hiệu đường thủy nội địa Việt Nam (22TCN 269 – 2000) ban hành theo Quyết định số 4099/2000/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 12 năm 2000 của Bộ Giao thông Vận tải.

Chất liệu được sử dụng làm phao neo phải là các chất liệu không gây ô nhiễm môi trường biển.

2. Phao neo, cờ có kích thước như sau:

a) Đường kính phao tiêu ít nhất là 30cm, kích thước cờ từ 30 x 40cm trở lên;

b) Khoảng cách giữa các cờ hoặc phao tiêu không quá 10m.

Điều 8. Điều kiện trang thiết bị tập luyện

1. Mô tô nước sử dụng phải có công suất động cơ (tính theo mã lực) hoạt động được trên biển không được gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến khu vực nghỉ dưỡng, viện nghiên cứu, trường học, khu dân cư.

2. Mô tô nước khi đưa vào hoạt động phải có giấy chứng nhận về đăng ký phương tiện nội thủy, giấy chứng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp.

3. Mô tô nước không được thải nước làm mát động cơ có nồng độ dầu vượt quá 05mg/lít (Theo TCVN 5945:2005 - Nước thải công nghiệp - Tiêu chuẩn thải ban hành theo Quyết định số 22/2006/QĐ-BTNMT ngày 18 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường); có các thiết bị ngăn ngừa việc rơi vãi xăng, dầu, dầu thải xuống biển.

4. Mô tô nước phải được kiểm tra định kỳ về chất lượng an toàn kỹ thuật, an toàn môi trường theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 9. Điều kiện về nhân viên chuyên môn

1. Người hướng dẫn tập luyện phải có sức khoẻ tốt, biết bơi, có trình độ lái mô tô nước và bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định tại Điểm 1 Mục I Thông tư 05/2007/TT-UBTDTT ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Uỷ ban Thể dục thể thao hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định 112/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

2. Nhân viên cứu hộ phải có giấy chứng nhận về khả năng bơi cứu hộ 400 m trở lên, do Tổng cục Thể dục thể thao hoặc Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam cấp hoặc công nhận.

3. Nhân viên y tế có trình độ trung cấp y tế trở lên, được tập huấn về sơ cứu, cấp cứu thông thường.

4. Người hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này phải được khám sức khỏe theo quy định trước khi tham gia hoạt động và phải tái khám định kỳ 6 tháng một lần.

Điều 10. Điều kiện về thông tin liên lạc và an toàn cứu nạn

1. Thông tin liên lạc: Cơ sở thể thao phải trang bị hệ thống thông tin đảm bảo yêu cầu liên lạc từ Bộ phận Điều hành và cứu hộ đến các vùng hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của cơ sở thể thao.

2. An toàn cứu nạn:

a) Cơ sở thể thao phải có trạm quan sát bảo đảm quan sát được toàn bộ vùng hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của cơ sở.

b) Cơ sở thể thao phải có ca nô cứu hộ, phao cứu sinh (ít nhất là 05 phao), áo phao (ít nhất 02 áo phao/ 01 Môtô nước).

c) Người tham gia hoạt động phải mặc áo phao và phải được hướng dẫn sử dụng thành thạo phao cứu sinh. Những người không biết sử dụng hoặc sử dụng không thành thạo mô tô nước phải có huấn luyện viên hoặc hướng dẫn viên đi kèm để điều khiển, hỗ trợ.

d) Phải bố trí nhân viên y tế thường trực và có phương án khắc phục sự cố, tai nạn xảy ra.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan

1. Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện thực hiện Thông tư này; kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân khi tổ chức hoạt động mô tô nước trên biển vi phạm các quy định về điều kiện hoạt động chuyên môn trên địa bàn.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu, kịp thời giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hoàng Tuấn Anh

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.