• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 14/11/1987
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2006
HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
Số: 1-LCT/HĐNN8
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 2 tháng 11 năm 1987

PHÁP LỆNH

Về lực lượng an ninh nhân dân Việt Nam

Để tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia;
Để xây dựng lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam vững mạnh, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;
Căn cứ vào Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pháp lệnh này quy về Lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Các cơ quan Nhà nước, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội và mỗi công dân Việt Nam đều có nghĩa vụ bảo vệ an ninh của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Điều 2

Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, lực lượng An ninh nhân dân là lực lượng nòng cốt, có nhiệm vụ đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ các lực lượng vũ trang và bảo vệ nhân dân.

Điều 3

Lực lượng An ninh nhân dân là một trong những lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy của Đảng và Nhà nước, đặt dưới sự lãnh đạo thường xuyên và trực tiếp của Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng, sự thống lĩnh của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, sự quản lý trực tiếp của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng và chịu sự giám sát của nhân dân.

Điều 4

Lực lượng An ninh nhân dân hoạt động theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Điều 5

Lực lượng An ninh nhân dân phối hợp với các lực lượng vũ trang khác như Cảnh sát nhân dân, Quân đội nhân dân, với các cơ quan Nhà nước, dựa vào các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội và sức mạnh của toàn dân để làm nhiệm vụ.

Các lực lượng vũ trang, cơ quan Nhà nước, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội và mỗi công dân có trách nhiệm cộng tác, giúp đỡ lực lượng An ninh nhân dân làm tròn nhiệm vụ.

Chương 2:

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA LƯỢNG LƯỢNG AN NINH NHÂN DÂN VIỆT NAM

Điều 6

Lực lượng An ninh nhân dân thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng trong cán bộ, nhân dân, xây dựng thế trận an ninh liên hoàn vững mạnh, chủ động phòng ngừa và tấn công làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.

Điều 7

Lực lượng An ninh nhân dân bảo vệ an toàn cuộc sống của nhân dân, bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự, nhân phẩm, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tôn trọng quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa của nhân dân.

Điều 8

Lực lượng An ninh nhân dân bảo vệ an toàn cán bộ, an ninh các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội; bảo vệ an ninh các đoàn khách, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và người nước ngoài ở Việt Nam.

Điều 9

Lực lượng An ninh nhân dân tổ chức và thực hiện việc bảo vệ bí mật Nhà nước, an ninh biên giới, an ninh các khu vực xung yếu về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh các cơ sở khoa học - kỹ thuật; quản lý công tác an ninh trong thông tin liên lạc; quản lý việc thực hiện quy chế xuất cảnh, nhập cảnh, quy chế đối với người nước ngoài cư trú, làm việc ở Việt Nam.

Điều 10

Lực lượng An ninh nhân dân tiến hành các hoạt động điều tra và đề nghị truy tố người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật.

Điều 11

Lực lượng An ninh nhân dân tổ chức hướng dẫn các lực lượng vũ trang, cơ quan Nhà nước, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội và công dân làm tròn nghĩa vụ bảo vệ an ninh, xây dựng cơ quan, đơn vị an toàn, bảo mật phòng gian và xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Điều 12

Cán bộ, chiến sĩ An ninh nhân dân khi làm nhiệm cụ được ưu tiên đi lại bằng các phương tiện giao thông công cộng; trong trường hợp đang làm nhiệm vụ cấp thiết được sử dụng các phương tiện giao thông, thông tin liên lạc và các phương tiện kỹ thuật khác của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, kể cả người đang điều hành, sử dụng các phương tiện ấy.

Điều 13

Trong trường hợp cấp thiết, cán bộ, chiến sĩ An ninh nhân dân đang làm nhiệm vụ được tạm đình chỉ hoặc đình chỉ những việc làm nào có nguy hại đến an ninh quốc gia và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định ấy.

Điều 14

Hội đồng Nhà nước có thể giao cho lực lượng An ninh nhân dân những nhiệm vụ và quyền hạn khác, khi xét thấy cần thiết.

Chương 3:

TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG AN NINH NHÂN DÂN VIỆT NAM

Điều 15

Lực lượng An ninh nhân dân tổ chức theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, bố trí theo mục tiêu, đối tượng, địa bàn, đảm bảo tính thường xuyên chiến đấu.

Tổ chức bộ máy, trang bị phương tiện kỹ thuật về chuyên môn - nghiệp vụ và các phương tiện hoạt động khác của lực lượng An ninh nhân dân do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng quy định.

Điều 16

Trong Lực lượng An ninh nhân dân, sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp; hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp hoặc theo chế độ nghĩa vụ.

Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ trong Lực lượng An ninh nhân dân được coi là làm nghĩa vụ quân sự.

Chế độ nghĩa vụ trong Lực lượng An ninh nhân dân áp dụng như chế độ nghĩa vụ quân sự do Luật nghĩa vụ quân sự quy định.

Điều 17

Cán bộ, chiến sĩ An ninh nhân dân được Nhà nước phong hàm cấp tướng, cấp tá, cấp Uý, cấp hạ sĩ quan và chiến sĩ.

Hệ thống cấp bậc hàm quy định như sau:

Cấp tướng có 4 bậc:

Đại tướng,

Thượng tướng,

Trung tướng,

Thiếu tướng;

Cấp tá có 3 bậc:

Đại tá,

Trung tá,

Thiếu tá;

Cấp uý có 4 bậc:

Đại uý,

Thượng uý,

Trung uý,

Thiếu uý;

Cấp hạ sĩ quan có 3 bậc:

Thượng sĩ,

Trung sĩ,

Hạ sĩ;

Cấp chiến sĩ có 2 bậc:

Chiến sĩ bậc 1,

Chiến sĩ bậc 2.

Điều 18

Việc xét phong, thăng cấp bậc hàm cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ An ninh nhân dân căn cứ vào cấp bậc hàm được quy định cho từng chức vụ, phẩm chất cách mạng, năng lực công tác và thời hạn ở cấp bậc hiện tại.

Thời hạn xét thăng cấp bậc hàm đối với sĩ quan quy định như sau:

Thiếu uý lên trung uý: 2 năm,

Trung uý lên thượng uý: 2 năm,

Thượng uý lên đại uý: 3 năm,

Đại uý lên thiếu tá: 4 năm,

Thiếu tá lên trung tá: 4 năm,

Trung tá lên đại tá: 5 năm. Việc xét thăng bậc hàm cấp tướng không quy định thời hạn.

Điều 19

Quyền phong và thăng cấp bậc hàm trong Lực lượng An ninh nhân dân quy định như sau:

Hội đồng Nhà nước phong, thăng bậc hàm đại tướng, thượng tướng;

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, thăng bậc hàm trung tướng, thiếu tướng;

Bộ trưởng Bộ Nội vụ phong, thăng cấp bậc hàm từ đại tá đến thiếu uý.

Thời hạn và quyền xét phong, thăng cấp bậc hàm đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ do Hội đồng bộ trưởng quy định.

Cấp có quyền phong, thăng cấp bậc hàm nào thì được quyền tước, giáng cấp bậc hàm ấy.

Việc thăng hoặc giáng cấp bậc sĩ quan, mỗi lần chỉ được một bậc; trong trường hợp đặc biệt mới được thăng hoặc giáng nhiều bậc.

Điều 20

Theo yêu cầu công tác, chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, Lực lượng An ninh nhân dân được ưu tiên tuyển chọn trong số học sinh tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và trong số thanh niên thuộc diện nhập ngũ có đủ các tiêu chuẩn để đào tạo, bổ sung vào Lực lượng An ninh nhân dân.

Điều 21

Cờ hiệu, an ninh hiệu, cấp hiệu, phù hiệu kết hợp với cấp hiệu, trang phục, lễ phục và giấy chứng minh của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ An ninh nhân dân do Hội đồng bộ trưởng quy định.

Chương 4:

NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA SĨ QUAN, HẠ SĨ QUAN, CHIẾN SĨ AN NINH NHÂN DÂN

Điều 22

Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ An ninh nhân dân có nghĩa vụ:

1- Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng với Nhà nước và nhân dân;

2- Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệnh, Điều lệ của lực lượng An ninh nhân dân, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên;

3- Nêu cao tính trung thực, dũng cảm, bình tĩnh, linh hoạt, nhạy bén, yêu nghề, mài sắc tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao;

4- Không ngừng học tập nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, năng lực chuyên môn - nghiệp vụ, thường xuyên trau dồi phẩm chất cách mạng, tính tổ chức kỷ luật và rèn luyện thể lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Điều 23

Sĩ quan An ninh nhân dân phục vụ trong lực lượng An ninh nhân dân theo hạn tuổi do Hội đồng bộ trưởng quy định.

Sĩ quan An ninh nhân dân chưa hết hạn tuổi phục vụ, vì lý do sức khoẻ và nếu có đủ số năm công tác theo quy định của Hội đồng bộ trưởng thì được hưởng chế độ hưu.

Sĩ quan an ninh nhân dân đã hết hạn tuổi phục vụ, khi có yêu cầu công tác, thì tiếp tục phục vụ trong lực lượng An ninh nhân dân, theo quyết định của Bộ trưởng Bộ nội vụ.

Điều 24

Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ An ninh nhân dân phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp được hưởng lương, phụ cấp thâm niên và các chế độ phụ cấp khác.

Hạ sĩ quan, chiến sĩ An ninh nhân dân phục vụ theo chế độ, nghĩa vụ được hưởng chế độ cung cấp theo quy định của Hội đồng bộ trưởng.

Điều 25

Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ An ninh nhân dân có thành tích thì tuỳ theo công trạng, được tặng thưởng huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước hoặc các hình thức khen thưởng khác.

Điều 26

Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ An ninh nhân dân nếu bị thương, bị bệnh hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ thì bản thân và gia đình được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của Hội đồng bộ trưởng.

Điều 27

Gia đình sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ An ninh nhân dân được chính quyền, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội ở địa phương chăm sóc về tinh thân và vật chất theo chế độ chung của Nhà nước đối với gia đình cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân.

Điều 28

Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ An ninh nhân dân nào vi phạm Điều lệnh, Điều lệ của Lực lượng An ninh nhân dân thì bị kỷ luật; nếu phạm tội thì bị truy tố trước Toà án quân sự.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 29

Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.

Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 1987

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Võ Chí Công

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.