• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 09/11/2002
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ TƯ PHÁP-BỘ NGOẠI GIAO
Số: 08/1998/TTLT-BTC-BTP-BNG
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 31 tháng 12 năm 1998

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn mức thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí giải quyết việc nhập,

 trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam và cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch

Việt Nam, Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam

_________________

 

Căn cứ Điều 6 Nghị định số 104/1998/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật quốc tịch Việt Nam;

Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao hướng dẫn mức thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí giải quyết việc nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam và cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG NỘP, MIỄN NỘP LỆ PHÍ.

1. Công dân Việt Nam và người nước ngoài khi nộp đơn xin nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam và xin cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam phải nộp một khoản lệ phí theo mức thu quy định tại mục II.A của Thông tư liên tịch này (sau đây gọi là Thông tư).

2. Các đối tượng sau đây được miễn nộp lệ phí xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam:

a) Người có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

b) Người thuộc diện việc nhập, việc trở lại quốc tịch Việt Nam là có lợi cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

II. MỨC THU, CƠ QUAN THU LỆ PHÍ

A/ MỨC THU QUY ĐỊNH NHƯ SAU:

1. Nhập quốc tịch Việt Nam: 2.000.000 đ;

2. Trở lại quốc tịch Việt Nam: 2.000.000 đ;

3. Thôi quốc tịch Việt Nam: 2.000.000 đ;

4. Cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam: 500.000 đ;

5. Cấp Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam: 500.000 đ;

Mức thu quy định tại mục II.A.5 của Thông tư này cũng được áp dụng đối với trường hợp cấp Giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam.

B/ CƠ QUAN THU LỆ PHÍ:

- Lệ phí nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam và cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam là khoản thu của ngân sách nhà nước do Sở Tư pháp tỉnh, thành phô trực thuộc trung ương và Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thu (sau đây gọi là cơ quan thu) khi tiếp nhận hồ sơ của đương sự.

- Ở trong nước, Cơ quan thu thực hiện việc thu lệ phí bằng tiền Việt Nam; nếu đương sự nộp bằng tiền nước ngoài thì được quy đổi theo tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm nộp.

- Ở ngoài nước, căn cứ vào mức thu quy định tại mục A trên đây, cơ quan thu xác định mức thu bằng đô - la Mỹ và tính chẵn.

III. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN THU:

1. Khi thu lệ phí, cơ quan thu phải sử dụng hoá đơn, chứng tư thu tiền do Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) thống nhất phát hành và phải mở sổ sách theo dõi việc thu, nộp và sử dụng lệ phí; hàng năm phải lập báo cáo quyết toán theo chế độ hiện hành.

2. Cơ quan thu được trích lại 10% trong tổng số tiền lệ phí thu được để bổ sung kinh phí (coi như khoản kinh phí này được ngân sách cấp bổ sung) phục vụ cho công tác thẩm tra, xác minh hồ sơ và bù đắp các khoản chi phí khác liên quan đến việc giải quyết hồ sơ xin nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam và xin cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam. Cuối năm, cơ quan thu phải báo cáo quyết toán số tiền sử dụng với cơ quan tài chính trong báo cáo quyết toán năm của cơ quan mình. Số tiền còn lại đến ngày 31 tháng 12 không sử dụng phải nộp ngân sách nhà nước.

3. Số tiền còn lại (90%) sau khi đã trích để lại theo tỷ lệ quy định tại điểm 2 mục III của thông tư này, cơ quan thu phải nộp vào ngân sách nhà nước theo hướng dẫn sau đây:

- Ở trong nước, thì nộp vào mục 046 "lệ phí hành chính", Tiểu mục 15 theo chương, loại, khoản tương ứng của Cơ quan thu. Thời hạn Cơ quan thu phải nộp số tiền trên theo quy định của cơ quan thuế địa phương, nhưng chậm nhất là ngày mùng 5 của tháng sau phải nộp hết số tiền phải nộp của tháng trước;

- Ở nước ngoài thì nộp vào quý tạm giữ của ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư số 11-TC/TCĐN ngày 20/4/1992 của Bộ Tài chính quy định về quản lý quỹ tạm giữ của ngân sách nhà nước ở các cơ quan đại diện ngoại giao ta ở nước ngoài.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

1. Nếu giá cả thị trường biến động tăng từ 20% trở lên so với thời giá khi Thông tư này quy định, thì Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao điều chỉnh mức thu quy định tại mục II.A của Thông tư này.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1999.

Trong quá tình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc, Cơ quan thu cần kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao để xem xét giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tư pháp
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Ngoại giao
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Nguyễn Thị Kim Ngân

Hà Hùng Cường

Nguyễn Dy Niên

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.