• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 12/06/1997
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 355/TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 28 tháng 5 năm 1997

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ

về tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996;

Để đưa công tác rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật vào nền nếp, thường xuyên và thực hiện nhiệm vụ tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong hai năm 1997 - 1998;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ về tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật gồm các thành viên dưới đây:

1. Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng ban;

2. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban;

3. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Uỷ viên;

4. Thứ trưởng Bộ Tài chính, Uỷ viên;

5. Phó trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Uỷ viên;

Trưởng ban chỉ đạo mời đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Toá án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham gia Ban chỉ đạo của Chính phủ.

Ban chỉ đạo của Chính phủ có một tổ chuyên viên giúp việc, thành phần tổ chuyên viên do Ban chỉ đạo quyết định; địa điểm làm việc tại Bộ Tư pháp.

Điều 2. Ban chỉ đạo của Chính phủ về tổng rào soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật cho các Bộ, ngành và địa phương;

2. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ kèm theo Quyết định này và kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

3. Tổng hợp và xử lý kết quả của đợt tổng rà soát của Bộ, ngành và địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

4. Quyết định việc xuất bản tổng mục lục, tổng tập và tuyển tập văn bản quy phạm pháp luật;

Chỉ đạo việc xuất bản các hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, ngành và địa phương.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai công tác tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ kèm theo Quyết định này.

Điều 4. Kinh phí cho công tác tổng rà soát và hệ thống hoá pháp luật của Ban chỉ đạo của Chính phủ do ngân sách nhà nước cấp.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ quy định, hướng dẫn và kiểm tra việc sử dụng kinh phí này.

Điều 5. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các thành viên Ban chỉ đạo của Chính phủ về tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

KẾ HOẠCH

VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỢT TỔNG RÀ SOÁT VÀ HỆ THỐNG
RÀ SOÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRONG HAI NĂM 1996 - 1998

(Kèm theo Quyết định số 355/TTg ngày 28/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ)

Ngày 12 tháng 11 năm 1996 Quốc hội khoá IX tại kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tại Điều 8 Luật quy định: "Cơ quan nhà nước trong phạm vi, quyền hạn của mình có trách nhiệm thường xuyên rà soát, định kỳ hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật; nếu phát hiện có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, thì tự mình hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành". Để đưa công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật vào nền nếp theo đúng quy định của luật, Thủ tướng Chính phủ quyết định kế hoạch tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật như sau:

 

I. VỀ PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG CÁC VĂN BẢN
QUY PHẠM PHÁP LUẬT PHẢI RÀ SOÁT

1. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các văn bản quy phạm pháp luật cần phải được rà soát gồm có:

Luật, Nghị quyết của Quốc hội;

Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;

Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước;

Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ; Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ;

Quyết định, Chỉ thị, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

Nghị quyết, Thông tư liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổ chức Chính trị - xã hội;

Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Quyết định, Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong hoạt động điều hành, các Bộ, ngành và địa phương còn ban hành các hình thức văn bản khác như: Thông báo, kế hoạch, công văn... có chứa các quy phạm pháp luật. Vì vậy, trong lần tổng rà soát này những quy phạm pháp luật hiện đang được thi hành nhưng được ban hành với các hình thức văn bản trên cũng phải được rà soát.

2. Về thời điểm ban hành các văn bản phải rà soát: thời điểm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phải rà soát được tính từ sau ngày 02 tháng 7 năm 1976 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 1996.

 

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CỦA ĐỢT TỔNG RÀ SOÁT
VÀ HỆ THỐNG HOÁ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

1. Mục tiêu của đợt tổng rà soát.

Phát hiện những văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, trái với quy định của Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh hoặc ban hành sai thẩm quyền đã được ban hành từ sau ngày 02 tháng 7 năm 1976 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 1996 để xử lý theo thẩm quyền hoặc lập danh mục văn bản để kiến nghị kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền huỷ bỏ, sửa đổi hoặc bổ sung;

Lập và công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật, xuất bản các tập hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực để áp dụng thống nhất trong cả nước và từng địa phương.

2. Nhiệm vụ của đợt tổng rà soát.

Để thực hiện những mục tiêu nêu trên, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Bộ, ngành và địa phương) trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức việc rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền và xác lập các loại danh mục văn bản quy phạm pháp luật gửi về ban chỉ đạo của Chính phủ về Tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

a. Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:

Tập hợp danh mục đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành từ sau ngày 2 tháng 7 năm 1976 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 1996 về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Luật, Nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước; Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ; Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định, Chỉ thị, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Thông tư liên tịch giữa các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Thông tư liên tịch với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc các cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội;

Do những thay đổi về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (tách, nhập Bộ, ngành) nên trong danh mục cần ghi chú rõ những văn bản quy định về các vấn đề trước đây do Bộ, ngành khác phụ trách nhưng nay thuộc chức năng Bộ, ngành mình phụ trách.

Lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực và đã bị bãi bỏ hoặc đã được thay thế;

Lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực;

Lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực nhưng có những quy định cần được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ;

Lập danh mục các văn bản ban hành sai thẩm quyền.

b. Đối với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: - Tập hợp danh mục đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành từ sau ngày 02 tháng 7 năm 1976 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 1996.

Đối với những tỉnh, thành phố vừa được tách, thì trong danh mục cần ghi chú rõ những văn bản đã được áp dụng cho tỉnh, thành phố cũ nay vẫn còn hiệu lực áp dụng tại tỉnh, thành phố mình và các văn bản do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân mới ban hành.

Lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực và đã bị bãi bỏ hoặc đã được thay thế của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành đang còn hiệu lực;

Lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước cấp trên (Quốc hội, Uỷ ban thường Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ) mà qua thực tiễn thi hành tại địa phương, thấy không còn phù hợp, cần được kiến nghị để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.

c. Đối với Ban chỉ đạo của Chính phủ về tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

1. Tổng hợp và chỉnh lý các danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập và gửi về Ban chỉ đạo. Tuỳ theo các danh mục văn bản, Ban chỉ đạo tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan và xác lập các danh mục văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ xử lý theo thẩm quyền hoặc Chính phủ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Các danh mục đó bao gồm:

Danh mục văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực, đã bị bãi bỏ hoặc thay thế;

Danh mục văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật do Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.

3. Xem xét, quyết định việc in, xuất bản các tổng mục lục, tổng tập và tuyển tập văn bản quy phạm pháp luật; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương xuất bản các tập hệ thống văn hoá văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, ngành, địa phương.

 

III. VỀ TỔ CHỨC VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Về tổ chức thực hiện:

a. các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thành lập Ban Chỉ đạo tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, ngành do đồng chí Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng là Trưởng ban, Vụ trưởng Vụ Pháp chế là Phó ban thường trực (ở những cơ quan chưa có Vụ Pháp chế thì đồng chí Chánh Văn phòng Bộ là Phó ban thường trực). Giúp việc cho Ban chỉ đạo có một Tổ chuyên viên gồm chuyên viên của Vụ Pháp chế, các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành.

b. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thành lập Ban Chỉ đạo tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Tư pháp là Phó Ban thường trực. Giúp việc cho Ban chỉ đạo có một tổ chuyên viên gồm chuyên viên của Sở Tư pháp và Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thuộc Trung ương.

c. Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kế hoạch tổng rà soát của Bộ, ngành, địa phương phải được gửi về Thủ tướng Chính phủ, và Ban chỉ đạo của Chính phủ trước ngày 15 tháng 6 năm 1997 (Bộ Tư pháp 25A Cát Linh, Hà Nội).

2. Về tiến độ thực hiện: Để đảm bảo cho việc tổng rà soát và chỉnh lý văn bản quy phạm pháp luật được kịp thời, chính xác, đạt kết quả cao, các Bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đúng tiến độ sau đây:

Từ ngày 15 tháng 6 năm 1997 đến ngày 15 tháng 8 năm 1997 Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổ chức tập huấn nghiệp vụ rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ nghiệp vụ của các Bộ, ngành và địa phương làm công tác rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

Từ tháng 9 năm 1997 đến tháng 12 năm 1997 các Bộ, ngành và địa phương tập hợp và lên danh mục đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, ngành và địa phương phụ trách đã ban hành từ sau ngày 02/7/1976 đến hết ngày 31/12/1996.

Từ tháng 12/1997 đến 6/1998 các Bộ, ngành và địa phương tiến hành rà soát, lên danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ và danh mục các văn bản quy phạm pháp luật đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc cần ban hành mới và gửi về Ban Chỉ đạo của Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 1998.

Từ tháng 7 năm 1998 đến tháng 8 năm 1998 các Bộ, ngành và địa phương hoàn thành danh mục văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành và địa phương.

Từ tháng 9 năm 1998 đến tháng 12 năm 1998 Ban chỉ đạo của Chính phủ về Tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật tổng hợp, chỉnh lý, lập kế hoạch in, xuất bản các tập hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực và báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ.

Trong tháng 6 năm 1997 Bộ Tư pháp dự trù kinh phí cho đợt tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo nội dung và tiến độ kế hoạch triển khai trong 2 năm 1997 - 1998 và chủ động phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện theo quy định tại Điều 4 của Quyết định số 355/TTg ngày 28 tháng 5 năm 1997.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này và định kỳ 3 tháng một lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật (theo địa chỉ 25A Cát Linh, Hà Nội)./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.