• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 07/06/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 25/11/2004
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 12/TTLB-LĐTBXH-TC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 7 tháng 6 năm 1996

THÔNG TƯ

CỦA LIÊN BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - TÀI CHÍNH

Hướng dẫn về chế độ trợ cấp đối với người được đưa vào cơ sở chữa bệnh theo Nghị định số 20/CP ngày 13/4/1996

của Chính phủ ban hành quy chế về cơ sở chữa bệnh theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6/7/1995

_______________________________________

 Thi hành Nghị định số 20/CP ngày 13/4/1996 của Chính phủ ban hành Qui chế về Cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 6 tháng 7 năm 1995; sau khi trao đổi ý kiến thống nhất với Bộ Y tế tại công văn số 3093/PC ngày 24/4/1996. Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính dẫn thực hiện một số điều về trợ cấp cho người nghiện ma túy, người mại dâm tại các Cơ sở chữa bệnh như sau:

 I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG:

1. Đối tượng và phạm vi áp dụng trợ cấp là đối tượng quy định tại Điều 3 của Qui chế về Cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6/7/1995.

2. Đối tượng và phạm vi không áp dụng là đối tượng quy định tại Điều 26 của Quy chế về Cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6/7/1995.

 II. MỨC TRỢ CẤP:

1. Trợ cấp tiền thuốc điều trị:

Người nghiện ma túy, người mại dâm được trợ cấp tiền thuốc điều trị như sau:

1.1. Người nghiện ma túy: 250.000đ/người cho cả đợt điều trị bao gồm: Tiền thuốc cắt cơn, thuốc chống rối loạn sinh học, thuốc cấp cứu, thuốc bổ (nếu cần) và chi phí xét nghiệm chất ma túy. (Trong đó tiền thuốc cắt cơn tối đa không quá 70.000đ/người cho cả đợt điều trị cắt cơn).

1.2. Người mại dâm: 80.000đ/người cho cả đợt điều trị bao gồm tiền thuốc chữa bệnh lây truyền qua đường sinh dục, thuốc thông thường và chi phí xét nghiệm (nếu cần).

2. Trợ cấp tiền học nghề:

Người nghiện ma túy, người mại dâm nếu chưa có nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp nhưng không phù hợp thì được hỗ trợ kinh phí học nghề là 240.000đ/người cho một khoá học. Kinh phí này chỉ hỗ trợ cho đối tượng một lần (lần đầu), không hỗ trợ cho những đối tượng vào Cơ sở chữa bệnh từ lần thứ hai trở đi.

3. Trợ cấp tiền mua sắm vật dụng cá nhân:

Người nghiện ma túy, người mại dâm có hoàn cảnh quá khó khăn khi mới đưa vào Cơ sở chữa bệnh được hỗ trợ để mua sắm vật dụng cá nhân thiết yếu là 50.000đ/người cho cả đợt.

4. Trợ cấp tiền ăn:

Người nghiện ma túy, người mại dâm phải thanh toán tiền ăn theo mức 84.000đ/tháng/người.

Trường hợp hoàn cảnh quá khó khăn được Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận hoặc vì điều kiện sức khoẻ, bệnh tật không có khả năng tham gia lao động hoặc lao động không đủ định mức thì được hỗ trợ tiền ăn trong 3 tháng đầu bằng 70% tiền lương tối thiểu (84.000đ/người/tháng), sau đó nếu chưa có nguồn thu nhập nào khác để đảm bảo đời sống thì được hỗ trợ tiền ăn trong 3 tháng tiếp theo bằng 50% tiền lương tối thiểu (60.000đ/người/tháng).

5. Chi phí Y tế:

5.1. Người nghiện ma túy, người mại dâm bị bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị của Cơ sở chữa bệnh được điều trị tại bệnh viện của Nhà nước, mọi chi phí y tế trong thời gian nằm viện đối tượng phải tự thanh toán. Trường hợp chi phí y tế quá lớn, vượt quá khả năng thanh toán của đối tượng, nếu đối tượng có đơn đề nghị được Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xét duyệt thì được hỗ trợ một phần chi phí y tế, nhưng không vượt quá 50% mức chi phí y tế mà đối tượng phải thanh toán. Trường hợp đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng thanh toán, có đơn đề nghị được Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xét duyệt thì được trợ cấp 100% cho chi phí y tế trong thời gian nằm viện.

Chi phí y tế bao gồm: Tiền thuốc chữa bệnh thông thường, viện phí (nếu có), nhưng mức chi phí tối đa không quá 500.000đ/người.

5.2. Trường hợp người nghiện ma túy, người mại dâm được đưa vào cơ sở chữa bệnh bị thương do tai nạn lao động thì Cơ sở chữa bệnh phải chịu trách nhiệm trả các khoản chi phí y tế từ sơ cứu cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật cho người bị tai nạn lao động. Kinh phí chi cho khoản này lấy từ quỹ lao động sản xuất của Cơ sở chữa bệnh.

6. Trợ cấp tiền ăn đường, tiền tàu xe:

Người nghiện ma túy, người mại dâm, sau khi chấp hành xong quyết định tại Cơ sở chữa bệnh có hoàn cảnh quá khó khăn hoặc không có thu nhập từ kết quả lao động tại Cơ sở chữa bệnh thì được Giám đốc Cơ sở chữa bệnh xét trợ cấp tiền ăn đường, tiền tàu xe để trở về quê hương hoặc nơi cư trú sinh sống, tái hòa nhập cộng đồng cụ thể như sau:

6.1. Trợ cấp tiền ăn đường: Mức trợ cấp được tính là 10.000đ/ngày. Số ngày được hưởng trợ cấp tính theo ngày đi đường của phương tiện giao thông thông thường (ôtô, tàu hỏa, ca nô) từ cơ sở chữa bệnh về nơi cư trú của đối tượng. Thời gian tối đa không quá 5 ngày.

6.2. Trợ cấp tiền tàu xe: mức trợ cấp được tính theo giá cước phương tiện vận tải thông thường của ngành giao thông vận tải quốc doanh quy định (ô tô, tàu hỏa, ca nô, tàu chạy ven biển). Trường hợp không có phương tiện giao thông của Nhà nước mà phải đi bằng các phương tiện giao thông vận tải của tư nhân thì được thanh toán bằng giá cước của một trong những loại phương tiện giao thông vận tải quốc doanh thông thường nhưng mức trợ cấp tối đa không quá 400.000đ/người (chỉ cấp một lượt về).

7. Chi phí mai táng:

Người nghiện ma túy, người mại dâm trong thời gian chấp hành quyết định tại Cơ sở chữa bệnh bị chết mà không có ai là thân nhân hoặc thân nhân không đến kịp hoặc chết do tai nạn lao động thì người lo chôn cất được trợ cấp tiền mai táng phí là 960.000đ/người.

 III. NGUỒN KINH PHÍ VÀ CẤP PHÁT, QUYẾT TOÁN KINH PHÍ:

1. Nguồn kinh phí:

Nguồn kinh phí đảm bảo các chế độ trợ cấp qui định tại điểm 1, 2, 3, 4, 5.1, 6, 7 Mục II do kinh phí Chương trình 05/CP, 06/CP đài thọ trong phạm vi kế hoạch được duyệt hàng năm cho các địa phương, bộ ngành tham gia chương trình và được quản lý sử dụng theo quy định tại Thông tư số 39/TT-LB ngày 15/5/1995 của Liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội và Thông tư số 78/TT-LB ngày 11/9/1994 của Liên Bộ Tài chính - Uỷ ban Dân tộc và Miền núi và các quy định hiện hành khác.

Các Cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm tổ chức lao động sản xuất, tạo việc làm cho người nghiện ma tuý, người mại dâm để phục hồi thể lực, chức năng lao động và đảm bảo đời sống. Đối với những Cơ sở chữa bệnh mới thành lập chưa ổn định hoạt động, chưa tạo được việc làm cho người nghiện ma tuý, người mại dâm chưa có nguồn thu để đảm bảo đời sống thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm văn bản trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ kinh phí trong giai đoạn đầu (thời gian tối đa không quá 3 năm).

2. Cấp phát và quyết toán kinh phí:

Các đơn vị được cấp kinh phí thuộc nguồn Chương trình 05/CP và 06/CP thực hiện theo qui định hiện hành của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Uỷ ban Dân tộc và Miền núi. Cuối mỗi năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính tổng hợp phần kinh phí này báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính.

 V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Hàng năm, căn cứ vào chế độ trợ cấp cho người nghiện ma tuý, người mại dâm và số lượng người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh và kế hoạch phòng, chống tệ nạn xã hội của địa phương, Cơ sở chữa bệnh lập kế hoạch kinh phí theo các nội dung chi và định mức chi báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Hàng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp và xây dựng kế hoạch phòng, chống tệ nạn xã hội trong đó có kế hoạch kinh phí cho các Cơ sở chữa bệnh báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương duyệt đưa vào kế hoạch kinh tế - Xã hội của địa phương, đồng thời gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính.

3. Các chương trình quốc gia (phòng chống tệ nạn ma tuý, phòng chống tệ nạn mại dâm), căn cứ vào mục tiêu chương trình và kế hoạch triển khai; đặc điểm tình hình tệ nạn xã hội và khả năng ngân sách ở địa phương để hỗ trợ nguồn kinh phí phòng, chống tệ nạn xã hội cho địa phương trong đó có kinh phí cho các Cơ sở chữa bệnh.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện có điều gì khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính xem xét, giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Thị Hằng

Tào Hữu Phùng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.