Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 19/2009/QĐ-UBND ngày 14/9/2009 của UBND tỉnh Nam Định ban hành Quy chế Quản lý chất lượng thi công xây dựng các Dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (BTO), Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT)

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

           

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chất lượng công trình xây dựng và Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao, Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh, Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao;

Căn cứ Quyết định số 02/2007/QĐ-UBND ngày 11 tháng 01 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định về việc phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Nam Định;

Căn cứ Quyết định số 19/2009/QĐ-UBND ngày 14/9/2009 của UBND tỉnh Nam Định ban hành Quy chế Quản lý chất lượng thi công xây dựng các Dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (BTO), Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT)

Xét đề nghị của Sở Xây dựng, tại Tờ trình số 44/TTr-SXD ngày 18 tháng 6 năm 2010 về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 19/2009/QĐ-UBND ngày 14/9/2009 của UBND tỉnh Nam Định ban hành Quy chế Quản lý chất lượng thi công xây dựng các Dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (BTO), Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT),

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 19/2009/QĐ-UBND ngày 14/9/2009 của UBND tỉnh Nam Định ban hành Quy chế Quản lý chất lượng thi công xây dựng các Dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (BTO), Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT), như sau:

1. Điều 1. Phạm vi áp dụng được sửa đổi như sau:

 Các nhà đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện Dự án theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT phải thực hiện theo Quy chế này.

2. Điều 2. Giải thích từ ngữ được sửa đổi như sau:

Theo Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (BTO), Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT), các từ ngữ trong Quy chế này được hiểu như sau:

1. Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là Hợp đồng BOT) là hợp đồng được ký giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Nhà Đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước Việt Nam.

2. Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (sau đây gọi tắt là Hợp đồng BTO) là hợp đồng được ký giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, Nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ dành cho Nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận.

3. Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là Hợp đồng BT) là hợp đồng được ký giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, Nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ tạo điều kiện cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho Nhà đầu tư theo thỏa thuận trong Hợp đồng BT.

4. Dự án là dự án thực hiện theo hình thức Hợp đồng BOT, Hợp đồng BTO và Hợp đồng BT, gồm Dự án quan trọng trong quốc gia và các Dự án còn lại được phân thành các Nhóm A, B và C theo quy định của pháp luật về xây dựng.

5. Dự án khác là một hoặc các dự án khác nhau được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển giao cho Nhà đầu tư thực hiện theo các điều kiện thỏa thuận trong Hợp đồng dự án.

6. Hợp đồng dự án là Hợp đồng BOT, Hợp đồng BTO, Hợp đồng BT theo quy định tương ứng tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và các tài liệu kèm theo.

7. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Đầu tư.

8. Doanh nghiệp BOT, Doanh nghiệp BTO, Doanh nghiệp BT (sau đây gọi chung là Doanh nghiệp dự án) là doanh nghiệp do Nhà đầu tư thành lập để thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý Công trình dự án và để thực hiện Dự án khác.

9. Báo cáo nghiên cứu khả thi (Dự án đầu tư xây dựng công trình) là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc bỏ vốn để thiết kế, xây dựng và vận hành, quản lý Công trình kết cấu hạ tầng theo hình thức Hợp đồng BOT, Hợp đồng BTO và Hợp đồng BT.

10. Công trình kết cấu hạ tầng là các công trình được khuyến khích thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP.

11. Công trình dự án là Công trình BOT, Công trình BTO và công trình BT.

3. Khoản 1, khoản 2 Điều 6 được sửa đổi như sau:

1. Lựa chọn các tổ chức, cá nhân có điều kiện năng lực theo quy định tại các Điều của Chương IV của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan để khảo sát xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, giám sát, thi công xây dựng công trình, thí nghiệm, kiểm định chất lượng công trình xây dựng. Chủ đầu tư được tự thực hiện các công việc nêu trên có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Doanh nghiệp dự án tự quản lý, giám sát hoặc thuê tổ chức tư vấn độc lập để quản lý, giám sát thi công xây dựng, nghiệm thu các hạng mục và toàn bộ công trình thiết kế đã thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và thỏa thuận tại Hợp đồng dự án.

4. Điểm e, khoản 7, Điều 13 được sửa đổi như sau:

e) Chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng phải lập báo cáo kinh tể kỹ thuật hoặc lập dự án đầu tư khi sửa chữa công trình theo đúng quy định của pháp luật để trình UBND tỉnh Nam Định phê duyệt. Nếu không đủ điều kiện năng lực, chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng phải thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực làm các công việc trên. Đối với công tác bảo trì theo cấp duy tu, bảo dưỡng thì chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng lập dự toán phù hợp với nguồn kinh phí bảo trì và được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt. Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công phải được Sở Xây dựng hoặc Sở quản lý chuyên ngành kiểm tra chấp thuận.

Điều 2. Điều khoản thi hành:

- Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

- Bãi bỏ nội dung Điều 1; Điều 2; Khoản 1, khoản 2 Điều 6; điểm e, khoản 7 Điều 13 của Quyết định số 19/2009/QĐ-UBDN ngày 14/9/2009 của UBND tỉnh Nam Định.

- Giao Sở Xây dựng hướng dẫn thực hiện quy định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các Sở, Ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, UBND thành phố Nam Định và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Tuấn