• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 09/11/2004
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 38/2004/CT-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 9 tháng 11 năm 2004

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ đối với đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức đến công tác ở các vùng dân tộc và miền núi nói riêng. Những cán bộ, công chức được điều động, biệt phái đến công tác ở vùng dân tộc, miền núi đã đoàn kết sát cánh cùng với đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương.

Tuy nhiên, đa số cán bộ, công chức đến công tác ở vùng dân tộc, miền núi còn gặp không ít khó khăn trong công tác cũng như trong sinh hoạt, mà một trong những nguyên nhân là không biết tiếng dân tộc thiểu số và chưa am hiểu phong tục tập quán, truyền thống văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Yêu cầu cấp bách của công tác quản lý và phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, quốc phòng đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức công tác ở các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số phải biết tiếng dân tộc để giao tiếp và sử dụng trong công tác.

Để việc học tiếng dân tộc thiểu số trở thành nhiệm vụ thường xuyên đối với cán bộ, công chức công tác tại vùng dân tộc, miền núi theo các quyết định số 253/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2003 và quyết định số 03/2004/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phải:

a) Quán triệt nâng cao nhận thức trong việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ công chức, đặc biệt là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, xã, công chức nhà nước, sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng công an, quân đội công tác ở các vùng dân tộc, miền núi. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và yêu cầu bắt buộc.

b) Xây dựng kế hoạch đào tạo tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với yêu cầu công tác cho những cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý làm việc thường xuyên trong các lĩnh vực liên quan tới nhiệm vụ tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc, quản lý dân cư, giữ gìn an ninh chính trị, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo ở vùng dân tộc, miền núi.

2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số:

a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức các cấp, các ngành đang và sẽ công tác ở vùng dân tộc, miền núi tại địa phương.

b) Đề xuất các thứ tiếng dân tộc cần đào tạo, bồi dưỡng ở địa phương và phối hợp với Bộ Nội vụ, Uỷ ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức việc biên soạn giáo trình, tài liệu tiếng dân tộc theo các trình độ, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu đào tạo đối với cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

c) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị lực lượng giáo viên giảng dạy tiếng dân tộc, chú trọng đối với giáo viên là người dân tộc thiểu số; nghiên cứu giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức cho các cơ sở đào tạo thuộc tỉnh quản lý.

d) Chủ động nghiên cứu ban hành và thực hiện các chế độ khuyến khích đối với người dạy và người học tiếng dân tộc thiểu số ở địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3. Bộ Nội vụ:

a) Sửa đổi, bổ sung những quy định hiện hành của pháp luật liên quan tới cán bộ, công chức như: tiêu chuẩn công chức dự bị, tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh, việc bổ nhiệm giữ chức vụ, nâng ngạch, gắn với tiêu chuẩn tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở các địa phương vùng dân tộc, miền núi; gắn quyền lợi với trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức Nhà nước.

b) Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban Dân tộc, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam quyết định việc lựa chọn các thứ tiếng dân tộc thiểu số để dạy cho cán bộ, công chức ở từng địa phương. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo : hướng dẫn các địa phương thực hiện việc biên soạn, thẩm định, ban hành giáo trình, tài liệu tiếng dân tộc thiểu số theo các trình độ khác nhau cho phù hợp đặc điểm, tình hình cụ thể các vùng, địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; hướng dẫn các địa phương có cùng đặc điểm dân tộc sử dụng chung giáo trình, tài liệu đã được biên soạn để tránh lãng phí. Phấn đấu đến cuối năm 2005 có đủ giáo trình, tài liệu đào tạo các thứ tiếng dân tộc thiểu số cần thiết trong cả nước để tổ chức thực hiện.

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, tổng hợp và xây dựng kế hoạch chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức ở các tỉnh miền núi, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để đưa vào kế hoạch chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo:

a) Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh vùng dân tộc, miền núi chịu trách nhiệm đào tạo giảng viên tiếng dân tộc làm nòng cốt để đào tạo, bồi dưỡng lực lượng giảng viên tiếng dân tộc thiểu số cho các địa phương.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Uỷ ban Dân tộc và các địa phương xây dựng chương trình khung về đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.

c) Quản lý thống nhất việc xây dựng và ban hành mẫu chứng chỉ đào tạo tiếng dân tộc thiểu số theo quy định hiện hành.

d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng chế độ, chính sách động viên đối với lực lượng giảng viên tiếng dân tộc thiểu số trình cấp có thẩm quyền quyết định

5. Bộ Tài chính:

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Nội vụ và các địa phương về nhu cầu kinh phí biên soạn giáo trình, tài liệu và kinh phí đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, căn cứ các quy định hiện hành, bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm cho các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện chỉ thị này; hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời chỉ đạo.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm triển khai thực hiện ngay những công việc thuộc nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả trong tổ chức thực hiện chỉ thị này; hàng năm gửi báo cáo về Bộ Nội vụ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.