Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Của Hội đồng Chính phủ số 224/CP ngày 29-5-1981
về tăng cường công tác tín dụng, tiền tệ,
thanh toán của Ngân hàng Nhà nước

 

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước thông qua công tác tiền tệ, tín dụng và thanh toán đã cố gắng góp phần bảo đảm vốn và tiền mặt cho các nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của các công tác nói trên còn thấp, công tác Ngân hàng Nhà nước chưa phát huy đầy đủ vai trò kiểm soát các hoạt động kinh tế thông qua quản lý đồng tiền.

Để khắc phục những thiếu sót trên, góp phần đẩy mạnh sản xuất và tiếp tục cải tiến công tác phân phối lưu thông, Hội đồng Chính phủ quyết định:

 

1. Về công tác tín dụng.

Các tổ chức kinh tế vay vốn ngân hàng phải bảo đảm có khối lượng và giá trị vật tư hàng hoá tương ứng. Việc đầu tư vốn tín dụng phải được kế hoạch hoá từ cơ sở, bảo đảm đem lại hiệu quả kinh tế, bảo đảm thu nợ đầy đủ và đúng hạn.

Các xí nghiệp và cơ quan quản lý ngành sản xuất có trách nhiệm chấn chỉnh tình hình tài chính xí nghiệp; Ngân hàng Nhà nước cần tác động thiết thực vào việc này, nhất thiết không cho vay các khoản vốn không đem lại hiệu quả kinh tế và các khoản vốn không thuộc đối tượng tín dụng.

Để khuyến khích, thúc đẩy các xí nghiệp quản lý và hoạt động tốt, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện chế độ phân biệt điều kiện tín dụng, thanh toán, phân biệt mức lãi suất khác nhau đối với các đơn vị kinh tế hoạt động tốt, xấu khác nhau.

Ngân hàng Nhà nước phải chủ động tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch kinh tế từ cơ sở và từ cấp huyện, qua đó, phát hiện những tiềm năng kinh tế cụ thể, giảm bớt nhu cầu vốn xã hội và góp phần nâng cao chất lượng kế hoạch.

Đối với các xí nghiệp quốc doanh, ngân hàng cần tập trung vốn bảo đảm sản xuất theo kế hoạch Nhà nước, đồng thời đáp ứng vốn cần thiết cho phần sản xuất tự làm và sản xuất phụ, giúp đỡ các xí nghiệp thực hiện tốt cả ba phần kế hoạch, kịp thời phát hiện và ngăn chặn khuynh hướng coi nhẹ kế hoạch sản xuất chính, nặng về kế hoạch tự làm và kế hoạch sản xuất phụ hoặc lấy vật tư của kế hoạch sản xuất chính để chuyển vào làm kế hoạch tự làm và kế hoạch sản xuất phụ.

Đối với kinh tế tập thể, khi cho vay vốn, ngân hàng phải kiểm tra việc sử dụng vốn đúng mục đích, tạo điều kiện cho hợp tác xã và tập đoàn sản xuất đẩy mạnh sản xuất, làm tốt nghĩa vụ bán sản phẩm, nộp thuế và trả nợ cho Nhà nước, đồng thời tăng thu nhập cho xã viên, có tích luỹ cho hợp tác xã và tập đoàn sản xuất.

Đối với hộ sản xuất cá thể, có điều kiện đẩy mạnh sản xuất nhưng thực sự thiếu vốn, ngân hàng có thể xét cho vay mua sắn vật liệu sản xuất nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm người vay vốn thực sự dùng vào việc sản xuất, tạo ra sản phẩm, bảo đảm người vay vốn thực sự dùng vào sản xuất, tạo ra sản phẩm, bảo đảm nộp thuế, bán sản phẩm cho Nhà nước và trả nợ đầy đủ, đúng hạn.

Thông qua hoạt động tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cần phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp không thực hiện đúng đắn các quyết định số 25-CP và 64-CP của Hội đồng Chính phủ. Đối với các tổ chức kinh tế nào không giao nộp sản phẩm theo đúng chế độ quy định hoặc để quá hạn, thì ngân hàng được phép áp dụng cho vay và nếu cần thiết, thì phải truy tố trước toà án những người cố tình dây dưa nợ Nhà nước và những người phụ trách quản lý các xí nghiệp, các tổ chức kinh tế vì thiếu trách nhiệm để thất thoát tài sản Nhà nước và không trả được nợ ngân hàng.

2. Về công tác thanh toán.

Các xí nghiệp, tổ chức kinh tế quốc doanh, hợp tác xã và hộ tư nhân sản xuất kinh doanh phải mở tài khoản tiền gửi và thực hiện đúng chế độ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước; phải tổ chức tốt nguồn tài chính của mình để bảo đảm khả năng thanh toán nợ sòng phẳng, kịp thời.

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, thúc đẩy các tổ chức kinh tế nhanh chóng giải quyết các khoản nợ dây dưa cũ, không để chiếm dụng vốn lẫn nhau và có biện pháp ngăn ngừa công nợ dây dưa mới phát sinh.

Trong quá trình thực hiện chức năng thanh toán, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ kiểm soát việc thi hành các hợp đồng kinh tế ký kết giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Nếu phát hiện các vụ vi phạm, ngân hàng phải thông báo ngay cho cấp chủ quản hoặc Hội đồng trong tài kinh tế để xử lý, buộc bên vi phạm phải bồi thường bằng tiền hoặc cho bên bị thiệt hại đối với các trường hợp chậm trả. Ngược lại, nếu Ngân hàng làm chậm trễ việc thanh toán, gây thiệt hại cho khách hàng thì Ngân hàng Nhà nước cũng phai chịu phạt tiền.

3. Về quản lý tiền mặt

Tất cả các cơ quan Nhà nước, xí nghiệp quốc doanh, các tổ chức kinh tế tập thể và cá thể đã đăng ký tài khoản ở ngân hàng phải nộp hết số tiền mặt tồn quỹ vượt định mức vào ngân hàng.

Các đơn vị có tài khoản ở ngân hàng không được thanh toán với nhay bằng tiền mặt trên mức quy định và không được mang tiền mặt trên mức quy định từ địa phương này sang địa phương khác để mua vật tư, hàng hoá, mà phải chuyển tiền qua ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước sau khi đã chấp nhận kế hoạch tiền mặt của các ngành, các đơn vị, phải đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tiền mặt cần thiết cho sản xuất, phân phối, lưu thông; trước hết phải bảo đảm chi trả lương, phụ cấp, trả tiền gửi tiết kiệm và chi thu mua, phải không ngừng cải tiến nghiệp vụ điều hoà lưu thông tiền tệ trong từng khu vực và trong cả nước, cải tiến nghiệp vụ thu chi tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng và bảo đảm an toàn tài sản của Nhà nước. Phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các tổ chức kinh tế, các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các kế hoạch thu chi tiền mặt, chấp hành đúng các chính sách, chế độ, thể lệ về quản lý tiền mặt, ngoại tệ, vàng, bạc của Nhà nước.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành chế độ và kỷ luật phát hành tiền của Nhà nước.

Trong bất kỳ trường hợp nào các tỉnh, thành phố, đặc khu cũng không có quyền ra lệnh cho ngân hàng địa phương xuất kho phát hành của trung ương để tại địa phương.

4. Ngân hàng Nhà nước cần thường xuyên kiểm soát chi tiêu quỹ tiền lương, tiền thường của các tổ chức kinh tế quốc doanh, bảo đảm mức tiền lương chi ra phù hợp với mức độ hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phù hợp với khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành, bảo đảm quan hệ hợp lý giữa ba mặt lợi ích.

Tất cả các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể và tổ chức xã hội, đều phải thực hiện đúng kế hoạch biên chế và kế hoạch quỹ tiền lương được cấp có thẩm quyền duyệt.

Ngân hàng Nhà nước ở các cấp cần thường xuyên phân tích tình hình chi tiền lương, tiền thưởng của các đơn vị, thông báo kịp thời các trường hợp vi phạm cho các cơ quan chủ quản, nếu có những trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để xử lý. Ngân hàng có quyền không cấp phát số tiền trả lương không đúng chế độ và không theo đúng kế hoạch đã duyệt.

5. Về mặt tổ chức.

Ngân hàng Nhà nước cần rấp rút cải tiến tổ chức, sắp xếp, bố trí cán bộ hợp lý, mở rộng mạng lưới hoạt động đến các vùng kinh tế tập trung, tăng cường cán bộ cho các quận, huyện trọng điểm (chú ý các tỉnh miền Nam), cải tiến phương thức điều hành hoạt động và lề lối làm việc của ngân hàng các cấp theo nguyên tắc tập trung thống nhất và hạch toán toàn ngành. Chú trọng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân hàng để đủ sức thực hiện tốt chức năng kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động kinh tế tài chính của các ngành, các địa phương, các đơn vị kinh tế.

Để chuyên môn hoá cán bộ ngân hàng, Uỷ ban nhân dân địa phương khống được điều chuyển cán bộ chủ chốt của ngành ngân hàng sang lĩnh vực công tác khác.

Hội đồng Chính phủ

Phó Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Tố Hữu