THÔNG TƯ LIÊN BỘ
Về trách nhiệm trong công tác quản lý phát hành công trái xây dựng tổ quốc.
________________________
Tại điều 9 Nghị định số 145/HĐBT ngày 6/12/1983 về việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc, Hội đồng Bộ trưởng giao cho Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước những nhiệm vụ sau đây:
" .... Bộ Tài chính là cơ quan thống nhất quản lý việc phát hành công trái, có trách nhiệm lập kế hoạch phát hành và kế hoạch thanh toán công trái, quy định chế độ quản lý công trái và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. Cơ quan Tài chính tỉnh, huyện giúp Uỷ ban Nhân dân cung cấp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc phát hành và thanh toán công trái.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm in, bảo quản và phát hành phiếu công trái; tổ chức và chỉ đạo toàn ngành làm các nhiệm vụ bán phiếu công trái, ghi chép và bảo quản hồ sơ, chứng từ về công trái, quyết toán khoản thu về công trái với Ngân sách Trung ương, thanh toán các phiếu công trái đến hạn thanh toán ....'.
Căn cứ vào qui định của Hội đồng Bộ trưởng, và thông báo số 507/V13 ngày 15/7/1987 của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Liên Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của mỗi ngành trong công tác phát hành công trái xây dựng Tổ quốc như sau:
A/ ĐỐI VỚI CƠ QUAN TÀI CHÍNH
- Bộ Tài chính:
1/ Nghiên cứu, xây dựng và trình Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách huy động công trái và phát hành công trái thống nhất trong cả nước phù hợp với tình hình kinh tế tài chính của đất nước. Đồng thời tổ chức hướng dẫn, kiểm tra đảm bảo thực hiện đúng đắn, có hiệu quả.
2/ Xây dựng kế hoạch phát hành công trái trong cả nước ( bao gồm kế hoạch in và phân phối phiếu công trái, kế hoạch thu, chi về phát hành công trái ...).
Dự án kế hoạch thu công trái phải được gửi đến Ngân hàng Nhà nước Việt nam, Uỷ ban Trung ươNghị định vận động mua công trái, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu lấy ý kiến tham gia và tổng hợp trình Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt; và theo sự uỷ nhiệm của Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Tài chính thông báo chỉ tiêu thu công trái đến các địa phương để tổ chức thực hiện.
Cùng Ngân hàng Nhà nước tính toán các nhu cầu vật tư phục vụ cho việc in phiếu và phân phối phiếu công trái đến các địa phương để Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch đề nghị các cơ quan Nhà nước hữu quan đảm bảo.
Phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và các ngành liên quan lập kế hoạch quỹ hàng hoá và kế hoạch Tài chính để trả nợ các công trái đến hạn thanh toán.
3/ Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Tài chính các cấp trong việc quản lý phát hành công trái xây dựng Tổ quốc; hướng dẫn các Sở Tài chính, tỉnh, thành phố, đặc khu phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, với Uỷ ban Vận động công trái cùng cấp thực hiện chỉ tiêu thu công trái được giao; xây dựng kế hoạch phân phối phiếu công trái, kế hoạch thu chi Tài chính về công trái cho các quận, huyện, thị xã, thị trấn; hướng dẫn phòng Tài chính các quận, huyện, thị xã, thị trấn phối hợp với Ngân hàng và Uỷ ban vận động cùng cấp triển khai thực hiện chỉ tiêu thu công trái, kế hoạch phân phối phiếu công trái về các phường, xã.
4/ Trong quá trình thực hiện phát hành công trái, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chực việc theo dõi, nắm chắc tình hình phiếu công trái xuất nhập kho, bán thu tiền và tồn kho để có kế hoạch điều hoà kịp thời giữa nơi thừa và nơi thiếu, đôn đốc nộp kịp thời số tiền thu công trái vào ngân sách.
Kết thúc mỗi đợt phát hành công trái, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các ngành liên quan tổng hợp báo cáo lên cấp trên; hướng dẫn các Sở Tài chính tỉnh, thành phố đặc khu cùng với Ngân hàng Nhà nước đồng cấp thống nhất việc tổ chức thực hiện chế độ thông tin báo cáo về kết quả thu công trái, tình hình xuất nhập phiếu và giao nộp tiền vào ngân sách.
- Các Sở Tài chính tỉnh, thành phố, đặc khu:
1/ Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các ngành liên quan tính toán trình Uỷ ban Nhân dân kế hoạch phát hành và thu công trái sát với đặc điểm và tình hình thực tế ở địa phương và góp ý kiến vào sổ kiểm tra của Bộ Tài chính đưa xuống. Sau khi có kế hoạch chính thức của Hội đồng Bộ trưởng giao, phải tính toán và giao kế hoạch phát hành cho cấp huyện, quận; đồng thời làm tham mưu cho cấp ủy, Uỷ ban Nhân dân và Uỷ ban vận động về kế hoạch và biện pháp thực hiện chỉ đạo thực hiện. Bàn bạc với cơ quan kế hoạch ở địa phương việc sử dụng số tiền thu công trái dành cho Ngân sách địa phương vào việc đầu tư các công trình sản xuất theo kế hoạch Nhà nước và báo cáo cho Uỷ ban Trung ương vận động mua công trái và Bộ Tài chính.
2/ Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc tổ chức phát hành công trái ở địa phương.
Nắm chắc kế hoạch và số lượng các hạng phiếu công trái Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính phân về địa phương từng lần, từng đợt để cùng với cơ quan Ngân hàng tổ chức tốt công tác phát hành và điều hoà phiếu công trái về các quận, huyện.
Đôn đốc các Ngân hàng và các đơn vị bán phiếu thu tiền nộp kịp thời vào ngân sách, không để ứ đọng tiền ở nơi bán phiếu và ở cơ quan Ngân hàng.
Trong từng đợt phát hành công trái cần tổ chức đối soát, xác minh số lượng các hạng phiếu công trái đã đưa về địa phương, số lượng các hạng phiếu đã bán thu tiền và số lượng các hạng phiếu còn tồn kho sau đợt phát hành khớp đúng giữa Ngân hàng, Tài chính và các ngành liên quan, giữa sổ sách và kho quỹ. Đó là cơ sở để thanh toán nợ dân khi đến hạn trả.
Đối với các hạng phiếu công trái còn tồn kho khi kiểm tra có thừa hoặc thiếu so với sổ sách thì cần phân loại, xác minh nguyên nhân, trách nhiệm, có biện pháp xử lý kịp thời và báo cáo cho Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương biết.
3/ Căn cứ vào kế hoạch hoạt động và phát hành công trái ở địa phương, căn cứ vào quy định của Bộ Tài chính về chế độ chi tiêu và chế độ phân cấp quản lý tài chính, xây dựng và trình uỷ ban Nhân dân duyệt dự toán chi cho công tác vận động và phát hành công trái ở địa phương; đồng thời tổ chức cấp phát kịp thời để tạo điều kiện về tài chính cần thiết góp phần đảm bảo cuộc vận động tiến hành đạt kết quả cao. Cuối mỗi đợt và mỗi năm kịp thời xét duyệt quyết toán cho đơn vị và báo cáo cho các cơ quan chức năng của Nhà nước.
B/ ĐỐI VỚI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
1/ Hàng năm hoặc từng đợt phát hành công trái xây dựng Tổ quốc, Ngân hàng Trung ương góp ý kiến với Bộ Tài chính về kế hoạch in phiếu và phát hành công trái xây dựng Tổ quốc; Căn cứ vào kế hoạch phát hành công trái và kế hoạch in các hạng phiếu công trái do Bộ Tài chính gửi đến Ngân hàng Trung ương chỉ đạo các đơn vị trong ngành hoàn thành các công việc cụ thể như sau:
- Vẽ mẫu và chế bản các hạng phiếu công trái.
- Lập kế hoạch xin chỉ tiêu vật tư chuyên dùng phục vụ in phiếu công trái; phân phối, vận chuyển phiếu công trái cho các địa phương.
- Lập kế hoạch và chỉ đạo các xí nghiệp in phiếu công trái đúng các hạng phiếu đảm bảo số lượng, chất lượng và thời hạn; căn cứ vào kế hoạch đã bàn bạc thống nhất với Bộ Tài chính, tổ chức đưa phiếu về các tỉnh, thành phố, đặc khu trước ngày phát động.
- Lập kế hoạch chi tiêu Tài chính và gửi đến Bộ Tài chính để làm căn cứ cấp phát kinh phí theo các nội dung chi như: tiền công và mẫu phiếu, tiền chế bản, tiền giấy in phiếu, tiền công in phiếu, tiền giấy bao gói và chi về nghiệp vụ phát hành của Ngân hàng Nhà nước được ấn định bằng 1,5% số tiền thu công trái thực nộp vào Ngân sách ( bao gồm cả Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương ).
Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Trung ương hướng dẫn chế độ chi tiêu về công tác phát hành công trái trong ngành Ngân hàng.
2/ Tổ chức chỉ đạo chặt chẽ việc bán phiếu công trái, thu tiền, nộp tiền kịp thời vào ngân sách; ghi chép sổ sách, bảo quản chứng từ chu đáo và thanh quyết toán kịp thời với Bộ Tài chính và Sở Tài chính tỉnh, thành phố, đặc khu về phiếu phát hành và tiền thu của từng đợt phát hành công trái; về chi phí trong công tác phát hành công trái. Sau mỗi đợt, Ngân hàng cần tổng hợp số liệu, tình hình và tổ chức rút kinh nghiệm, bổ sung cho các nghiệp vụ phát hành công trái trong ngành, báo cáo cho Hội đồng Bộ trởng, Uỷ ban Trung ương vận động mua công trái và đồng gửi cho Bộ Tài chính.
3/ Chế độ kế toán và thông tin báo cáo.
Ngân hành Nhà nước tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn ngành việc hạch toán phát hành công trái theo chế độ kế toán công trái do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Chế độ kế toán công trái được hướng dẫn và quy định cụ thể và chi tiết từng nghiệp vụ kinh tế phát sinh như : tiếp nhận, bảo quản và phân phối phiếu công trái, bán phiếu công trái thutiền; trả phiếu công trái đến hạn; chuyển quyền sở hữu phiếu công trái; quản lý việc báo mất phiếu công trái; đồng thời phối hợp với cơ quan Tài chính xây dựng chế độ thông tin kịp thời về kết quả bán phiếu công trái theo từng đối tượng mua công trái và từng hạng phiếu công trái đã phát hành vào các đối tượng và thành phần dân cư.
Căn cứ vào các quy định trên, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Trung ương có văn bản hướng dẫn cụ thể trong ngành mình. Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc gì, đề nghị các cơ quan Tài chính và Ngân hàng địa phương phản ánh về Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để bàn bạc, hướng dẫn thống nhất cách giải quyết./.