QUYẾT ĐỊNH
Về việc tổ chức bắn pháo hoa nhân dịp Tết Nguyên đán, một số ngày kỷ niệm của đất nước, của các địa phương và các ngày hội văn hoá, du lịch, thể thao
_______________________________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001.
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Tổ chức bắn pháo hoa nhân dịp Tết Nguyên đán, một số ngày kỷ niệm của đất nước, của các địa phương như sau:
1. Tổ chức bắn pháo hoa hằng năm:
a) Tết Nguyên đán:
- Bắn pháo hoa tầm cao, thời lượng 15 phút ở 05 điểm tại Thủ đô Hà Nội, 04 điểm tại thành phố Hồ Chí Minh và 02 điểm tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ;
- Bắn pháo hoa tầm thấp, thời lượng 15 phút ở 02 điểm tại các tỉnh còn lại;
- Thời điểm bắn pháo hoa: từ 0 giờ đến 0 giờ 15 phút ngày mồng Một Tết Nguyên đán.
b) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10 tháng Ba âm lịch):
- Bắn pháo hoa tầm thấp, thời lượng 15 phút ở 02 điểm tại Đền Hùng và thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ;
- Thời điểm bắn pháo hoa: từ 21 giờ đến 21 giờ 15 phút ngày 09 tháng Ba âm lịch.
2. Tổ chức bắn pháo hoa 5 năm 1 lần vào năm tròn 5, chẵn 10:
a) Ngày Quốc khánh (ngày 2 tháng 9):
- Bắn pháo hoa tầm cao, thời lượng 15 phút ở 05 điểm tại Thủ đô Hà Nội, 04 điểm tại thành phố Hồ Chí Minh và 02 điểm tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ;
- Bắn pháo hoa tầm thấp, thời lượng 15 phút ở 02 điểm tại các tỉnh còn lại;
- Thời điểm bắn pháo hoa: từ 21 giờ đến 21 giờ 15 phút ngày 2 tháng 9.
b) Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 7 tháng 5):
- Bắn pháo hoa tầm thấp, thời lượng 15 phút ở 02 điểm tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên;
- Thời điểm bắn pháo hoa: từ 21 giờ đến 21 giờ 15 phút ngày 7 tháng 5.
c) Ngày Chiến thắng - Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (ngày 30 tháng 4):
- Bắn pháo hoa tầm cao, thời lượng 15 phút ở 05 điểm tại Thủ đô Hà Nội, 04 điểm tại thành phố Hồ Chí Minh;
- Thời điểm bắn pháo hoa: từ 21 giờ đến 21 giờ 15 phút ngày 30 tháng 4.
3. Tổ chức bắn pháo hoa 10 năm 1 lần vào năm chẵn 10:
Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Quảng Trị trở vào.
- Bắn pháo hoa tầm cao, thời lượng 15 phút ở 02 điểm tại Thủ đô Hà Nội, 01 điểm tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ;
- Bắn pháo hoa tầm thấp, thời lượng 15 phút ở 01 điểm tại các tỉnh khác từ Quảng Trị trở vào;
- Thời điểm bắn pháo hoa: từ 21 giờ đến 21 giờ 15 phút đúng vào ngày giải phóng địa phương mình.
4. Hình thức, số lượng pháo hoa được bắn:
a) Pháo hoa tầm cao: mỗi điểm bắn 500 quả đạn pháo hoa;
b) Pháo hoa tầm thấp: mỗi điểm bắn 45 dàn pháo hoa.
Điều 2. Tổ chức bắn pháo hoa nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (10 năm 01 lần vào năm chẵn 10) và ngày hội văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, khu vực và quốc tế như sau:
1. Thủ tục đăng ký thực hiện:
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhu cầu tổ chức bắn pháo hoa nhân các sự kiện trên, phải có văn bản đăng ký với Bộ Văn hoá - Thông tin trước 45 ngày. Nội dung văn bản đăng ký nêu rõ hình thức, số lượng, số điểm, thời gian, thời lượng và địa điểm dự kiến bắn pháo hoa.
Trong thời gian 07 ngày (ngày làm việc) kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký bắn pháo hoa của các địa phương, Bộ Văn hoá - Thông tin nghiên cứu, có ý kiến rõ ràng đối với từng trường hợp cụ thể (nên bắn hay không nên bắn pháo hoa) và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Nguyên tắc thực hiện:
a) Việc tổ chức bắn pháo hoa quy định tại Điều này phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép;
b) Hình thức, số lượng pháo hoa được bắn nhân các sự kiện quy định tại Điều 2 thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 Quyết định này;
c) Kinh phí cho việc tổ chức bắn pháo hoa quy định tại Điều này do địa phương tự thu xếp, không sử dụng từ ngân sách nhà nước.
Điều 3. Quản lý nhà nước về tổ chức sản xuất, tàng trữ, vận chuyển và bắn pháo hoa trong toàn quốc
1. Nhà nước thống nhất quản lý tổ chức sản xuất, tàng trữ, vận chuyển và bắn pháo hoa trong phạm vi cả nước.
2. Việc tổ chức sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bắn pháo hoa (tầm cao và tầm thấp) phải bảo đảm an toàn, tiết kiệm, đạt chất lượng nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân.
3. Nghiêm cấm sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng các loại pháo khác.
Điều 4. Phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Bộ Văn hoá - Thông tin:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức hướng dẫn thực hiện Quyết định này;
b) Theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện bắn pháo hoa của các địa phương để rút kinh nghiệm, tổng hợp tình hình, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức bắn pháo hoa;
c) Tiếp nhận văn bản đăng ký bắn pháo hoa và thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định này, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Bộ Quốc phòng:
a) Là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm sản xuất đạn pháo hoa và khí tài; tàng trữ, vận chuyển; tổ chức chỉ huy, huấn luyện kỹ thuật bắn pháo hoa trong cả nước;
b) Căn cứ vào kế hoạch bắn pháo hoa của các địa phương, chủ động tổ chức sản xuất an toàn các loại pháo hoa, bảo đảm chất lượng, số lượng, giá thành hợp lý;
c) Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị quốc phòng có liên quan chuẩn bị nhân lực, phương tiện kỹ thuật, khí tài phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc tổ chức bắn pháo hoa theo đúng quy định và thanh quyết toán kinh phí với từng địa phương được tổ chức bắn pháo hoa;
d) Cấp giấy phép vận chuyển pháo hoa và khí tài bắn pháo hoa.
3. Bộ Tài chính: hướng dẫn việc sử dụng ngân sách của địa phương và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác (ngoài ngân sách nhà nước) để tổ chức bắn pháo hoa theo quy định tại Quyết định này.
4. Bộ Công an: chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức bảo đảm tốt an ninh, trật tự trong quá trình bắn pháo hoa, thực hiện các biện pháp nghiêm cấm đốt pháo nổ và các loại pháo khác gây mất trật tự, an ninh và ô nhiễm môi trường.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt việc bắn pháo hoa, bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn và tiết kiệm;
b) Bảo đảm kinh phí cho việc tổ chức bắn pháo hoa tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật hiện hành;
c) Chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ và thực hiện đúng quy định về hình thức pháo hoa được bắn, số lượng, số điểm, thời gian, thời lượng và địa điểm tổ chức bắn pháo hoa. Thông báo kết quả thực hiện với Bộ Văn hoá - Thông tin để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
d) Trường hợp muốn thay đổi hình thức pháo hoa được bắn, số lượng, số điểm, thời gian, thời lượng và địa điểm tổ chức bắn pháo hoa khác với quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 1 Quyết định này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý, địa phương mới được phép tổ chức thực hiện.
6. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam: tổ chức thông báo và truyền hình, tường thuật trực tiếp các cuộc bắn pháo hoa quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 1 Quyết định này để phục vụ nhân dân trong cả nước.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Quyết định này thay thế Quyết định số 23/2002/QĐ-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2002 về việc tổ chức bắn pháo hoa nhân dịp Tết Nguyên đán và một số ngày kỷ niệm của đất nước và Quyết định số 225/2003/QĐ-TTg ngày 05 tháng 11 năm 2003 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2002/QĐ-TTg.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin kiểm tra và xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nếu có vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.