THÔNG TƯ LIÊN BỘ
Về việc khoá sổ thu chi ngân sách Nhà nước cuối năm 1976.
____________________________
Ngân sách Nhà nước năm 1976 là Ngân sách năm đầu trong kế hoạch 5 năm 1976-1980 và là ngân sách thống nhất đầu tiên cả nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong điều kiện tạm thời còn lưu hành hai đồng tiền khác nhau giữa hai miền. Bộ máy tổ chức thực hiện Ngân sách được phát triển nhưng chưa được kiện toàn; bên cạnh những đơn vị có kinh nghiệm quản lý Ngân sách quy nhiều năm, còn có số lớn đơn vị, địa phương mới tiến hành lần đầu nên không khỏi có những khó khăn nhất định.
Với những đặc điểm trên đây, với yêu cầu tổ chức thực hiện vượt mức nhiệm vụ thu chi Ngân sách Nhà nước năm 1976, công việc khoá sổ thu chi Ngân sách cuối năm càng cần phải có sự hướng dẫn, tổ chức chu đáo trong cả nước; để góp phần kết thúc thắng lợi Ngân sách Nhà nước năm 1976, Liên Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước quy định những thủ tục và biện pháp khoá số thu chi Ngân sách cuối năm trong cả nước như sau:
I. Ý NGHĨA, TÁC DỤNG VÀ PHẠM VI ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH.
Khóa sổ thu chi Ngân sách Nhà nước cuối năm là một chế độ, kỹ thuật tài chính, không đơn thuần chỉ là thủ tục hành chính sự vụ kế toán, mà còn có tác dụng tích cực đối với việc hoàn thành nhiệm vụ thu chi Ngân sách, thúc đẩy sản xuất, cải tiến quản lý. Tất cả các Bộ, các ngành, các cơ quan xí nghiệp và các tổ chức khác của Nhà nước, thông qua khoá sổ để xác minh lại nguồn vốn, nguồn kinh phí của đơn vị mình, xem xét lại mức độ thực hiện nghĩa vụ thu chi Ngân sách đã được Nhà nước giao cho, và phải có biện pháp tích cực đẩy mạnh việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức nghĩa vụ có trong những ngày tháng cuối năm.
Làm tốt việc khoá sổ thu chi Ngân sách, còn tạo điều kiện cho cơ quan đơn vị quyết toán được chính xác số thu, số chi Ngân sách Nhà nước, phản ánh trung thực hiệu quả đồng vốn của đơn vị mình để nâng cao chất lượng quản lý trong năm 1977.
Công việc khoá sổ thu chi Ngân sách Nhà nước năm 1976, tuy thực hiện tại tất cả các Chi nhánh nghiệp vụ Ngân hàng Nhà nước nội địa và Ngân hàng ngoại thương Việt Nam, nhưng tất cả các ngành, các cấp, các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị dự toán đều có trách nhiệm hoàn thành đầy đủ tất cả mọi việc trước khi Ngân hàng khoá sổ: nội hết, nộp đủ tất cả các khoản thu của Ngân sách năm 1976 vào Ngân hàng trước ngày giờ khoá sổ; sắp xếp tổ chức thực hiện những khoản chi cần thiết trước khi hết năm 1976 nhưng không “chi vét”, không “chạy vốn”; phải khoá sổ thu chi Ngân sách tại cơ quan, xí nghiệp, đơn vị mình khớp đúng với Ngân hàng Nhà nước cơ sở về số liệu và thời điểm.
II. CÔNG VIỆC CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC KHOÁ SỔ CUỐI NĂM.
A. Thanh toán thu nộp Ngân sách.
Tất cả các ngành, các cấp, các cơ quan đơn vị đều phải đảm bảo nghĩa vụ thu nộp cho Ngân sách Nhà nước. Cho nên, trước khi Ngân hàng Nhà nước các cấp khoá sổ thu chi Ngân sách năm 1976, các đơn vị, cơ quan, xí nghiệp phải tích cực chuẩn bị để thực hiện đầy đủ những công việc cụ thể sau đây:
1. Tất cả các khoản thu thuộc Ngân sách Nhà nước năm 1976, kể cả lợi nhuận vượt kế hoạch của các xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh, phải nộp hết, nộp đủ vào kho bạc chậm nhất là trong ngày 31/12/1976. Nếu nộp sau ngày đó, đều coi là nộp cho năm 1977 và không được tính vào thành tích nộp tích luỹ cho Nhà nước năm 1976 khi xét duyệt hoàn thành kế hoạch năm 1976.
Ngay từ đầu quý IV và chậm nhất là đầu tháng 12 năm 1976 các Bộ, các ngành phải chủ động tính toán, giao nhiệm vụ thu nộp cụ thể cho từng xí nghiệp, từng đơn vị cấp dưới, có biện pháp theo dõi, kiểm tra nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu nộp cho Nhà nước trong năm 1976. Mỗi khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới đóng ở địa phương nào, cần báo cho cơ quan Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nơi đó biết để cùng phối hợp đôn đốc thực hiện.
Từng đơn vị thu nộp, phải tự mình soát lại số đã nộp Ngân sách năm 1976 và khẩn trương nộp hết số còn thiếu, kể cả lợi nhuận vượt kế hoạch nếu có, bảo đảm vào Ngân sách trước ngày 31/12/1976.
Phải hết sức tránh không để xảy ra tình trạng do không tính toán cụ thể mà nộp quá mức phải nộp. Trường hợp cố tình nộp quá mức để được xét duyệt công nhận hoàn thành kế hoạch và giải quyết các quyền lợi về trích quỹ xí nghiệp rồi sau lại đề nghị điều chỉnh thì coi như vi phạm kỷ luật tài chính.
2. Tất cả cơ quan, xí nghiệp, đơn vị nào, ngành nào, địa phương nào, còn giữ các quỹ riêng, quỹ trái phép thì bất luận nguồn gốc loại vốn đó ở đâu, trong dịp chuẩn bị khoá sổ này, phải kê khai với cơ quan Tài chính nộp hết vào Ngân sách năm 1976.
3. Các phòng, trạm, các uỷ nhiệm thu thuế, các cửa hàng thương nghiệp ở các thành phố, thị xã, thị trấn - do đặc điểm có thu tiền thuế hoặc tiền bán hàng sau ngày giờ khoá sổ của Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn thuộc Ngân sách năm 1976 thì đơn vị phải bàn bạc trước với Ngân hàng Nhà nước cơ sở nơi giao dịch về thu nộp, để tổ chức thu nhận những số tiền này trong ngay hôm sau, mà vẫn hạch toán vào khoản nộp của năm 1976.
4. Ngân hàng Nhà nước cơ sở phải bố trí cán bộ, huy động mọi lực lượng có thể được, chuẩn bị đầy đủ để đảm bảo thu nhanh, thu hết, hạch toán kịp thời vào Ngân sách. Đặc biệt ở những nơi có nhiều nguồn thu như thành phố Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố và thị xã khác, Ngân hàng Nhà nước phải tổ chức thu nhận chu đáo, nhất thiết không để số thu nộp của năm 1976 phải chuyển sang năm sau. Nếu có đơn vị thu nộp số tiền mặt quá lớn, không đến nhận kịp trong giờ hành chính ngày 31 tháng 12 năm 1976 thì Ngân hàng Nhà nước cơ sở, căn cứ vào giấy nộp tiền, mà ghi thu cho năm 1976, còn tiền mặt thì tổ chức niêm phong, có chữ ký của hai bên (bên nộp và bên nhận) rồi sẽ đếm tiếp trong các ngày sau. Khi tổ chức đếm, Ngân hàng Nhà nước phải báo cho đơn vị có tiền nộp chứng kiến kết quả.
5. Đối với các khoản tạm thu, thu chưa phân tích khoản, hạng, thu ngoài Ngân sách, các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp và các đơn vị có thu nộp những khoản đó để điều chỉnh hết vào các khoản, hạng chính thức thuộc Ngân sách năm 1976 trước ngày giờ khoá sổ cuối năm.
Đến thời hạn khoá sổ, nếu còn sót lại số tiền nào chưa điều chỉnh thì Chi nhánh ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố thống nhất với Sở Ty tài chính lập chứng từ điều chỉnh vào khoản “thu khác” thuộc Ngân sách năm 1976.
B. Thanh toán các khoản chi Ngân sách.
Việc thanh toán chi tiêu cuối năm 1976 phải nhằm đạt yêu cầu ngăn cấm tình trạng “ tranh thủ chi hết dự toán”, “chạy vốn” vào cuối năm, đồng thời đối với những việc cần thiết phải chi tiêu, thì bố trí kịp thời, sao cho khoản chi được thực hiện và được thanh toán, quyết toán vào Ngân sách năm 1976
Để đạt yêu cầu này, phải chuẩn bị sớm các việc sau đây:
1. Cơ quan Tài chín định ngày đình chỉ phê chuẩn hạn mức, duyệt dự toán, cơ quan Ngân hàng Nhà nước đình chỉ việc phân phối hạn mức, chuyển kinh phí năm 1976:
a/ Thời hạn đình chỉ: Thời hạn đình chỉ những việc nói trên được ấn định căn cứ vào thời gian luân chuyển giấy tờ từ nơi phê chuẩn hạn mức đến nơi nhận kinh phí sao cho hạn mức hoặc kinh phí chuyển về đến cơ sở còn có thể sử dụng được kịp thời. Do đó, đối với những đơn vị nhận kinhphí chi tiêu càng ở xa, càng phải lo liệu sớm để khỏi chậm lỡ công việc. Tuyệt đối không vì đình chỉ phê chuẩn hạn mức, duyệt dự toán hay đình chỉ phân phối hạn mức, chuyển kinh phí mà làm trở ngại đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị kinh tế và chi tiêu của các đơn vị hành chính sự nghiệp.
b/ Đối với Ngân sách trung ương:
- Bộ Tài chính đình chỉ không phê chuẩn hạn mức và Ngân hàng Nhà nước trung ương đình chỉ việc phân phối hạn mức, chuyển kinh phí Ngân sác như sau:
+ Từ 14 giờ ngày 10/12/1976 đình chỉ cấp phát hạn mức năm 1976 đối với cơ quan Bộ Tài chính ở phía Nam và cho đơn vị trực thuộc trung ương tại phía Nam;
+ Từ 14 giờ ngày 16/12/1976 đối với các đơn vị đóng ở Bình Trị Thiên, Nghệ Tỹnh, Hà tuyên, Sơn La, Lai Châu;
+ Từ 14 giờ ngày 20/12/1976 đối với các đơn vị đóng ở các tỉnh khác trên miền Bắc (trừ Hà Nội);
+ Từ 14 giờ ngày 27/12/1976 đối với các đơn vị đóng ở Hà nội.
- Cơ quan Bộ Tài chính và cơ quan Ngân hàng Nhà nước trung ương ở phía Nam đình chỉ không phê chuẩn, phân phối và chuyển hạn mức kinh phí Ngân sách như sau:
+ Từ 14 giờ ngày 16/12/1976 đối với các đơn vị đóng ở các tỉnh Quảng nam -Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Gia Lai, Công Tum,Đắc lắc;
+ Từ 14 giờ ngày 20/12/1976 đối với các đơn vị đóng ở các tỉnh khác ở miền Nam (trừ thành phố Hồ Chí Minh);
+ Từ 14 giờ ngày 16/12/1976 đối với các đơn vị đóng tại TP Hồ Chí Minh.
c/ Đối với Ngân sách địa phương: Các Sở Ty tài chính và các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Thành phố, tỉnh quy định ngày giờ đình chỉ việc phê chuẩn, phân phối hạn mức và chuyển kinh phí cho các đơn vị thuộc Ngân sách địa phương cho ăn khớp với các thời hạn nói trên và phù hợp với tình hình cụ thể của các cơ quan, đơn vị đóng trong địa phương.
d/ Các đơn vị trực tiếp chi tiêu, không phân biệt thuộc Ngân sách trung ương hay Ngân sách địa phương, đều phải đình chỉ phát hành “séc bảo chi” vào 14 giờ ngày 24/12/1976 để bảo đảm cho “séc” đã phát hành có đủ thời gian quay trở lại Ngân hàng Nhà nước trước ngày 31/12/1976. Nếu do nhu cầu thật cần thiết phải phát hành sau ngày giờ đó thì đơn vị phải đương đầu lượng với Ngân hàng Nhà nước nơi lưu ký hạn mức để được giải quyết.
2. Thanh toán các khoản cho vay, đi vay, tạm ứng tạm cấp:
a/ Tất cả các khoản tiền Ngân cấp trên cho Ngân sách cấp dưới vay đều phải thanh toán xong trước ngày 10/12/1976. Nếu có khó khăn chưa thể thanh toán kịp, cơ quan đi vay phải báo cáo cụ thể với cơ quan cho vay để kịp thời giải quyết trước ngày đình chỉ việc chuyển tiền và kinh phí đã nói ở điều 1 trên đây.
b/ Các cơ quan, đơn vị dự toán đã được cơ quan tài chính tạm ứng, tạm cấp kinh phí cũng phải thanh toán xong trước ngày 10/12/1976. Nếu có lý do chính đáng chưa thể thanh toán ngay được thì phải bàn bạc với cơ quan tài chính xin tạm ứng, tạm cấp trước cho năm sau, lấy đó mà hoàn lại tiền tạm ứng, tạm cấp trong năm quyết toán, đồng thời thống nhất ghi sổ sách, bảo đảm ăn khớp giữa kế toán đơn vị, kế toán Ngân sách và kế toán kho bạc.
c/ Trong nội bộ đơn vị dự toán, một mặt phải xét kỹ, hạn chế việc tạm ứng trong tháng 12/1976, một mặt phải tích cực thanh toán hoặc thu hồi các khoản đã tạm ứng từ trước, chú ý giải quyết dứt điểm các khoản do cơ quan chủ quản ở phía Nam đã tạm ứng cho cán bộ miền Bắc vào Nam công tác hoặc ngược lại, đảm bảo cho đến ngày 31/12/1976 không còn số dư nợ tạm ứng nữa, kể cả ở miền Nam và ở miền Bắc. Trường hợp đặc biệt, có lý do chính đáng, được cơ quan Tài chính xác nhận, thì được chuyển sang năm sau bằng cách rút kinh phí năm sau, coi như khoản tạm ứng mới, thuộc niên khoá 1977, và lấy đó để nộp hoàn trả tạm ứng trong năm 1976.
3. Thanh toán các khoản tiền gửi ở Ngân hàng Nhà nước.
Hiện nay, tại các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước nội địa và ngoại thương có rất nhiều tài khoản tiền gửi của các cơ quan, xí nghiệp, công trường.... Trong từng tài khoản, nguồn gốc tiền gửi lại rất khác nhau, trong đó có những số tiền thuộc nguồn vốn Ngân sách, hoặc là khoản thu của Ngân sách chưa nộp, hoặc là vốn Ngân sách cấp phát chưa chi hoặc chi chưa hết. Cuối năm 1976, khi khoá sổ thu chi Ngân sách phải đặc biệt coi trọng việc thanh toán các tài khoản tiền gửi này.
Trừ tài khoản tiền gửi về vốn sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế quốc doanh và công tư hợp doanh, còn tất cả các tài khoản tiền gửi khác của tất cả các cơ quan, xí nghiệp, công trường mở tại các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước nội địa và ngoại thương đều phải thanh toán dứt điểm trên nguyên tắc triệt để ngăn chặn chiếm dụng và sử dụng trái phép vốn Ngân sách theo kế hoạch quy định trong bản phụ lục đính kèm.
4. Nộp kinh phí thừa và huỷ bỏ hạn mức cuối năm.
Tất cả các khoản thanh toán còn thừa cũng như số tiền mặt còn tồn quỹ tại đơn viị, trước khi hết năm, đều phải nộp hết, trả lại Ngân sách trước ngày giờ khoá sổ của Ngân hàng Nhà nước.
Nếu sau đó đơn vị còn thu hồi được kinh phí thừa của năm 1976, thì vẫn tiếp tục nộp vào Ngân hàng Nhà nước cho đến hết ngày 31/3/1977; Ngân hàng Nhà nước cơ sở hạch toán vào tài khoản “thu ngoài Ngân sách” trên sổ sách và báo cáo kế toán năm 1977. Sang ngày 1/4/1977, Sở Ty tài chính cùng với Ngân hàng Nhà nước cung cấp đối chiếu số thực thu trong tài khoản này thông nhất làm thủ tục chuyển chi vào thu giảm cấp phát hoặc thu hồi tạm ứng về niên khoá 1976. Còn những khoản thu hồi từ 1/4/1977 trở đi, không được coi là kinh phí thừa của năm quyết toán 1976 nữa, mà phải ghi vào tài khoản “thu hồi khoản chi năm trước” thuộc Ngân sách năm 1977.
Hạn mức kinh phí thuộc Ngân sách năm 1976 còn lại ở Ngân hàng Nhà nước đến ngày khoá sổ mặc nhiên được huỷ bỏ: Không một đơn vị nào được rút ra chi tiêu nữa và cũng không phải làm thủ tục chuyển trả cho cấp trên nữa.
5. Chuẩn bị kinh phí chi tiêu đầu năm 1977.
Tất cả các Bộ, ngành, các Sở Ty chủ quản, trong tháng 12 năm 1976, có trách nhiệm quan hệ với cơ quan tài chính và Ngân hàng Nhà nước cùng cấp, lo toan kinh phí cho năm 1977 để kịp có thông báo hạn mức hoặc lệnh chi cho quý I/1977, đảm bảo ngay từ đầu năm 1977 các hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác của bản thân mình, và cơ quan, xí nghiệp, đơn vị dự toán trực thuộc được thường xuyên và liên tục, không vì khoá sổ thu chi Ngân sách cuối năm trước mà gặp khó khăn, trở ngại.
III. THỜI HẠN KHOÁ SỔ.
Việc khoá sổ thu chi Ngân sách Nhà nước năm 1976 tại các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cơ sở nội địa và ngoại thương thống nhất tiến hành vào cuối giờ làm việc ngày cuối cùng của năm, cụ thể là 16 giờ ngày 31/12/1976.
IV. CÔNG VIỆC PHẢI TIẾN HÀNH SAU KHI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC KHOÁ SỔ.
1. Sau khi khoá sổ thu chi Ngân sách, các cấp Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo thời hạn điện báo như sau:
a/ Từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước huyện, quận, khu phố về Chi nhánh Ngân hàng tỉnh, Thành phố: nội trong buổi sáng 1/1/1977.
b/ Từ Chi nhánh Ngân hàng tỉnh, thành phố miền Bắc về Ngân hàng Nhà nước Trung ương, và từ các Chi nhánh tỉnh, thành phố phía Nam về cơ quan Ngân hàng Trung ương ở thành phố Hồ Chí Minh: nội trong buổi sáng 2/1/1977.
c/ Từ cơ quan Ngân hàng Nhà nước Trung ương ở thành phố Hồ Chí Minh về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở Hà nội: nội trong buổi sáng 3/1/1977.
Nội dung điện báo bao gồm:
- Số thu, số chi Ngân sách trung ương ngày 31/12/1976 (và cả số thu, số chi các ngày trước đó chưa điện báo nếu có), có phân tích riêng số thu, chi thuộc năm 1976 và số thu trước, chi trước cho năm 1977; số tồn quỹ đến hết ngày 31/12/1976 của Ngân sách, có phân tích riêng số thu, chi thuộc năm 1976 và số thu trước; chi trước cho năm 1977, số tồn quỹ thuộc Ngân sách địa phương năm 1976 và số tồn quỹ thuộc Ngân sách địa phương năm 1977.
2. Đối với những số dư tài khoản tiền gửi của các cơ quan, đơn vị dự toán mà Ngân hàng Nhà nước cơ sở đã chuyển nộp vào Ngân sách đều phải lập bảng kê chi tiết từng số tiền của từng cơ quan, từng đơn vị để gửi cho:
- Sở, Ty tài chính (phần chuyển nộp vào Ngân sách địa phương);
- Ngân hàng Nhà nước Trung ương hoặc cơ quan Ngân hàng Nhà nước trung ương tại phía Nam (phần chuyển nộp vào Ngân sách Trung ương).
Bảng kê chi tiết này phải đính kèm theo báo cáo kế toán về ngày đã hạch toán số chuyển nộp đó.
Cơ quan Ngân hàng Nhà nước Trung ương ở phía Nam tổng hợp chi tiết các số tiền đã trích nộp ở miền Nam thành 4 bản, một bản lưu, một bản gửi cơ quan Bộ Tài chính ở phía Nam trước ngày 31/1/1977, hai bạn gửi Ngân hàng Nhà nước Trung ương để cơ quan này lưu một bản, còn một bản gửi Bộ Tài chính trước ngày 15/2/1977 cùng với các bảng kê chi tiết các số tiền bị trích nộp ở miền Bắc.
3. Những số dư tài khoản tiền gửi của các đơn vị, công trường xây dựng cơ bản chuyển nộp về Chi hàng kiến thiết tỉnh, thành phố, cũng như những số dư tài khoản tiền gửi của các đơn vị bộ đội, công an nhân dân vũ trang chuyển nộp về tài khoản của Cục tài vụ Bộ quốc phòng, hoặc Cục hậu cần Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang sẽ do các cơ quan chủ quản tổng hợp, theo dõi và xử lý.
4. Về phía các cơ quan, đơn vị dự toán phải đối chiếu số liệu với Ngân hàng Nhà nước cơ sở nơi đơn vị giao dịch, cả về số thu nộp Ngân sách, số hạn mức đã được cơ quan Tài chính thông báo phê chuẩn hoặc đơn vị cấp trên phân phối số hạn mức đã phân phối cho các đơn vị trực thuộc (nếu có), số kinh phí đã thực rút, đã nộp lại để khôi phục hạn mức và số hạn mức còn lại ở Ngân hàng Nhà nước cuối năm để huỷ bỏ.
Những đơn vị được cấp phát bằng lệnh chi tiền, những đơn vị được quản lý theo lối gắn thu bù chi cũng phải đối chiếu về những số tiền đã được cấp phát, hoặc đã thu nộp và đã trích ra sử dụng.
Việc đối chiếu số liệu là một chế độ phải được chấp hành nghiêm túc nhằm xác định những số liệu chính xác đúng làm căn cứ kiểm tra việc chấp hành Ngân sách Nhà nước từ đơn vị cơ sở đến các cơ quan tổng hợp. Do đó, hàng tháng các đơn vị đã phải đối chiếu, đến cuối năm đều phải đối chiếu lại đảm bảo cho số liệu thu chi Ngân sách được chính xác và thống nhất: đảm bảo khớp đúng cả về tổng số thu chi, cả về chi tiết thu chi theo từng loại, khoản, hạng mục của mục lục Ngân sách Nhà nước.
Để đạt được yêu cầu trên, trước tiên, phải đối chiếu các sổ sách, báo cáo kế toán của bản thân mỗi đơn vị, các đơn vị trực thuộc (nếu có ) và căn cứ số liệu đã xác minh đó để đối chiếu với ngân hàng Nhà nước. Nếu còn chỗ nào chưa nhất trí, phải truy nguyên cho kỹ, tìm ra chỗ sai sót và điều chỉnh theo đúng chế độ, đúng với thực tế, đồng thời báo cho các cơ quan có liên quan cùng sửa lại cho thống nhất.
Khi lập báo cáo quyết toán năm 1976, mỗi đơn vị đều nhất thiết phải đính kèm bảng đối chiếu luỹ kế 12 tháng trong năm 1976, có dấu và chữ ký xác nhận của Ngân hàng Nhà nước cơ sở để chúng minh tính chất chính xác, đầy đủ của quyết toán năm 1976.
5. Các Sở, Ty tài chính, với tư cách là cơ quan quản lý một cấp Ngân sách, ngoài việc chủ động đôn đốc các đơn vị ở địa phương thực hiện chế độ đối chiếu số liệu như trên, còn phải trực tiếp đối chiếu các số liệu tổng hơp về ngân sách địa phương với Ngân sách trung ương nữa.
Cụ thể, phải xác minh:
- Các số liệu về vay nợ và trả nợ đối với Ngân sách trung ương;
- Các số thu do Ngân sách trung ương trợ cấp cho địa phương bao gồm:
+ Trợ cấp kiến thiết cơ bản tập trung,
+ Trợ cấp cân đối Ngân sách,
+ Trợ cấp đột xuất và trợ cấp khác (kê riêng từng khoản cụ thể).
Đối với các tỉnh, thành phố ở phía nam, nếu có trường hợp cử cán bộ ra mua hoặc nhận hàng viện trợ ở miền Bắc và được Bộ Tài chính trợ cấp bằng tiền miền Bắc, để thanh toán tiền hàng ngay ở Hà nội hoặc ở một tỉnh miền Bắc nào khác, thì cũng phải xác minh, đối chiếu riêng và kê khai phân tích rõ số tiền miền Bắc được trợ cấp, quy ra tiền miền Nam để khấu trừ vào mức trợ cấp đã được duyệt theo dự toán Ngân sách được duyệt.
- Tổng số thu Ngân sách địa phương (đã trừ thoái thu và có phân tích từng loại, khoản, hạng, mục);
- Tổng số thực cấp phát (đã trừ thu giảm cấp phát và có phân tích từng loại, khoản, hạng, mục);
- Số kết dư Ngân sách địa phương năm 1976, phân tích rõ:
+ Phần có tồn quỹ bằng tiền bảo đảm gửi ở Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố;
+ Phần không có tồn qũy bảo đảm do đã cấp phát cho các đơn vị song đơn vị chưa quyết toán và cũng chưa nộp trả Ngân sách (vì có nguyên vật liệu tồn kho chưa sử dụng và theo chế độ kế toán chưa được phép quyết toán);
- Số tồn quỹ Ngân sách địa phương gửi ở Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố cuối năm 1976 (tổng số), phân tích:
+ Phần thuộc ngân sách năm 1976
+ Phần thuộc Ngân sách năm 1977, do có thu chi trước cho năm sau.
Tất cả những số liệu đã đối chiếu, phải có xác nhận của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và Sở, Ty tài chính phải đính kèm vào Tổng quyết toán thu chi Ngân sách địa phương năm 1976, gửi về Bộ Tài chính đúng thời hạn quy định.
Riêng số tiền miền Bắc, mà Bộ Tài chính đã trợ cấp cho các tỉnh miền Nam, để thanh toán tiền hàng ở miền Bắc, thì Bộ Tài chính (Vụ Ngân sách địa phương) sẽ có thông báo cụ thể cho Sở, Ty tài chính và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố đồng gửi cho cơ quan Bộ Tài chính ở phía Nam, Ngân hàng Nhà nước trung ương và cơ quan Ngân hàng Trung ương ở phía Nam để có tài liệu đối chiếu và lập Tổng quyết toán Ngân sách địa phương năm 1976.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
Chế độ khoá sổ thu chi Ngân sách Nhà nước năm 1976 tại cơ quan Ngân hàng Nhà nước các cấp (nội địa và Ngoại thương), quy định trong thông thư liên Bộ này, cần được tổ chức chấp hành nghiêm chỉnh, triệt để, phục vụ tích cực hoàn thành Ngân sách Nhà nước năm 1976, đưa hoạt động tài vụ kế toán của các cấp, các đơn vị đi vào nề nếp.
Trong quá trình thi hành, nếu có điểm nào cần bổ sung, hay sửa đổi, các ngành, các cấp, các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Trung ương để xem xét và nghiên cứu giải quyết.
Các cơ quan Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước chịu trách nhiệm tổ chức học tập, nghiên cứu trong nội bộ ngành và phổ biến cho tất cả các đơn vị thuộc phạm vi đối tượng thi hành đã nói ở các phần trên.
(Đính kèm một bản phụ lục về kế hoạch thanh toán các tài khoản tiền gửi ở Ngân hàng Nhà nước).