THÔNG TƯ LIÊN BỘ
Về việc khoá sổ thu, chi ngân sách nhà nước cuối năm 1977
_______________________
Năm 1977, ở hai miền vẫn còn tạm thời lưu hành hai đồng tiền nhưng chế độ thống nhất quản lý tài chính Nhà nước bước đầu được thực hiện, việc thu nộp và cấp phát vốn Ngân sách Nhà nước đã được tập trung thống nhất về Trung ương. Chế độ phân cấp quản lý tài chính mới giữa Chính phủ Trung ương và các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đã được tạm thời quy định, tỷ lệ điều tiết các khoản thu giữa Ngân sách trung ương và Ngân sách địa phương có sự thay đổi, nhưng mãi đến quý III năm 1977 mới tổ chức thực hiện được, nên đòi hỏi phải điều chỉnh số thu 6 tháng đầu năm 1977 cho mỗi cấp ngân sách. Chế độ cho vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu thi hành từ đầu năm 1977, nhưng do chưa chuẩn bị kịp về tổ chức bộ máy để thực hiện, 6 tháng đầu năm, các Chi hàng kiến thiết còn phải thay Ngân hàng Nhà nước cấp phát vốn cho cả những công trình thộc diện vay vốn Ngân hàng Nhà nước, nay phải bàn giao cho Ngân hàng Nhà nước quản lý và tiếp tục cho vay vốn. Ở các địa phương phía Nam, nhiều đơn vị mới được thành lập, lần đầu tiên tiến hành khoá sổ thu, chi Ngân sách, nên không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng ban đầu.
Do những đặc điểm tình hình của năm 1977 như trên, liên Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước thấy cần phải nhắc lại dưới đây ý nghĩa, mục đích, tác dụng và đối tượng thi hành việc khoá sổ thu, chi ngân sách cuối năm, đồng thời quy định những thủ tục, biện pháp cụ thể đối với việc khoá sổ thu, chi Ngân sách Nhà nước cuối năm 1977 cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay :
I. Ý NGHĨA, TÁC DỤNG VÀ PHẠM VI ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH.
Khoá sổ thu, chi Ngân sách Nhà nước cuối năm là một chế độ, kỷ luật tài chính, không đơn thuần là thủ tục kế toán hành chính, sự vụ, mà còn có tác dụng tích cực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, cải tiến quản lý, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ thu, chi Ngân sách. Tất cả các Bộ, các ngành, các cơ quan, xí nghiệp và các tổ chức khác của Nhà nước, thông qua khoá sổ để xác minh lại nguồn vốn, nguồn kinh phí của đơn vị mình, xem xét lại mức độ thực hiện nghĩa vụ thu, chi Ngân sách đã được Nhà nước giao cho và phải có biện pháp tích cực đẩy mạnh việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức nghĩa vụ đó trong những ngày, tháng cuối năm.
Làm tốt việc khoá sổ thu, chi ngân sách còn tạo điều kiện cho cơ quan, đơn vị quyết toán được chính xác, đầy đủ, kịp thời số thu, số chi Ngân sách Nhà nước, phản ánh trung thực hiệu quả đồng vốn của đơn vị mình để rút kinh nghiệm nâng cao chất lượng quản lý trong các năm sau.
Công việc khoá sổ thu chi Ngân sách Nhà nước cuối năm, tuy thực hiện tại cơ quan Ngân hàng Nhà nước (nội địa và ngoại thương), nhưng tất cả các ngành, các cấp, các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị dự toán trung ương và địa phương đều có trách nhiệm hoàn thành đầy đủ mọi việc trước khi Ngân hàng khoá sổ : nộp hết, nộp đủ tất cả các khoản thu của Ngân sách năm quyết toán vào Ngân hàng trước ngày, giờ khoá sổ; sắp xếp, tổ chức thực hiện những khoản chi cần thiết trước khi hết năm, nhưng không "chi vét" không "chạy vốn"; phải khoá sổ thu, chi Ngân sách tại cơ quan, xí nghiệp, đơn vị mình khớp đúng với Ngân hàng Nhà nước cơ sở và số liệu và thời điểm.
II. CÔNG VIỆC CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC KHOÁ SỔ
A. Thanh toán thu nộp Ngân sách :
Tất cả các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị đều phải đảm bảo nghĩa vụ thu nộp vào ngân sách Nhà nước. Cho nên, trước khi Ngân hàng Nhà nước các cấp khoá sổ thu, chi Ngân sách, các đơn vị, cơ quan, xí nghiệp phải tích cực chuẩn bị để thực hiện đầy đủ những công việc cụ thể sau đây :
1. Tất cả các khoản thu thuộc Ngân sách Nhà nước năm 1977, kể cả lợi nhuận vượt kế hoạch (nếu có), đều phải nộp hết, nộp đủ vào Ngân hàng Nhà nước chậm nhất là trong ngày 31/12/1977. Nếu nộp sau ngày đó, sẽ coi là nộp cho năm 1978 và không được tính vào thành tích nộp tích luỹ cho Nhà nước năm 1977 khi xét duyệt hoàn thành kế hoạch năm 1977.
Ngay khi nhận được thông tư này và chậm nhất là đầu tháng 12 năm 1977, các Bộ, các ngành phải chủ động tính toán, giao nhiệm vụ thu nộp cụ thể cho từng xí nghiệp, từng đơn vị cấp dưới, có biện pháp theo dõi, kiểm tra, nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu nộp cho Nhà nước trong năm 1977. Khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới đóng ở địa phương nào, cần báo cho cơ quan Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nơi đó biết để cùng phối hợp đôn đốc thực hiện.
Từng đơn vị thu nộp, phải tự mình soát lại số đã nộp Ngân sách năm 1977 và khẩn trương nộp hết số còn thiếu so với nhiệm vụ thu nộp cả năm, bảo đảm nộp vào Ngân sách trước ngày 31/12/1977.
Phải hết sức tránh không để xẩy ra tình trạng do không nắm được số tích luỹ thực hiện và số tích luỹ phải nộp Ngân sách nên để nộp quá mức số phải nộp. Trường hợp cố tình lấy vốn để nộp quá mức số phải nộp để được xét duyệt công nhận hoàn thành kế hoạch và giai quyết các quyền lợi về trích quỹ xí nghiệp rồi sau lại đề nghị thoái thu thì coi như vi phạm kỷ luật tài chính.
2. Các Sở, Ty Tài chính phải cùng Ngân hàng Nhà nước hoàn thành trước ngày 31/12/1977 việc điều chỉnh, thoái thu các khoản thu giữa Ngân sách trung ương và Ngân sách địa phương, thoái theo tỷ lệ điều tiết đã được Bộ Tài chính quy định cho năm 1977, theo quyết định của Hội đồng Chính phủ về việc cải tiến chế độ phân cấp quản lý tài chính giữa trung trung ương và địa phương.
3. Những cơ quan, xí nghiệp, đơn vị, ngành, địa phương còn giữ các quỹ riêng, quuỹ trái phép thì bất luận nguồn gốc tiền quỹ đó do đâu, đều phải kê khai với cơ quan tài chính và nộp hết vào ngân sách năm 1977 trong dịp khoá sổ cuối năm. Đến ngày 31/12/1977, nếu có đơn vị kinh tế, đơn vị hành chính và sự nghiệp nào không kê khai và không nộp vào Ngân sách trung ương (đối với đơn vị trung ương) hoặc ngân sách tỉnh, thành phố (đối với đơn vị địa phương quản lý), mà phát hiện ra, thì Thủ trưởng đơn vị đó chịu trách nhiệm về việc làm trái phép đó.
4. Các phòng, trạm, các uỷ nhiệm thu thuế, các cửa hàng thương nghiệp ở các thành phố, thị xã, thị trấn - do đặc điểm có thu tiền thuế hoặc tiền bán hàngsau ngày giờ khoá sổ của Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn thuộc Ngân sách năm 1977 - thì đơn vị phải bàn bạc trước với Ngân hàng Nhà nước nơi giao dịch về thu nộp, để tổ chức thu nhận những số tiền này trong ngày hôm sau và hạch toán vào khoản nộp của năm 1977 (Thu Ngân sách năm trước).
5. Ngân hàng Nhà nước cơ sở phải bố trí cán bộ, huy động mọi lực lượng có thể được, chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo thu nhanh, thu hết, hạch toán kịp thời vào Ngân sách 1977. Ở những nơi có nhiều nguồn thu như các thành phố và thị xã, Ngân hàng Nhà nước phải tổ chức thu nhận kịp thời, nhất thiết không để số thu nộp của năm 1977 phải chuyển sang năm sau. Nếu có đơn vị thu nộp số tiền mặt quá lớn, không đếm nhận kịp trong ngày 31/12/1977 thì Ngân hàng Nhà nước cơ sở tổ chức thu tiền theo chế độ thu tiền theo túi niêm phong của Ngân hàng Nhà nước.
6. Đối với các khoản tạm thu, thu chưa phân tích khoản hạng, thu ngoài ngân sách, Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp với cơ quan Tài chính cùng cấp và đơn vị thu nộp để điều chỉnh hết vào khoản hạng chính thức thuộc Ngân sách năm 1977 trước ngày giờ khoá sổ cuối năm. Đến thời hạn khoá sổ, nếu còn sót lại số tiền nào chưa điều chỉnh thì Ngân hàng Nhà nước thống nhất với cơ quan tài chính làm thủ tục để đưa vào khoản "Thu khác" thuộc Ngân sách 1977.
B. Thanh toán các khoản chi Ngân sách:
Việc thanh toán các khoản chi tiêu cuối năm phải nhằm ngăn cấm tình trạng "chạy vốn", "tranh thủ chi cho hết kinh phí" vào cuối năm, đồng thời, đối với những việc cần thiết phải chi, thì bố trí kịp thời, sao cho khoản chi được thực hiện và thanh toán, quyết toán vào Ngân sách năm 1977.
Để đạt yêu cầu này, phải chuẩn bị sớm các việc sau đây :
1. Cơ quan tài chính đình chỉ phê chuẩn hạn mức, Ngân hàng Nhà nước định chỉ việc chuyển thông báo phân phối hạn mức kinh phí năm 1977 :
a) Thời hạn đình chỉ : Thời hạn đình chỉ những việc nói trên được ấnđịnh căn cứ vào thời gian luân chuyển giấy tờ từ nơi phê chuẩn hạn mức đến nơi nhận kinh phí, sao cho hạn mức hoặc kinh phí chuyển về đến cơ sở còn có thể sử dụng được kịp thời. Do đó, những đơn vị nhận kinh phí càng ở xa, càng phải lo liệu sớm để khỏi chậm lỡ công việc. Các đơn vị chi tiêu vốn ngân sách phải phấn đấu để không vì đình chỉ phê chuẩn hạn mức hay đình chỉ chuyển thông báo phân phối hạn mức, kinh phí mà làm trở ngại đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đến khả năng hoàn thành kế hoạch Xây dựng cơ bản hay chi tiêu về sự nghiệp, hành chính.
b) Đối với Ngân sách trung ương:
- Bộ Tài chính đình chỉ không phê chuẩn hạn mức và Ngân hàng Nhà nước trung ương đình chỉ việc chuyển thông báo phân phối hạn mức kinh phí Ngân sách trung ương như sau :
+ Từ 16 giờ ngày 15/12/1977 đối với tất cả các đơn vị đóng ở phía Nam, cũng như đối với các khoản trợ cấp cho Ngân sách các tỉnh, thành phố phía Nam, từ Quảng Nam - Đà nẵng trở vào;
+ Từ 16 giờ ngày 20/12/1977, đối với các đơn vị đóng ở Bình-Trị-Thiên, Nghệ Tĩnh, Hà Tuyên, Sơn La, Lai Châu, Cao Lạng, Hoàng-Liên-Sơn, Quảng Ninh;
+ Từ 16 giờ ngày 24/12/1977, đối với các đơn vị đóng ở các địa phương khác trên miền Bắc, trừ Hà Nội;
+ Từ 16 giờ ngày 27/12/1977, đối với các đơn vị đóng ở Hà nội.
- Các đơn vị cấp II thuộc Ngân sách trung ương, đóng ở phía Nam được quyền phân phối hạn mức cho các đơn cị cấp III trực thuộc đóng tại phía Nam (theo Thông tư Liên Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước số 100-TT/LB ngày 5/9/1977) cũng phải đìng chỉ việc phân phối hạn mức theo thời hạn như sau :
+ Nếu đơn vị cấp III đóng ở tỉnh, thành phố khác nơi đóng trụ sở của đơn vị cấp II: Từ 16 diờ ngày 24/12/1977.
+ Nếu đơn vị cấp III đóng trong cùng một tỉnh, thành phố với đơn vị cấp II : Từ 16 giờ ngày 27/12/1977.
c) Đối với Ngân sách địa phương :
Các Sở, Ty Tài chính cùng với Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, quy định ngày giờ đình chỉ việc phê chuẩn, phân phối hạn mức và chuyển kinh phí cho các đơn vị thuộc Ngân sách địa phương cho phù hợp với tình hình cụ thể của các cơ quan, đơn vị đóng ở địa phương.
d) Các đơn vị trực tiếp chi tiêu, không phân biệt thuộc Ngânsách trung ương, hay Ngân sách địa phương, đều phải đình chỉ phát hành " Sec bảo chi" từ 16 giờ ngày 24 tháng 12 năm 1977 để bảo đảm cho "sec" có đủ thời gian quay trở lại Ngân hàng nơi lưu ký hạn mức trước ngày 31/12/1977. Nếu do nhu cầu thật cần thiết phải phát hành sau ngày giờ nói trên thì đơn vị phải trình bày với Ngân hàng Nhà nước để được giải quyết.
2. Thanh toán các khoản cho vay, đi vay, tạm ứng, tạm cấp :
a) Tất cả các khoản tiền ngân sách cho vay hoặc đi vay của Ngân sách và các loại vốn khác đều phải thanh toán sòng phẳng trước ngày 10/12/1977. Nếu có khó khăn chưa thể thanh toán kịp, cơ quan đi vay phải báo cáo cụ thể với cơ quan cho vay để được giải quyết trước ngày đình chỉ việc chuyển tiền và kinh phí nói ở điểm I trên đây.
b) Các cơ quan, đơn vị dự toán đã được cơ quan Tài chính tạm ứng, tạm cấp kinh phí cũng phải thanh toán xong trước ngày 10/12/1977. Nếu có lý do chính đáng chưa thể thanh toán ngay được, thì bàn bạc với cơ quan Tài chính xin tạm ứng, tạm cấp trước cho năm sau, lấy đó mà hoàn lại tiền tạm ứng, tạm cấp của năm quyết toán; đồng thời, thống nhất ghi sổ sách, bảo đảm ăn khớp giữa kế toán đơn vị, kế toán tổng kế toán của cơ quan Tài chính và kế toán quản lý quỹ ngân sách của Ngân hàng Nhà nước.
c) Trong nội bộ đơn vị dự toán, một mặt phải xét kỹ, hạn chế việc tạm ứng trong tháng 12/1972, một mặt phải tích cực thanh toán hoặc thu hồi các khoản đã tạm ứng từ trước. Chú ý giải quyết dứt điểm các khoản tạm ứng cho cán bộ công tác ở phía Nam từ 1975, 1976 mà một số cơ quan, địa phương vẫn chưa thanh toán xong vào cuối năm 1976. Khi thanh toán hoặc thu hồi những khoản tiền này, không ghi thu giảm cấp phát vào ngân sách 1977 vì thực tế không do Ngân sách 1977 cấp phát, mà phải ghi vào khoản "thu hồi khoản chi năm trước" theo mục lục Thu Ngân sách Nhà nước. Trường hợp đặc biệt, một số khoản tạm ứng, tạm cấp thuộc niên khoá 1977, được cơ quan Tài chính xác nhận có lý do chính đáng chưa thanh toán thu hồi ngay trong năm 1977 được thì phải rút kinh phí năm sau (1978) để hoàn trả tạm ứng thuộc niên khoá 1977.
3. Thanh toán các tài khoản tiền gửi ở Ngân hàng Nhà nước :
Các tài khoản tiền gửi ở Ngân hàng Nhà nước các cấp của tất cả các cơ quan, xí nghiệp, công trường ...(trừ tiền gửi về vốn sản xuất, kinh doanh) đều phải thanh toán trước khi hết năm theo kế hoạch quy định trong bản phụ lục đính kèm. Mục đích nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng chiếm dụng và sử dụng trái phép vốn Ngân sách và làm cho tài vụ của tất cả các đơn vị đều lành mạnh.
4. Nộp kinh phí thừa và huỷ bỏ hạn mức còn lại cuối năm :
Tất cả các khoản thanh toán, thu hồi thuộc niên khoá 1977 cũng như số tiền mặt tồn quỹ cuối năm, đều phải nộp hết, trả lại Ngân sách trước ngày, giờ khoá sổ của Ngân sách nhà nước.
Tiếp sau đó, nếu đơn vị còn thu hồi được kinh phí thừa của năm 1977, vẫn tiếp tục nộp vào Ngân hàng Nhà nước cho đến hết ngày 31/3/1978, Ngân hàng Nhà nước nhận những số kinh phí thừa này, tạm ghi vào tài khoản "Thu ngoài ngân sách" trên sổ sách vào báo cáo kế toán quý I năm 1978. Sang ngày 1 tháng 4 năm 1978, cơ quan Tài chính cùng với Ngân hàng cùng cấp đối chiếu số thu ở tài khoản này, tiến hành phân tích và làm thủ tục chuyển ghi vào thu giảm cấp phát hoặc thu hồi tạm ứng thuộc niên khoá 1977. Còn những khoản thu hồi từ 1/4/1977 trở đi, không coi là kinh phí thừa của năm 1977, mà phải ghi vào tài khoản "Thu hồi khoản chi năm trước" thuộc Ngân sách năm 1978.
Hạn mức kinh phí thuộc Ngân sách 1977 còn lại ở Ngân hàng Nhà nước đến ngày khoá sổ, mặc nhiên được huỷ bỏ. Không một đơn vị nào được rút ra chi tiêu nữa và cũng không phải làm thủ tục chuyển trả cấp trên nữa.
5. Chuẩn bị kinh phí chi tiêu đầu năm 1978 :
Trong tháng 12 năm 1977, tất cả các Bộ, các ngành, các Sở, Ty chủ quản có trách nhiệm quan hệ với cơ quan Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cùng cấp, lo toan kinh phí cho năm 1978 để kịp có thông báo phê chuẩn hạn mức hoặc lệnh chi tiền cho quý I /1978, đảm bảo ngay từ đầu năm 1978, các hoạt động kinh doanh, sản xuất, xây dựng cơ bản hay sự nghiệp, hành chính của bản thân cơ quan chủ quản và các đơn vị trực thuộc đều được liên tục. Không vì khoá sổ thu, chi Ngân sách năm trước mà gặp khó khăn trở ngại vào đầu năm sau.
III. THỜI HẠN KHOÁ SỔ
Việc khoá sổ thu chi Ngân sách Nhà nước năm 1977 tại Ngân hàng Nhà nước cơ sở, nội địa và ngoại thương, thống nhất tiến hành vào 16 giờ ngày 31/12/1977.
IV. CÔNG VIỆC PHẢI TIẾN HÀNH SAU KHI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC KHOÁ SỔ.
1. Sau khi khoá sổ thu, chi Ngân sách, các cấp Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo thời hạn điện báo như sau :
a) Từ Ngân hàng Nhà nước huyện, quận, khu phố về Ngân hàng tỉnh, thành phố : nội trong ngày 1/1/1978;
b) Từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố về Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Các Ngân hàng tỉnh, thành phố phía Nam điện về tổ kế toán và Ngân hàng ở 17 Bến Chương Dương, thành phố Hồ Chí Minh đồng gửi về vụ kế toán và Quản lý Ngân sách (Hà nội)), các Ngân hàng tỉnh, thành phố phía Bắc điện về Vụ Kế toán và quản lý quỹ Ngân sách Ngân hàng Trung ương trước 16 giờ ngày 2 tháng 1 năm 1978;
c) Từ tổ kế toán và Ngân sách ở 17 Bến Bến Chương Dương, thành phố Hồ Chí Minh về Ngân hàng Nhà nước Trung ương đồng gửi cơ sở II của Bộ Tài chính ở thành phố Hồ Chí Minh : nội trong ngày 3/1/1978.
d) Ngân hàng Nhà nước Trung ương sẽ gửi cho Bộ Tài chính trước 16 giờ ngày 4/1/1978.
Nội dung điện báo gồm :
- Số thu, số chi Ngân sách trung ương ngày 31/12/1977 (và cả số thu, chi các ngày trước đó chưa điện báo, nếu có) phân tích riêng số thu, số chi thuộc Ngân sách năm 1977 và số thu trước chi trước cho năm 1978;
- Tổng số thu, tổng số chi (cả năm) và số tồn quỹ của Ngân sách địa phương đến hết ngày 31/12/1977, có phân tích riêng số thu, số chi thuộc năm 1977 và số thu trước, chi trước cho năm 1978, số tồn quỹ Ngân sách địa phương năm 1977, và số tồn quỹ Ngân sách địa phương năm 1978.
2. Đối với những số dư tài khoản tiền gửi của các cơ quan, đơn vị dự toán mà Ngân hàng Nhà nước cơ sở đã chuyển nộp vào Ngân sách ngày 31 tháng 12 đều phải lập bảng kê chi tiết từng số tiền của từng cơ quan, từng đơn vị để gửi cho Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố tổng hợp gửi cho :
- Sở, Ty Tài chính (phần chuyển nộp vào Ngân sách địa phương)
- Vụ kế toán và quản lý quỹ Ngân sách Nhà nước Ngân hàng Nhà nước trung ương tại thành phố Hồ Chí Minh (đối với các tỉnh phía Nam) hoặc Ngân hàng Nhà nước trung ương tại Hà nội (đối với các tình từ Bình Trị Thiên trở ra Bắc), về phần chuyển nộp vào ngân sách trunng ương chậm nhất là ngày 15/1/1978.
Cơ quan Ngân hàng Nhà nước trung ương ở phía Nam tổng hợp chi tiết các số tiền đã trích nộp Ngân sách trung ương tại các tỉnh, thành phố phía Nam, thành bốn bản : một bản gửi cơ quan Bộ Tài chính ở phía Nam trước ngày 31/1/1978, hai bản gửi Ngân hàng Nhà nước trung ương ở Hà nội có kèm bảng kê trích nộp của Ngân hàng Nhà nước các tỉnh và thành phố để lưu một bản còn một bản cùng với bản kê chi tiết các số tiền đã trích nộp Ngân sách trung ương tại các tỉnh, thành phố phía Bắc gửi Bộ Tài chính, trước ngày 15/2/1978.
3. Những số dư tài khoản tiền gửi của các đơn vị, công trường xâydựng cơ bản chuyển nộp về chi hàng kiến thiết tỉnh, thành phố, cũng như những số dư tài khoản tiền gửi của các đơn vị bộ đội, công an nhân dân vũ trang chuyển nộp về tài khoản của Cục tài vụ Bộ Quốc phòng, hoặc Cục hậu cần, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, sẽ do các cơ quan chủ quản tổng hợp, theo dõi và phối hợp với cơ quan Tài chính cùng cấp để xử lý.
Điều cần lưu ý là trong năm 1977, các công trình xây dựng cơ bản do hai nguồn vốn đầu tư : Vốn Ngân sách cấp phát và vốn tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Do đó số từ tài khoản tiền gửi về xây dựng cơ bản cũng phải phân tích rõ hai nguồn vốn nói trên để không xử lý lẫn lộn. Đối với các đơn vị quân đội tham gia xây dựng kinh tế, số dư tài khoản tiền gửi đến cuối năm 1977 cũng phải phân tích rõ phần vốn kinh doanh, sản xuất được giữ lại sử dụng trong năm sau, còn số kinh phí do Bộ Quốc phòng cấp về nay còn thừa, phải chuyển về tài khoản của Cục tài vụ Bộ Quốc phòng để xử lý.
4. Về phía các cơ quan, đơn vị dự toán, phải đối chiếu số liệu với Ngân hàng Nhà nước cơ sở nơi đơn vị giao dịch, cả về số thu, nộp ngân sách, số hạn mức được cơ quan Tài chính thông báo phê chuẩn hoặc đơn vị cấp trên phân phối, số hạn mức đã phân phối cho các đơn vị trực thuộc (nếu có); số kinh phí đã thực rút, đã nộp lại để khôi phục hạn mức và số hạn mức còn laị ở Ngân hàng để huỷ bỏ vào cuối năm.
Những đơn vị được cấp phát bằng lệnh chi tiền, những đơn vị được quản lý theo lối lấy thu, bù chi cũng phải đối chiếu về những số tiền đã được cấp phát hoặc đã thu nộp và đã trích ra sử dụng.
Việc đối chiếu số liệu này là một chế độ phải được chấp hành nghiêm túc nhằm xác định nhứng số liệu chính thức dùng làm căn cứ kiểm tra việc chấp hành Ngân sách Nhà nước từ đơn vị cơ sở đến các cơ quan tổng hợp. Do đó, hàng tháng các đơn vị đã đối chiếu, đến cuối năm đều phải đối chiếu lại, đảm bảo cho số liệu thu, chi ngân sách được chính xác và thống nhất giữa tất cả các đơn vị có liên quan: đảm bảo khớp đúng cả về tổng số thu, chi, cả về chi tiết thu, chi theo từng loại, khoản, hạng, mục theo mục lục Ngân sách Nhà nước.
Để đạt yêu cầu trên, trước tiên phải đối chiếu các sổ sách, báo cáo kế toán của bản thân mỗi đơn vị cấp trên hoặc đơn vị trực thuộc (nếu có) và căn cứ số liệu đã xác minh đó để đối chiếu với Ngân hàng Nhà nước. Nếu còn điểm nào chưa nhất trí, phải tìm rõ lý do dẫn đến sai sót và điều chỉnh theo đúng chế độ, đúng với thực tế, đồng thời báo cho các cơ quan có liên quan cùng sửa lại cho thống nhất.
Khi lập quyết toán Ngân sách năm 1977, mỗi đơn vị đều nhất thiết phải đính kèm bản đối chiếu số luỹ kế thu, chi 12 tháng trong năm, có dấu và chữ ký xác nhận của Ngân hàng Nhà nước cơ sở để chứng minh tính chính xác, đầy đủ của quyết toán năm 1977.
5. Các Sở, Ty Tài chính, với tư cách là cơ quan quản lý một cấp Ngân sách, ngoài việc chủ động đôn đốc các đơn vị ở địa phương thực hiện chế độ đối chiếu số liệu như trên, còn phải trực tiếp đối chiếu các số liệu tổng hợp về Ngân sách địa phương liên quan với Ngân sách trung ương. Đặc biệt là trong năm 1977, có sự thay đổi tỷ lệ điều tiết vào giữa năm đòi hỏi có sự điều chỉnh số thu giữa Ngân sách trung ương và Ngân sách địa phương. Do đó, công việc đối chiếu số liệu thu, chi Ngân sách cuối năm càng phải chú trọng thực hiện nghiêm chỉnh nhằm phản ánh chính xác chế độ mới về phân cấp quản lý tài chính của Nhà nước.
Cụ thể, phải đối chiếu, xác minh :
- Các số thu của Ngân sách trung ương và của Ngân sách địa phương theo tỷ lệ điều tiết cũ trong 6 tháng đầu năm 1977, số thoái thu Ngân sách trung ương trả về Ngân sách địa phương hoặc từ Ngân sách địa phương trả về Ngân sách trung ương, số thu của từng cấp ngân sách theo tỷ lệ điều tiết mới trong 6 tháng cuối năm. Qua đối chiếu những số liệu này, nếu phát hiện những trường hợp phân chia điều tiết giữa các cấp Ngân sách chưa đúng với tỷ lệ điều tiết của Nhà nước, phải kịp thời điều chỉnh lại theo đúng thủ tục và đúng với chế độ và phải giải quyết xong trong thời gian chỉnh lý quyết toán 1977.
- Các số liệu về vay nợ và trả nợ đối với Ngân sách trung ương (và cho vay, thu nợ đối với Ngân sách thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, nếu có);
- Các số thu do Ngân sách trung ương trợ cấp cho Ngân sách địa phương, bao gồm :
+ Trợ cấp kiến thiết cơ bản tập trung
+ Trợ cấp cân đối Ngân sách
+ Trợ cấp đột xuất và trợ cấp khác (kê riêng từng khoản cụ thể).
- Đối với các tỉnh, thành phố phía Nam, nếu có trường hợp cử cán bộ ra mua hoặc nhận hàng viện trợ ở miền Bắc và được Bộ Tài chính trợ cấp bằng tiền miền Bắc để thanh toán tiền hàng ngay ở miền Bắc, thì cũng phải xác minh, đối chiếu riêng và kê khai, phân tích rõ số tiền miền Bắc được trợ cấp, quy ra tiền miền Nam để khấu trừ vào mức trợ cấp được duyệt theo thông báo duyệt ngân sách đầu năm. Số tiền này cũng phải ghi vào quyết toán Ngân sách của cơ quan tài chính địa phương năm 1977, ghi cả bên thu (khoản thu do Ngân sách trung ương trợ cấp) và bên chi (khoản chi mua thiết bị xây dựng cơ bản).
- Tổng số thu Ngân sách địa phương (đã trừ thoái thu và có phần tích từng loại khoản, hạng, mục).
- Tổng số cấp phát (đã trừ thu giảm cấp phát và có phân tích từng loại, khoản, hạng, mục).
- Số kết dư Ngân sách địa phương, phân tích rõ :
+ Phần có tồn quỹ bằng tiền gửi ở Ngân hàng Nhà nước;
+ Phần không có tồn quỹ bảo đảm, do đã cấp phát cho các đơn vị song đơn vị chưa quyết toán và cũng chưa nộp trả Ngân sách (vì có nguyên vật liệu tồn kho chưa sử dụng và chưa được phép quyết toán).
- Số tồn quỹ ngân sách địa phương gửi ở Ngân hàng Nhà nước đến ngày 31/12/1977, phân tích rõ :
+ Phần thuộc Ngân sách năm 1977,
+ Phần thuộc Ngân sách năm 1978 (nếu có) do có thu, chi trước cho năm 1978.
- Tất cả những số liệu đã đối chiếu, phải có biên bản xác nhận giữa Sở, Ty Tài chính với Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và phải đính kèm vào tổng quyết toán thu, chi Ngân sách địa phương năm 1977 gửi về Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trung ương. Riêng số tiền miền Bắc mà Bộ Tài chính đã trợ cấp cho các tỉnh miền Nam để thanh toán tiền mua máy móc thiết bị ở miền Bắc thì phải đối chiếu với Bộ Tài chính (Vụ Ngân sách địa phương và Vụ Quản lý Ngân sách Nhà nước).
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Nhận được thông tư này, cơ quan Tài chính - Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố có trách nhiệm phối hợp tổ chức nghiên cứu, học tập, trong nội bộ và phổ biến chi tất cả các đơn vị thuộc phạm vi đối tương thi hành đã nói ở trên.
Trong khi thi hành, nếu thấy có điểm nào cần bổ sung, sửa đổi, các ngành, các cấp, các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính (Vụ quản lý Ngân sách Nhà nước) và Ngân hàng Nhà nước trung ương (Vụ kế toán và quản lý quỹ Ngân sách Nhà nước) để nghiên cưứ, bổ khuyết.
Những thời hạn khoá sổ, đình chỉ cấp phát, thời hạn kê khai, thanh toán các khoản tiền gửi, .v.v... phải được thông báo sớm cho các đơn vị bằng văn bản và niêm yết ở Ngân hàng Nhà nước cơ sở để tất cả các đơn vị giao dịch được biết và làm các thủ tục cần thiết được kịp thời, tránh tình trạng do không được phổ biến chu đáo mà một số đơn vị chấp hành thiếu nghiêm chỉnh chế độ khoá sổ thu, chi Ngân sách Nhà nước quy định trong thông tư này./.