• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 17/08/1990
BỘ TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Số: 12/TT-LB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 17 tháng 8 năm 1990

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

Về việc giao công tác của hệ thống quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ dự trữ tài chính nhà nước thuộc ngân hàng nhà nước sang hệ thống kho bạc nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính

_________________________

 Thi hành Quyết định số 07/HĐBT ngày 4/1/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính; Liên bộ Ngân hàng Nhà nước và TàI chính hướng dẫn công việc bàn giao theo đIều 1 và đIều 8 của Quyết định nói trên như sau:

I/ QUY ĐỊNH CHUNG.

1/ Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước bàn giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính nội dung công việc, cơ sở vật chất cần thiết và tổ chức bộ máy, cán bộ hiện đang làm công tác quản lý quỹ Ngân sách Nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước, để đảm bảo cho hệ thống Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính đi vào hoạt động được bình thường từ ngày 01/4/1990.

2/ Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm tổ chức hạch toán phản ánh và lập báo cáo quyết toán thu chi Ngân sách Nhà nước các cấp của năm 1989, báo cáo thu chi ngân sách các cấp theo chương mục quý I/1990 đầy đủ, chính xác để giao cho Bộ Tài chính. Bàn giao đầy đủ chính xác các loại quỹ ngân sách và quỹ dự trữ tài chính Nhà nước các cấp kể cả các loại vàng, bạc, kim khí quý,đá quý, vật quý dự trữ và thu gom của Nhà nước. Hồ sơ sổ sách công trái xây dựng Tổ quốc có tại Ngân hàng Nhà nước đến cuối ngày 31/3/1990.

Bắt đầu từ ngày 01/04/1990 hệ thống Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính tổ chức hoạt động theo tổ chức và cơ chế mới của Bộ Tài chính quy định.

3/ Các cơ quan Ngân hàng Nhà nước và Tài chính phải phối hợp chặt chẽ để việc tổ chức bàn giao nhanh, gọn, chính xác. Hệ thống Kho bạc Nhà nước phải thanh toán nhanh chóng ổn định để hoạt động bình thường.

Những nội dung công việc của năm 1989 và quý I/1990 phát sinh trong quá trình bàn giao và sau khi bàn giao hai Bộ có trách nhiệm hợp tác để đảm bảo phản ánh chính xác, trường hợp có sai sót cần phải điều chỉnh thì hai bên có trách nhiệm cùng bàn bạc và thông báo để thực hiện.

II/ NHỮNG NỘI DUNG BÀN GIAO CỤ THỂ:

4/ Về tổ chức cán bộ:

4.1- Các cán bộ hiện đang trực tiếp làm các công tác về quản lý quỹ Ngân sách Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Trung ương, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và chuyên doanh tỉnh, thành phố, khu vực, đặc khu, huyện, quận ... có mặt đến cuối ngày 31/12/1989 được bàn giao đầy đủ cho hệ thống Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Những cán bộ liên quan khác bao gồm cán bộ làm công việc: kế toán, kho quỹ, kiểm ngân, quản lý tiền mặt, đôn đốc quản lý Ngân sách Nhà nước, quản lý tiền lương khu vực hành chính, công trái xây dựng Tổ quốc, bảo vệ kho tàng . . . do thủ trưởng hai ngành Ngân hàng Nhà nước và Tài chính thoả thuận trên nguyên tắc đảm bảo cho Kho bạc Nhà nước đủ cán bộ hoạt động bình thường. Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố lập danh sách những cán bộ đang làm việc nói trên để bàn giao cho hệ thống kho bạc, kèm theo hồ sơ cá nhân từng cán bộ.

4.2- Đối tượng cán bộ hết tuổi công tác về hưu cho nghỉ hưu ngay mà không phải bàn giao.

4.3- Đối tượng cán bộ lãnh đạo là cấp Giám đốc chi nhánh Ngân hàng tỉnh, trưởng phòng đại diện phụ trách quỹ ngân sách tỉnh và huyện do thủ trưởng 2 ngành Ngân hàng Nhà nước, Tài chính cấp tỉnh bàn bạc thống nhất báo cáo với Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân địa phương quyết định trước khi bàn giao.

5/ Về cơ sở vật chất gồm nhà làm việc và các phương tiện làm việc bàn giao cho hệ thống kho bạc theo quy định cụ thể sau đây:

5.1- Những nơi trụ sở hoặc nhà làm việc ở một khu vực riêng biệt, hoặc những nơi có điều kiện sắp xếp, cần sắp xếp bố trí nơi làm việc riêng biệt, thì Ngân hàng Nhà nước sắp xếp và bàn giao ngay cho Kho bạc Nhà nước.

- Những nơi cơ quan tài chính không có điều kiện bố trí trụ sở làm việc riêng thì cán bộ đang làm công tác quản lý quỹ Ngân sách Nhà nước ở Ngân hàng Nhà nước đang ngồi làm việc ở đâu thì vẫn làm việc tại đó. Trường hợp đang ngồi phân tán nhiều nơi thì các Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng chuyên doanh phải sắp xếp di chuyển vào một khu vực hoặc một nhà riêng trong khu vực trụ sở Ngân hàng để thuận tiện cho việc hoạt động của Kho bạc Nhà nước. Khi Kho bạc Nhà nước có điều kiện chuyển đến trụ sở riêng thì trả lại cho Ngân hàng Nhà nước.

- Những nơi cơ quan Tài chính và Kho bạc Nhà nước có điều kiện bố trí trụ sở làm việc thì không phải bàn giao.

5.2/ Các loại phương tiện làm việc như bàn, ghế, tủ, két, hòm, máy tính để bàn, máy chữ, phương tiện giao thông . . . đang phục vụ cho công tác quản lý Ngân sách Nhà nước thì Ngân hàng bàn giao cho Kho bạc trên cơ sở chuyên canh. Khi bàn giao phải kiểm kê bàn giao cụ thể cho Kho bạc Nhà nước.

Trường hợp bàn giao số đang dùng mà cơ quan Kho bạc vẫn thiếu phương tiện làm việc thì Ngân hàng sẽ cung cấp thêm trên cơ sở khả năng hiện có của Ngân hàng. Riêng két sắt, nếu chưa có thì Ngân hàng phải xin bổ sung ngay cho bộ phận quỹ ngân sách và Kho bạc Nhà nước sử dụng.

5.3/ Các trạm máy tính đang làm dịch vụ tính toán hạch toán cho nghiệp vụ quản lý quỹ Ngân sách Nhà nước; đến nay nhiệm vụ này giao sang Bộ Tài chính thì các trạm máy tính vẫn có trách nhiệm làm dịch vụ cho Kho bạc Nhà nước theo hợp đồng kinh tế ký kết.

5.4/ Mọi tài sản (bao gồm nhà cửa, phương tiện làm việc bàn ghế, tủ, két, hòm, máy tính để bàn, máy chữ . . .) khi bàn giao cho Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng lập bảng kê và tính theo giá trị còn ghi sổ tới cuối ngày bàn giao để chuyển tăng giá trị tài sản cho Kho bạc Nhà nước và giảm giá trị tài sản của Ngân hàng Nhà nước.

6/ Bàn giao tồn quỹ ngân sách các cấp như sau:

6.1/ Ngân hàng Nhà nước tỉnh uỷ nhiệm cho phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh tại huyện, cuối ngày 31/3/1990 căn cứ vào số liệu trên các tài khoản thu, chi ngân sách huyện rút tồn quỹ ngân sách huyện cuối để bàn giao cho chi nhánh Kho bạc sử dụng.

6.2/ Sau khi xoá sổ lên cân đối ngày 31/3/1990 phòng đại diện huyện lập chuyển tiền chuyển toàn bộ số dư các tài khoản thu chi ngân sách tỉnh, thành phố và số dư tài khoản thu chi ngân sách trung ương về Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố.

6.3/ Ngân hàng Nhà nước tỉnh nhận các chuyển tiền thu chi Ngân sách tỉnh của các huyện chuyển về hạch toán vào tài khoản thu chi ngân sách tỉnh trong ngày 31/3/1990, rút tồn quỹ ngân sách tỉnh đến cuối ngày để bàn giao cho chi cục Kho bạc Nhà nước tồn quỹ ngân sách tỉnh.

6.4/ Nhận chuyển tiền thu chi ngân sách trung ương từ các huyện chuyển về, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố hạch toán vào tài khoản thu chi ngân sách trung ương trên toàn tỉnh, rồi tất toán từng tài khoản thu chi ngân sách trung ương để chuyển tiền về Ngân hàng Trung ương (Vụ quỹ ngân sách).

6.5/ Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ quỹ NSNN) Ngân hàng Nhà nướcận chuyển tiền thu chi NSTW của các tỉnh chuyển về hạch toán vào các tài khoản thu chi NSTW - sau đó rút tồn quỹ NSTW để bàn giao cho Cục Kho bạc thuộc Bộ Tài chính.

6.6/ Những khoản thu chi Ngân sách các cấp còn trên đường đi đến 31/3/1990 Ngân hàng Nhà nước chưa nhập hết vào các cấp Ngân sách để bàn giao, Ngân hàng có trách nhiệm theo dõi và chuyển nhập vào tài khoản tiền gửi Kho bạc Nhà nước và thông báo cho Kho bạc Nhà nước biết.

7/ Tiền gửi quỹ dự trữ tài chính bằng tiền (đồng) của Ngân sách các cấp số dư còn lại cuối ngày 31/3/1990 Ngân hàng Nhà nước trích chuyển bàn giao qua tài khoản tiền gửi Kho bạc Nhà nước.

7.1/ Quỹ dự trữ tài chính Ngân sách huyện do phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước tại huyện chuyển giao cho chi nhánh Kho bạc Nhà nước.

7.2/ Quỹ dự trữ tài chính Ngân sách tỉnh, thành phố do Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố chuyển giao cho Chi cục Kho bạc Nhà nước.

7.3/ Quỹ dự trữ tài chính ngân sách Trung ương do Ngân hàng Nhà nước Trung ương chuyển giao cho Cục Kho bạc Nhà nước - Bộ Tài chính.

8/ Tài khoản kinh phí uỷ quyền của các cấp ngân sách số dư còn lại cuối ngày 31/3/1990 các cấp tài chính phải đối chiếu xác định số dư để trích chuyển qua tài khoản tiền gửi Kho bạc bàn giao cho Kho bạc Nhà nước.

8.1/ Phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước tại huyện chuyển giao cho chi nhánh Kho bạc Nhà nước huyện kinh phí uỷ quyền cho ngân sách tỉnh thành phố uỷ quyền cho ngân sách huyện quận.

8.2/ Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố chuyển giao cho Chi cục Kho bạc Nhà nước kinh phí uỷ quyền của Ngân sách Trung ương uỷ quyền cho Ngân sách tỉnh thành phố.

9/ Kinh phí dự toán thuộc các cấp ngân sách (Trung ương tỉnh - thành phố), kinh phí dự toán khác, tiền gửi Ngân sách xã còn gửi tại Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm lập bảng kê gửi Kho bạc Nhà nước và thông báo cho các chủ tài khoản đến đối chiếu, xác định số dư trên tài khoản đến 31/3/1990. Chủ tài khoản lập thủ tục mở tài khoản ở Kho bạc Nhà nước đồng thời trích tài khoản số tiền kinh phí ngân sách cấp cho đơn vị chuyển qua tài khoản tiền gửi Kho bạc Nhà nước để sử dụng.

Các đơn vị có tài khoản kinh phí dự toán sau khi làm thủ tục mở tài khoản ở Kho bạc Nhà nước, nhưng sau đó có các tờ séc phát hành trước ngày 31/3/1990 chưa thanh toán kịp trong tháng 3-1990, nếu đơn vị không còn số dư vì đã chuyển hết sang Kho bạc Nhà nước, thì KBNN có trách nhiệm thanh toán cho đơn vị qua tài khoản tiền gửi Kho bạc của mình tại Ngân hàng.

10/ Các khoản tiền phạm pháp do cơ quan Pháp luật gửi vào tài khoản tiền gửi chờ xử lý ở Ngân hàng Nhà nước - Ngân hàng Nhà nước lập bảng kê và thông báo cho các đơn vị đến đối chiếu, xác nhận số dư đến 31/3/1990, sau đó đơn vị làm thủ tục chuyển tiền để gửi cho Kho bạc Nhà nước quản lý.

11/ Vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, vật quý thuộc dự trữ Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đang quản lý (nếu có) nay bàn giao số liệu và sổ sách cho Kho bạc Nhà nước, trong khi chờ đợi kiểm kê và làm thủ tục gửi vào Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm bảo quản hiện vật.

12/ Vàng, bạc, vật quý do Ban thu gom của Chính phủ đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương bao gồm hiện vật và hồ sơ thu gom nay Ngân hàng Nhà nước bàn giao cho Cục Kho bạc Bộ Tài chính trên cơ sở nguyên niêm phong của Hội đồng thu gom có chữ ký của các bộ liên quan. Sau khi nhận cục Kho bạc Nhà nước làm thủ tục gửi vào kho Ngân hàng Nhà nước về hiện vật. Toàn bộ hồ sơ sổ sách thu gom và người theo dõi công việc này Ngân hàng Nhà nước bàn giao cho Cục Kho bạc Nhà nước.

13/ Vàng, bạc, vật quý phạm pháp của các cơ quan Pháp luật gửi Ngân hàng Nhà nước để chờ xử lý, Ngân hàng Nhà nước lập bảng kê gửi KBNN. Thông báo cho các cơ quan đơn vị gửi đến làm thủ tục lấy ra từ Ngân hàng Nhà nước đồng thời làm thủ tục gửi ngay vào Kho bạc Nhà nước cùng thời điểm.

14/ Công trái thu bằng tiền, bằng thóc, bằng ngoại tệ, bằng vàng, Ngân hàng Nhà nước đã nộp vào Ngân sách Trung ương. Đến cuối ngày 31/3/1990 còn lại các Ngân hàng chuyên doanh và Ngân hàng Nhà nước phải nộp hết vào Ngân sách Trung ương. Hồ sơ theo dõi về công trái XDTQ Ngân hàng Nhà nước đang lưu trữ thì Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng chuyên doanh cấp nào bàn giao cho Kho bạc Nhà nước cấp ấy toàn bộ hồ sơ lưu.

Các khoản Ngân hàng Nhà nước nhận trả trước cho các huyện ở tỉnh Thanh hoá, NHNN có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ để giao lại cho Kho bạc Nhà nước quản lý và chi trả từ 1-4 -1990.

15/ Hạn mức kinh phí cơ quan Tài chính cấp cho các cấp đơn vị dự toán cấp I - cấp II - cấp III thuộc 3 cấp Ngân sách Trung ương - Ngân sách tỉnh, thành phố - Ngân sách huyện quận trong quý I-1990. Các đơn vị dự toán cấp I, cấp II được phân phối hết cho đơn vị cấp III trực thuộc mình. Đơn vị dự toán cấp III được chuyển từ tài khoản HMKP sang tài khoản kinh phí của đơn vị toàn bộ số tiền còn lại trên tài khoản HMKP của đơn vị đến ngày 31/3/1990 để sử dụng. Bắt đầu từ 1/4/1990 cơ quan Tài chính các cấp tiến hành cấp phát cho các đơn vị dự toán bằng các hình thức cấp phát và thanh toán của Bộ Tài chính quy định.

16/ Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm tổng hợp làm quyết toán thu chi Ngân sách các cấp của năm 1989, báo cáo đầy đủ chính xác số liệu thu chi ngân sách các cấp 3 tháng quý I -1990 của Ngân sách các cấp để giao Kho bạc Nhà nước đồng gửi cơ quan Tài chính các cấp thời hạn cuối cùng là 30/6/1990.

17/ Ấn chỉ Ngân hàng Nhà nước in để phục vụ công tác quản lý quỹ Ngân sách Nhà nước còn lại đến cuối 31/3/1990 nếu KBNN còn sử dụng Ngân hàng Nhà nước các cấp kiểm kê lập bảng; ghi rõ số lượng, giá trị từng loại, chuyển giao cho KBNN sử dụng. KBNN thanh toán giá trị số ấn chỉ Ngân hàng Nhà nước bàn giao.

III/ QUAN HỆ GIỮA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VÀ KHO BẠC NHÀ NƯỚC :

18/ Kể từ 1/4/1990 cơ quan Kho bạc Nhà nước được mở một tài khoản tiền gửi Kho bạc Nhà nước và các TK khác (nếu cần) tại NH theo chế độ mở và sử dụng tài khoản hiện hành của NHNN và quy định riêng của Liên Bộ.

19/ Mọi khoản giao dịch quan hệ thanh toán giữa các đơn vị dự toán với các tổ chức kinh tế không có tài khoản ở Kho bạc Nhà nước đều phải thông qua tài khoản kho bạc tại Ngân hàng để thanh toán.

20/ Về quan hệ tiền mặt, ngân hàng đảm bảo chi trả tiền mặt theo kế hoạch hàng năm, hàng quý, hàng tháng của KBNN trên cơ sở số dư có tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại Ngân hàng. Ngân hàng từng cấp cùng Kho bạc Nhà nước xác định mức tồn quỹ để sử dụng hàng ngày, nếu vượt định mức tồn quỹ, KBNN đem  nộp vào Ngân hàng, nếu thiếu thì rút từ Ngân hàng ra sử dụng.

Hệ thống Kho bạc Nhà nước phải chịu sự giám sát quản lý tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước theo chế độ Nhà nước quy định.

21/ Các quan hệ khác kể cả ngoại tệ giữa Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước sẽ có những văn bản khác hướng dẫn.

IV/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

22/ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn cấp dưới thực hiện đầy đủ các điểm quy định trong Thông tư liên bộ này. Công tác bàn giao được tiến hành từng bước cụ thể.

23/ Ngân hàng Nhà nước và cơ quan Tài chính các cấp có trách nhiệm đối chiếu rà soát lại số liệu thu chi ngân sách từng cấp từ 1/1/1990 đến 31/3/1990 để xác nhận số tồn quỹ của cấp ngân sách (huyện xác định NS cấp huyện, Tỉnh xác định NS cấp Tỉnh - Trung ương xác định NS cấp Trung ương) để khi bàn giao nhất trí với nhau.

24/ Ngân hàng Nhà nước các cấp có trách nhiệm khoá sổ thu chi ngân sách các cấp, lập báo cáo tháng 3/1990 kịp thời chính xác gửi Ngân hàng Nhà nước cấp trên và cơ quan Tài chính đồng cấp.

25/ Quyết toán ngân sách cấp năm 1989 Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm lập đầy đủ đảm bảo số liệu chính xác giữa các tài khoản và báo biểu có liên quan. Trường hợp có chênh lệch phải tìm kiếm giải thích và điều chỉnh, khi thực hiện phải thông báo cho cơ quan Tài chính đồng cấp cùng thống nhất xác nhận để điều chỉnh.

26/ Số liệu phát sinh từ 1/4/1990 của ngân sách năm 1989 và ba tháng quý I/1990 do cơ quan KBNN giải quyết. Trường hợp có liên quan đến số liệu cũ thì đôi bên Ngân hàng Nhà nước và KBNN xử lý theo đúng nguyên tắc hạch toán.

27/ Cấp bàn giao quy định như sau:

27.1/ Ngân hàng Nhà nước tỉnh uỷ nhiệm cho phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước tại huyện bàn giao cho chi nhánh Kho bạc Nhà nước.

27.2/ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước uỷ nhiệm cho trưởng phòng quỹ ngân sách tỉnh, thành phố, khu vực, đặc khu bàn giao cho Chi cục KBNN.

27.3/ Ngân hàng Nhà nước TW (Vụ quỹ NSNN) bàn giao cho Cục Kho bạc Nhà nước Bộ Tài chính.

28/ Để đảm bảo tính pháp lý khi tiến hành bàn giao giữa Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước phải có giám đốc NHNN, giám đốc Sở Tài chính và chính quyền cấp tương đương chứng kiến.

29/ Thời hạn bàn giao quy định thống nhất như sau:

29.1/ Về tổ chức cán bộ Ngân hàng Nhà nước các cấp lập danh sách và hồ sơ các cán bộ dự kiến bàn giao gửi Bộ Tài chính và các Sở Tài chính chậm nhất là ngày 28/2/1990.

29.2/ Về tài sản (nhà cửa - phương tiện làm việc) Ngân hàng Nhà nước lập bảng kê bàn giao gửi cho cơ quan Tài chính các cấp chậm nhất là 28/2/1990.

29.3/ Số dư tồn quỹ ngân sách từng cấp - quỹ dự trữ tài chính bằng tiền - kinh phí uỷ quyền - bàn giao đến cuối ngày 31/3/1990.

29.4/ Các khoản kinh phí dự toán - tiền phạm pháp tạm giữ chờ xử lý thông báo cho các đơn vị phải làm thủ tục chuyển sang Kho bạc chậm nhất vào cuối 1/4/1990.

29.5/ Vàng, bạc, vật quý đến 31/3/1990 bàn giao về sổ sách giá trị khối lượng ghi trên sổ sách. Việc kiểm kê cân, đo, đong, đếm chậm nhất đến 31/12/1990 làm xong.

29.6/ Hồ sơ công trái XDTQ bàn giao xong chậm nhất là 30/6/1990.

29.7/ Quyết toán thu chi ngân sách các cấp ngân sách năm 1989 và quý I/1990 bàn giao cho KBNN đồng gửi Bộ Tài chính chậm nhất 30/6/1990.

30/ Từng nội dung bàn giao, bên giao phải lập bảng kê theo mẫu quy định (kèm theo thông tư) để kèm theo biên bản bàn giao làm phụ biểu.

31/ Biên bản lập đủ đề cho bên giao, bên nhận và còn phải gửi cho:

- Cơ quan Tài chính đồng cấp.

- Cơ quan Ngân hàng Nhà nước và Tài chính cấp trên.

- Uỷ ban nhân dân các cấp chứng kiến.

32/ Giám đốc Ngân hàng Nhà nước và giám đốc Sở Tài chính tỉnh, thành phố đặc khu có trách nhiệm tổng hợp hồ sơ bàn giao trên địa bàn để báo cáo Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Bộ trưởng Bộ Tài chính - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thành phố.

33/ Ngân hàng Nhà nước Trung ương và Bộ Tài chính có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ hồ sơ bàn giao của Ngân hàng Nhà nước cho hệ thống KBNN để báo cáo Hội đồng Bộ trưởng chậm nhất là ngày 31/12/1990.

34/ Các quy định trong Thông tư Liên bộ tính chất nguyên tắc, hai Bộ tuỳ theo đặc điểm nghiệp vụ của mình có văn bản hướng dẫn chi tiết cho cơ sở thực hiện. Trong quá trình thực hiện có điểm vào chưa rõ thì phản ánh về Liên Bộ hướng dẫn giải quyết./.

Bộ trưởng Bộ Tài chính

Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Hoàng Quy

Cao Sĩ Kiêm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.