Sign In

NGHỊ QUYẾT

Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và chính sách

hỗ trợ đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công với cách mạng;

Căn cứ Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Người khuyết tật;

Căn cứ Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

Căn cứ Thông tư số 01/2019/TT- BLĐTBXH ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện;

Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

Xét Tờ trình số 8790/TTr-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

2. Đối tượng áp dụng

a) Đối tượng bảo trợ xã hội, hộ gia đình, cá nhân đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

b) Người khuyết tật bẩm sinh có cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã hoặc đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, trừ người khuyết tật đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng hoặc đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng;

c) Người khuyết tật thần kinh tâm thần mức độ đặc biệt nặng đang còn cả cha và mẹ nhưng cả hai người từ đủ 75 tuổi trở lên hoặc chỉ còn cha hoặc mẹ nhưng từ đủ 75 tuổi trở lên, thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo, có nguyện vọng đưa đối tượng vào các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An;

d) Trẻ em được tiếp nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng trong Làng trẻ em SOS Vinh theo quy định của Làng trẻ em SOS Việt Nam;

đ) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội

1. Mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng/tháng.

2. Mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

3. Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng thuộc điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị quyết này, ngoài hưởng mức trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 còn được hưởng thêm mức hỗ trợ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này.

Điều 3. Chính sách hỗ trợ đối với người khuyết tật bẩm sinh có cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã hoặc đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học

1. Chế độ hỗ trợ hàng tháng

Các đối tượng được hỗ trợ hàng tháng với mức bằng với mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết này nhân với hệ số tương ứng quy định như sau:

a) Hệ số 0,5 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng;

b) Hệ số 1,0 đối với người được Hội đồng Giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động từ 21% đến 40% hoặc được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật đánh giá, chấm điểm mức độ khuyết tật đạt từ 2 đến 4 điểm theo quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện;

c) Hệ số 1,5 đối với người được Hội đồng Giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% hoặc được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật đánh giá, chấm điểm mức độ khuyết tật đạt từ 5 đến 6 điểm theo quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH.

2. Thủ tục thực hiện, thôi hưởng hỗ trợ hàng tháng

a) Người khuyết tật hoặc người giám hộ hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan làm 01 tờ khai (theo mẫu kèm theo Nghị quyết này) gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã). Khi nộp tờ khai cần xuất trình các giấy tờ sau để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu thông tin kê khai trong tờ khai:

- Biên bản giám định y khoa của Hội đồng Giám định y khoa hoặc Biên bản họp kết luận dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật (được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH). Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì không cần phải xuất trình các giấy tờ này;

- Quyết định hưởng trợ cấp hàng tháng đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

- Giấy khai sinh của đối tượng hoặc xác nhận của UBND cấp xã về nhân thân của đối tượng;

- Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân (đối với người từ 16 tuổi trở lên);

b) Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện xét duyệt và niêm yết công khai kết quả xét duyệt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 02 ngày làm việc. Trường hợp có khiếu nại, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức xem xét, kết luận, công khai nội dung khiếu nại. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hồ sơ được xét duyệt và không có khiếu nại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản, kèm theo 01 tờ khai của đối tượng gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện.

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ khai của đối tượng và văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) xem xét quyết định hỗ trợ hàng tháng cho đối tượng. Trường hợp đối tượng không đủ điều kiện hưởng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

d) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định hỗ trợ hàng tháng cho đối tượng;

đ) Trường hợp đối tượng hưởng hỗ trợ hàng tháng chết hoặc không còn thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị quyết này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thôi hưởng chính sách hỗ trợ hàng tháng. Thời gian thôi hưởng kể từ tháng ngay sau tháng đối tượng đang hưởng hỗ trợ hàng tháng chết hoặc không còn thuộc diện được hỗ trợ.

3. Cấp thẻ bảo hiểm y tế

Đối tượng quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

4. Hỗ trợ chi phí mai táng

a) Đối tượng quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này khi chết được hỗ trợ chi phí mai táng bằng 20 lần mức chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết này;

b) Trường hợp đối tượng được hỗ trợ chi phí mai táng quy định tại nhiều văn bản khác nhau với các mức khác nhau thì chỉ được hưởng một mức cao nhất;

c) Hồ sơ, thủ tục hỗ trợ chi phí mai táng thực hiện áp dụng theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 11 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

5. Phương thức hỗ trợ

Các khoản hỗ trợ hàng tháng, hỗ trợ chi phí mai táng được chi trả bằng tiền mặt hoặc qua thẻ ATM.

Điều 4. Chính sách đối với người khuyết tật thần kinh tâm thần mức độ đặc biệt nặng đang còn cả cha và mẹ nhưng cả hai người từ đủ 75 tuổi trở lên hoặc chỉ còn cha hoặc mẹ nhưng từ đủ 75 tuổi trở lên, thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo, có nguyện vọng đưa đối tượng vào sống trong các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh

1. Thẩm quyền, hồ sơ và thủ tục tiếp nhận

Thực hiện áp dụng theo Điều 27 và Điều 28 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

2. Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng

Các đối tượng được tiếp nhận vào sống trong cơ sở trợ giúp xã hội được hưởng các chế độ như các đối tượng đang sống trong các cơ sở trợ giúp xã hội (theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP).

3. Đối tượng được tiếp nhận vào sống trong các cơ sở trợ giúp xã hội thì không được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng.

Điều 5. Chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với trẻ em được tiếp nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng trong Làng trẻ em SOS Vinh

Hỗ trợ mức chênh lệch tiền ăn hàng tháng đối với trẻ em được tiếp nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng trong Làng trẻ em SOS Vinh để bằng mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng tại cơ sở trợ giúp xã hội được quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Điều 6. Nguồn kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng quy định tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 của Nghị quyết này do ngân sách tỉnh đảm bảo.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thời gian thực hiện chế độ hỗ trợ

a)  Đối với các đối tượng được quy định tại Điều 3 của Nghị quyết

- Các đối tượng đã được Hội đồng Giám định y khoa hoặc Hội đồng xác định mức độ khuyết tật đánh giá, xác định mức độ khuyết tật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thì thời gian hưởng chế độ hỗ trợ hàng tháng kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực.

- Các đối tượng được Hội đồng Giám định y khoa hoặc Hội đồng xác định mức độ khuyết tật đánh giá, xác định mức độ khuyết tật sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thì thời gian hưởng chế độ hỗ trợ hàng tháng kể từ tháng ghi trong Biên bản giám định y khoa hoặc tháng được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật đánh giá, xác định mức độ khuyết tật;

b) Đối với các đối tượng được quy định tại Điều 4 của Nghị quyết: Thời gian thực hiện chế độ kể từ ngày đối tượng được tiếp nhận vào sống trong cơ sở trợ giúp xã hội.

c) Đối với các đối tượng được quy định tại Điều 5 của Nghị quyết

- Các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng trong Làng trẻ em SOS Vinh thì thời gian thực hiện chế độ hỗ trợ kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực.

- Các đối tượng được tiếp nhận vào Làng trẻ em SOS Vinh sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thì thời gian thực hiện chế độ hỗ trợ kể từ ngày đối tượng được tiếp nhận vào sống trong Làng trẻ em SOS Vinh.

2. Quy định chuyển tiếp

Các đối tượng đang được hưởng chế độ, chính sách trợ giúp xã hội trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì chuyển sang mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và hệ số tương ứng theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

3. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Khóa XVIII, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022./.

HĐND tỉnh Nghệ An

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Thái Thanh Quý