Sign In

QUYÉT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm Vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020

________________________________

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản số 46/2005/QH11 được Quốc hội khoá XI kì họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005;

Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản; Nghị định số 07/2009/NĐ-CP ngày 22/01/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý khoáng sản vật liệu xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 108/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 06/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm nguyên liệu xi măng ở Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 313/2010/NQ-HĐND ngày 10/7/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khoá XV, kỳ họp thứ 18 về việc thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm Vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Công văn số 1230/SXD-KTKH ngày 27/7/2010 và Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 1962/TNMT-KS ngày 27/7/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm Vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, với các nội dung chính sau:

I. Quan điếm, nguyên tắc, mục tiêu xây dựng quy hoạch

a) Quan điểm xây dựng quy hoạch

Xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thành một ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh đến 2020, nhằm khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có tiềm năng lớn trên địa bàn tỉnh, gắn với việc sản xuất, chế biến các sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt, nhằm từng bước đáp ứng thõa mãn nhu cầu về đá, cát sỏi, vật liệu xây cho thị trường nội tỉnh và các thị trường khác; tạo đà tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần chuyển dịch tỷ trọng ngành công nghiệp đến 2010 đạt 35% cơ cấu GDP của tỉnh.

Phát triển công nghiệp thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong mối quan hệ hài hoà, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế liên quan như nông - lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp và các lĩnh vực kinh tế khác. Khai thác, chế biến khoáng sản phải đi đôi với bảo vệ môi trường, môi sinh và sự phát triển ổn định, bền vững của cộng đồng.

Quy hoạch dựa trên tài liệu điều tra địa chất, quy mô, chất lượng các điểm mỏ và phải đáp ứng được nhu cầu về vật liệu xây dựng thông thường của từng khu vực. Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quy mô công nghiệp các điểm mỏ tiềm năng lớn để cung cấp ổn định, lâu dài vật liệu xây dựng thông thường cho các vùng có nhu cầu lớn; đồng thời quy hoạch khai thác các điểm mỏ quy mô vừa - nhỏ với sản lượng phù hợp để đáp ứng nhu cầu trước mắt của thị trường.

Quy hoạch chỉ xác lập trên những diện tích có thể khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản và pháp luật liên quan khác. Các điểm mỏ có quy mô lớn bị ảnh hưởng bởi các quy hoạch khác sẽ được xem xét để quy hoạch hợp lý, nhằm vì lợi ích chung cho cộng đồng.

b) Nguyên tắc xây dựng quy hoạch

Quy hoạch của tỉnh phải phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của cả nước đã được phê duyệt.

Khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản phục vụ cho nhu cầu trước mắt, đồng thời có tính đến sự phát triển của khoa học, công nghệ và nhu cầu khoáng sản trong tương lai;

Bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, an ninh quốc phòng;

Các khu vực khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường chưa được điều tra, đánh giá và không nằm trong quy hoạch khoáng sản của cả nước cũng như của tỉnh; tuỳ tình hình thực tế có thể được khảo sát, thăm dò đánh giá quy mô chất lượng khoáng sản để lựa chọn công nghệ khai thác hợp lý trước khi cấp phép khai thác.

Từ các nguyên tắc cơ bản trên, công tác quy hoạch cụ thể thực hiện theo các bước sau:

* Loại trừ diện tích cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản:

Không quy hoạch thăm dò trên khu vực thuộc diện cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; cụ thể loại trừ các khu vực:

- Có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được UBND tỉnh định khoanh vùng bảo vệ;

- Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, bãi bồi non đang có rừng ngập mặn tái sinh tự nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn đất ngập nước, khu vực bảo tồn địa chất;

- Đã có quy hoạch đất đai dành riêng cho mục đích an ninh quốc phòng hoặc ảnh hưởng xấu đến nhiệm vụ an ninh quốc phòng;

- Thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ an toàn các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông, công trình thuỷ lợi, đê điều, thông tin;

- Dành riêng cho tôn giáo;

- Khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu thương mại, khu du lịch hoặc công trình kết cấu hạ tầng quan trọng;

- Do yêu cầu đột xuất về quốc phòng, an ninh;

- Do yêu cầu bảo tồn thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đang được nhà nước xem xét, công nhận hoặc phát hiện trong quá trình thăm dò, khai thác phát hiện các di tích khảo cổ;

- Do yêu cầu phòng tránh hoặc khắc phục hậu quả thiên tai. Các khu vực có địa hình phức tạp, đầu nguồn dễ bị sạt lở; các vùng có cát bay, cát di động, biển xâm thực.

* Quy hoạch theo tiềm năng của mỏ:

- Các điểm mỏ đã có số liệu đánh giá, thăm dò, được quy hoạch khai thác theo quy mô trữ lượng. Nếu trữ lượng lớn quy hoạch khai thác, chế biến quy mô công nghiệp, nếu nhỏ, khai thác quy mô nhỏ.

- Các điểm mỏ được quy hoạch khai thác, chế biến theo chất lượng và khả năng sử dụng nhằm sử dụng khoáng sản có hiệu quả.

- Ưu tiên thăm dò, khai thác các điểm mỏ đá xây dựng, cát sỏi xây dựng, sét gạch ngói đáp ứng nhu cầu nội tỉnh.

- Ưu tiên thăm dò, khai thác các điểm mỏ nằm trong các khu vực quy hoạch phát triển các dự án kinh tế xã hội khác.

- Những điểm mỏ khoáng sản quy mô lớn hoặc nằm ở vùng có ít điểm mỏ, nhưng bị ảnh hưởng bởi các quy hoạch khác sẽ được đưa vào khu vực dữ trữ và sẽ được xem xét, lựa chọn quy hoạch thăm dò, khai thác hợp lý và kiến nghị điều chỉnh các quy hoạch liên quan để chuyển diện tích đó sang hoạt động khoáng sản.

* Hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường:

- Không quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến các điểm mỏ nằm trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn giao thông dọc các đường quốc lộ và các công trình xây dựng quan trọng khác, các khu vực dân cư tập trung, khu vực đô thị .

- Không quy hoạch thăm dò, khai thác các điểm mỏ trong phạm vi gây ảnh hưởng đến bờ sông, bờ biển nhằm chống xói lở bờ sông, bảo vệ cảnh quan ven biển phục vụ phát triển du lịch và chống biển phá bờ.

- Bố trí chế biến vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực khai thác mỏ nhằm tận dụng mặt bằng, cơ sở hạ tầng của mỏ khoáng sản, hạn chế tác động môi trường.

* Quy hoạch theo vùng phân bố khoáng sản, phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất:

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến các điểm mỏ phân bố đều trên địa bàn tỉnh với sản lượng phù hợp nhu cầu của từng vùng kinh tế, đảm bảo cự ly giảm chi phí vận chuyển.

* Quy hoạch theo thời gian phù hợp với nhịp độ phát triển kinh tế-xã hội:

Quy hoạch thăm dò, khai thác các điểm mỏ vật liệu xây dựng thông thường

theo các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội liên quan khác. Do hoạt động khoáng sản là một bộ phận của nền công nghiệp địa phương, nên cần đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu phát triển và tăng trưởng kinh tế chung của ngành và các lĩnh vực kinh tế xã hội của tỉnh.

c) Mục tiêu phát triển

Xây dựng công nghiệp thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Nghệ An phát triển ở mức cao, trên cơ sở khai thác có hiệu quả tài nguyên khoáng sản và sử dụng lao động tại chỗ. Ưu tiên khai thác, chế biến các loại khoáng sản có lợi thế của tỉnh và có nhu cầu lớn trên thị trường. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 ^ 2015 là 15%/năm, giai đoạn 2016 ^ 2020 là 15 - 20%/năm.

II. Phương án quy hoạch

a) Đá xây dựng thông thường

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng đá xây dựng thông thường đến năm 2020 được hoạch định theo phướng chung sau đây:

- Tổ chức sắp xếp lại sản xuất các cơ sở khai thác, chế biến đá hiện có để giảm bớt đầu mối khai thác, chế biến. Các cơ sở hết hạn khai thác cần được kiểm tra, xem xét về năng lực và chủng loại khoáng sản để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của Luật Khoáng sản. Khuyến khích các đơn vị liên doanh, liên kết để giảm bớt đầu mối khai thác, chế biến và đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Hạn chế cấp mỏ khi chưa có số liệu điều tra, thăm dò; hạn chế cấp mỏ có quy mô khai thác dưới 100 ngàn m3/năm. Tuy nhiên, đối với các huyện miền núi, nhu cầu đá xây dựng thông thường không lớn, thường hay có những công trình phát sinh trong kỳ quy hoạch thì có thể xem xét cấp phép với quy mô khai thác nhỏ hơn.

- Phấn đấu hình thành tại mỗi huyện, thị có 2 - 3 cơ sở khai thác, chế biến đá thông thường với quy mô khai thác, chế biến công nghiệp để phục vụ xây dựng tại chỗ, hạn chế vận chuyển vật liệu đi xa.

- Đối với đá cacbonat: Loại trừ các vùng mỏ đã được Chính phủ quy hoạch làm nguyên liệu xi măng, các mỏ còn lại tuy nằm ngoài quy hoạch diện tích quy hoạch nhưng có quy mô lớn, chất lượng tốt cũng sẽ không đưa vào quy hoạch thăm dò khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường mà để dự trữ.

- Đối với vùng Quỳ Hợp do thành phần đá tương đối phức tạp, sản phẩm khai thác gồm nhiều chủng loại có giá trị kinh tế khác nhau, giá trị nhất là các loại đá: hoa màu trắng tinh khiết; màu xám; có độ nguyên khối tốt có thể cưa xẻ làm đá ốp lát, còn loại đá đa màu sắc không đều, nứt nẻ, vỡ vụn dùng làm vật liệu xây dựng thông thường với tỷ lệ không đồng nhất và chưa có số liệu cụ thể, nên việc phân định đối tượng mỏ để quy hoạch rất khó khăn. Trong quy hoạch này, loại trừ các khu vực được quy hoạch theo Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ, các diện tích còn lại được đưa vào quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản đá vật liệu xây dựng thông thường nhưng trước khi cấp phép thăm dò, khai thác hoặc gia hạn khai thác đều phải được thăm dò theo quy định để xác định rõ tỷ lệ phù hợp các chủng loại nhằm xác định và phân loại sản phẩm và để xác định giá trị kinh tế phù hợp.

- Đối với đá ryolit là loại đá có tính chất cơ lý bền vững, thành phần hóa lý chỉ phù hợp để làm đá xây dựng nên sẽ được sử dụng tối đa trong quy hoạch. Các khu vực huyện Đô Lương và huyện Thanh Chương (giáp Khu di tích Truông Bồn) chỉ bố trí khai thác về phía huyện Thanh Chương để bảo vệ cảnh quan.

Trên cơ sở nhu cầu và phân tích các ảnh hướng trên, công tác quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Nghệ An đến năm 2020 được quy hoạch cụ thể hóa tại Phụ lục 1.

b) Cát, sỏi xây dựng

Cát, sỏi xây dựng ở tỉnh Nghệ An hầu hết đều phân bố dọc theo các lòng sông lớn nên phân bố không đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, diện phân bố có sự thay đổi theo thời gian. Mặt khác khai thác cát, sỏi luôn gắn liền với môi trường, sinh thái nên công tác quy hoạch thăm dò, khai thác mang tính thời điểm.

Lượng cát, sỏi lớn nhất tập trung ở sông Cả, đoạn từ xã Tào Sơn huyện Đô Lương đến xã Nghi Hải huyện Nghi Lộc, tuyến sông này biến đổi phức tạp, thường gây sạt lở bờ ở nhiều nơi. Theo thống kê hiện nay đoạn từ xã Nghi Hải đến xã Tràng Sơn huyện Đô Lương có 19 đoạn bờ sông bị sạt lở phải kè, trong đó đoạn từ thị trấn Nam Đàn trở xuống bị sạt lở mạnh hơn (có 14 đoạn phải kè); mặt khác cát, sỏi vùng hạ lưu tuyến sông thường nhiễm mặn. Do vậy, trước khi cấp phép thăm dò, khai thác phải ngoài việc phải xác định cụ thể về vị trí, còn phải xác định độ mặn của cát sỏi.

Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng cát, sỏi ở phần hạ nguồn của các sông Cả, sông Hiếu và sông Giăng qua kiểm tra, khảo sát ở thực địa cơ bản vẫn được giữ nguyên theo Quyết định số 1840/QĐ-UBND.ĐT ngày 26/5/2006 của UBND tỉnh. Bổ sung thêm phần đoạn từ cầu Nam Đàn trở về phía hạ nguồn như sau:

Bổ sung vào quy hoạch thăm dò khai thác các điểm cát dọc sông Lam gồm các xã: Hùng Tiến, Nam Lộc, Nam Trung, Khánh Sơn thuộc huyện Nam Đàn.

Cấm hoạt động khai thác cát, sỏi ở các đoạn sông sau đây:

- Phía bờ trái sông đoạn kè Hồng Long, thuộc địa phận xã Hồng Long, với chiều dài 200m.

- Phía bờ phải sông đoạn kè 3-2, thuộc địa phận xã Khánh Sơn, với chiều dài 150m.

- Phía bờ trái sông đoạn kè Tào Đông, thuộc địa phận xã Hưng Lĩnh, với chiều dài 200m.

- Phía bờ phải sông đoạn kè Nam Trung, thuộc địa phận xã Nam Trung, với chiều dài 150m.

- Đoạn cầu Yên Xuân: Cách cầu 300m về phía thượng và hạ nguồn và đoạn kè Hưng Xuân.

- Phía bờ trái sông đoạn kè Hưng Phú - Hưng Lĩnh, thuộc địa phận xã Hưng Phú và xã Hưng Lĩnh với chiều dài 300m.

- Phía bờ trái sông đoạn kè Hưng Lợi, thuộc địa phận xã Hưng Lợi với chiều dài 150m.

Đối với phần thượng lưu của các sông ở các huyện miền núi như các huyện: Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Quỳ Hợp do địa hình dốc, lượng cát sỏi không nhiều, thường chỉ tạo thành các doi, bãi bồi hẹp, phân bố rải rác, chiều dày tầng sản phẩm mỏng; vị trí, quy mô các điểm cát thường ít ổn định, nên việc cấp phép thăm dò, khai thác phải xem xét theo từng thời điểm; ưu tiên khai thác các bãi nổi, cồn cát sỏi giữa lòng sông để vừa khai thác vừa nạo vét thông dòng chảy.

Trên cơ sở nhu cầu và phân tích các ảnh hướng trên, công tác quy hoạch thăm dò, khai thác cát sỏi của tỉnh Nghệ An đến năm 2020 được quy hoạch cụ thể hóa tại Phụ lục 2.

c) Sét gạch, ngói

Thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến 2020 (ban hành theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ) chỉ duy trì nhu cầu sét gạch ngói là 1,0 triệu m3 vào đến năm 2015, sau đó giảm dần và thay thế sét gạch ngói bằng vật liệu xây không nung.

Đình chỉ sản xuất gạch ngói thủ công ở các đô thị đến năm 2011và trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2013.

Từ nay đến năm 2015 duy trì, nâng cấp các lò gạch sản xuất bằng công nghệ lò Tuynel hiện có ở các huyện đồng bằng (12 nhà máy), xóa bỏ các lò gạch thủ công phân bố rải rác. Cải tạo nâng cấp thành lò tuynel hoặc lò đứng liên tục ở các lò gạch thủ công hiện có ở các huyện miền núi.

Đẩy mạnh công tác điều tra nguồn nguyên liệu sét đồi ở các huyện: Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Con Cuông để hình thành các vùng sản xuất gạch ngói tập trung.

Từ nhu cầu và mục tiêu đặt ra, công tác quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến sét sản xuất gạch ngói được cụ thể hóa tại Phụ lục 3.

d) Đất san lấp

Nhu cầu nguyên liệu dùng để san lấp tạo mặt bằng trong kiến thiết xây dựng đòi hỏi ngày càng lớn, nhất là ở các đô thị và khu công nghiệp. Trong tự nhiên nguồn nguyên liệu này khá dồi dào, nếu khai thác không đúng nơi, đúng chỗ thì sẽ không những ảnh hướng đến chất lượng công trình mà còn gây hậu quả xấu về môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên. Vì vậy, quy hoạch tại mỗi địa bàn huyện, thành, thị một số vị trí khai thác đất san lấp gần khu trung tâm; đối với khu vực thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai được chú trọng hơn. Các vị trí quy hoạch tuỳ tình hình thực tế có thể được điều chỉnh để phục vụ cho nhu cầu sử dụng.

Từ nhu cầu và mục tiêu đặt ra, công tác quy hoạch thăm dò, khai thác sét sản xuất gạch, ngói được cụ thể hóa tại Phụ lục 4.

III. Các giải pháp triển khai và tổ chức thực hiện

3.1 Các giải pháp về cơ chế, chính sách và tăng cường công tác quản lý

Ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư thăm dò, khai thác các mỏ vật liệu xây dựng thông thường với quy mô lớn, gắn khâu khai thác với cải tạo, bảo vệ môi trường; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến với công nghệ hiện đại, tiên tiến, đảm bảo tạo được sản phẩm chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực.

Đối với các mỏ đang hoạt động, các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao công nghệ khai thác để thu hồi triệt để tránh lãng phí tài nguyên, đồng thời cải tiến, nâng cao chất lượng gia công, chế biến để đạt sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường và đặc biệt chú trọng khâu bảo vệ môi trường, môi sinh. Trong quá trình khai thác cần áp dụng quy trình khai thác tiên tiến, hợp lý, chú trọng khâu an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

Thực hiện tốt việc bảo vệ những khu vực tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng ở các khu vực được giao; kiên quyết xử lý triệt để tình trạng khai thác trái phép khoáng sản trên địa bàn.

Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về địa chất, hỗ trợ lãi suất vốn vay và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiến hành công tác thăm dò địa chất một cách đồng bộ để có cơ sở tài nguyên vững chắc cho các hoạt động thiết kế mỏ và quản lý tài nguyên khoáng sản.

Xây dựng đồng bộ quy hoạch, phê duyệt, công bố quy hoạch tổng thể về tài nguyên khoáng sản, khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản để có căn cứ định hướng phát triển các hoạt động điều tra thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn.

Củng cố và hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước, thanh tra giám sát các hoạt động tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn như:

- Xây dựng và đưa vào vận hành nề nếp Quy chế phối hợp công tác giữa các Sở, ban ngành và UBND trong việc quản lý, cấp phép, thanh tra giám sát các hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường.

- Cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên và môi trường, bảo đảm tính công khai, công bằng và nhất quán trong việc cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản. Phân định trách nhiệm quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giữa các cấp.các Sở, ngành chức năng và các cấp tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động khoáng sản và kiên quyết xử lý các đơn vị vi phạm trong hoạt động khoáng sản.

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền và phổ biến Luật Khoáng sản và Luật Môi trường và các văn bản pháp luật có liên quan; nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân và các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn.

3.2. Giải pháp về vốn

Huy động vốn của các doanh nghiệp; đảm bảo mỏ phải được đầu tư thăm dò để tiến hành khai thác, chế biến lâu dài, đảm bảo tính tin cậy trong đầu tư.

3.3. Giải pháp về công nghệ, thiết bị, nghiên cứu khoa học và đào tạo lực lượng lao động

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình khai thác, chế biến các khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đối với các mỏ đá ở vùng huyện Quỳ Hợp và Tân Kỳ cần có công nghệ khai thác thích hợp để tận thu tối đa sản phẩm đá ốp lát.

Đối với sét gạch ngói, tiếp tục hoàn thiện công nghệ sản xuất gạch nung trong lò tuynel và lò đứng liên tục; nghiên cứu công nghệ sản xuất gạch ốp trang trí, ngói lợp mỏng, ngói màu..., để tăng cao giá trị khoáng sản, đồng thời áp dụng công nghệ sản xuất vật liệu không nung để tiến tới thay thế dần gạch nung.

Xây dựng kế hoạch đào tạo kịp thời đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật lao động khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng thông thường để có chuyên môn, nghiệp vụ và tác phong lao động công nghiệp; đào tạo bằng nhiều hình thức như đào tạo tập trung, đào tạo tại chức, đào tạo theo hợp đồng của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế.

3.4. Giải pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản

Các khu vực môi trường dễ suy thoái, ô nhiễm, những khu vực khi khai thác khoáng sản có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư và môi trường sống cần phải có các biện pháp hữu hiệu để khắc phục; cụ thể:

- Đối với cát sỏi, cấm không khai thác ở lòng sông ở các đoạn sông đang bị xói lở, khu vực bảo vệ đê, kè, cầu; các đoạn sông khác chảy qua thị trấn, thị tứ hoặc khu dân cư tập trung. Không khai thác quá sâu làm thay đổi trắc diện lòng sông.

- Để tránh bụi, rơi vãi vật liệu khi vận chuyển và hạn chế tiếng ồn đến người giao thông trên đường và bảo vệ các công trình xây dựng, không khai thác trong phạm vi thuộc quy phạm an toàn theo TCVN 4586-1999.

- Bố trí các nhà máy chế biến (sàng nghiền đá, sản xuất gạch.) cách xa đối với trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư.

- Để bảo vệ cảnh quan dọc bờ biển, tạo điều kiện phát triển du lịch biển, không cấp phép khai thác các điểm mỏ đá xây dựng trong khu vực sát bờ biển.

- Trong quá trình khai thác phải chú ý áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến để thu hồi triệt để tài nguyên đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường. Đối với đá xây dựng thông thường, phải khai thác đến mặt bằng địa phương, sau đó trồng cây phục hồi môi trường hoặc sử dụng mặt bằng phục vụ nhu cầu khác.

IV. Tổ chức thực hiện Quy hoạch

1. Sở Xây dựng. Chịu trách nhiệm công bố và chỉ đạo triển khai quy hoạch này. Chủ trì, phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành, thị xây dựng các đề án, hướng dẫn các nhà đầu tư thăm dò, khai thác, sản xuất các nguồn vật liệu xây dựng thông thường; báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch khi cần thiết. Tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng thông thường để thu hút vốn đầu tư.

Nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các quy định nhằm đơn giản hóa các thủ tục cấp phép hành nghề, cấp phép kinh doanh vật liệu xây dựng và có biện pháp chấn chỉnh, quản lý chặt chẽ việc sản xuất vật liệu xây dựng các loại địa bàn tỉnh.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan trong việc quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các quy định nhằm đơn giản hoá các thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản về tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế hỗ trợ vốn có hiệu quả cho các đề án thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Khoa học và Công nghệ: Xây dựng phương án thúc đẩy các hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực thăm dò khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng; tiếp thu, ứng dụng công nghệ kĩ thuật tiên tiến ở trong và ngoài nước, nhất là công nghệ sạch công nghệ ít tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu để thay thế các công nghệ lạc hậu trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng.

5. UBND các huyện, thành, thị; UBND các xã, phường, thị trấn

- Thực hiện tốt việc tổ chức bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa được cấp phép khai thác trên địa bàn.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường cho cán bộ, nhân dân và các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn.

- Giải quyết theo thẩm quyền các thủ tục giao đất, cho thuê đất, sử dụng cơ sở hạ tầng và các vấn đề khác có liên quan cho các tổ chức, cá nhân được phép khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng tại địa phương.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Kế hoạch và Đầu tư; Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Thủ trưởng các ban, ngành liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

UBND tỉnh Nghệ An

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Đình Chi