CHỈ THỊ
Về việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An
__________________________________
Trong những năm qua, các cấp, các ngành và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tích cực phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và đã đạt được một số kết quả quan trọng, phục vụ công tác quản lý hành chính nhà nước của tỉnh ngày càng tốt hơn. Nhiều cán bộ, công chức của tỉnh đã tích cực học tập, từng bước nâng cao trình độ, năng lực; khai thác tốt các thành tựu khoa học, công nghệ góp phần vào sự phát triển của ngành và công tác cải cách hành chính. Tuy vậy, sự phát triển CNTT của tỉnh chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Hiệu quả ứng dụng CNTT vào quản lý nhà nước của các cấp, các ngành còn hạn chế, chưa có sự phối hợp, gắn kết giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT. Nhận thức và quyết tâm chỉ đạo của lãnh đạo các đơn vị chưa cao. Đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT còn thiếu. Đặc biệt là vấn đề đào tạo, bồi dưỡng CNTT cho lãnh đạo và cán bộ, công chức chưa được quan tâm đúng mức.
Để khắc phục những tồn tại trên, nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã đề ra; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện tốt những nội dung sau:
1. Tập trung tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ công chức trong cơ quan đơn vị mình các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về CNTT, như: Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước; Quyết định số 05/2007/QĐ-BTTTT ngày 26 tháng 10 năm 2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 04/7/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT tỉnh Nghệ An đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và Quyết định số 2192/QĐ-UBND ngày 26/6/2007 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Quy hoạch ứng dụng và phát triển CNTT tỉnh Nghệ An đến năm 2020...
2. Sở Nội vụ:
a) Chủ trì hướng dẫn các đơn vị hằng năm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CNTT cho cán bộ, công chức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với việc ứng dụng thực tế tại cơ quan, đơn vị. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng được chia thành 3 nhóm đối tượng: Nhóm lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã; nhóm cán bộ chuyên trách về CNTT và nhóm các cán bộ, công chức khác.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan xây dựng quy định chế độ hỗ trợ cho hợp lý đối với cán bộ, công chức làm công tác chuyên môn về CNTT tại các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An (quy định tại Điều 23 Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước) nhằm thu hút nguồn nhân lực CNTT về công tác tại tỉnh.
c) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện và định kỳ hàng quý, 6 tháng và hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
3. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về CNTT cho đội ngũ cán bộ công chức.
b) Phối hợp với Sở Nội vụ trong việc tổ chức, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng CNTT cho cán bộ công chức trên địa bàn tỉnh. Xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp cho các nhóm đối tượng khác nhau.
c) Thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT trên phạm vi toàn tỉnh.
4. Sở Tài chính:
a) Hàng năm chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các đơn vị lập dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CNTT cho cán bộ, công chức theo Thông tư liên tịch số 43/2008/TTLT-BTC-BTTTT ngày 26/5/2008 của liên Bộ Tài Chính và Thông tin truyền thông về hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí chi ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, cân đối các nguồn lực trong kế hoạch nhà nước hàng năm để bố trí đủ kinh phí phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CNTT cho cán bộ, công chức của tỉnh.
5. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã:
a) Căn cứ đề án “Đào tạo bồi dưỡng CNTT cho cán bộ công chức tỉnh Nghệ An giai đoạn 2008-2015 và hướng dẫn của Sở Nội vụ, Sở Tài chính, hàng năm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CNTT cho cán bộ, công chức của đơn vị mình, đề xuất với Sở Nội vụ để tổng hợp và tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng bằng những hình thức phù hợp.
Về kinh phí: Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 43/2008/TTLT-BTC-BTTTT ngày 26/5/2008 của liên Bộ Tài Chính và Thông tin truyền thông về hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí chi ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.
b) Tạo điều kiện thuận lợi, sắp xếp, bố trí công việc để các cán bộ, công chức tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng đạt kết quả cao. Trước hết phải tạo được chuyển biến căn bản về nhận thức, phương thức làm việc và khả năng khai thác, sử dụng các ứng dụng trên mạng máy tính của cán bộ, công chức, từng bước chuyển từ khai thác, trao đổi và xử lý thông tin qua văn bản, giấy tờ sang khai thác, trao đổi, xử lý thông tin qua mạng máy tính.
c) Bố trí cán bộ chuyên trách về CNTT có đủ tiêu chuẩn và năng lực để thực hiện nhiệm vụ CNTT tại đơn vị. Cán bộ chuyên trách về CNTT phải là những người tốt nghiệp cử nhân hoặc kỹ sư về CNTT.
Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo kịp thời về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, giải quyết./.