QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định công tác quản lý Nhà nước
về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Nghệ An
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 924/TTr-KHCN ngày 24 tháng 9 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định công tác quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã Ký)
Hồ Đức Phớc
QUY ĐỊNH
Công tác quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ
trên địa bàn tỉnh Nghệ An
(Ban hành kèm theo Quyết định số 113 /2007/QĐ-UBND ngày 08/10/2007 của UBND tỉnh Nghệ An)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
Quy định này cụ thể hoá một số điều của Luật, Nghị định về sở hữu trí tuệ phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của tỉnh nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 2. Đối tượng áp dụng.
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 3. Giải thích từ ngữ.
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
2. Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
3. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền liên quan đến tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản tự ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
4. Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.
Chương II
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Điều 4. Nguyên tắc thống nhất quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 10, Điều 11 của Luật Sở hữu trí tuệ dựa trên nguyên tắc thống nhất về mục tiêu, nội dung và biện pháp dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò.
Điều 5. Nội dung quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.
1. Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước về sở hữu trí tuệ đến các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh - dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
2. Tham mưu, đề xuất cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ.
3. Tổ chức hệ thống quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện các biện pháp tăng cường hiệu quả quản lý về sở hữu trí tuệ.
4. Hướng dẫn, giúp đỡ các chủ thể thuộc phạm vi quản lý trong việc tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và ở nước ngoài.
5. Tổ chức hoạt động thông tin, thống kê về sở hữu trí tuệ.
6. Phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật tổ chức thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.
7. Tổ chức, quản lý hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ.
8. Khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động sở hữu trí tuệ và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ của Nhà nước.
Điều 6. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An thống nhất quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ban, ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò thực hiện quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh theo quy định của Chính phủ và theo hướng dẫn về nghiệp vụ, chuyên môn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của Uỷ ban nhân tỉnh.
3. Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hoá - Thông tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thực hiện quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.
Điều 7. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ.
1. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Sở, ban, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò thực hiện các nhiệm vụ sau đây để đảm bảo thống nhất quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ:
a) Xây dựng trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, văn bản pháp quy chung về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.
b) Theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ do Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho các Sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò.
c) Xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình, đề án chung về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các biện pháp phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
d) Bảo vệ quyền, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ: Tổ chức thanh tra, kiểm tra, tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo và thực hiện thẩm định, giám định phục vụ việc xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
đ) Tổng hợp, đánh giá, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đề xuất các chính sách, biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ và đảm bảo tính thống nhất quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.
2. Ngoài nhiệm vụ thực hiện các hoạt động chung được quy định tại khoản 1 nói trên, Sở Khoa học và Công nghệ còn có nhiệm vụ:
a) Trực tiếp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp, bảo đảm chính sách, chiến lược, văn bản pháp luật về sở hữu công nghiệp thống nhất với chính sách, chiến lược, văn bản pháp luật chung về sở hữu trí tuệ.
b) Hướng dẫn thủ tục đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp; thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp và thủ tục quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế. Theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện quyền sở hữu công nghiệp để báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định.
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến sở hữu trí tuệ do Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ giao.
3. Định kỳ 6 tháng và hàng năm hoặc đột xuất tổng hợp, đánh giá, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đề xuất các chính sách, biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ và đảm bảo tính thống nhất quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Văn hoá - Thông tin.
1. Sở Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và trực tiếp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan, bảo đảm chính sách, chiến lược, văn bản pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan thống nhất với chính sách, chiến lược, văn bản pháp luật chung về sở hữu trí tuệ. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo và thực hiện thẩm định, giám định phục vụ việc xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan. Hướng dẫn đăng ký quyền tác giả và quyền liên quan; theo dõi tình hình triển khai thực hiện quyền tác giả và quyền liên quan; thông báo cho Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ.
2. Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến sở hữu trí tuệ do Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hoá - Thông tin giao.
3. Định kỳ 6 tháng và hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Sở Khoa học và Công nghệ về hoạt động quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan để phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh, tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Văn hoá - Thông tin và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Điều 9. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và trực tiếp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quyền đối với giống cây trồng; bảo đảm chính sách, chiến lược, văn bản pháp luật về giống cây trồng thống nhất với chính sách, chiến lược, văn bản pháp luật chung về sở hữu trí tuệ; tổ chức thanh tra, kiểm tra, tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo và thực hiện thẩm định, giám định phục vụ việc xác định hành vi xâm phạm quyền giống cây trồng. Hướng dẫn đăng ký quyền đối với giống cây trồng; theo dõi tình hình triển khai thực hiện quyền đối với giống cây trồng, thông báo cho Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ.
2. Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến sở hữu trí tuệ do Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.
3. Định kỳ 6 tháng và hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Sở Khoa học và Công nghệ về hoạt động quản lý Nhà nước và bảo vệ quyền giống cây trồng để phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh, tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Điều 10. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò.
1. Các Sở, ban, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hoá - Thông tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Bảo đảm thực hiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ tại cơ quan, địa phương mình phù hợp, tuân thủ quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ;
b) Định kỳ 6 tháng và hàng năm hoặc đột xuất báo cáo về Sở Khoa học và Công nghệ về hoạt động quản lý Nhà nước và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh, tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2. Các cơ quan bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hoá - Thông tin và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Công an tỉnh, công an các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò phát hiện, xác minh, thu thập thông tin, chứng cứ của hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ, cung cấp cho các cơ quan xử lý vi phạm và xử lý các hành vi vi phạm;
b) Hải quan tỉnh kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ xẩy ra trong xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá qua biên giới;
c) Chi cục quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ xẩy ra trong lưu thông hàng hoá và kinh doanh thương mại trên thị trường.
Điều 11. Nội dung cơ chế phối hợp hoạt động.
Theo yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể, các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ có trách nhiệm phối hợp hoạt động như sau:
1. Phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, đồng thời làm đầu mối quan hệ phối hợp công tác với các đơn vị có liên quan.
2. Cử cán bộ, chuyên viên của đơn vị mình tham gia giải quyết các công việc chung khi có yêu cầu.
3. Thực hiện chế độ cung cấp thông tin theo định kỳ 6 tháng một lần hoặc đột xuất cho Sở Khoa học và Công nghệ về tình hình sở hữu trí tuệ, đặc biệt là công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
4. Tham dự các phiên họp về sở hữu trí tuệ do Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ triệu tập và chuẩn bị các tài liệu cần thiết theo yêu cầu.
5. Xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ về quản lý sở hữu trí tuệ cho cán bộ của cơ quan mình.
6. Xây dựng kế hoạch và tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành cung cấp thông tin hoặc kết luận giám định về sở hữu trí tuệ để phục vụ cho việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
7. Trao đổi, cung cấp thông tin về bảo hộ, xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các ngành trên địa bàn tỉnh.
8. Sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, đồng thời đề ra những giải pháp hữu hiệu để thực hiện có hiệu quả.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Trách nhiệm thi hành.
1. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện tốt Quy định này.
2. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Quy định để báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định.
Điều 13. Khen thưởng và xử lý vi phạm.
1. Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành.
2. Các tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ và Quy định này sẽ bị xử phạt theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 14. Bổ sung, sửa đổi.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có những vấn đề gì vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.