QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành Quy định về quản lý vùng nguyên liệu và sản xuất,
chế biến chè công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/06/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng;
Căn cứ Chỉ thị số 24/2003/CT-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 1760/SNN-CB ngày 08/10/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về quản lý vùng nguyên liệu và sản xuất, chế biến chè công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp &PTNT, Tài nguyên & Môi trường, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư, Thương mại, Y tế, Xây dựng, Công nghiệp; Chủ tịch UBND các huyện có quy hoạch trồng chè công nghiệp và Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã Ký)
Nguyễn Đình Chi
QUY ĐỊNH
Về quản lý vùng nguyên liệu và sản xuất, chế biến chè công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An
(Kèm theo Quyết định số 138 /2007/QĐ-UBND ngày 29/11/2007 của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này áp dụng đối với hoạt động quản lý vùng nguyên liệu và sản xuất, chế biến chè công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân trong nước và người nước ngoài có hoạt động quản lý, sản xuất nguyên liệu, chế biến chè công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Điều kiện được chế biến chè:
Các tổ chức, cá nhân (sau đây gọi chung là chủ cơ sở) được hoạt động chế biến chè khi có đầy đủ các điều kiện sau:
1. Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
2. Có vùng nguyên liệu theo quy hoạch do chủ cơ sở chế biến đầu tư hoặc các hộ nông dân trồng, chăm sóc và cam kết bán nguyên liệu cho chủ cơ sở chế biến theo hợp đồng đã ký, với lượng nguyên liệu đáp ứng từ 70% công suất chế biến trở lên.
3. Có dây chuyền thiết bị chế biến đồng bộ và công nghệ sản xuất tiên tiến, đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định hiện hành. Sản phẩm chè chế biến sản xuất ra phải đạt tiêu chuẩn quy định, khuyến khích sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh.
4. Áp dụng đúng các tiêu chuẩn Việt Nam đối với sản xuất và chế biến chè theo Quyết định số 81/2005/QĐ-BNN ngày 13/12/2005 của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Đó là: Tiêu chuẩn chè đọt tươi: TCVN 2843-79; Tiêu chuẩn chè xanh sơ chế 10TCN-155-92; Tiêu chuẩn chè đen 10TCN 458-2001; Tiêu chuẩn chè đen rời: TCVN 1454-1993; Tiêu chuẩn chè xanh: TCVN 1455-1993; An toàn VSTP 10TCN 605-2004.
Điều 4. Phân công địa bàn quản lý, đầu tư sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu chè công nghiệp gắn với chế biến cho các đơn vị.
1. Công ty Đầu tư Phát triển chè Nghệ An: Quản lý đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và thu mua chế biến chè, gồm:
- Diện tích đất đã giao cho Công ty quản lý theo quy hoạch đã được duyệt tại 5 xí nghiệp thành viên là: Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Bãi Phủ, Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Anh Sơn, Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Hạnh Lâm, Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Ngọc Lâm, Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Thanh Mai.
- Diện tích chè của các hộ dân ở các xã do Công ty đã đầu tư và đã có hợp đồng thỏa thuận với hộ dân bao tiêu chè búp tươi tại các xã: Cẩm Sơn, Đỉnh Sơn, Tam Sơn, Long Sơn, Phúc Sơn, Hùng Sơn, Khai Sơn, Đức Sơn, Cao Sơn, thuộc huyện Anh Sơn và Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn; các xã: Hạnh Lâm, Thanh Đức, Thanh Nho, Thanh An, Thanh Thủy, Thanh Mai, Thanh Tùng, Thanh Xuân, Võ Liệt thuộc huyện Thanh Chương; các xã: Chi Khê, Yên Khê, Bồng Khê thuộc huyện Con Cuông; và các Tổng đội TNXP - XDKT có diện tích chè nằm trong vùng quy hoạch nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thuộc Công ty theo hợp đồng giữa Tổng đội và Xí nghiệp.
2. Công ty TNHH Trường Thịnh: Quản lý đầu tư trồng chè và chế biến chè trên diện tích đất quy hoạch đã được duyệt bao gồm các xã: Thanh Thịnh, Thanh Hương, Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương với diện tích 430ha.
3. Công ty Nông công nghiệp 3-2: Quản lý đầu tư sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu và chế biến chè trên diện tích đất quy hoạch đã được duyệt và số diện tích do Công ty đầu tư cho các tổ chức và hộ dân ở các xã phụ cận thuộc huyện Quỳ Hợp, bán nguyên liệu cho Công ty theo hợp đồng đã ký kết.
4. Tổng đội TNXP 1 - XDKT Nghệ An: Quản lý đầu tư sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu và chế biến chè trên diện tích đất UBND tỉnh đã giao cho Tổng đội quản lý theo quy hoạch đã được duyệt và số diện tích của các hộ dân ở phía Nam đường Hồ Chí Minh tại xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn, được Tổng đội đầu tư theo dự án (không mở rộng công suất và xây dựng mới cơ sở chế biến chè, nguyên liệu chè của Tổng đội phục vụ cho xưởng chế biến của đơn vị, còn lại bán cho Nhà máy chế biến chè thuộc Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Anh Sơn theo hợp đồng giữa Tổng đội và Xí nghiệp).
5. Tổng đội TNXP 2 - XDKT Nghệ An: Quản lý đầu tư sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu và chế biến chè trên diện tích đất UBND tỉnh đã giao cho Tổng đội quản lý, theo quy hoạch đã được duyệt (không mở rộng công suất và xây dựng mới cơ sở chế biến chè, nguyên liệu chè của Tổng đội phục vụ cho xưởng chế biến của Đơn vị, còn lại bán cho Nhà máy chế biến chè thuộc Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Hạnh Lâm theo hợp đồng giữa Tổng đội và Xí nghiệp).
6. Tổng đội TNXP 5 - XDKT Nghệ An: Quản lý đầu tư sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu trên diện tích đất UBND tỉnh đã giao cho Tổng đội quản lý, theo quy hoạch đã được duyệt.
7. Tổng đội TNXP 7 - XDKT Nghệ An: Quản lý đầu tư sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu và chế biến chè trên diện tích đất UBND tỉnh đã giao cho Tổng đội quản lý, theo quy hoạch đã được duyệt và số diện tích của các hộ dân trên địa bàn được Tổng đội đầu tư theo dự án và theo hợp đồng đã ký kết.
8. Tổng đội TNXP 8 - XDKT Nghệ An: Quản lý đầu tư sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu và chế biến chè trên diện tích đất UBND tỉnh đã giao cho Tổng đội quản lý theo quy hoạch đã được duyệt và số diện tích của các hộ dân trên địa bàn được Tổng đội đầu tư theo dự án và theo hợp đồng đã ký kết.
Điều 5. Trách nhiệm và quyền lợi của các chủ cơ sở chế biến chè:
1. Có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu chè được phân vùng theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đầu tư vốn, vật tư, giống đảm bảo chất lượng và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái và bảo quản chè cho các tổ chức, cá nhân trồng chè công nghiệp làm nguyên liệu chế biến.
3. Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất chè ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng; đồng thời được hưởng lợi các chính sách ưu đãi của nhà nước và địa phương.
4. Chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ chè búp tươi tại vùng nguyên liệu do đơn vị đầu tư thuộc vùng quy hoạch được thoả thuận theo giá thị trường, thông qua các hợp đồng đã ký với các tổ chức, hộ dân sản xuất chè, có xác nhận của UBND xã sở tại.
5. Không được tranh mua sản phẩm chè búp tươi của các tổ chức và hộ dân mà Doanh nghiệp khác đã đầu tư sản xuất. Không được ép cấp, ép giá chè búp tươi của người trồng chè.
6. Không ngừng cải tiến, đầu tư thiết bị dây chuyền chế biến, áp dụng công nghệ chế biến mới, tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu phù hợp với các thị trường.
7. Ký kết hợp đồng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trực tiếp với tổ chức, hộ nông dân sản xuất chè ngay từ đầu vụ sản xuất theo đúng nội dung Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/06/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng và Thông tư số 77/2002/TT-BNN ngày 28/8/2002 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn mẫu hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 6. Trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức và hộ nông dân sản xuất chè nguyên liệu:
1. Thực hiện nghiêm túc các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng với doanh nghiệp được phân công quản lý và đầu tư sản xuất, chế biến trên địa bàn.
2. Các tổ chức, hộ nông dân sản xuất nguyên liệu chè, nếu không nhận đầu tư và không ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với đơn vị được phân vùng quản lý, do quyền lợi không đảm bảo thì tổ chức và hộ dân sản xuất chè có quyền ký hợp đồng với đơn vị khác. Hoặc khi doanh nghiệp đã đầu tư, ký hợp đồng bao tiêu, nhưng có hiện tượng ép cấp, ép giá chè, thì tổ chức và hộ dân trồng chè không bán chè cho doanh nghiệp, sau khi đã thông báo cho UBND xã sở tại và doanh nghiệp biết nhưng không giải quyết được.
3. Tổ chức trồng, chăm sóc, thu hái chè công nghiệp đúng kế hoạch, quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng phục vụ cho đơn vị chế biến đã ký hợp đồng đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
4. Sử dụng có hiệu quả đúng mục đích đối với số vốn, giống, vật tư do doanh nghiệp đã đầu tư, hỗ trợ. Nếu vì lý do nào đó mà không bán chè cho doanh nghiệp thì tổ chức và hộ dân trồng chè phải bồi hoàn số vốn đã nhận đầu tư cho doanh nghiệp.
Điều 7. Xử lý vi phạm:
1. Nếu bên nào vi phạm hợp đồng đã ký thì giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải. Trường hợp việc thương lượng, hòa giải không đạt được kết quả thì các bên đưa vụ tranh chấp ra tòa án kinh tế để giải quyết theo quy định của pháp luật.
2. Các tổ chức, cá nhân mở cơ sở chế biến chè nếu không đúng theo các điều kiện quy định tại Điều 3 của Quy định này, hoặc thu mua sản phẩm không đúng quy định thì bị xử lý một trong các hình thức sau: Cảnh cáo, phạt tiền và có thể đình chỉ chế biến, cuối cùng là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chế biến chè theo quy định của pháp luật.
3. Nếu xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai giữa các tổ chức cá nhân thì xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai.
4. Các cơ sở, đơn vị chế biến chè không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng không đảm bảo theo tiêu chuẩn công bố, thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp:
1. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các huyện:
- Quản lý quy hoạch, thực hiện quy hoạch và xây dựng kế hoạch trồng chè hàng năm trên địa bàn huyện.
- Kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị thực hiện kế hoạch trồng chè và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
- Quản lý thực hiện đúng các cam kết đã ký trong hợp đồng đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm chè. Nếu bên nào không chấp hành, thì tùy mức độ vi phạm để xử lý theo chức năng và thẩm quyền quy định.
- Xử lý các tranh chấp đất đai giữa các tổ chức cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Báo cáo UBND tỉnh tình hình vi phạm và kết quả xử lý các doanh nghiệp, tổ chức, hộ nông dân vi phạm quy hoạch, quy định trong sản xuất và chế biến chè, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp khắc phục các khó khăn vướng mắc ngoài thẩm quyền xử lý của huyện, trình UBND tỉnh giải quyết.
2. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các xã:
- Tổ chức nhân dân triển khai kế hoạch trồng chè, cùng các doanh nghiệp chế biến đầu tư trồng chè theo kế hoạch hàng năm.
- Chỉ đạo và giao trách nhiệm cho các trưởng thôn, trưởng bản quản lý các hộ nông dân sản xuất chè công nghiệp theo đúng kế hoạch, quy hoạch.
- Hướng dẫn, chỉ đạo nhân dân thực hiện đúng Quyết định số 80/2002/ QĐ-TTg ngày 26/04/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa và Thông tư số 77/2002/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp và Hiệp hội ngành hàng để giải quyết các tranh chấp hợp đồng đã ký bằng thương lượng, hòa giải.
Điều 9. Trách nhiệm của các ngành liên quan:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Hướng dẫn các doanh nghiệp lập các dự án đầu tư, đôn đốc kiểm tra thực hiện các dự án.
- Phối hợp với UBND các huyện chỉ đạo các đơn vị và các bên liên quan thực hiện nghiêm túc Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Chỉ đạo việc thực hiện chính sách sản xuất và chế biến chè.
- Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện sản xuất và chế biến chè an toàn.
- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch cơ giới hóa ngành chè.
- Quản lý vùng nguyên liệu chè, các công ty, xí nghiệp chế biến chè trên địa bàn tỉnh Nghệ An, không để xẩy ra tình trạng tranh giành địa bàn thu mua và chế biến tràn lan không đảm bảo chất lượng.
- Hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật đến địa bàn sản xuất, đến nông dân đặc biệt là vùng chuyên canh. Xây dựng và tổng kết các mô hình sản xuất tiên tiến, từ đó nhân ra diện rộng.
- Thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật vùng nguyên liệu chè.
- Tổ chức khảo sát, tham mưu xác định giá chè búp tươi từng thời điểm của thị trường, để phối hợp với địa phương và chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện.
- Thành lập Đoàn kiểm tra hàng năm về thực hiện các nội dung đã quy định, qua đó tham mưu UBND tỉnh việc quản lý, đầu tư sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu chè công nghiệp gắn với chế biến có hiệu quả.
2. Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính: Xây dựng kế hoạch vốn hỗ trợ theo chương trình phát triển vùng nguyên liệu của tỉnh, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định theo quy định. Khi cấp phép, hoặc thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng cơ sở chế biến chè phải xem xét điều kiện đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất.
3. Sở Tài nguyên & Môi trường: Chỉ đạo, phối kết hợp với UBND các huyện tổ chức giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn theo đúng quy định pháp luật về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến.
4. Sở Thương mại:
- Dự báo xu hướng tiêu thụ của thị trường từng thời điểm, thông báo giá cả kịp thời.
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý việc thực hiện kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn theo đúng pháp luật, để tạo môi trường thông thoáng, bình đẳng, lành mạnh trong kinh doanh.
5. Sở Công nghiệp: Tăng cường công tác khuyến công, hướng dẫn các doanh nghiệp và các chủ cơ sở sản xuất chè không ngừng cải tiến thiết bị để tăng năng suất và chất lượng chè thành phẩm.
6. Các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng phát triển:
- Căn cứ vào kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng phát triển hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức và hộ nông dân lập dự án vay vốn đầu tư phát triển cây chè công nghiệp theo đúng quy định.
- Nghiên cứu đề xuất phương thức quản lý để vừa bảo toàn được vốn đầu tư, vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức và hộ nông dân có vốn đầu tư phát triển.
- Cung ứng vốn kịp thời, đúng chu kỳ sản xuất của từng dự án, trên cơ sở hợp đồng tín dụng.
Trong quá trình thực hiện Quy định này, có gì vướng mắc phản ánh về Sở Nông nghiệp & PTNT để tham mưu, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp/.