Sign In

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Trong những năm qua, việc quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng trên địa bàn toàn tỉnh đã từng bước có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh của các khu dân cư, khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu và điểm du lịch,… như hiện nay là nguyên nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt ngày càng nhiều. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng và cơ cấu tổ chức quản lý, thu gom và phương án xử lý rác thải sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhiều nơi còn mang tính tự phát trong việc thu gom; các điểm tập kết chưa theo quy hoạch… gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư xung quanh.

Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Quyết định số 798/QĐ-TTg, ngày 25/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011 - 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Quyết định số 24/2012/QĐ-UBND ngày 29/3/2012 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn tỉnh; Để tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đối với dự án đầu tư và các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, các khu tái chế, tái sử dụng, bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.

b) Tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án xây dựng bãi xử lý chất thải sinh hoạt sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

c) Tăng cường công tác kiểm tra việc thu gom, vận chuyển, tập kết chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường;

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức điều tra quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các cơ sở xử lý, tiêu hủy và các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh để xử lý theo quy định.

e) Phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn UBND cấp huyện về tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật lựa chọn địa điểm và xây dựng các trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt cho các điểm dân cư nông thôn; Lựa chọn, quy hoạch các bãi xử lý, nhà máy xử lý rác thải.

2.  Sở Xây dựng:

a) Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND các huyện về tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật lựa chọn địa điểm tập kết và xây dựng các trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan để xây dựng và thực hiện đề án, dự án quy hoạch các bãi chôn lấp rác hoặc nhà máy xử lý rác sinh hoạt đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.

c) Chủ trì, phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan trong việc lựa chọn địa điểm thực hiện các dự án về xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, có khoảng cách an toàn với khu dân cư và cách xa các nguồn nước.

d) Chủ trì, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện của các dự án thu gom, xử lý chất thải.

e) Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư, tình hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. 

f) Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn các quy định của Trung ương về chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Y tế:

Tăng cường đôn đốc, chỉ đạo việc thu gom, phân loại, hướng dẫn xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hoạt động y tế trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Nâng cao chất lượng thẩm định đối với các công nghệ, thiết bị xử lý, tái chế chất thải sinh hoạt của các dự án trên địa bàn tỉnh.

b) Cập nhật thông tin công nghệ và chọn lọc công nghệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với địa phương, đề xuất áp dụng.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân áp dụng đổi mới công nghệ, thiết bị trong các lĩnh vực xử lý chất thải sinh hoạt nhằm đảm bảo nâng cao công tác bảo vệ môi trường.

5. Sở Công Thương:

a) Tăng cường công tác quản lý, giám sát tình hình thu gom, phân loại, hướng dẫn việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, xí nghiệp riêng lẻ trên địa bàn tỉnh.

b) Tham mưu, xem xét lựa chọn các công nghệ thân thiện với môi trường đầu tư vào tỉnh Nghệ An, ưu tiên các loại hình công nghệ ít thải chất thải ra môi trường.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu, đề xuất thực hiện các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư đối với các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định hiện hành.

b) Thẩm định và bố trí kinh phí đầu tư xây các bãi xử lý chất thải rắn tại các huyện trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với các dự án đã được phê duyệt.

7. Sở Tài chính:

Tham mưu bố trí kinh phí, triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, tài chính… theo quy định của Nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Thực hiện xây dựng kế hoạch, đề án, dự án và có chính sách xã hội hóa để thu hút cá nhân, tổ chức tham gia công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

b) Tăng cường phối hợp với các Sở, ngành liên quan lập kế hoạch, dự án đầu tư các công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể quản lý chất thải sinh hoạt theo nội dung đã được phê duyệt.

c) Có trách nhiệm quản lý việc thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt, quản lý bãi chôn lấp rác thải khu vực theo phân cấp, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý.

d) Chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc, kiểm tra UBND các phường, xã, thị trấn trong việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

e) Chỉ đạo, hướng dẫn UBND các phường, xã, thị trấn triển khai trên địa bàn (tại thôn, xóm, bản, tổ dân phố…) thực hiện xây dựng Hương ước quy định các nội dung về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng.

f) Tổ chức đánh giá tình hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương, báo cáo kết quả theo yêu cầu của các Sở, ban, ngành có liên quan về tình hình thực hiện hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt trên địa bàn.

g) Đối với các huyện chưa có bãi xử lý rác thải sinh hoạt, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ lựa chọn địa điểm, lập dự án đầu tư xây dựng; đối với các huyện đã được phê duyệt dự án đầu tư xây dựng bãi xử lý rác thải cần khẩn trương xây dựng và đưa vào sử dụng.

9. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Báo Nghệ An, Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An và các cơ quan thông tin truyền thông thường xuyên tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này và các quyết định có liên quan khác, đồng thời phản ánh kịp thời tình hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường quản lý nhà nước, từng bước xã hội hoá công tác thu gom và xử lý các chất thải rắn sinh hoạt trong giai đoạn hiện nay là vấn đề cấp bách và quan trọng. UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này./.

 

UBND tỉnh Nghệ An

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Huỳnh Thanh Điền