CHỈ THỊ
Về công tác bảo vệ thực vật năm 2016
______________
Sản xuất nông nghiệp Nghệ An năm 2016 được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt và nguy cơ dịch hại. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương trong thời gian tới hiện tượng El-Nino tiếp tục kéo dài gây nền nhiệt độ cao, lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, tình trạng khô hạn ảnh hưởng hầu hết các vùng sản xuất. Nghệ An là một trong các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng El-Nino, do đó sẽ không chỉ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, cơ cấu giống và thời vụ, thời gian sinh trưởng phát triển của cây trồng mà còn tiềm ẩn nguy cơ một số sinh vật gây hại bùng phát và diễn biến phức tạp khó lường, gây khó khăn cho công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo và tổ chức chỉ đạo phòng trừ.
Để chủ động thực hiện tốt công tác bảo vệ thực vật, đặc biệt là công tác theo dõi và phòng trừ dịch hại cây trồng nhằm giảm đến mức tối đa thiệt hại do dịch hại gây ra; bảo đảm an toàn sản xuất. UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành, thị, các ngành có liên quan:
- Triển khai thực hiện tốt công tác Bảo vệ thực vật trên địa bàn; Huy động lực lượng cán bộ chuyên môn trong ngành để giúp các địa phương theo dõi và chỉ đạo phòng trừ dịch hại; Phân công lãnh đạo Sở phụ trách kiểm tra, đôn đốc công tác phòng trừ khi dịch hại phát sinh gây hại nặng, có khả năng bùng phát trên diện rộng.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh vật tư bảo vệ thực vật trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là kinh doanh thuốc ngoài danh mục, thuốc giả, thuốc kém chất lượng và việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá thuốc.
b) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Sở như: Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông và các cơ quan trực thuộc có liên quan:
- Thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, tham mưu chỉ đạo phòng trừ hiệu quả dịch hại cây trồng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt chú ý quản lý tốt, ngay từ đầu vụ đối với các loài dịch hại chính có nguy cơ phát sinh gây hại cao như: chuột, rầy các loại, bệnh đạo ôn, bệnh lùn sọc đen, sâu cuốn lá nhỏ hại lúa; bệnh chồi cỏ hại mía; sâu róm hại thông;…
- Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật vào sản xuất như: Tưới nước tiết kiệm, thâm canh lúa cải tiến (SRI), quản lý cây trồng và dịch hại tổng hợp (IPM, ICM),…; đồng thời quan tâm việc kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực cho hệ thống cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật cơ sở.
2. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh bố trí và phân bổ kịp thời các nguồn kinh phí cho hoạt động bảo vệ thực vật năm 2016 và kinh phí phòng chống dịch hại cây trồng khi dịch hại có khả năng gây hại thành dịch trên diện rộng.
3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, báo Nghệ An:
Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục BVTV và các địa phương để kịp thời thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch hại cây trồng, các chủ trương, chính sách và các biện pháp kỹ thuật phòng trừ để nông dân biết và thực hiện.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị:
a) Xác định việc tổ chức chỉ đạo phòng trừ dịch hại cây trồng là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, của cả hệ thống chính trị và người dân.
b) Thành lập Ban chỉ đạo sản xuất, phòng chống sâu, bệnh hại cây trồng các cấp. Phân công, giao nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo phụ trách các vùng thể đôn đốc chỉ đạo.
c) Chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT (phòng kinh tế) phối hợp với trạm Bảo vệ thực vật, Khuyến nông, UBND các xã, phường, thị trấn tập trung theo dõi sát sao diễn biến phát sinh gây hại của sâu, bệnh hại cây trồng trên địa bàn. Khi có dịch xảy ra phải chủ động tổ chức thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
d) Tăng cường thực hiện việc quản lý lưu thông buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn theo Quyết định 37/2013/QĐ-UBND ngày 17/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Yêu cầu Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.