CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP, GIẢI PHÁP KIỂM SOÁT TẢI TRỌNG PHƯƠNG TIỆN VẬN
TẢI ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
________________
Trong thời gian qua, công tác kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn toàn tỉnh đã được Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và các địa phương đã quyết liệt triển khai với nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng xe ôtô vận chuyển hàng hóa quá khổ, quá tải gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; bước đầu đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe chấp hành quy định về vận tải đường bộ; tình trạng xe ôtô chở hàng quá trọng tải (cả xe tải và xe khách) đã giảm nhiều; đã tạo dựng được lòng tin cho đa số doanh nghiệp, hiệp hội, chủ xe, lái xe và nhân dân về chủ trương quyết tâm thực hiện công tác này. Tuy nhiên, tình hình xe vi phạm chở quá khổ, quá tải vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là vẫn còn tình trạng xe ôtô tải tự đỗ (xe ben) chở vật liệu xây dựng, quặng, xe ôtô chở xi măng còn vi phạm chở quá tải trọng cho phép; đặc biệt là xe ben mặc dù đã được các lực lượng chức năng nhắc nhở, xử phạt nhưng chậm được khắc phục, gây bức xúc trong dư luận.
Để tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an về tăng cường thực hiện các giải pháp siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ; chấm dứt tình trạng xe ô tô chở hàng hóa, hành khách quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn tỉnh trong năm 2015; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện cơ giới đường bộ (cả xe tải, xe khách), cụ thể như sau:
1. Công an tỉnh:
- Huy động lực lượng, phương tiện mở các đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra, xử lý xe ôtô chở hàng hóa, chở khách vi phạm trật tự an toàn giao thông, chở hàng hóa, chở khách quá tải trọng, quá kích thước quy định, chở hàng hóa để rơi vãi gây mất an toàn giao thông, đặc biệt là xe ben tự đổ.
- Triển khai Công an cấp huyện, cấp xã tham gia công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn mình quản lý.
- Triển khai quyết liệt công tác kiểm soát tải trọng xe theo Kế hoạch số 12593/KHPH-BGTVT-BCA ngày 21/11/2013 giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an và Kế hoạch số 2770/KHPH-SGTVT-CAT ngày 16/12/2013 giữa Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh phối hợp tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng quá trọng tải của xe ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ; xử lý nghiêm trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải có nhiều xe ôtô thường xuyên vi phạm chở quá tải (xe tải, xe khách) theo quy định pháp luật; khi phát hiện hoặc tiếp nhận các thông tin về các phương tiện vận chuyển quá tải trên tất cả các tuyến đường bộ thì chủ động bố trí kịp thời lực lượng để kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định.
- Thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, xử lý vi phạm đối với xe ô tô chở khách có hành vi chở quá số người quy định, đặc biệt là trong các dịp Lễ, Tết, mùa du lịch, mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng.
2. Sở Giao thông vận tải:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về vận chuyển hàng hóa đúng tải trọng cho phép; tiếp tục ký cam kết với các doanh nghiệp vận tải, kho hàng, bến cảng về xếp hàng hóa và vận chuyển hàng hóa đúng tải trọng quy định.
- Chỉ đạo các Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ siết chặt công tác đăng kiểm phương tiện; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tại các Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định nếu phát hiện vi phạm, tiêu cực trong công tác đăng kiểm.
- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm soát tải trọng xe theo Kế hoạch số 12593/KHPH-BGTVT-BCA ngày 21/11/2013, Kế hoạch số 2770/KHPH-SGTVT-CAT ngày 16/12/2013 giữa Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh; phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong quá trình triển khai theo kế hoạch của Tổng cục; khi phát hiện các phương tiện vận chuyển quá tải trên tất cả các tuyến đường bộ thì chủ động bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định; phối hợp với các địa phương trong công tác kiểm soát tải trọng xe.
- Thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi chở quá số người quy định đối với xe ô tô chở khách tại các bến xe, điểm dừng đỗ. Phối hợp với các đơn vị hoạt động dịch vụ vận tải kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ về tải trọng, số người được phép chở tại bến xe, điểm xuất phát đối với xe ô tô chở khách trong những dịp Lễ, Tết, mùa du lịch, mùa tuyển sinh.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông để kịp thời xử lý đối với các trường hợp xe ô tô chở hàng hóa quá tải trọng, quá kích thước quy định.
- Tổ chức tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ nơi thường tập trung nhiều xe chở quá tải trọng cho phép như khu vực các mỏ vật liệu, mỏ quặng, ga, cảng, công trình, dự án lớn trên địa bàn.
- Tổ chức cắm biển hạn chế tải trọng của cầu đường bộ trên các tuyến đường huyện, đường xã theo quy định.
Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy phương tiện vi phạm chở quá tải, quá khổ hoạt động trên địa bàn.
4. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đóng trên địa bàn tỉnh tiếp tục tuyên truyền về công tác tải trọng phương tiện với nhiều chuyên đề và hình thức phong phú, đa dạng; biểu dương các điển hình tốt, đồng thời phê phán các vi phạm về tải trọng theo quy định của pháp luật; cung cấp thông tin, đưa tin về các hiện tượng, các vấn đề tiêu cực trong triển khai thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh.
5. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan Nghệ An: Phối hợp với các lực lượng chức năng của Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và chính quyền địa phương trong công tác kiểm soát xe quá tải, quá khổ trên địa bàn, đặc biệt tại các cửa khẩu đường bộ.
6. Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh: Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện; định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả về UBND tỉnh theo quy định.
Yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan; UBND các huyện, thành, thị; các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh)./.