• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 17/07/1992
UỶ BAN VẬT GIÁ NHÀ NƯỚC
Số: 6-VGNN-TTG
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Bình, ngày 17 tháng 7 năm 1992

CHỈ THỊ

CỦA BAN VẬT GIÁ NHÀ NƯỚC

Về việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giá

Chuyển qua cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chính sách giá vẫn là một chính sách kinh tế quan trọng của Đảng và Nhà nước. Chính sách đó được thực hiện trước hết thông qua chức năng điều hành quản lý vĩ mô của Nhà nước.

Diện hàng hoá, dịch vụ Nhà nước trực tiếp quy định giá theo tinh thần Quyết định 137/HĐBT ngày 27-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng được tập trung vào một số ít vật tư, tài sản có ý nghĩa chi phối giá cả thị trường xã hội. Việc định giá cụ thể của đại bộ phận hàng hoá, dịch vụ sẽ do các doanh nghiệp tự định, tự thoả thuận. Vì vậy để thực hiện quản lý Nhà nước về giá, công tác kiểm tra, thanh tra từ trung ương đến địa phương và cơ sở cần được tăng cường và đổi mới.

Việc kiểm tra, thanh tra giá hiện nay đã có nhiều nơi quan tâm làm tốt và có kết quả; kỷ cương, kỷ luật giá ở những nơi này được chấp hành tương đối nghiêm túc, góp phần thực hiện đổi mới quản lý kinh tế, chuyển qua cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Còn khá nhiều nơi chưa thực sự quan tâm đến công tác kiểm tra, thanh tra giá; kỷ cương, kỷ luật giá còn lỏng lẻo, thậm chí có nơi còn cho rằng cơ chế thị trường không cần có sự kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước. Từ nhận thức sai lầm đó đã để cho giá cả những hàng hoá vật tư và dịch vụ quan trọng đối với sản xuất và đời sống của nhân dân, đối với lợi ích của Nhà nước trong thời gian dài hình thành trôi nổi, tự phát và biến động thất thường đã không tránh khỏi bị lợi dụng vun vén cho lợi ích cá nhân, cục bộ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống trên địa bàn, tổn thất tài sản xã hội chủ nghĩa khá nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng này và thực hiện quyết định số 137-HĐBT ngày 27-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng về quản lý giá; giữ vững kỷ cương kỷ luật Nhà nước về giá, nhằm từng bước ổn định giá cả thị trường, Uỷ ban Vật giá Nhà nước yêu cầu các tổ chức và cán bộ quản lý Nhà nước về giá của các Bộ, các ngành, Sở Tài chính - Vật giá tỉnh, thành phố, Ban Vật giá thành phố Hồ Chí Minh phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giá về các mặt sau đây:

 

I. NẮM VỮNG NỘI DUNG KIỂM TRA, THANH TRA THEO TINH THẦN QUYẾT ĐỊNH 137-HĐBT CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG.

Căn cứ vào những qui định của Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Vật giá Nhà nước các Bộ, ngành trung ương và của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thực hiện việc kiểm tra nghiêm ngặt theo các nội dung cơ bản sau đây:

1. Kiểm tra việc thực hiện mức giá mua, giá bán hàng hoá dịch vụ do các cấp có thẩm quyền của trung ương và địa phương quy định theo Quyết định 137-HĐBT ngày 27-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng, bao gồm:

a/ Kiểm tra việc thực hiện các mức giá hàng hoá dịch vụ do cấp có thẩm quyền của trung ương qui định như giá bán điện, cước bưu điện...

b/ Kiểm tra việc thực hiện các mức giá hàng hoá dịch vụ do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố cụ thể hoá mức giá chuẩn hoặc giá giới hạn, giá hướng dẫn của trung ương như: mức thu thuỷ lợi phí, giá cho thuê đất, tài nguyên nhượng bán hoặc cho thuê,giá bán tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước, giá trong xây dựng cơ bản v.v...

c/ Kiểm tra việc thực hiện mức giá các loại hàng hoá, dịch vụ không thuộc quyền định giá của trung ương mà địa phương cần thiết phải định giá như: giá cho thuê phòng khách sạn, các loại lệ phí, học phí, giá dầu hoả bán tại địa phương, giá nước máy, giá trong xây dựng cơ bản đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách v.v...

2. Kiểm tra việc đăng ký giá: cần kiểm tra thường xuyên, định kỳ chi phí sản xuất và các yếu tố hình thành giá các hàng hoá dịch vụ của các doanh nghiệp thuộc diện phải đăng ký giá. Đăng ký và kiểm soát giá đăng ký ( bao gồm mức giá và cơ cấu giá) là hình thức quản lý mới cần làm có trọng điểm và rút kinh nghiệm để xây dựng hoàn chỉnh cơ chế quản lý này trong thời gian tới.

Kiểm tra đột xuất khi thị trường có đột biến giá hoặc khi phát hiện doanh nghiệp lợi dụng thế độc quyền và liên minh độc quyền, đầu cơ gây rối loạn giá thị trường, hoặc doanh nghiệp tính giá không đúng qui chế tính giá.

Ngoài việc kiểm tra chi phí sản xuất và các yếu tố hình thành giá đăng ký, còn phải kiểm tra việc thực hiện các mức giá đăng ký của doanh nghiệp nếu đã đăng ký giá mà không thực hiện mức giá đã đăng ký là vi phạm kỷ luật giá.

3. Kiểm tra việc thực hiện mức giá đã quyết định của cơ quan chủ trì hiệp thương giá khi hai bên mua và bán không tự thoả thuận được.

4. Kiểm tra việc niêm yết giá bao gồm giá chỉ đạo do Nhà nước định, giá đăng ký và giá thoả thuận đối với một số danh mục hàng hoá dịch vụ qui định của mục III thông tư hướng dẫn số 4-VGNN-KHCS ngày 6-7-1992 của Uỷ ban Vật giá Nhà nước. Các tổ chức Thanh tra giá cần phối hợp với các cơ quan thuế vụ, công an, quản lý thị trường, quản lý chợ và sử dụng đội ngũ cộng tác viên thanh tra giá để tiến hành kiểm tra niêm yết giá.

Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố phải tham mưu để Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố công bố danh mục các hàng hoá, dịch vụ quan trọng và các thị trường chính của địa phương phải niêm yết giá.

Trong năm 1992 danh mục và thị trường này cần được cân nhắc lựa chọn kỹ tránh làm tràn lan, hình thức để bảo đảm công tác kiểm tra niêm yết giá và giá niêm yết có tác dụng thiết thực. Trên cơ sở kết quả kiểm tra theo danh mục này thời gian tới sẽ điều chỉnh bổ sung và mở rộng sang các mặt hàng và thị trường khác.

5. Căn cứ vào điều 4 của quyết định số 137-HĐBT ngày 27-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng để kiểm tra việc thực hiện thẩm quyền định giá của các ngành các cấp trong việc quản lý giá và định giá.

6. Kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ trong kê khai chi phí, kiểm tra tình hình tồn kho hàng hoá đối với những mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá khi có dấu hiệu đột biến giá hoặc khi có hành động đầu cơ tăng giá, lợi dụng thế độc quyền và liên minh độc quyền để tăng giá quá mức, làm rối loạn thị trường theo quyết định của Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan Nhà nước ở trung ương hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố.

7. Triển khai công tác kiểm tra giá theo hướng kết hợp kiểm tra việc thực hiện mức giá chủ đạo, đăng ký, niêm yết với việc kiểm tra thực hiện chính sách giá đối với một số đối tượng, lĩnh vực, địa bàn được qui định.

Qua công tác kiểm tra, thanh tra giá, các cơ quan kiểm tra giá cần nghiên cứu xử lý vi phạm và phát hiện những chỗ sơ hở và không phù hợp của những quy định về cơ chế chính sách giá để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi bổ sung hoàn chỉnh cơ chế quản lý mới về giá.

II. THỰC HIỆN ĐẦY ĐỦ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC TỔ CHỨC KIỂM TRA, THANH TRA GIÁ VÀ XỬ LÝ NGHIÊM NGẶT NHỮNG HÀNH VI VI PHẠM KỶ LUẬT VỀ GIÁ

1. Quyền quyết định kiểm tra, thanh tra giá:

Nghị định số 91-HĐBT đã qui định thẩm quyền quyết định kiểm tra, thanh tra giá là Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các đơn vị sản xuất kinh doanh.

Từ ngày 1-4-1990 Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh Thanh tra và sau đó Hội đồng Bộ trưởng có Nghị định số 224-HĐBT ngày 30-6-1990, đã giao thêm nhiệm vụ và trách nhiệm cho các tổ chức thanh tra và được quyền quyết định tiến hành các cuộc thanh tra.Vì vậy Uỷ ban Vật giá Nhà nước và một số Bộ, ngành trung ương đã uỷ quyền để Chánh Thanh tra Uỷ ban Vật giá Nhà nước và thanh tra Bộ quyết định các cuộc thanh tra giá. Một số tỉnh, thành phố đã giao cho Chánh, Phó Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá quyết định các cuộc thanh tra giá tại địa phương.

Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố hiện nay chưa có Chánh Thanh tra giá thì thống nhất giao quyền cho Giám đốc (hoặc Phó Giám đốc) phụ trách giá quyết định các cuộc thanh tra giá. Riêng thành phố Hồ Chí Minh có thể phân cấp cho Chánh thanh tra quyết định một số cuộc thanh tra.

2. Xử lý vi phạm kỷ luật giá:

Cơ quan (hoặc người) quyết định cuộc thanh tra giá ở cấp nào thì cơ quan (hoặc người) ở cấp đó quyết định xử lý các vi phạm kỷ luật giá.

Các thanh tra viên về giá và cộng tác viên thanh tra giá có thể thanh tra giá khi làm công vụ tại thị trường được xử phạt tại chỗ những vi phạm kỷ luật giá theo quy định của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

Tất cả các hành vi vi phạm kỷ luật giá phải được đình chỉ ngay. Đồng thời tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý theo một hay nhiều hình thức trong qui định hiện hành của Nghị định 91-HĐBT như:

a/ Cảnh cáo.

b/ Thu hồi toàn bộ số tiền chênh lệch sai giá (sai tăng và sai giảm) để nộp ngân sách và trả lại khách hàng; đồng thời còn phải bị phạt tiền với mức tối đa 3% trên tổng số chênh lệch sai giá do đơn vị hoặc cá nhân đã gây ra. Nếu vi phạm không phát sinh chênh lệch sai giá như: không niêm yết giá, không đăng ký giá theo danh mục, hàng hoá, dịch vụ có quy định của cơ quan có thẩm quyền... thì được phép vận dụng hình thức xử phạt quy định trong Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, nhưng phạt tiền tối đâ không quá 3 triệu đồng/một lần vi phạm. Trong giới hạn số tiền xử phạt theo qui định này, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, Trưởng ban Vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương qui định cụ thể mức phạt cho từng loại vi phạm.

c/ Kiến nghị cơ quan chức năng thu hồi có thời hạn hoặc không thời hạn giấy phép kinh doanh.

d/ Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật hành chính đối với những cá nhân vi phạm kỷ luật giá.

đ/ Lập hồ sơ gửi đến cơ quan pháp luật để kiến nghị truy tố trước Toà án nếu vi phạm pháp luật có dấu hiệu hình sự.

3. Những đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác kiểm tra, thanh tra giá, ngoài chế độ khen thưởng chung của Nhà nước, cần được khen thưởng thích đáng. Trích tỷ lệ tối đa không quá 3% trên số tiền chênh lệch sai giá nộp ngân sách và trả khách hàng từ 5 đến 10% trên số tiền phạt để khen thưởng. Mức trích cụ thể trong giới hạn do Trưởng ban (phòng) Vật giá, Chánh Thanh tra giá của Sở Tài chính - Vật giá hoặc Ban Vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

 

III. TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TỔ CHỨC VÀ CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC THANH TRA GIÁ

Để làm tốt nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra giá cần củng cố tổ chức thanh tra giá và bổ sung tăng cường thêm cán bộ cho bộ phận Thanh tra giá. những nơi chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác thanh tra làm công tác thanh tra giá cần có kế hoạch để nhanh chóng bố trí cán bộ.

Bộ phận Thanh tra giá của các Sở Tài chính - Vật giá. Trước mắt, vẫn được bố trí trong Ban (hoặc phòng) giá để kịp thời, chủ động tiến hành công tác Thanh tra giá. Tuỳ theo khối lượng công việc và tình hình cụ thể của mỗi địa phương, cần bố trí số cán bộ thích hợp của Ban (hoặc phòng) giá để chuyên trách làm công tác Thanh tra giá. Ban vật giá thành phố Hồ Chí Minh có Ban Thanh tra, cần bố trí khoảng 4 -5 người.

Trong các cuộc thanh tra giá tuỳ quy mô và tính phức tạp cán bộ Thanh tra giá đóng vai trò chủ trì hoặc thường trực về nghiệp vụ thanh tra giá của các đoàn thanh tra được thành lập trên cơ sở huy động cán bộ nghiệp vụ của Sở Tài chính - Vật giá, Ban Vật giá các ngành khác có liên quan.

Ban Lãnh đạo Sở Tài chính - Vật giá cần làm việc với Thanh tra tỉnh để phong cấp Thanh tra viên cho từng cán bộ chuyên trách làm công tác thanh tra giá, tạo điều kiện để cán bộ thanh tra giá được thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ, quyền hạn và quyền lợi theo đúng qui định của pháp luật thanh tra.

Trên đây là một số nhiệm vụ cần làm về công tác kiểm tra, thanh tra giá, yêu cầu các Bộ, ngành, Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố; Ban Vật giá thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ nêu trên. Trong thực hiện nếu có vướng mắc cần báo cáo về Uỷ ban Vật giá Nhà nước giải quyết.

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Phan Văn Tiệm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.