• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 20/10/1992
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 15-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Bình, ngày 20 tháng 10 năm 1992

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 15/TTG NGÀY 20-10-1992

VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH

CỦA THƯƠNG BỆNH BINH VÀ NGƯỜI TÀN TẬT

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Nghị quyết số 120/HĐBT ngày 11 tháng 4 năm 1992 về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm trong những năm tới;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh do thương bệnh binh và người tàn tật lập ra để cải thiện đời sống và phục hồi chức năng toàn diện của mình theo đúng chủ trương của luật pháp hiện hành được Nhà nước bảo hộ và khuyến khích phát triển.

Điều 2. Cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật nói trong quyết định này phải do thương bệnh binh và người tàn tật trực tiếp quản lý và ít nhất phải có 51% số lao động là thương bệnh binh và người tàn tật; số lao động còn lại chủ yếu là vợ con họ, thân nhân liệt sĩ, quân nhân xuất ngũ và những người góp cổ phần.

Điều 3. Vốn của cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật được hình thành từ những nguồn hợp pháp sau:

- Từng thành viên đóng góp;

- Nhà nước trợ giúp cấp từ Quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm, cho vay với lãi suất nâng đỡ;

- Tài trợ, giúp đỡ của các tổ chức xã hội, từ thiện và các nhà hảo tâm ở trong nước và nước ngoài;

- Tiền góp cổ phần của các tầng lớp nhân dân và của các đơn vị kinh tế xã hội khác;

- Vay từ các nguồn trong khuôn khổ pháp luật.

Các nguồn vốn do Nhà nước và các tổ chức xã hội khác giúp đỡ là tài sản chung của tập thể, dùng vào mục đích mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm chung của tập thể, không chia cho các thành viên khi rời khỏi cơ sở sản xuất kinh doanh.

Điều 4. Cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật như các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác, được Nhà nước ưu đãi như sau:

- Cấp lại 100% thuế lợi tức, thuế vốn.

- Cấp lại 50% thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt.

Phần thuế cấp lại này thuộc vốn Nhà nước trợ giúp phải được ghi tăng tài sản của doanh nghiệp và phải theo đúng quy định về cấp phát và kiểm soát về tài chính hiện hành.

Điều 5. Thương bệnh binh, người tàn tật và các thành viên khác làm việc tại cơ sở kinh tế của thương bệnh binh, người tàn tật nếu học tập nâng cao tay nghề, đào tạo lại nghề tại các trường, trung tâm dạy nghề do Nhà nước quản lý được miễn học phí, được xét cấp học bổng theo quy định của Nhà nước.

Điều 6. Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lao động sản xuất kinh doanh, địa điểm lập cơ sở sản xuất kinh doanh, giao mặt hàng phù hợp với điều kiện sức khoẻ, đầu tư kỹ thuật công nghệ và các ưu đãi khác trong khuôn khổ pháp luật và chính sách hiện hành... cho các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật.

Điều 7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm cùng với Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước lập kế hoạch quỹ và sử dụng quỹ, vay tín dụng với chế độ lãi suất nâng đỡ, trình Thủ tướng Chính phủ duyệt và hướng dẫn thực hiện Quyết định này...

Điều 8. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 9. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.