• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 18/12/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/06/2016
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 96/2007/QĐ-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Bình, ngày 23 tháng 11 năm 2007

                                                                  QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy chế triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung

_______________________

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000;

Căn cứ Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm;

Căn cứ Nghị định số 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/07/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, các tổ chức, cá nhân và các bên có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY CHẾ

Triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung

__________________________
(Ban hành kèm theo Quyết định số 96/2007/QĐ-BTC ngày 23 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Điều 2. Các đặc điểm của sản phẩm bảo hiểm liên kết chung

Bảo hiểm liên kết chung (universal life) là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư và có các đặc điểm sau:

1. Cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư. Bên mua bảo hiểm được linh hoạt trong việc xác định phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm. 

2. Bên mua bảo hiểm được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư từ quỹ liên kết chung của doanh nghiệp bảo hiểm nhưng không thấp hơn tỷ suất đầu tư tối thiểu được doanh nghiệp bảo hiểm cam kết tại hợp đồng bảo hiểm.

3. Doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng các khoản phí do bên mua bảo hiểm trả theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

Điều 3. Quỹ liên kết chung

Quỹ liên kết chung là quỹ được hình thành từ nguồn phí bảo hiểm từ các hợp đồng bảo hiểm liên kết chung và là một phần của quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm. Tài sản của quỹ liên kết chung không phân chia mà xác định chung cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm được liên kết. 

Điều 4. Điều kiện đối với doanh nghiệp bảo hiểm triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung

Khi triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:

1. Biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ lớn hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu 100 tỷ đồng.

2. Có hệ thống công nghệ thông tin phù hợp để quản lý và kiểm soát quỹ liên kết chung một cách thận trọng và hiệu quả. 

3. Đại lý bảo hiểm bán sản phẩm bảo hiểm liên kết chung được tuyển dụng, đào tạo và sử dụng đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điều 19 Quy chế này.

4. Sản phẩm bảo hiểm liên kết chung được Bộ Tài chính phê chuẩn.

Chương II

THIẾT KẾ SẢN PHẨM

Điều 5. Sản phẩm bảo hiểm liên kết chung

Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ phải tuân thủ các quy định tại Chương này và các quy định của pháp luật khi thiết kế sản phẩm bảo hiểm liên kết chung.

Điều 6. Quyền lợi bảo hiểm liên kết chung

1. Quyền lợi bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm liên kết chung bao gồm quyền lợi bảo hiểm rủi ro và quyền lợi đầu tư.

2. Quyền lợi bảo hiểm rủi ro:

a) Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thoả thuận về quyền lợi bảo hiểm rủi ro nhưng phải bảo đảm số tiền bảo hiểm tối thiểu không được thấp hơn 5 lần phí bảo hiểm đóng năm đầu đối với hợp đồng bảo hiểm đóng phí định kỳ hoặc không thấp hơn 125% số phí bảo hiểm đối với hợp đồng bảo hiểm đóng phí một lần.

b) Quy định về quyền lợi tối thiểu trong trường hợp tử vong không áp dụng đối với các khoản phí bảo hiểm đóng thêm quy định tại Điều 8 Quy chế này.

c) Doanh nghiệp bảo hiểm có thể cung cấp sản phẩm bảo hiểm bổ trợ cho sản phẩm bảo hiểm liên kết chung. Phương thức đóng phí bảo hiểm cho các sản phẩm bảo hiểm bổ trợ sẽ do các bên thoả thuận khi giao kết hợp đồng.

3. Quyền lợi đầu tư: bên mua bảo hiểm được hưởng quyền lợi từ kết quả đầu tư của quỹ liên kết chung với tỷ suất đầu tư tối thiểu quy định tại hợp đồng bảo hiểm.

4. Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thoả thuận về nội dung và phương thức chi trả quyền lợi bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. 

Điều 7. Phí

1. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được phép tính các loại phí được quy định dưới đây:

a) Phí ban đầu là toàn bộ các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm được phép khấu trừ trước khi phí bảo hiểm được phân bổ vào quỹ liên kết chung.

b) Phí bảo hiểm rủi ro là khoản phí để chi trả quyền lợi bảo hiểm rủi ro theo cam kết tại hợp đồng bảo hiểm.

c) Phí quản lý hợp đồng bảo hiểm là khoản phí để bù đắp chi phí liên quan đến việc duy trì hợp đồng bảo hiểm và cung cấp thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm.

d) Phí quản lý quỹ được dùng để chi trả cho các hoạt động quản lý quỹ liên kết chung. Trong mọi trường hợp, tỷ suất đầu tư thanh toán cho bên mua bảo hiểm không thấp hơn tỷ suất đầu tư tối thiểu đã cam kết tại hợp đồng bảo hiểm.

đ) Phí huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm là khoản phí tính cho khách hàng khi huỷ bỏ hợp đồng trước ngày đáo hạn để bù đắp các khoản chi hợp lý có liên quan.

e) Các loại phí khác (nếu có) phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm phải tính toán chính xác, công bằng và hợp lý các khoản phí nêu trên đảm bảo phù hợp với cơ sở kỹ thuật của sản phẩm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn và thông báo cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng.

3. Hợp đồng bảo hiểm liên kết chung phải quy định rõ các khoản phí nói trên bao gồm cả các mức tối đa sẽ áp dụng cho bên mua bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải công khai rõ ràng, đầy đủ các loại phí và mức tối đa áp dụng cho bên mua bảo hiểm trong các tài liệu giới thiệu sản phẩm và tài liệu minh họa bán hàng.

4. Trong quá trình thực hiện hợp đồng và trong hạn mức tối đa đã được quy định tại hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có thể thay đổi tỷ lệ các loại phí áp dụng sau khi thông báo và thoả thuận với bên mua bảo hiểm bằng văn bản ít nhất 3 tháng trước thời điểm chính thức thay đổi.  

Điều 8. Phí bảo hiểm đóng thêm

1. Ngoài phần phí bảo hiểm đã thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có thể đóng thêm phí bảo hiểm để tham gia vào quỹ liên kết chung.

2. Toàn bộ phí bảo hiểm đóng thêm sẽ được đầu tư vào quỹ liên kết chung sau khi trừ đi một khoản phí ban đầu .

3. Trong mỗi năm hợp đồng, tổng số phí bảo hiểm đóng thêm không được vượt quá 5 lần mức phí bảo hiểm năm đầu đối với hợp đồng đóng phí định kỳ hoặc không quá 50% phí bảo hiểm lần đầu đối với hợp đồng đóng phí một lần.

Điều 9. Giá trị hoàn lại

Giá trị hoàn lại của một hợp đồng bảo hiểm liên kết chung được xác định là giá trị hợp đồng đó trong quỹ liên kết chung vào ngày huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm trừ đi phí huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm.

Điều 10. Thành lập và quản lý quỹ liên kết chung

1. Doanh nghiệp bảo hiểm thành lập một quỹ liên kết chung cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm liên kết chung của doanh nghiệp. Quỹ liên kết chung phải được tách riêng khỏi quỹ chủ sở hữu và các quỹ chủ hợp đồng khác của doanh nghiệp.

2. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm liên kết chung đầu tiên được giao kết, doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm tổng giá trị của quỹ liên kết chung không thấp hơn 50 tỷ đồng.

3. Trường hợp phí bảo hiểm phân bổ vào quỹ liên kết chung không đáp ứng được quy định tại khoản 2 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm phải sử dụng một phần quỹ chủ sở hữu để hình thành các tài sản ban đầu của quỹ liên kết chung và được hưởng kết quả đầu tư tương ứng với số tiền đã đóng góp vào việc thành lập quỹ liên kết chung. Doanh nghiệp bảo hiểm có thể được hoàn lại một phần hoặc toàn bộ số tiền đã đóng góp nếu việc hoàn lại đó đáp ứng được quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Quỹ liên kết chung được quản lý và sử dụng đầu tư phù hợp với chế độ tài chính áp dụng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm.

5. Phí bảo hiểm và phí bảo hiểm đóng thêm sau khi trừ đi các khoản phí ban đầu phải được đầu tư phù hợp với những mục tiêu của quỹ liên kết chung trong thời hạn không quá 60 ngày kể từ ngày doanh nghiệp bảo hiểm nhận được phí bảo hiểm.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CÔNG BỐ THÔNG TIN CỦA DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM

Điều 11. Thông tin về bảo hiểm liên kết chung

1. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm công bố chính xác, đầy đủ và kịp thời cho bên mua bảo hiểm các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm liên kết chung đã giao kết. Thông tin cung cấp cho bên mua bảo hiểm phải phù hợp với sản phẩm bảo hiểm liên kết chung được Bộ Tài chính phê chuẩn.

2. Bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp đầy đủ thông tin và giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm để nhận thức được các rủi ro liên quan khi giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết chung.

3. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm công bố trên website của doanh nghiệp mình các tài liệu dưới đây:

a) Quy tắc, điều khoản sản phẩm bảo hiểm được Bộ Tài chính phê chuẩn;

b) Tài liệu giới thiệu sản phẩm;

c) Tài liệu minh họa bán hàng về các trường hợp điển hình;

d) Tình hình hoạt động của quỹ liên kết chung.

Điều 12. Tài liệu giới thiệu sản phẩm

Tài liệu giới thiệu sản phẩm do doanh nghiệp bảo hiểm biên soạn và sử dụng phải phù hợp với quy định của pháp luật và các quy định dưới đây:

1. Thông tin trong tài liệu giới thiệu sản phẩm phải chính xác, khách quan, đầy đủ, trung thực và phải phù hợp với sản phẩm bảo hiểm liên kết chung đã được Bộ Tài chính phê chuẩn.

2. Ngoài các quy định chung trong bảo hiểm nhân thọ, tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm liên kết chung phải có những thông tin tối thiểu sau đây:

a) Chính sách đầu tư, mục tiêu và cơ cấu đầu tư tài sản của quỹ liên kết chung;

b) Tỷ lệ và mức tối đa của phí ban đầu, phí bảo hiểm rủi ro, phí quản lý hợp đồng, phí quản lý quỹ liên kết chung, phí huỷ bỏ hợp đồng và các khoản phí khác.

c) Lãi suất đầu tư tối thiểu cam kết với bên mua bảo hiểm đối với phần phí bảo hiểm được phân bổ để đầu tư vào quỹ liên kết chung;

d) Cơ sở và định kỳ xác định quyền lợi đầu tư của hợp đồng bảo hiểm từ quỹ liên kết chung;

đ) Thông tin rõ ràng cho bên mua bảo hiểm biết việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết chung là một cam kết dài hạn và bên mua bảo hiểm không nên huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm vì các khoản phí bên mua bảo hiểm phải trả có thể rất cao trong thời gian đầu của hợp đồng.

Điều 13. Tài liệu minh họa bán hàng

Tài liệu minh họa bán hàng phải đáp ứng các quy định của pháp luật và các quy định dưới đây:

1. Tài liệu minh họa bán hàng của sản phẩm bảo hiểm liên kết chung phải được cung cấp cho khách hàng trước khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và phải có thông tin tối thiểu theo Phụ lục I Quy chế này.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm phải thuyết minh rõ cho bên mua bảo hiểm các quyền lợi mà khách hàng có thể được nhận khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, bao gồm quyền lợi bảo hiểm rủi ro và quyền lợi nhận được từ quỹ liên kết chung. 

3. Các khoản phí và các hạn mức tối đa mà bên mua bảo hiểm phải trả phải được thể hiện rõ trên cơ sở tách bạch giữa phí bảo hiểm cho các quyền lợi bảo hiểm rủi ro và các khoản phí khác.

4. Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm liên kết chung có quyền lợi bảo hiểm bổ trợ, doanh nghiệp bảo hiểm phải thuyết trình rõ trong tài liệu minh họa bán hàng các quyền lợi bổ trợ đó và tác động của chúng đối với bên mua bảo hiểm.

5. Tài liệu minh họa bán hàng phải được trình bày rõ ràng, dễ hiểu.

Điều 14. Hợp đồng bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm liên kết chung phải phù hợp với quy định của pháp luật và có đầy đủ các thông tin dưới đây:

1. Chính sách đầu tư, mục tiêu, cơ cấu đầu tư tài sản của quỹ liên kết chung;

2. Tỷ lệ, số tiền cụ thể và mức tối đa của các khoản phí liên quan đến hợp đồng bảo hiểm liên kết chung được tính cho khách hàng;

3. Tỷ lệ phân bổ phí bảo hiểm để đầu tư vào quỹ liên kết chung;

4. Cách thức xác định quyền lợi đầu tư từ quỹ liên kết chung;

5. Các lựa chọn để bên mua bảo hiểm thay đổi quyền lợi rủi ro, tỷ lệ phí bảo hiểm phân bổ vào quỹ liên kết chung và thời gian gia hạn nộp phí bảo hiểm.

Điều 15. Thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng

Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính hoặc năm hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm về các nội dung sau:

1. Tình trạng của hợp đồng bảo hiểm bao gồm thông tin sau:

a) Quyền lợi bảo hiểm rủi ro;

b) Giá trị hoàn lại vào đầu năm báo cáo;

c) Giá trị hoàn lại vào cuối năm báo cáo;

d) Các khoản phí phát sinh trong năm chi tiết theo phí bảo hiểm rủi ro và các khoản phí khác;

đ) Tổng số phí bảo hiểm đã đóng và số phí bảo hiểm được phân bổ vào quỹ liên kết chung trong năm báo cáo;

e) Kết quả đầu tư và tỷ suất đầu tư từ phần phí bảo hiểm đầu tư vào quỹ liên kết chung.

2. Kết quả hoạt động của quỹ liên kết chung với các nội dung sau:

a) Thông tin tóm tắt về tình hình tài chính của quỹ liên kết chung theo mẫu tại Phụ lục II Quy chế này;

b) Tình hình hoạt động của quỹ liên kết chung trong 5 năm gần nhất hoặc thời gian tồn tại thực tế của quỹ nếu thời gian hoạt động của quỹ chưa đủ 5 năm;

d) Chi tiết về các quyền lợi đầu tư đã chia và dự kiến sẽ cho bên mua bảo hiểm trong năm báo cáo;

đ) Xác nhận của công ty kiểm toán độc lập về những thông tin nói trên.

Chương IV

KHẢ NĂNG THANH TOÁN VÀ DỰ PHÒNG NGHIỆP VỤ

Điều 16. Khả năng thanh toán

1. Doanh nghiệp bảo hiểm phải luôn duy trì khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật.

2. Biên khả năng thanh toán tối thiểu đối với các hợp đồng bảo hiểm liên kết chung bằng 4% dự phòng nghiệp vụ cộng với 0,3% số tiền bảo hiểm chịu rủi ro.

3. Biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm phải cao hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu là 100 tỷ đồng.

Điều 17. Trích lập dự phòng nghiệp vụ

1. Doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập dự phòng nghiệp vụ như sau:

a) Dự phòng rủi ro bảo hiểm: là số lớn hơn giữa mức dự phòng tính theo phương pháp phí chưa được hưởng hoặc dự phòng tính theo phương pháp dòng tiền để đáp ứng được tất cả các khoản chi phí trong tương lai trong suốt thời hạn của hợp đồng.

b) Dự phòng bồi thường: được trích theo phương pháp từng hồ sơ với mức trích lập được tính trên cơ sở thống kê số tiền bảo hiểm phải trả cho từng hồ sơ đã yêu cầu đòi bồi thường doanh nghiệp bảo hiểm nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết.

c) Dự phòng nghiệp vụ đối với phần liên kết chung: là giá trị hoàn lại của hợp đồng trong quỹ liên kết chung. Giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm liên kết chung phải bảo đảm các cam kết tại hợp đồng bảo hiểm.

d) Dự phòng bảo đảm khả năng thanh toán bổ sung (resilience reserve). Dự phòng này dùng để bảo đảm cam kết của doanh nghiệp đối với khách hàng theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm khi thị trường đầu tư có biến động lớn.

2. Chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm xác định phương pháp, cơ sở và số liệu dự phòng nghiệp vụ để luôn đảm bảo các cam kết đối với bên mua bảo hiểm theo các nguyên tắc và phương pháp tính toán được thừa nhận rộng rãi theo thông lệ quốc tế.

Chương V

PHÂN TÍCH NHU CẦU KHÁCH HÀNG, ĐIỀU KIỆN ĐẠI LÝ BẢO HIỂM VÀ HOA HỒNG BẢO HIỂM

Điều 18. Phân tích nhu cầu khách hàng

Trước khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải tiến hành phân tích nhu cầu khách hàng và phải có xác nhận của khách hàng về việc hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm mà họ dự kiến mua, nhận thức rõ được quyền lợi bảo hiểm, quyền lợi đầu tư và các rủi ro đầu tư mà họ có thể gặp phải khi tham gia sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và các khoản phí mà doanh nghiệp bảo hiểm tính cho khách hàng.

Điều 19. Yêu cầu đối với đại lý bảo hiểm

1. Để triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo tuyển chọn các đại lý bảo hiểm đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có ít nhất 06 tháng kinh nghiệm hoạt động đại lý bảo hiểm hoặc đã có ít nhất 02 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm hoặc đã tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm;

b) Không vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian hành nghề đại lý bảo hiểm.

2. Đại lý bảo hiểm phải được đào tạo chuyên sâu về sản phẩm bảo hiểm liên kết chung tối thiểu là 24 giờ và được doanh nghiệp bảo hiểm cấp chứng chỉ hoàn thành khoá học mới được phép bán bảo hiểm liên kết chung.

3. Doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những sai sót do đại lý của mình gây ra làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm. Đại lý bảo hiểm có trách nhiệm bồi hoàn cho doanh nghiệp các khoản tiền mà doanh nghiệp đã trả cho bên mua bảo hiểm do lỗi của đại lý.

Điều 20. Hoa hồng bảo hiểm

Hoa hồng bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết chung được thực hiện theo các quy định của pháp luật với tỷ lệ hoa hồng tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm được phép trả cho đại lý bảo hiểm đối với từng hợp đồng bảo hiểm được thực hiện theo quy định tại Phụ lục III Quy chế này.

Chương IV

CÁC QUY ĐỊNH KHÁC

Điều 21. Phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm

1. Doanh nghiệp bảo hiểm phải được Bộ Tài chính phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm liên kết chung trước khi triển khai.

2. Hồ sơ đề nghị phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm liên kết chung được lập theo quy định của pháp luật và kèm theo phương án triển khai sản phẩm liên kết chung, bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tóm tắt nội dung chính của sản phẩm bảo hiểm liên kết chung dự kiến triển khai;

b) Chính sách đầu tư mà doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến áp dụng đối với các tài sản thuộc quỹ liên kết chung;

c) Cơ sở phân bổ các khoản phí bảo hiểm và chi phí;

d) Nội dung và chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm về sản phẩm bảo hiểm liên kết chung dự kiến triển khai;

đ) Thông tin về chuyên gia tính toán, chuyên gia đầu tư và các dịch vụ tư vấn thuê ngoài khác;

e) Thông tin về trình độ, năng lực, kinh nghiệm chuyên môn của những cán bộ chịu trách nhiệm đầu tư;

g) Cam kết bằng văn bản kèm theo giải trình chi tiết về việc doanh nghiệp bảo hiểm đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Quy chế này. 

Điều 22. Nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm

1. Doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh sản phẩm bảo hiểm liên kết chung phải tuân thủ quy định tại Quy chế này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Căn cứ Quy chế này và các quy định pháp luật có liên quan, doanh nghiệp bảo hiểm ban hành các quy trình nghiệp vụ triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung phù hợp với điều kiện, đặc điểm và điều lệ hoạt động của mình.

3. Doanh nghiệp bảo hiểm tổng hợp tình hình kinh doanh sản phẩm bảo hiểm liên kết chung của đơn vị mình để báo cáo Bộ Tài chính theo chế độ thông tin báo cáo hiện hành. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm hợp tác và báo cáo tình hình thực tế triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

4. Hàng năm, chuyên gia tính toán của doanh nghiệp có trách nhiệm đánh giá việc tuân thủ Quy chế này của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá kinh doanh sản phẩm bảo hiểm liên kết chung.

Điều 23. Điều khoản chuyển tiếp

1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Quy chế này có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm đang triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung phải hoàn thành các thủ tục bảo đảm tuân thủ các quy định tại Quy chế này.

2. Đối với các hợp đồng bảo hiểm liên kết chung được giao kết trước ngày Quy chế này có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng và thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm đã giao kết. Doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện việc thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng theo quy định tại Điều 15 Quy chế này.

Điều 24. Xử lý vi phạm

Doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, tổ chức và cá nhân có liên quan vi phạm các quy định tại Quy chế này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Giám sát của Bộ Tài chính

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu sự giám sát của Bộ Tài chính trong quá trình kinh doanh sản phẩm bảo hiểm liên kết chung theo quy định pháp luật.

2. Vụ Bảo hiểm có trách nhiệm định kỳ hàng quý đánh giá việc triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung; phối hợp các đơn vị có liên quan báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Quy chế này cho phù hợp với thực tiễn.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Xuân Hà

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.