• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/07/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 02/06/2015
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 46/2005/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Bình, ngày 8 tháng 6 năm 2005

THÔNG TƯ

Của Bộ tài chính số 46/2005/TT-BTC ngày 8 tháng 6 năm 2005

 Hướng dẫn một số vấn đề về tài chính khi sắp xếp, đổi mới

và phát triển nông, lâm trường quốc doanh

____________________

 

Thi hành Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh và Nghị định số 200/2004/ NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh; Bộ Tài chính hướng dẫn một số vấn đề về tài chính khi sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng, phạm vi áp dụng.

1.1- Đối tượng áp dụng thông tư này là các nông, lâm trường quốc doanh thực hiện việc đổi mới, sắp xếp được quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh và quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 200/2004/ NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh (dưới đây gọi tắt là nông, lâm trường).

1.2- Thông tư này hướng dẫn các vấn đề về tài chính khi thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường theo các hình thức:

- Các nông, lâm trường tiếp tục duy trì là công ty nhà nước;

- Các nông, lâm trường chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên;

- Các nông, lâm trường thực hiện sáp nhập, chia tách, giải thể;

- Các nông, lâm trường thực hiện cổ phần hoá, giao, bán;

- Các lâm trường chuyển thành các Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu.

2. Những quy định chung.

2.1- Các nông, lâm trường là công ty nhà nước hoạt động theo Luật doanh nghiệp nhà nước và Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là quy chế tài chính công ty nhà nước) và Thông tư số 33/2005/TT-BTC ngày 29/4/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều tại Quy chế quản lý tài chính của công ty Nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác;

Các nông, lâm trường thực hiện các nhiệm vụ hoạt động công ích: sản phẩm, dịch vụ công ích được nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch hoặc đấu thầu thực hiện theo Nghị định số 31/2005/NĐ-CP ngày 11/03/2005 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và các văn bản pháp luật hiện hành.

- Các nông, lâm trường được thành lập mới hoặc sáp nhập, giải thể, hợp nhất, chia, tách thực hiện theo quy định tại Nghị định số 180/2004/NĐ-CP ngày 28/10/2004 của Chính phủ về thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước và Thông tư số 38/2005/TT-BTC ngày 18/5/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục, xử lý tài chính khi thành lập mới, tổ chức lại, và giải thể công ty Nhà nước.

- Các nông, lâm trường thực hiện cổ phần hoá thực hiện theo quy định tại Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ, Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định này và các văn bản pháp luật hiện hành.

- Các nông, lâm trường thực hiện giao cho tập thể người lao động; bán hoặc chuyển sang công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.

- Các Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng (gọi tắt là Ban quản lý rừng) thực hiện cơ chế tài chính quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2001 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2.2- Trong quá trình thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường, kinh phí chi cho việc thực hiện đo đạc, rà soát đất, cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ địa chính giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Ban quản lý rừng và các công ty lâm nghiệp do ngân sách địa phương đảm bảo và thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

2.3- Việc bàn giao đường giao thông, hệ thống điện, công trình thuỷ lợi, trường học, bệnh xá của nông, lâm trường về địa phương quản lý thực hiện theo Quyết định số 255/2003/QĐ-TTg ngày 01/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bàn giao xử lý vốn vay và đầu tư tài sản đường giao thông, hệ thống điện, công trình thuỷ lợi, trường học, bệnh xá của nông, lâm trường về địa phương và Tổng công ty Điện lực Việt Nam quản lý, Thông tư số 48/2004/TT-BTC ngày 01/6/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn Quyết định số 255/2003/QĐ-TTg và các văn bản pháp luật hiện hành.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Kiểm kê đánh giá tài sản và vốn hiện có.

1.1- Kiểm kê tài sản và vốn:

Khi có quyết định sắp xếp lại của cấp có thẩm quyền các nông, lâm trường phải thực hiện kiểm kê toàn bộ tài sản thuộc quyền quản lý sử dụng, bao gồm: tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn, các khoản nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, (bao gồm cả rừng trồng, vườn cây, đàn gia súc).

Phương pháp kiểm kê đánh giá lại tài sản, vốn, rừng trồng, vườn cây, đàn gia súc theo các quy định hiện hành của Nhà nước và theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

1.2-Thời điểm kiểm kê: Là thời điểm khoá sổ kế toán, lập báo cáo tài chính kết thúc quý gần nhất kể từ ngày phương án sắp xếp nông, lâm trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt có hiệu lực.

1.3- Đánh giá lại giá trị tài sản:

Việc đánh giá lại tài sản của các nông, lâm trường chỉ thực hiện khi chuyển đổi sở hữu: cổ phần hoá, giao, bán; không thực hiện đánh giá lại tài sản của các nông, lâm trường còn giữ là công ty nhà nước; các nông, lâm trường chuyển sang Ban quản lý, Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên và các nông, lâm trường thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách.

1.4- Xử lý chênh lệch kết quả kiểm kê, đánh giá lại giá trị tài sản :

a. Chênh lệch kết quả kiểm kê, đánh giá lại giá trị tài sản đối với các nông, lâm trường thực hiện cổ phần hoá, giao, bán được xử lý theo các quy định hiện hành của nhà nước về cổ phần hoá, giao, bán doanh nghiệp.

b. Đối với nông, lâm trường tiếp tục duy trì là công ty nhà nước chênh lệch kết quả kiểm kê được xử lý theo Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ và Thông tư số 33/2005/TT-BTC ngày 29/4/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều tại Quy chế quản lý tài chính của công ty Nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác.

c. Đối với lâm trường chuyển sang Ban quản lý rừng: Chênh lệch thiếu phát hiện sau kiểm kê phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý bồi thường. Phần chênh lệch thiếu sau khi bồi thường được xem xét giảm vốn nhà nước.

Bộ quản lý ngành xem xét quyết định giảm vốn đối với nông, lâm trường thuộc Trung ương quản lý, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân tỉnh) xem xét, quyết định giảm vốn đối với các nông, lâm trường thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính.

1.5- Việc xử lý nợ tồn đọng của các nông, lâm trường quốc doanh thực hiện theo Nghị định số 69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 của Chính phủ và Thông tư số 85/2002/TT-BTC ngày 26/9/2002 của Bộ Tài chính về quản lý và xử lý nợ tồn đọng đối với doanh nghiệp nhà nước và Thông tư số 89/2004/TT-BTC ngày 3/9/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý rủi ro vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

2. Bàn giao tài sản, rừng trồng, vườn cây lâu năm, giá trị đầu tư khai hoang cải tạo đất của các nông, lâm trường cho Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Ban quản lý rừng.

2.1- Tài sản và vốn bàn giao gồm: Toàn bộ tài sản, vật tư, các khoản nợ phải thu, nợ phải trả, các tài sản khác (bao gồm cả rừng trồng, vườn cây, đàn gia súc, giá trị đầu tư khai hoang cải tạo đất) và tài liệu có liên quan.

2.2- Nguyên tắc bàn giao: Thực hiện bàn giao nguyên trạng tài sản và vốn theo số liệu kiểm kê tại thời điểm bàn giao.

2.3- Thời điểm bàn giao do Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định đối với từng nông, lâm trường.

2.4- Người chủ trì việc bàn giao:

- Đại diện Bộ quản lý ngành hoặc người được uỷ quyền chủ trì việc bàn giao nông, lâm trường thuộc Trung ương quản lý.

- Đại diện Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc người được uỷ quyền chủ trì đối với các nông, lâm trường thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý.

2.5- Đối tượng giao nhận:

- Bên giao : Là giám đốc các nông, lâm trường.

- Bên nhận: Là giám đốc Ban quản lý rừng được giao trách nhiệm nhận tài sản và vốn hoặc đại diện Uỷ ban nhân dân tỉnh (đối với tài sản gắn liền với đất khi nông, lâm trường chuyển giao đất cho địa phương quản lý).

2.6- Khi bàn giao phải lập Biên bản có đủ chữ ký của bên nhận, bên giao. Đại diện Bộ quản lý ngành, đại diện Uỷ ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo Tổng công ty (nếu nông, lâm trường là đơn vị thành viên Tổng công ty). Nội dung biên bản bàn giao cần ghi rõ từng tài sản và số vốn bàn giao, những tồn tại và trách nhiệm xử lý của mỗi bên.

2.7- Hạch toán kế toán: Căn cứ vào Biên bản giao nhận, số liệu kiểm kê, hồ sơ tài liệu, số liệu kế toán, bên giao hạch toán giảm tài sản và vốn, Bên nhận hạch toán tăng tài sản và vốn.

Đối với Ban quản lý rừng mới thành lập thì phải mở sổ sách kế toán để hạch toán theo quy định của pháp luật kế toán.

3.Về sử dụng tiền thanh lý vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc, để lại để đầu tư cho thâm canh, trồng lại vườn cây, mua sắm thiết bị, đổi mới công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng.

3.1- Đối tượng là các nông trường tiếp tục duy trì là Công ty nhà nước thiếu vốn điều lệ, có dự án đầu tư cho thâm canh, trồng lại vườn cây, mua sắm thiết bị, đổi mới công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3.2- Tiền thanh lý vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc được để lại là giá trị thu được do thanh lý vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc, trừ đi giá trị còn lại của vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc, các khoản chi phí hợp pháp của việc thanh lý, các khoản thuế theo quy định của Pháp luật (không bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp).

3.3- Trình tự, thủ tục bổ sung vốn Điều lệ cho nông trường từ nguồn thanh lý tài sản:

a. Hồ sơ đề nghị gồm:

- Công văn đề nghị bổ sung vốn điều lệ từ nguồn thành lý vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc được để lại;

- Văn bản phê duyệt vốn điều lệ cho nông trường của cơ quan có thẩm quyền (có xác nhận sao y bản chính);

- Dự án đầu tư có sử dụng nguồn vốn thanh lý vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Quyết toán thanh lý vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc của nông trường được cơ quan Thuế trên địa bàn kiểm tra xác định;

Báo cáo tài chính của nông trường tại thời điểm điều chỉnh tăng vốn;

Báo cáo cân đối vốn đầu tư xây dựng cơ bản của nông trường.

b. Hồ sơ đề nghị tăng vốn gửi Bộ quản lý ngành và Bộ Tài chính đối với các nông trường Trung ương quản lý; gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài chính đối với các nông trường do địa phương quản lý.

c. Các Bộ quản lý ngành thẩm định hồ sơ tăng vốn đối với các nông trường Trung ương; Uỷ ban nhân dân tỉnh thẩm định hồ sơ tăng vốn đối với các nông trường địa phương.

d. Sau khi thẩm định, các Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ Tài chính (kèm theo hồ sơ đề nghị tăng vốn) để xem xét làm thủ tục ghi thu, ghi chi Ngân sách nhà nước.

3.4- Việc quản lý, sử dụng vốn thanh lý vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc cho việc trồng lại vườn cây, mua sắm thiết bị, đổi mới công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện đúng mục đích, có hiệu quả theo quy định hiện hành của Nhà nước.

3.5- Hạch toán kế toán: Sau khi có quyết định của Bộ Tài chính, các nông trường hạch toán tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện quản lý sử dụng vốn theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

4.Việc hỗ trợ nông trường đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội.

4.1- Các nông trường hoạt động tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng chiến lược quốc phòng, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội.

Việc xác định vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Thông tư số 41/UB-TT ngày 8/01/1996 của Uỷ ban dân tộc miền núi quy định về việc hướng dẫn thực hiện tiêu chí từng khu vực ở vùng dân tộc miền núi.

4.2- Cơ sở hạ tầng được ngân sách nhà nước hỗ trợ bao gồm hệ thống đường giao thông, công trình thuỷ lợi, hệ thống điện dùng riêng cho nông trường.

4.3- Hàng năm căn cứ vào nhu cầu đầu tư, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng, các nông trường lập kế hoạch dự toán đầu tư, duy tu, sửa chữa các công trình hạ tầng cùng với kế hoạch tài chính của nông trường báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các công trình đầu tư xây dựng phải thực hiện theo các quy định về quản lý đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách nhà nước.

4.4- Thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của Quy chế quản lý tài chính công ty nhà nước:

- Các Bộ tổng hợp kế hoạch và dự toán của các nông trường Trung ương.

- Uỷ ban nhân dân tỉnh tổng hợp kế hoạch và dự toán của các nông trường địa phương.

4.5- Nguồn kinh phí hỗ trợ:

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các nông trường Trung ương.

- Ngân sách địa phương hỗ trợ cho các nông trường địa phương .

Trình tự, thủ tục, phương thức lập dự toán, cấp phát, thanh quyết toán vốn hỗ trợ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước.

5. Việc hỗ trợ Công ty Lâm nghiệp đảm nhận một phần chức năng, nhiệm vụ xã hội, an ninh quốc phòng và các nhiệm vụ công ích khác.

Các Công ty Lâm nghiệp phải đảm nhận một phần chức năng, nhiệm vụ xã hội, an ninh, quốc phòng và các nhiệm vụ công ích khác được nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ này.

Bộ quản lý ngành đặt hàng hoặc giao kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ xã hội, an ninh, quốc phòng cho các Công ty Lâm nghiệp Trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao kế hoạch và dự toán kinh phí cho các Công ty Lâm nghiệp địa phương.

Việc đặt hàng hoặc giao kế hoạch thực hiện nhiệm vụ xã hội, an ninh, quốc phòng, sản phẩm dịch vụ công ích theo quy định tại Nghị định số 31/2005/NĐ-CP ngày 11/03/2005 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và các văn bản pháp luật hiện hành.

6. Việc hỗ trợ kinh phí quản lý bảo vệ rừng tự nhiên nghèo kiệt.

6.1- Các Công ty Lâm nghiệp được giao quản lý diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt đang thời kỳ nuôi dưỡng, phục hồi chưa được phép khai thác gỗ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để quản lý, bảo vệ theo cơ chế như đối với rừng phòng hộ.

6.2- Tiêu chuẩn xác định rừng nghèo kiệt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định. Căn cứ vào tiêu chuẩn quy định, các Công ty Lâm nghiệp xác định diện tích là rừng nghèo kiệt và thời gian để chăm sóc phục hồi cho từng lô, từng khoảnh rừng báo cáo với Bộ quản lý ngành (đối với các công ty Lâm nghiệp trung ương), Uỷ ban nhân dân tỉnh (đối với các Công ty Lâm nghiệp địa phương) phê duyệt.

Hàng năm, căn cứ vào diện tích rừng nghèo kiệt cần chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các Công ty Lâm nghiệp lập kế hoạch hỗ trợ kinh phí báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp chung trong kế hoạch ngân sách của Bộ, địa phương .

Căn cứ vào kế hoạch vốn do nhà nước giao hàng năm, các Bộ quản lý ngành phân bổ cho các Công ty Lâm nghiệp trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh phân bổ cho các Công ty Lâm nghiệp địa phương.

Mức kinh phí hỗ trợ, cấp phát, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ rừng nghèo kiệt được thực hiện theo các quy định hiện hành của nhà nước.

III. HIỆU LỰC THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các nông, lâm trường phản ánh về Bộ Tài chính nghiên cứu giải quyết.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Thị Băng Tâm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.