• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 63/2003/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Bình, ngày 26 tháng 6 năm 2003

THÔNG TƯ

Quy định chế độ thu và sử dụng phí dự thi, dự tuyển vào các cơ sở dạy nghề công lập và bán công

 

 

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí và Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;

 

Căn cứ Luật giáo dục và Nghị định số 02/2001/NĐ-CP ngày 9/1/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ Luật lao động và Luật giáo dục về dạy nghề;

 

Bộ Tài chính quy định chế độ thu và sử dụng phí dự thi, dự tuyển vào các cơ sở dạy nghề công lập và bán công như sau:

 

I- NGUYÊN TẮC CHUNG:

 

1. Phí dự thi, dự tuyển vào các cơ sở dạy nghề công lập và bán công quy định tại Thông tư này là khoản tiền đóng góp của thí sinh (hoặc gia đình thí sinh) khi đăng ký dự thi, dự thi, sơ tuyển, xét tuyển vào các cơ sở dạy nghề công lập và bán công phải tổ chức thi tuyển theo quy định của pháp luật.

 

2. Các ngành, địa phương và các cơ sở dạy nghề công lập và bán công không được tự quy định và thu phí dự thi, dự tuyển trái với quy định tại Thông tư này.

 

3. Phí dự thi, dự tuyển vào các cơ sở dạy nghề công lập và bán công thu theo mức thu quy định, sử dụng đúng mục đích và quản lý chi tiêu tiết kiệm theo chế độ tài chính hiện hành.

 

II- ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG VÀ MỨC THU PHÍ:

 

1. Thí sinh thực tế đăng ký dự thi tuyển vào các cơ sở dạy nghề công lập và bán công (nếu có quy định phải tổ chức thi tuyển) thì phải nộp phí dự thi, dự tuyển quy định tại điểm 2, Phần II Thông tư này.

 

2. Mức thu phí dự thi, dự tuyển vào các cơ sở dạy nghề công lập và bán công được quy định như sau:

 

2.1/ Phí dự thi, dự tuyển vào các cơ sở dạy nghề thuộc Trung ương quản lý:

 

a) Thí sinh thuộc diện xét tuyển hoặc tuyển thẳng vào các cơ sở dạy nghề: 15.000 (mười lăm nghìn) đồng/thí sinh/hồ sơ.

b) Thí sinh đăng ký dự thi, sơ tuyển và dự thi vào các cơ sở dạy nghề (đối với cơ sở có tổ chức thi):

Đăng ký dự thi: 30.000 (ba mươi nghìn) đồng/thí sinh/hồ sơ.

Sơ tuyển (đối với cơ sở có tổ chức sơ tuyển trước khi thi chính thức): 15.000 (mười lăm nghìn) đồng/thí sinh/lần dự thi (bao gồm tất cả các môn).

Dự thi văn hoá: 15.000 (mười lăm nghìn) đồng/thí sinh/lần dự thi (bao gồm tất cả các môn).

 

2.2/ Mức thu phí dự thi, dự tuyển vào các cơ sở dạy nghề thuộc địa phương quản lý:

 

Thực hiện theo mức thu do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định phù hợp với thực tế địa phương. Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để xác định mức thu trên cơ sở các chi phí cần thiết hợp lý phục vụ việc tổ chức thi tuyển theo đúng nguyên tắc xác định mức thu phí quy định tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí và quy định tại Thông tư này để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

 

3. Phí dự thi, dự tuyển vào các cơ sở dạy nghề công lập và bán công thu bằng Đồng Việt Nam.

 

III- QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN THU PHÍ:

 

1. Sử dụng tiền thu phí dự thi, dự tuyển vào các cơ sở dạy nghề công lập và bán công :

 

Các cơ cơ sở dạy nghề được sử dụng toàn số tiền phí dự thi, dự tuyển thu được để chi phí cho công tác tuyển sinh theo các nội dung cụ thể sau đây:

 

a) Tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi và phục vụ công tác chuẩn bị kỳ thi, gồm:

Chi hội nghị, tập huấn cán bộ, kiểm tra, thanh tra;

Chi giao nhận, xử lý hồ sơ đăng ký dự thi;

Chi nhập và xử lý số liệu trên máy tính;

Chi làm đề thi, in sao đề thi, bảo vệ an toàn cho đề thi;

Chi thuê phòng thi, thuê phương tiện vận chuyển, đảm bảo y tế, nước uống, an ninh trật tự và văn phòng phẩm;

Chi in ấn giấy báo dự thi, danh sách phòng thi;

Chi in, mua giấy nháp, giấy thi, biên lai thu lệ phí;

Chi khác liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức tuyển sinh.

 

b) Phục vụ công tác thi tuyển, gồm:

Chi tổ chức trông thi;

Chi chấm thi, chấm kiểm tra và chấm thẩm định (bao gồm cả chi chấm phúc khảo, thẩm tra lại đối với các kết quả thi khi có phát sinh khiếu nại);

Chi công tác xét tuyển, triệu tập trúng tuyển;

Chi in sổ điểm, giấy chứng nhận kết quả thi;

Chi kiểm tra kết quả thi của thí sinh trúng tuyển;

Chi in, mua biên lai thu phí và chi phí văn phòng phẩm;

Chi khác liên quan trực tiếp đến công tác thi tuyển.

 

Định mức chi đối với nội dung chi nêu trên do Bộ chủ quản hoặc cấp trên của đơn vị thu phí quy định sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính.

 

2. Quản lý tiền thu phí dự thi, dự tuyển:

 

Các cơ sở dạy nghề công lập và bán công có trách nhiệm:

 

a) Niêm yết công khai mức thu phí dự thi, dự tuyển tại nơi thu phí và thực hiện thu phí theo đúng mức thu quy định tại điểm 2 Phần II Thông tư này. Khi thu tiền phí dự thi, dự tuyển phải cấp cho người nộp tiền biên lai thu phí theo quy định của Bộ Tài chính. Biên lai nhận tại cơ quan Thuế địa phương nơi đơn vị đóng trụ sở (hoặc biên lai tự in sau khi đã thống nhất với Cục Thuế tỉnh, thành phố) và được quản lý, sử dụng theo chế độ quản lý biên lai thu phí, lệ phí của Bộ Tài chính quy định.

 

b) Định kỳ 10 (mười) ngày một lần cơ quan, đơn vị thu phải gửi toàn bộ tiền phí dự thi, dự tuyển thu được vào tài khoản tạm giữ “tiền phí, lệ phí” của cơ quan, đơn vị tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.

 

c) Thực hiện chế độ sổ, chứng từ kế toán theo dõi việc thu và quản lý sử dụng tiền phí dự thi, dự tuyển theo hệ thống kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 999/TC/QĐ/CĐKT ngày 2/11/1996 của Bộ Tài chính và Thông tư số 121/2002/TT-BTC ngày 31/12/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán đơn vị sự nghiệp có thu (đối với các cơ sở dạy nghề công lập là đơn vị sự nghiệp có thu), chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao ban hành kèm theo Quyết định số 12/2001/QĐ-BTC ngày 13/3/2001 của Bộ Tài chính (đối với các cơ sở dạy nghề bán công).

 

d) Hàng năm phải lập dự toán thu - chi phí dự thi, dự tuyển đồng thời với dự toán tài chính. Việc lập và chấp hành dự toán, quản lý thu - chi tiền phí thu được phải thực hiện theo đúng chế độ tài chính hiện hành và tổng hợp vào báo cáo tài chính định kỳ của cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý ngân sách, đảm bảo nguyên tắc tài chính công khai, dân chủ.

 

e) Tự cân đối nguồn thu để chi phí cho công tác tổ chức tuyển sinh. Trường hợp thu không đủ chi thì các cơ sở dạy nghề công lập và bán công được sử dụng từ nguồn kinh phí hiện có của đơn vị để chi phí cho công tác tuyển sinh.

Phần chênh lệch thừa phí dự thi, dự tuyển (nếu có) được bổ sung nguồn kinh phí hoạt động của đơn vị.

 

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

 

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế các quy định về phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) vào các cơ sở dạy nghề tại Thông tư liên tịch số 28/2003/TTLT/BTC-BGD&ĐT ngày 4/4/2003 của liên Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ thu và sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) vào các cơ sở giáo dục - đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

 

2. Sở Tài chính-Vật giá, Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thu và quản lý sử dụng phí dự thi, dự tuyển vào các cơ sở dạy nghề công lập và bán công theo quy định tại Thông tư này.

 

3. Thí sinh thuộc đối tượng nộp phí dự thi, dự tuyển vào các cơ sở dạy nghề công lập và bán công, các cơ quan, đơn vị thu phí dự thi, dự tuyển và các cơ quan liên quan có trách nhiệm thực hiện đúng quy định tại Thông tư này.

 

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị và cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trương Chí Trung

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.