• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 27/07/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 03/11/2006
CHÍNH PHỦ
Số: 75/2003/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Bình, ngày 26 tháng 6 năm 2003

NGHỊ ĐỊNH

Về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Bưu chính,

Viễn thông và Công nghệ thông tin

______________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Thanh tra ngày 01 tháng 4 năm 1990;

Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 90/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vị trí, chức năng của Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin

Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin được tổ chức thành hệ thống thuộc bộ máy của Bộ Bưu chính, Viễn thông, có chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử, Internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện, cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia và về các lĩnh vực khác trong phạm vi quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của Bộ Bưu chính, Viễn thông (sau đây gọi chung là bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin).

Điều 2. Đối tượng của Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin

1. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ Bưu chính, Viễn thông.

2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam tham gia các hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.

Điều 3. Nội dung hoạt động của Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin

1. Xây dựng chương trình thanh tra hàng năm về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin, trình thủ trưởng cơ quan cùng cấp và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.

3. Giúp thủ trưởng cơ quan cùng cấp giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

4. Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành có quy định trái các văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực do Bộ Bưu chính, Viễn thông phụ trách thì báo cáo, kiến nghị Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương 2:

HỆ THỐNG TỔ CHỨC VÀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THANH TRA BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Điều 4. Hệ thống tổ chức

1. Hệ thống tổ chức của Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin bao gồm:

a) Thanh tra Bộ Bưu chính, Viễn thông là cơ quan trực thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông, giúp Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông thực hiện chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trong phạm vi cả nước; chỉ đạo toàn bộ hoạt động công tác thanh tra của hệ thống Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin;

b) Thanh tra Cục Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin khu vực là cơ quan trực thuộc Cục Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin khu vực, giúp Cục trưởng thực hiện chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên địa bàn quản lý của Cục;

c) Thanh tra Cục Tần số vô tuyến điện là cơ quan trực thuộc Cục Tần số vô tuyến điện, giúp Cục trưởng thực hiện chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện và tương thích điện từ trường trong phạm vi quản lý của Cục;

d) Thanh tra Cục Quản lý chất lượng Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin là cơ quan trực thuộc Cục Quản lý chất lượng Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin, giúp Cục trưởng thực hiện chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành về tiêu chuẩn chất lượng: sản phẩm, công trình, mạng, dịch vụ bưu chính, dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin trong phạm vi quản lý của Cục.

2. Các tổ chức thanh tra thuộc hệ thống Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin có con dấu và tài khoản riêng theo tên gọi tại khoản 1 Điều này; có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra và Thanh tra viên được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin

1. Thanh tra việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội và công dân có hoạt động liên quan về lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.

2. Xử lý hoặc kiến nghị áp dụng các biện pháp xử lý để phòng ngừa, ngăn chặn và chấm dứt kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.

3. Thanh tra Bộ và Thanh tra các Cục thuộc Bộ thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm; kiểm tra, xác minh, kết luận và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

5. Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Thủ trưởng cơ quan cùng cấp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, chương trình, kế hoạch công tác, nghiệp vụ thanh tra về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.

6. Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thanh tra chuyên ngành về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin cho Thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Thủ trưởng cơ quan cùng cấp.

7. Trong quá trình thanh tra, Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin được áp dụng các quyền quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh Thanh tra và các quy định khác của pháp luật về thanh tra.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan cùng cấp giao.

Điều 6. Quan hệ công tác của Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin

1. Các tổ chức thanh tra thuộc hệ thống Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan cùng cấp và sự chỉ đạo hướng dẫn về công tác, nghiệp vụ của tổ chức Thanh tra cấp trên.

2. Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin có quan hệ phối hợp với Thanh tra các Bộ, ngành trong việc chỉ đạo công tác, nghiệp vụ thanh tra về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; với các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và cơ quan liên quan khác trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7.

Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức cụ thể và mối quan hệ công tác của các tổ chức thanh tra thuộc hệ thống Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin do Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định.

Điều 8.

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Bãi bỏ Quyết định số 176/2001/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Thanh tra Nhà nước về Bưu điện và các quy định khác trái với Nghị định này.

Điều 9.

Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.