• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 11/09/2001
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 22/2001/CT-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Bình, ngày 11 tháng 9 năm 2001

CHỈ THỊ

Về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp

______________________

 

Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 61/1998/NĐ-CP ngày 15/8/1998 về công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp (dưới đây gọi tắt là Nghị định 61), công tác này đã có chuyển biến tích cực, góp phần đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh đi vào trật tự, kỷ cương. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn còn trùng lặp, chồng chéo về nội dung giữa các cơ quan có chức năng; hoặc tiến hành thanh tra, kiểm tra mà không có quyết định, tuỳ tiện kéo dài thời gian thanh tra, kiểm tra. Sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ. Vẫn còn tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, trục lợi, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nghiệp.

Để khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm của công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định 61, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, quán triệt sâu sắc cho các lực lượng có chức năng thanh tra, kiểm tra thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương mình về quan điểm, mục đích của công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhằm hướng dẫn, giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật, có hiệu quả; chấm dứt sự lợi dụng, lạm dụng việc thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp; trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương mình. Chánh Thanh tra các Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải làm tốt chức năng đầu mối, tổng hợp chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan thuộc quyền quản lý của Bộ và của tỉnh, thành phố; loại bỏ sự trùng lặp về nội dung thanh tra, kiểm tra ngay từ khâu xây dựng chương trình, kế hoạch. Việc thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp chỉ tiến hành khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi cơ quan Nhà nước cấp trên có thẩm quyền yêu cầu và phải thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 61. Đối với những doanh nghiệp cần có sự thanh tra, kiểm tra về nhiều lĩnh vực thì thành lập đoàn liên ngành để giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt chú ý thực hiện nghiêm túc quy định của Nghị định 61: "Việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi có quyết định của thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; không được tiến hành trùng lặp, không quá một lần về cùng một nội dung trong một năm đối với một doanh nghiệp (trừ trường hợp bất thường); khi kết thúc việc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp phải có kết luận bằng văn bản về nội dung đã thanh tra, kiểm tra". Những cán bộ thanh tra, kiểm tra vi phạm pháp luật, gây tổn thất cho doanh nghiệp phải bồi thường cho doanh nghiệp và bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

2. Các doanh nghiệp cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tăng cường việc theo dõi, hướng dẫn các doanh nghiệp tự thanh tra, kiểm tra. Thủ trưởng cơ quan quyết định thanh tra, kiểm tra chịu trách nhiệm về kết luận thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp được quyền sử dụng văn bản kết luận của Đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã làm trong năm như một cơ sở pháp lý để đề nghị cơ quan ra quyết định thanh tra, kiểm tra rút những nội dung thanh tra, kiểm tra trùng lặp.

3. Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo việc củng cố, chấn chỉnh tổ chức và hoạt động của lực lượng Cảnh sát kinh tế, An ninh kinh tế, An ninh văn hoá, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội. Các lực lượng này cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ trong hoạt động của mình. Việc kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp hoặc tiếp cận các hồ sơ, giấy tờ, tài liệu của doanh nghiệp chỉ thực hiện trong trường hợp thực sự cần thiết và phải có quyết định của thủ trưởng cơ quan Công an có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 61. Chấm dứt tình trạng kiểm tra doanh nghiệp không có quyết định, tránh việc hình sự hoá các quan hệ hành chính, dân sự, kinh tế. Thủ trưởng cơ quan Công an chịu trách nhiệm về những vi phạm trong công tác kiểm tra của lực lượng Công an do mình trực tiếp phụ trách.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo việc phối hợp các hoạt động thanh tra, kiểm tra về tài chính, thuế; chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra về tài chính doanh nghiệp, tránh tình trạng trùng lặp, chồng chéo ngay từ khi xây dựng chương trình, kế hoạch.

5. Tổng Kiểm toán Nhà nước có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng Thanh tra Nhà nước để xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm toán trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tránh tình trạng trùng lặp, chồng chéo về nội dung trong hoạt động thanh tra, kiểm tra tài chính doanh nghiệp.

6. Bộ trưởng Bộ Thương mại chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật, không tuỳ tiện kiểm tra doanh nghiệp về những nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan khác.

7. Tổng Thanh tra Nhà nước chịu trách nhiệm hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương; khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, làm rõ hơn các quy định của Nghị định 61 về điều kiện, thủ tục tiến hành thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp của từng cơ quan Nhà nước; phân biệt rõ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo với các cuộc thanh tra kinh tế-xã hội; tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước về công tác thanh tra; tổng hợp, đánh giá tình hình, đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

8. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có biện pháp tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với các doanh nghiệp để các doanh nghiệp hiểu đúng và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện, chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện tốt Chỉ thị này.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.