• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/03/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 01/06/2015
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 55/2013/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Bình, ngày 26 tháng 12 năm 2013

THÔNG TƯ

Quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý

hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường b

_________________

 

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Nghị định số 93/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/ NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức;

Căn cứ Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức;

Căn cứ Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ;

Căn cứ Nghị định số 41/CP ngày 06 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất và Nghị định số 33/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 41/CP ngày 06 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất;

Căn cứ Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ bao gồm:

1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

2. Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

4. Đơn vị kinh doanh bến xe khách, bến xe hàng, trạm dừng nghỉ.

5. Các tổ chức, cá nhân có liên quan khác.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Mục 1

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC

Điều 3. Tổng cục Đường bộ Việt Nam

1. Lập, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn và các văn bản liên quan đến tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

2. Tổ chức triển khai, phổ biến, tập huấn và hướng dẫn đầy đủ, kịp thời tới các Sở Giao thông vận tải trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

3. Thực hiện công tác thống kê, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; quản lý và khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô theo quy định.

4. Tổ chức lập và trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh; hệ thống trạm dừng nghỉ trên mạng lưới quốc lộ đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ; quản lý thực hiện quy hoạch theo thẩm quyền; phối hợp với Sở Giao thông vận tải xác định vị trí và thực hiện đầu tư, xây dựng và tổ chức hoạt động các điểm đón, trả khách tuyến cố định liên tỉnh trên các tuyến quốc lộ đang quản lý.

5. Niêm yết công khai quy trình thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến việc giải quyết hồ sơ, cấp phép về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ theo phân cấp; ban hành văn bản giao nhiệm vụ quy định trách nhiệm, quyền hạn cụ thể cho từng bộ phận, cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia thực hiện thủ tục hành chính; bảo đảm các điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác thụ lý hồ sơ và thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định.

6. Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động vận tải đường bộ theo thẩm quyền.

7. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Điều 4. Sở Giao thông vận tải

1. Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.

2. Tổ chức triển khai, phổ biến, tập huấn và hướng dẫn đầy đủ, kịp thời việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ trên địa bàn.

3. Thực hiện công tác thống kê, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về vận tải đường bộ; quản lý và khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô theo quy định.

4. Tổ chức lập và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh; các bến xe khách, bến xe hàng; các trạm dừng nghỉ trên mạng lưới tỉnh lộ; mạng lưới tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt và vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn; quản lý thực hiện quy hoạch theo thẩm quyền; chủ trì, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam để xác định và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt vị trí các điểm đón, trả khách tuyến cố định liên tỉnh trên địa bàn quản lý, thực hiện đầu tư, xây dựng và quản lý theo thẩm quyền.

5. Niêm yết công khai quy trình thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến việc giải quyết hồ sơ, cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ theo phân cấp; ban hành văn bản giao nhiệm vụ, quy định trách nhiệm, quyền hạn cụ thể cho từng bộ phận, cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia thực hiện thủ tục hành chính; bảo đảm các điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác thụ lý hồ sơ và cấp giấy phép.

6. Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ theo thẩm quyền.

7. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Điều 5. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt

1. Niêm yết công khai chất lượng dịch vụ và thực hiện đầy đủ các nội dung chất lượng dịch vụ đã đăng ký theo đúng quy định.

2. Duy trì đủ số lượng phương tiện, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe theo đúng phương án kinh doanh đã đăng ký của đơn vị.

3. Thực hiện đúng hành trình chạy xe theo phương án khai thác tuyến đã được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận.

4. Thực hiện tối thiểu 70% số chuyến xe trên các tuyến vận tải hành khách cố định theo biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt.

5. Thực hiện đúng quy định về việc ghi chép, quản lý và sử dụng Lệnh vận chuyển, phù hiệu chạy xe.

6. Thực hiện đúng các quy định về việc đón, trả khách.

7. Tổ chức quản lý các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận tải bảo đảm đầy đủ các nội dung sau:

a) Lập và thực hiện kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa phương tiện của đơn vị;

b) Quy định và thực hiện đầy đủ nội dung, chế độ kiểm tra kỹ thuật, an toàn phương tiện hàng ngày;

c) Mở sổ sách ghi chép, cập nhật thông tin liên quan đến quá trình bảo dưỡng sửa chữa của từng phương tiện thuộc quyền quản lý của đơn vị.

8. Tổ chức quản lý lái xe, nhân viên phục vụ trên xe bảo đảm đầy đủ các nội dung sau:

a) Thực hiện ký kết hợp đồng lao động với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và đóng bảo hiểm xã hội cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe theo quy định;

b) Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ vận tải, an toàn giao thông và tuyên truyền nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe;

c) Bố trí đủ số lượng lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án khai thác tuyến được chấp thuận; đảm bảo thời gian làm việc của lái xe theo quy định của Luật Giao thông đường bộ;

d) Thực hiện chế độ khám sức khỏe định kỳ đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe theo quy định.

9. Tổ chức và duy trì hoạt động của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông để thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ theo quy định.

10. Thực hiện đúng các quy định về lắp đặt, quản lý, khai thác thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe bảo đảm các nội dung sau:

a) Lắp đặt, duy trì tình trạng kỹ thuật để bảo đảm truyền dẫn liên tục, đầy đủ, chính xác các dữ liệu bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định;

b) Cung cấp kịp thời, chính xác tên đăng nhập và mật khẩu truy cập vào phần mềm quản lý, theo dõi các thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình của xe cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Lưu trữ có hệ thống các thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình của xe trong thời hạn tối thiểu 01 (một) năm.

11. Thực hiện đúng quy định về giao vé, chứng từ thu cước, phí vận tải cho hành khách.

12. Theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và các kênh thông tin khác.

13. Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê và lưu trữ theo quy định.

Điều 6. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi

1. Thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 5, 7, 8, 9 và khoản 13 Điều 5 của Thông tư này.

2. Thực hiện đúng quy định về lắp đặt và duy trì trạng thái hoạt động của đồng hồ tính cước.

Điều 7. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch

1. Thực hiện quy định tại các khoản 2, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12 và khoản 13 Điều 5 của Thông tư này.

2. Không bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức.

Điều 8. Đơn vị kinh doanh bến xe khách, bến xe hàng, trạm dừng nghỉ

1. Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường bến xe, trạm dừng nghỉ.

2. Thực hiện việc niêm yết các thông tin bắt buộc theo quy định.

3. Thực hiện việc ký kết hợp đồng với các đơn vị vận tải theo quy định trước khi tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải tại bến xe.

4. Thực hiện đúng quy trình giải quyết cho xe ra, vào bến theo quy định.

5. Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê và lưu trữ theo quy định.

Điều 9. Người xếp hàng hóa lên xe ô tô

1. Tổ chức thực hiện đúng các quy định về xếp hàng hóa lên xe ô tô.

2. Thực hiện xác nhận việc xếp hàng lên phương tiện vào Giấy vận tải.

Điều 10. Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa

1. Bố trí phương tiện phù hợp với loại hàng hóa cần vận chuyển và khổ giới hạn của cầu, hầm, đường bộ trên toàn tuyến đường vận chuyển.

2. Thực hiện trách nhiệm của người vận tải về xếp hàng hóa lên xe ô tô theo quy định.

3. Chịu trách nhiệm đối với tất cả các vi phạm về tải trọng, khổ giới hạn và các quy tắc xếp hàng hóa trên xe ô tô.

4. Cấp Giấy vận tải cho lái xe trước khi thực hiện hợp đồng vận tải.

5. Bồi thường cho lái xe, người áp tải, người xếp hàng theo quy định.

6. Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê và lưu trữ theo quy định.

7. Ngoài việc thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và khoản 6 Điều này, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ còn phải thực hiện quy định tại các khoản 2, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và khoản 13 Điều 5 của Thông tư này.

Mục 2

 TRÁCH NHIỆM CỦA CÁ NHÂN

Điều 11. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam

1. Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và trước pháp luật về tổ chức thực hiện công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước.

2. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước.

3. Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và xử lý vi phạm theo quy định đối với các đơn vị, cá nhân thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam khi không thực hiện, thực hiện không đầy đủ và kịp thời trách nhiệm được giao trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Điều 12. Giám đốc Sở Giao thông vận tải

1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và trước pháp luật về tổ chức thực hiện công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ tại địa phương theo quy định.

2. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ theo thẩm quyền.

3. Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và xử lý vi phạm theo quy định đối với các đơn vị, cá nhân thuộc Sở Giao thông vận tải khi không thực hiện, thực hiện không đầy đủ và kịp thời trách nhiệm của được giao trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Điều 13. Cán bộ, chuyên viên được giao nhiệm vụ quản lý vận tải đường bộ

1. Chịu trách nhiệm trước thủ trưởng trực tiếp, thủ trưởng cơ quan và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Thực hiện đúng chức trách, thẩm quyền, nhiệm vụ được giao; đúng quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

3. Bảo đảm tính công khai, trung thực, khách quan; không tham nhũng, quan liêu; không gây khó khăn, phiền hà cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ.

4. Có thái độ, hành vi ứng xử đúng mực khi làm nhiệm vụ.

Điều 14. Người đại diện theo pháp luật của đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị xếp hàng hóa

1. Tổ chức kinh doanh vận tải theo quy định.

2. Chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có) và trước pháp luật về mọi hoạt động của đơn vị.

Điều 15. Cán bộ, nhân viên được giao nhiệm vụ quản lý chất lượng dịch vụ và an toàn giao thông của đơn vị kinh doanh vận tải

1. Thực hiện các quy trình quản lý chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông của đơn vị.

2. Thực hiện đúng hợp đồng lao động, nội quy, quy chế của đơn vị.

3. Thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng dịch vụ và bảo đảm an toàn giao thông trong vận tải đường bộ.

4. Kịp thời phát hiện, đề xuất với lãnh đạo đơn vị khắc phục các tồn tại trong việc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông.

Điều 16. Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, nhân viên xếp hàng hóa

1. Thường xuyên rèn luyện, nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử.

2. Chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng dịch vụ và bảo đảm an toàn giao thông trong vận tải đường bộ.

3. Thực hiện đúng hợp đồng lao động, nội quy, quy chế của đơn vị.

Điều 17. Người đại diện theo pháp luật của đơn vị kinh doanh bến xe khách, bến xe hàng, trạm dừng nghỉ

1. Tổ chức quản lý, khai thác bến xe khách, bến xe hàng, trạm dừng nghỉ theo quy định.

2. Chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có) và trước pháp luật về mọi hoạt động của đơn vị.

Điều 18. Cán bộ, nhân viên của đơn vị kinh doanh bến xe khách, bến xe hàng, trạm dừng nghỉ

1. Thực hiện đúng các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn trong bến xe, trạm dừng nghỉ, thực hiện đúng quy định về quy trình xe ra, vào bến xe theo nhiệm vụ được giao.

2. Thực hiện đúng hợp đồng lao động, nội quy, quy chế của đơn vị.

3. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương; thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Chương III

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 19. Nguyên tắc xử lý vi phạm đối với tổ chức

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về trách nhiệm tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ khi bị phát hiện lần đầu thì bị nhắc nhở, chấn chỉnh, yêu cầu khắc phục; trường hợp không khắc phục theo đúng yêu cầu hoặc tái phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Thông tư này.

2. Cơ quan, người có thẩm quyền nhắc nhở, chấn chỉnh, yêu cầu khắc phục vi phạm của tổ chức, cá nhân phải bằng văn bản và nêu rõ hành vi vi phạm, thời hạn yêu cầu khắc phục vi phạm.

3. Các hình thức xử lý vi phạm quy định tại Thông tư này không thay thế cho các hình thức xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 20. Xử lý vi phạm đối với đơn vị kinh doanh vận tải

1. Đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi văn bản chấp thuận khai thác tuyến 01 (một) tháng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định vi phạm một trong các trường hợp sau:

a) Vi phạm quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 5 của Thông tư này;

b) Vi phạm quy định tại một trong các điểm của khoản 10, khoản 13 Điều 5 của Thông tư này;

c) Tổ chức đặt chỗ, bán vé trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và kinh doanh vận chuyển khách du lịch.

2. Đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi văn bản chấp thuận khai thác tuyến 01 (một) đến 3 (ba) tháng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định vi phạm một trong các trường hợp sau:

a) Thực hiện dưới 70% số chuyến xe theo biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt trong 01 (một) tháng;

b) Không cung cấp hoặc cung cấp sai lệch các thông tin bắt buộc theo quy định từ thiết bị giám sát hành trình của các phương tiện hoạt động trên tuyến;

c) Trong 12 (mười hai) tháng khai thác tuyến liên tục số lượng xe trên tuyến bị thu hồi phù hiệu có thời hạn 01 (một) tháng từ 30% trở lên; hoặc số lượng xe trên tuyến bị thu hồi phù hiệu có thời hạn 06 (sáu) tháng từ 15% trở lên;

d) Khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của toàn bộ các xe thực hiện khai thác trên tuyến trong 03 (ba) tháng liên tục cho thấy có: từ 5% trở lên số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm hành trình; hoặc có từ 20% trở lên số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm quy định về tốc độ hoặc vi phạm đón, trả khách không đúng nơi quy định; hoặc có từ 10% trở lên số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm quy định về thời gian điều khiển phương tiện.

3. Thu hồi phù hiệu, biển hiệu 06 (sáu) tháng đối với xe ô tô kinh doanh vận tải tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ của đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 5 của Thông tư này khi sử dụng phù hiệu, biển hiệu không đúng quy định hoặc cố ý làm sai lệch các thông tin đã được ghi trên phù hiệu, biển hiệu đã cấp cho xe;

4. Thu hồi phù hiệu, biển hiệu 01 (một) tháng của phương tiện vi phạm đối với các trường hợp sau:

a) Thu hồi phù hiệu, biển hiệu 01 (một) tháng đối với trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch hoạt động không có hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng lữ hành, chương trình du lịch và danh sách hành khách theo quy định; bán vé hoặc xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức hoặc đón thêm hành khách ngoài danh sách;

b) Xe ô tô vận chuyển hàng hóa bằng công-ten-nơ vi phạm một trong các quy định tại khoản 7 Điều 10 của Thông tư này (trừ trường hợp cố ý làm sai lệch các thông tin đã được ghi trên phù hiệu, biển hiệu đã cấp cho xe);

c) Xe taxi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư này hoặc không có hộp đèn trên nóc xe theo quy định hoặc có gian lận trong việc tính tiền trên đồng hồ tính tiền;

d) Xe ô tô vận chuyển hành khách trên tuyến cố định, xe taxi, xe buýt khi không niêm yết công khai chất lượng dịch vụ hoặc không thực hiện từ 03 (ba) nội dung trở lên trong cam kết chất lượng dịch vụ;

đ) Xe ô tô vận chuyển hành khách theo hợp đồng, vận chuyển khách du lịch, vận chuyển hàng hóa bằng công-ten-nơ vi phạm quy định tại khoản 10 hoặc khoản 13 Điều 5 của Thông tư này hoặc không cung cấp hoặc cung cấp sai lệch thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình của xe cho cơ quan có thẩm quyền;

e) Xe ô tô vận chuyển hành khách trên tuyến cố định vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 5 của Thông tư này khi không có Lệnh vận chuyển; không ghi hoặc ghi không chính xác các nội dung trong Lệnh vận chuyển;

g) Xe ô tô vận tải khách du lịch, vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình cho thấy trong 01 (một) tháng có từ 5% trở lên số chuyến xe trên tổng số các chuyến xe của đơn vị hoạt động trong cùng thời gian vi phạm hành trình; hoặc có từ 20% trở lên số chuyến xe trên tổng số các chuyến xe của đơn vị vi phạm quy định về tốc độ; hoặc có từ 10% trở lên số chuyến xe trên tổng số các chuyến xe của đơn vị có lái xe vi phạm quy định về thời gian lái xe;

h) Xe ô tô vận chuyển hàng hóa bằng công - ten - nơ khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trong 01 (một) tháng có từ 20% trở lên số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm quy định về tốc độ hoặc có từ 10% trở lên số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm quy định về thời gian điều khiển phương tiện.

Điều 21. Xử lý vi phạm đối với đơn vị khai thác bến xe khách, bến xe hàng, trạm dừng nghỉ

1. Đơn vị khai thác bến xe khách, bến xe hàng, trạm dừng nghỉ bị nhắc nhở bằng văn bản và phải khắc phục trong thời hạn tối đa là 03 (ba) tháng khi vi phạm quy định tại một trong các khoản của Điều 8 của Thông tư này.

2. Đơn vị khai thác bến xe khách, bến xe hàng, trạm dừng nghỉ không khắc phục vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều này đúng thời hạn thì bị cơ quan có thẩm quyền công bố lại loại bến xe khách, trạm dừng nghỉ thấp hơn tối thiểu 01 (một) bậc, đồng thời không được phép mở tuyến vận tải hành khách cố định mới có điểm đầu hoặc điểm cuối tuyến tại bến xe đó trong thời hạn 12 (mười hai) tháng.

Điều 22. Xử lý vi phạm đối với người xếp hàng hóa lên xe ô tô

1. Người xếp hàng hóa lên xe ô tô bị nhắc nhở bằng văn bản và phải khắc phục trong thời hạn tối đa là 03 (ba) tháng khi vi phạm quy định tại một trong các khoản của Điều 9 của Thông tư này.

2. Người xếp hàng hóa lên xe ô tô không khắc phục vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều này đúng thời hạn thì bị kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh, đồng thời bị kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tước giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành, nghề liên quan tới hoạt động xếp hàng hóa (trường hợp người xếp hàng có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) trong thời hạn 06 (sáu) đến 12 (mười hai) tháng để khắc phục vi phạm.

Điều 23. Xử lý vi phạm đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, cán bộ, nhân viên của bến xe khách

Tùy theo hành vi, mức độ vi phạm của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, cán bộ, nhân viên của bến xe khách bị xử lý như sau:

1. Xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

2. Xử lý theo quy định, quy chế, nội quy của đơn vị; Nghị định số 41/CP ngày 06 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất và Nghị định số 33/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 41/CP.

Điều 24. Xử lý vi phạm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan quản lý nhà nước

Tùy theo đối tượng và mức độ vi phạm, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức; Nghị định số 41/CP ngày 06 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất và Nghị định số 33/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 41/CP; Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường hoàn trả của viên chức.

Điều 25. Thẩm quyền xử lý vi phạm

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định xử lý vi phạm đối với Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đối tượng khác theo thẩm quyền.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định xử lý vi phạm đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải và các đối tượng khác theo thẩm quyền.

3. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam:

a) Quyết định xử lý vi phạm đối với Thủ trưởng cơ quan tham mưu về quản lý vận tải đường bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và cán bộ, nhân viên khác thuộc quyền quản lý của Tổng cục;

b) Đình chỉ khai thác và thu hồi chấp thuận khai thác tuyến vận tải đường bộ quốc tế, giấy phép liên vận, phù hiệu do mình cấp;

c) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về vi phạm của tổ chức, cá nhân để xử lý theo quy định.

4. Giám đốc Sở Giao thông vận tải:

a) Quyết định xử lý vi phạm đối với Trưởng, Phó phòng nghiệp vụ quản lý vận tải đường bộ của Sở Giao thông vận tải và cán bộ, nhân viên khác thuộc quyền quản lý của Sở;

b) Đình chỉ khai thác và thu hồi chấp thuận khai thác tuyến, thu hồi phù hiệu, biển hiệu do mình cấp;

c) Kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền về vi phạm của cơ quan, tổ chức và cá nhân để xử lý theo quy định.

5. Trưởng Đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc người có thẩm quyền phải báo cáo kịp thời bằng văn bản về vi phạm của tổ chức, cá nhân với cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo các quy định của pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 26. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2014.

2. Điều 19, Điều 20 của Thông tư này thay thế khoản 2 Điều 19, khoản 2 Điều 48 của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Bãi bỏ Quyết định số 3633/QĐ-BGTVT ngày 02 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân khi vi phạm trong quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô.

Điều 27. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.