• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 25/01/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 05/01/2014
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 215/2012/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Bình, ngày 10 tháng 12 năm 2012

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản l‎ý,

xử l‎ý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước

do vi phạm hành chính

_____________

 

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý công sản;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính, bao gồm: xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ; xử lý một số loại tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước; bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước; xác định giá khởi điểm để bán đấu giá; chi phí xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước và chế độ báo cáo tình hình xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính.

2. Những nội dung khác về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước không hướng dẫn tại Thông tư này thì thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 2. Xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ

1. Sau khi tiến hành tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm định giá tang vật, phương tiện theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 128/2008/NĐ-CP) để làm căn cứ cho việc xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt đối với vi phạm hành chính và phải chịu trách nhiệm về việc định giá đó. Trường hợp tang vật, phương tiện định giá phức tạp, người có thẩm quyền xử phạt đề nghị cơ quan tài chính địa phương phối hợp xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm trong các trường hợp áp dụng được các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP.

2. Trường hợp không áp dụng được các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP để định giá tang vật, phương tiện đã tạm giữ thì người có thẩm quyền xử phạt thành lập Hội đồng định giá tài sản để định giá.

3. Thành phần Hội đồng định giá tài sản quy định tại khoản 2 Điều này được quy định như sau:

a) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền thuộc cơ quan trung ương và cơ quan cấp tỉnh ra quyết định tạm giữ:

- Lãnh đạo cơ quan của người ra quyết định tạm giữ - Chủ tịch Hội đồng;

- Đại diện Sở Tài chính - Phó Chủ tịch Hội đồng;

- Đại diện bộ phận chuyên môn của cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ - Thành viên;

- Đại diện Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản trong trường hợp pháp luật có quy định - Thành viên;

- Đại diện cơ quan chuyên môn kỹ thuật (nếu cần) - Thành viên.

b) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền thuộc cơ quan cấp huyện và cấp xã ra quyết định tạm giữ:

- Lãnh đạo cơ quan của người ra quyết định tạm giữ - Chủ tịch Hội đồng;

- Đại diện Phòng Tài chính Kế hoạch - Phó Chủ tịch Hội đồng;

- Đại diện bộ phận chuyên môn của cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ (nếu có) - Thành viên;

- Đại diện cơ quan chuyên môn kỹ thuật (nếu cần) - Thành viên.

4. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng định giá tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 137/2010/TT-BTC ngày 15/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc xác định giá khởi điểm của tài sản nhà nước bán đấu giá và chế độ tài chính của Hội đồng bán đấu giá tài sản (sau đây gọi tắt là Thông tư số 137/2010/TT-BTC).

5. Việc định giá tang vật, phương tiện theo quy định tại Điều này phải được lập thành Biên bản theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này. Đơn giá và tổng giá trị tài sản xác định tại Biên bản định giá được sử dụng để:

a) Làm căn cứ cho việc xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính;

b) Chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng;

c) Chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện để bán đấu giá.

Điều 3. Xử lý một số loại tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cơ quan của người ra quyết định tịch thu (hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu) chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính và cơ quan có liên quan tổ chức xử lý tang vật, phương tiện vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định 128/2008/NĐ-CP. Việc xử lý cụ thể một số loại tang vật, phương tiện như sau:

1. Đối với tang vật vi phạm hành chính là tiền Việt Nam, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng bạc, kim loại quý, đá quý đã được cơ quan ra quyết định tịch thu chuyển giao cho Kho bạc Nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 35 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP, căn cứ vào giấy tờ, tài liệu và chứng từ có liên quan do cơ quan của người ra quyết định tịch thu chuyển giao, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước thực hiện xử lý như sau:

a) Đối với tang vật là tiền Việt Nam, Kho bạc Nhà nước thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

b) Đối với tang vật là ngoại tệ, Kho bạc Nhà nước thực hiện nộp quỹ ngoại tệ tập trung (theo nguyên tệ); đồng thời quy đổi ra tiền Việt Nam theo tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm hạch toán để ghi thu ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

c) Đối với tang vật là vàng bạc, đá quý, kim loại quý (không phải là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), chứng chỉ có giá thì chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (đối với tang vật vi phạm hành chính do người có thẩm quyền thuộc cơ quan trung ương và cấp tỉnh ra quyết định tịch thu), Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện (đối với tang vật vi phạm hành chính do người có thẩm quyền thuộc cơ quan cấp huyện và cấp xã ra quyết định tịch thu) để tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Số tiền thu được từ bán đấu giá, sau khi trừ đi các chi phí theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 12/2010/TT-BTC ngày 20/01/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng và quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính (sau đây gọi tắt là Thông tư số 12/2010/TT-BTC) và Điều 6 Thông tư này, được nộp vào ngân sách nhà nước và hạch toán vào Mục 4300-Thu tịch thu, Tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Đối với vàng bạc, đá quý, kim loại quý là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì xử lý theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 35 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP.

2. Đối với tang vật, phương tiện có thể chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước quản lý, sử dụng gồm: phương tiện giao thông vận tải, máy móc, trang thiết bị và phương tiện làm việc, sau khi nhận được quyết định tịch thu do cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu gửi, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan của người ra quyết định tịch thu căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản và nhu cầu sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị, trình cấp có thẩm quyền quy định tại các Điều 8, 9 và 10 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước quyết định điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng. Căn cứ quyết định điều chuyển của cấp có thẩm quyền, cơ quan ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính thực hiện bàn giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiếp nhận theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 35 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP.

Việc tổ chức bàn giao, tiếp nhận tài sản, xác định giá trị tài sản (trong trường hợp khi xử phạt chưa xác định giá trị tài sản), việc hạch toán tăng tài sản và xử lý các khoản chi phí phát sinh trong quá trình bàn giao thực hiện theo quy định tại Thông tư số 43 TC/QLCS ngày 31/7/1996 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc tiếp nhận và bàn giao tài sản giữa các cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức kinh tế theo quyết định của cấp có thẩm quyền và Thông tư số 122/2007/TT-BTC ngày 18/10/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 43 TC/QLCS.

3. Đối với tang vật, phương tiện bị tịch thu đã chuyển giao để bán đấu giá mà không bán được theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 35 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP và khoản 1 Điều 49 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản; trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, cơ quan của người ra quyết định tịch thu thành lập Hội đồng thanh lý tài sản để thực hiện việc thanh lý.

a) Thành phần của Hội đồng thanh lý tài sản gồm:

- Lãnh đạo cơ quan của người ra quyết định tịch thu (hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu) - Chủ tịch Hội đồng;

- Đại diện cơ quan tài chính cùng cấp - Phó Chủ tịch Hội đồng;

- Đại diện bộ phận chuyên môn của cơ quan của người đã ra quyết định tịch thu (hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu) - Thành viên;

- Đại diện cơ quan, đơn vị có liên quan - Thành viên Hội đồng.

b) Hội đồng thanh lý tài sản có trách nhiệm phân loại tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cần thanh lý để thực hiện theo một trong hai hình thức sau:

- Bán trực tiếp cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua;

- Phá dỡ, hủy bỏ đối với các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không thể tiếp tục sử dụng được và không bán được.

c) Tổ chức thanh lý tài sản:

- Đối với hình thức bán trực tiếp cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định này;

- Đối với hình thức phá dỡ, hủy bỏ được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

d) Các chi phí liên quan đến việc thanh lý tài sản bao gồm:

- Chi phí hợp lý, hợp lệ của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện đã chi cho các cuộc bán đấu giá không thành theo quy định tại Thông tư số 137/2010/TT-BTC nhưng mức chi tối đa không vượt quá mức khoán theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 139/2011/TT-BTC ngày 10/10/2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2010/TT-BTC;

- Chi phí cho Hội đồng thanh lý tài sản để thực hiện thanh lý tài sản thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

Điều 4. Bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước

1. Cơ quan của người đã ra quyết định tịch thu (hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu) có trách nhiệm bảo quản toàn bộ tang vật, phương tiện từ khi ra quyết định tạm giữ hoặc tịch thu cho đến khi chuyển giao tang vật, phương tiện cho cơ quan tiếp nhận theo phương án xử lý được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với tang vật, phương tiện phải chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện để bán đấu giá, căn cứ vào điều kiện cụ thể, việc bảo quản tang vật, phương tiện được thực hiện như sau:

a) Trường hợp cơ quan ra quyết định tịch thu hoặc cơ quan tài chính đã được cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí xây dựng kho, bãi bảo quản tang vật, phương tiện thì cơ quan ra quyết định tịch thu hoặc cơ quan tài chính chịu trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện tại kho, bãi của mình đến khi bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá hoặc hoàn thành việc thanh lý tang vật, phương tiện. Cơ quan có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện có trách nhiệm phối hợp với tổ chức bán đấu giá thực hiện các công việc có liên quan trong quá trình bán đấu giá tài sản;

b) Trường hợp cơ quan ra quyết định tịch thu hoặc cơ quan tài chính không có kho, bãi bảo quản tang vật, phương tiện thì cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ bán đấu giá có trách nhiệm tiếp nhận tang vật, phương tiện để bảo quản cho đến khi bàn giao tang vật, phương tiện cho người trúng đấu giá.

2. Chi phí lưu kho, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện và các khoản chi khác liên quan đến bảo quản tang vật, phương tiện được tính vào chi phí xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

3. Trong quá trình bảo quản tang vật, phương tiện tịch thu, cơ quan được giao nhiệm vụ phải thực hiện bảo vệ, bảo dưỡng để tránh xuống cấp, hư hỏng, mất tang vật, phương tiện.

Điều 5. Xác định giá khởi điểm để bán đấu giá

1. Đơn giá và giá trị của tang vật, phương tiện phải chuyển giao để bán đấu giá xác định theo hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư này được sử dụng để làm giá khởi điểm để bán đấu giá.

2. Trong các trường hợp sau đây thì phải thành lập Hội đồng để xác định hoặc xác định lại giá khởi điểm:

a) Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khi chuyển giao để bán đấu giá chưa được xác định giá trị;

b) Thời điểm dự kiến tổ chức bán đấu giá quá 60 ngày, kể từ ngày xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại Biên bản định giá quy định tại Điều 2 Thông tư này;

c) Giá trị tang vật, phương tiện đã được xác định tại Biên bản định giá chênh lệch (cao hơn hoặc thấp hơn) từ 10% trở lên so với giá của mặt hàng cùng loại theo thông báo giá của Sở Tài chính tại thời điểm chuyển giao để bán đấu giá.

3. Nguyên tắc làm việc, chế độ tài chính của Hội đồng xác định giá khởi điểm để bán đấu giá; nguyên tắc, phương pháp và trình tự xác định giá khởi điểm để bán đấu giá được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 137/2010/TT-BTC.

Điều 6. Chi phí xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước

Việc quản lý, sử dụng các khoản chi có liên quan đến xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 12/2010/TT-BTC, Thông tư số 139/2011/TT-BTC, Thông tư số 137/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính và các quy định của pháp luật có liên quan. Một số nội dung được thực hiện như sau:

1. Đối với khoản chi thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để cử đấu giá viên điều hành phiên bán đấu giá bao gồm: chi bồi dưỡng cho đấu giá viên tối đa là 300.000 đồng/01 phiên bán đấu giá và các chi phí đi lại, lưu trú theo chế độ công tác phí áp dụng đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Các khoản chi phí này được thể hiện trong hợp đồng ký giữa Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện và tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp.

2. Đối với chi phí thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu: Chủ tịch Hội đồng thanh lý xem xét, quyết định chi trên cơ sở chế độ tài chính của Hội đồng bán đấu giá tài sản quy định tại Thông tư số 137/2010/TT-BTC, bao gồm các khoản chi sau đây:

a) Chi phí tiếp nhận, phân loại, kiểm kê tang vật, phương tiện;

b) Chi phí phá dỡ, hủy bỏ tang vật, phương tiện;

c) Chi phí định giá tang vật, phương tiện;

d) Chi phí tổ chức bán tang vật, phương tiện;

đ) Các chi phí khác có liên quan đến hoạt động của Hội đồng thanh lý.

Điều 7. Chế độ báo cáo tình hình xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính

1. Trách nhiệm báo cáo:

a) Hàng năm, cơ quan của người có thẩm quyền quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu) cấp huyện và cấp xã có trách nhiệm báo cáo tình hình xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước thuộc phạm vi xử lý, gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch trước ngày 15 tháng 01 năm sau;

b) Cơ quan của người có thẩm quyền quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu) thuộc trung ương, cấp tỉnh và Phòng Tài chính - Kế hoạch tổng hợp tình hình xử lý tang vật, phương tiện tịch thu thuộc phạm vi quản lý gửi Sở Tài chính trước ngày 31 tháng 01 năm sau;

c) Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổng hợp tình hình xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước trên địa bàn, gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài chính trước ngày 28 tháng 02 năm sau.

Đối với các cơ quan, đơn vị không thực hiện chế độ báo cáo đúng thời hạn, Sở Tài chính, Phòng Tài chính Kế hoạch quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định tạm dừng việc thanh toán chi phí xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước cho đến khi nhận được báo cáo theo quy định tại Thông tư này.

2. Nội dung báo cáo:

a) Tình hình triển khai, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính trong đơn vị và địa phương;

b) Kết quả xử lý tang vật, phương tiện và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước của đơn vị, địa phương trong năm (Tổng hợp theo Mẫu số 2a, 2b, 3 đính kèm Thông tư này);

c) Đánh giá sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình xử lý tang vật, phương tiện; các vướng mắc, kiến nghị (nếu có).

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 25 tháng 01 năm 2013.

2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, quy định về khoản chi thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để cử đấu giá viên điều hành phiên đấu giá tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 137/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định việc xác định giá khởi điểm của tài sản nhà nước bán đấu giá và chế độ tài chính của Hội đồng bán đấu giá tài sản hết hiệu lực thi hành.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản) để phối hợp giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Hữu Chí

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.