• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/08/2014
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 27/2014/TT-BNNPTTN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Bình, ngày 25 tháng 8 năm 2014

THÔNG TƯ

Quy định về nội dung và định mức duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép được hỗ trợ theo

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản

_____________________________

 

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về nội dung và định mức duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép được hỗ trợ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về nội dung và định mức duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên được hỗ trợ theo Nghị định số 67/2014/NĐ -CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động duy tu, sửa chữa đối với tàu cá vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép là các cấp sửa chữa định kỳ bao gồm:

Bảo dưỡng, tiểu tu, trung tu, đại tu để khắc phục những hư hỏng nhằm đảm bảo cho tàu cá thỏa mãn hoạt động đến chu kỳ sửa chữa sau.

2. Bảo dưỡng là việc đưa tàu vào sửa chữa nhỏ, đánh gỉ, làm sạch bề mặt, sơn dặm tàu từ mớn nước trở lên và các trang thiết bị mặt boong nhằm đảm bảo cho tàu cá thỏa mãn hoạt động đến chu kỳ sửa chữa sau.

3. Tiểu tu là nhằm loại bỏ những hư hỏng nhỏ bằng cách thay mới hoặc khôi phục lại các chi tiết bị hao mòn. Tiểu tu phải đảm bảo thỏa mãn hoạt động của tàu cá đến chu kỳ sửa chữa sau.

4. Trung tu là việc kiểm tra toàn bộ tình trạng kỹ thuật của tàu, thay mới hoặc sửa chữa các cụm chi tiết, các chi tiết bị mòn và sửa chữa các kết cấu vỏ tàu nhằm đảm bảo cho tàu cá có khả năng thỏa mãn hoạt động được đến chu kỳ đại tu. Trung tu phải đưa tàu lên đà để đo chiều dày tôn vỏ và sửa chữa phần dưới nước và được tiến hành đồng thời với đợt kiểm tra trên đà của cơ quan đăng kiểm.

5. Đại tu là khảo sát toàn bộ các bộ phận của tàu, thay mới, hoặc sửa chữa các bộ phận kể cả vỏ tàu. Đại tu có thể kèm thêm công việc hiện đại hóa cải tiến các trang thiết bị nhằm tăng chất lượng kỹ thuật, chất lượng khai thác của tàu cá, tăng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho thuyền viên. Đại tu được tiến hành đồng thời với đợt kiểm tra định kỳ của cơ quan đăng kiểm.

Điều 4. Nội dung và định mức duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép

1. Nội dung duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép

a) Cấp duy tu, sửa chữa theo quy định tại Phụ lục 1.

b) Nội dung duy tu, sửa chữa vỏ tàu, máy tàu và trang thiết bị theo quy định tại Phụ lục 2.

2. Đối tượng, mức chi, điều kiện được hỗ trợ và hồ sơ đề nghị hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 117/2014/TT-BTC ngày 21 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm Tổng cục Thủy sản:

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Thông tư này đến các đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan.

b) Hướng dẫn, tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép theo quy định của Thông tư này.

2. Trách nhiệm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Thông tư này đến các đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh.

b) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép theo quy định của Thông tư này tại địa phương theo phân cấp quản lý.

c) Định kỳ báo cáo tình hình triển khai thực hiện Thông tư này tại địa phương về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Thủy sản).

3. Trách nhiệm của cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá và chủ tàu cá:

Thực hiện quy định của Thông tư này trong quá trình duy tu sửa chữa tàu cá vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.

Điều 6. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 8 năm 2014.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức cá nhân có liên quan trong duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, các tổ chức, cá nhân báo cáo kịp thời về Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Thủy sản) để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./. 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Văn Tám

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.