• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 29/10/2014
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 32/2014/TT-BNNPTTN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Bình, ngày 10 tháng 9 năm 2014

THÔNG TƯ

Quy định hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn

__________________________

 

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về nội dung hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quan trắc môi trường là quá trình theo dõi có hệ thống về môi trường, các yếu tố tác động lên môi trường nhằm cung cấp thông tin phục vụ đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu đối với môi trường.

2. Cảnh báo môi trường là hoạt động thông báo trước diễn biến của môi trường và đề xuất các biện pháp xử lý khi môi trường bất lợi hoặc có nguy cơ bất lợi cho sản xuất nông nghiệp trên cơ sở xử lý thông tin từ hoạt động quan trắc môi trường.

3. Môi trường có diễn biến bất lợi hoặc có nguy cơ bất lợi trong sản xuất nông nghiệp là các thành phần môi trường đất, nước, không khí vượt quá giới hạn cho phép tại các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) hiện hành.

4. Đơn vị quan trắc môi trường là tổ chức được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường.

Chương II

NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG QUAN TRẮC, CẢNH BÁO MÔI TRƯỜNG

Điều 3. Khu vực và điểm quan trắc môi trường

1. Khu vực quan trắc môi trường bao gồm 08 khu vực quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Điểm quan trắc môi trường thuộc khu vực quan trắc môi trường được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt trên cơ sở nhu cầu quan trắc thực tế nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Điều 4. Nội dung quan trắc môi trường

1. Chất lượng môi trường nước trong vùng sản xuất, chế biến nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn và vùng chăn nuôi tập trung.

2. Chất lượng môi trường đất trong vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp và vùng chăn nuôi tập trung.

3. Chất lượng môi trường không khí trong các khu vực chăn nuôi, giết mổ tập trung, nuôi trồng thủy sản, cảng cá và vùng sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản.

Điều 5. Các thông số quan trắc môi trường

1. Môi trường nước

a) Các thông số môi trường thông thường: Các yếu tố khí tượng thủy văn: nhiệt độ không khí, áp suất khí quyển, độ ẩm, gió, sóng, dòng chảy, lượng mưa; nhiệt độ, độ đục, chất rắn lơ lửng (TSS), độ mặn, pH, DO, BOD5, COD, SO42-, H2S;

b) Các chất dinh dưỡng: NO2-, NO3-, NH4+(NH3), PO43 SiO32-, N tổng số (Nts), P tổng số (Pts);

c) Các kim loại nặng và hóa chất độc hại: Cu, Pb, Zn, Cd, As, Hg, Cr3+, Cr6+, Ni, Mn và Fe tổng số (Fets);

d) Hóa chất bảo vệ thực vật: Nhóm Clo hữu cơ, nhóm lân hữu cơ, nhóm carbamate, nhóm Cúc tổng hợp, nhóm neonicotinoid, nhóm avermectin, nhóm carbamate, Thuốc trừ cỏ và tổng độ phóng xạ a, b;

đ) Thực vật phù du tổng số, các loài tảo độc hại;

e) Vi khuẩn tổng số, Coliforms, Vibrio spp., Aeromonas spp. và các tác nhân gây bệnh trên đối tượng thủy sản nuôi (vi rút, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng);

g) Các chất hữu cơ gây ô nhiễm: Chất hoạt động bề mặt, dầu, mỡ, phenol.

2. Môi trường đất

a) Thành phần cơ giới, pHKCl; pHH2O; OC%, N, P, K tổng số, CEC, P dễ tiêu; nitơ thủy phân, tổng số muối hòa tan, độ mặn, EC; Ca, Mg, Na, Fe, K trao đổi; Cu, Zn, Pb, Cd, Hg, As, Cr tổng số, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; vi sinh vật tổng số;

b) Môi trường trầm tích: OC%, N, P, K, S tổng số và dễ tiêu; nhu cầu oxi, kim loại nặng và một số tác nhân gây bệnh.

3. Môi trường không khí

a) Các thông số về khí tượng, khí hậu: hướng gió, tốc độ, gió, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, bức xạ mặt trời;

b) Các thông số về môi trường: CH4, CH3SH, NH3, H2S, bụi lơ lửng tổng số (TSP), bụi PM10, Pb, SO2, NO2, CO, O3.

Căn cứ vào kết quả quan trắc thực tế (có lũy tiến) và mức độ ưu tiên cho từng lĩnh vực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn để xác định vị trí, số lượng và tần suất quan trắc của các thông số môi trường hàng năm.

Điều 6. Phương pháp thu, bảo quản, phân tích mẫu quan trắc môi trường

Phương pháp thu, bảo quản, phân tích mẫu quan trắc môi trường thực hiện theo quy định tại các Thông tư sau:

1. Thông tư số 28/2011/TT-BTNMT ngày 01/8/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường không khí xung quanh và tiếng ồn.

2. Thông tư số 29/2011/TT-BTNMT ngày 01/8/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường nước mặt lục địa.

3. Thông tư số 30/2011/TT-BTNMT ngày 01/8/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường nước dưới đất.

4. Thông tư số 31/2011/TT-BTNMT ngày 01/8/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường nước biển (bao gồm cả trầm tích đáy và sinh vật biển).

5. Thông tư số 32/2011/TT-BTNMT ngày 01/8/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định quy trình kỹ thuật quan trắc chất lượng nước mưa.

6. Thông tư số 33/2011/TT-BTNMT ngày 01/8/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường đất.

Điều 7. Tổng hợp, báo cáo và cung cấp thông tin quan trắc môi trường

1. Đơn vị quan trắc môi trường

a) Thu thập, tổng hợp, xử lý số liệu từ các hoạt động quan trắc theo kế hoạch được giao; tiếp nhận, đánh giá tài liệu từ các tổ chức, cá nhân về tình hình quan trắc môi trường trong phạm vi được giao quản lý;

b) Báo cáo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường định kỳ, đột xuất bằng văn bản và file điện tử đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường); thông báo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong khu vực quan trắc, các Tổng cục, Cục chuyên ngành có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ sở sản xuất nơi quan trắc môi trường;

c) Thiết lập và lưu trữ cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường theo hình thức lũy tiến. Báo cáo kết quả quan trắc môi trường theo các nội dung quy định tại mẫu 1 và mẫu 2 của Phụ lục II kèm theo Thông tư này.

2. Các Tổng cục, Cục chuyên ngành có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: tiếp nhận, tổng hợp kết quả quan trắc môi trường thuộc lĩnh vực quản lý từ các đơn vị quan trắc môi trường và các tổ chức, cá nhân có liên quan; cung cấp thông tin về tình hình môi trường được giao quản lý; báo cáo định kỳ và đột xuất khi Bộ yêu cầu.

3. Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường:

a) Tổ chức tiếp nhận, xử lý và lưu trữ cơ sở dữ liệu về tình hình môi trường và kết quả quan trắc môi trường (định kỳ, đột xuất) từ các đơn vị quan trắc, các Tổng cục, Cục chuyên ngành có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức, cá nhân có liên quan;

b) Định kỳ, đột xuất báo cáo Bộ về hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

4. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan: cung cấp thông tin về môi trường cho các đơn vị quan trắc, các Tổng cục, Cục chuyên ngành có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan và Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường ngay sau các đợt điều tra, khảo sát, các hoạt động nghiên cứu có liên quan theo cơ chế trao đổi cung cấp thông tin.

Điều 8. Cảnh báo môi trường

1. Khi phát hiện môi trường có diễn biến bất lợi hoặc có nguy cơ bất lợi cho sản xuất nông nghiệp ở 01 địa phương (tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương), đơn vị quan trắc môi trường:

a) Báo cáo cho Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, các Tổng cục, Cục chuyên ngành có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biết để phối hợp;

b) Thông báo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có liên quan để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định cảnh báo và chỉ đạo các cơ sở sản xuất ứng phó kịp thời.

2. Khi phát hiện môi trường có diễn biến bất lợi hoặc có nguy cơ bất lợi cho sản xuất nông nghiệp từ 02 địa phương trở lên, đơn vị quan trắc môi trường hoặc các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan:

a) Báo cáo về Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, các Tổng cục, Cục chuyên ngành có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để các Tổng cục, Cục trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định cảnh báo và chỉ đạo các địa phương ứng phó kịp thời;

b) Thông báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có liên quan biết để phối hợp.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường

1. Là đơn vị đầu mối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; có trách nhiệm tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư này.

2. Trình Bộ trưởng phê duyệt chương trình, kế hoạch nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường dài hạn, hàng năm của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

3. Tổ chức quản lý hệ thống, cơ sở dữ liệu về quan trắc, cảnh báo về môi trường nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Điều 10. Các Tổng cục, Cục chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 7 và khoản 1, khoản 2 Điều 8 của Thông tư này.

2. Phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường xây dựng chương trình, kế hoạch nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường dài hạn, hàng năm của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

3. Cung cấp thông tin, quản lý dữ liệu về quan trắc, cảnh báo môi trường được giao quản lý.

Điều 11. Đơn vị quan trắc môi trường

1. Trực tiếp thực hiện các nội dung của hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định tại Thông tư này.

2. Thực hiện báo cáo kết quả quan trắc môi trường theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.

Điều 12. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ có liên quan quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Thông tư này.

2. Cung cấp thông tin, quản lý dữ liệu về quan trắc, cảnh báo môi trường được giao quản lý.

Điều 13. Các tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Tham gia cung cấp thông tin về tình hình môi trường theo quy định tại Thông tư này.

2. Phối hợp với các đơn vị quan trắc, Tổng cục, Cục chuyên ngành có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nội dung liên quan đến Thông tư này.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 10 năm 2014.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường) để xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Quốc Doanh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.