• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/05/2015
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 15/2015/TT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Bình, ngày 30 tháng 3 năm 2015

THÔNG TƯ

Hướng dẫn giám sát việc thực hiện chế độ tuyển dụng, sử dụng lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng

và chế độ khác đối với người lao động và viên chức quản lý trong tập đoàn kinh tế,

tổng công ty do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều l

_____________________________

 

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn giám sát việc thực hiện chế độ tuyển dụng, sử dụng lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và chế độ khác đối với người lao động và viên chức quản lý trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn giám sát việc thực hiện chế độ tuyển dụng, sử dụng lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và chế độ khác đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, Thành viên Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty), Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng (sau đây gọi chung là viên chức quản lý) trong tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước theo quy định tại Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước, bao gồm:

1. Công ty mẹ - tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu (sau đây gọi tắt là công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty nhà nước).

2. Công ty mẹ - tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước (sau đây gọi tắt là công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chi phối).

3. Công ty do công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoặc công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước chi phối làm chủ sở hữu hoặc nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối (sau đây gọi tắt là công ty con).

Tổ hợp công ty mẹ tại Khoản 1 hoặc Khoản 2 và công ty con tại Khoản 3 Điều này, sau đây gọi tắt là tập đoàn, tổng công ty.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và viên chức quản lý; người đại diện vốn nhà nước trong công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước chi phối.

2. Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước tại công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty nhà nước (sau đây gọi chung là chủ sở hữu).

3. Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước được ủy quyền thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cổ đông, thành viên góp vốn tại công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước chi phối (sau đây gọi chung là đại diện chủ sở hữu).

4. Các Bộ, tổ chức và cá nhân có liên quan đến giám sát việc thực hiện chế độ tuyển dụng, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và chế độ khác theo quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Phương thức giám sát

1. Giám sát thông qua hoạt động kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu đối với tập đoàn, tổng công ty.

2. Giám sát thông qua báo cáo định kỳ hoặc đột xuất của chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu, người đại diện vốn nhà nước và tập đoàn, tổng công ty.

3. Giám sát thông qua báo cáo kiểm toán, báo cáo đánh giá, kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương về các nội dung liên quan đến lao động, tiền lương, tiền thưởng và chế độ khác đối với người lao động và viên chức quản lý tại tập đoàn, tổng công ty.

Điều 4. Nội dung chủ yếu giám sát

Giám sát việc xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch hằng năm của tập đoàn, tổng công ty theo các nội dung chủ yếu sau:

1. Định mức lao động; tuyển dụng, sử dụng lao động.

2. Tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động, viên chức quản lý và người đại diện vốn nhà nước.

3. Xây dựng và thực hiện các quy chế, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế dân chủ cơ sở.

4. Thực hiện các chế độ khác đối với người lao động.

Điều 5. Lập báo cáo giám sát

Căn cứ vào nội dung giám sát quy định tại Điều 4 Thông tư này, công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty nhà nước; công ty con do công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoặc công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chi phối làm chủ sở hữu; người đại diện vốn nhà nước yêu cầu công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chi phối; người đại diện vốn của tập đoàn, tổng công ty yêu cầu công ty con do công ty mẹ nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối lập báo cáo giám sát trên cơ sở đánh giá, phân tích các nội dung như sau:

1. Định mức lao động, gồm: việc triển khai xây dựng định mức lao động (đối với định mức lao động mới); rà soát, đánh giá, sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung định mức lao động; đánh giá tình hình thực hiện hệ thống định mức lao động.

2. Tuyển dụng, sử dụng lao động, gồm: việc lập kế hoạch sử dụng lao động gắn với kế hoạch sản xuất, kinh doanh; tuyển dụng lao động, chất lượng lao động tuyển dụng so với yêu cầu; bố trí việc làm; biến động lao động; đào tạo và đào tạo lại; giải quyết chế độ đối với người lao động thiếu việc làm, bị mất việc hoặc thôi việc, trách nhiệm đối với trường hợp tuyển dụng, sử dụng lao động không đúng kế hoạch.

3. Tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động, gồm: hệ thống thang lương, bảng lương, các chế độ phụ cấp lương; xếp lương, nâng bậc lương; xây dựng quỹ tiền lương kế hoạch; tạm ứng tiền lương; xác định và phê duyệt quỹ tiền lương thực hiện gắn với các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh; phân phối tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi; công khai tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người lao động theo quy định của Nhà nước.

4. Tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với viên chức quản lý và người đại diện vốn, gồm: tình hình xếp lương, nâng bậc lương; xây dựng quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch; xác định và phê duyệt quỹ tiền lương, thù lao thực hiện gắn với các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh; tạm ứng, phân phối tiền lương, thù lao, tiền thưởng; việc trích, chuyển tiền lương, thù lao, tiền thưởng của kiểm soát viên và người đại diện vốn; công khai tiền lương, thù lao, tiền thưởng của viên chức quản lý theo quy định của Nhà nước.

5. Xây dựng và thực hiện các quy chế, nội quy, thỏa ước lao động tập thể, gồm: tình hình thực hiện và dự kiến điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung (nếu có) các quy chế về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo lao động, nâng bậc lương, trả lương, thù lao, tiền thưởng; quy chế dân chủ cơ sở, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy định khác đối với người lao động.

6. Các chế độ khác đối với người lao động, gồm: tình hình thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; an toàn, vệ sinh lao động, chế độ ăn ca, bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật.

Điều 6. Yêu cầu khi giám sát, kiểm tra

1. Hằng năm, công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty nhà nước; công ty con do công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoặc công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chi phối làm chủ sở hữu; người đại diện vốn nhà nước yêu cầu công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chi phối; người đại diện vốn của tập đoàn, tổng công ty yêu cầu công ty con do công ty mẹ nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối lập báo cáo giám sát theo thời gian quy định tại Điều 8 Thông tư này hoặc chuẩn bị báo cáo, thuyết minh giải trình, bố trí người làm việc (đối với giám sát thông qua hình thức kiểm tra) khi nhận được yêu cầu của cơ quan giám sát theo đúng nội dung, thời gian và chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu cung cấp trong báo cáo giám sát.

2. Cơ quan giám sát theo Điều 7 Thông tư này, trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ báo cáo, thuyết minh, giải trình phải có ý kiến về các nội dung theo báo cáo của tập đoàn, tổng công ty.

3. Khi cơ quan giám sát nhận được yêu cầu của cơ quan kiểm toán hoặc Bộ, ngành, địa phương kiến nghị về các nội dung có liên quan thì trong vòng 30 ngày phải có văn bản trả lời về kiến nghị của các cơ quan này.

4. Xử lý sau khi giám sát, kiểm tra

a) Sau khi rà soát, kiểm tra, trường hợp tập đoàn, tổng công ty thực hiện đúng các quy định của nhà nước thì cơ quan giám sát có văn bản thông báo để tập đoàn, tổng công ty biết, tiếp tục thực hiện;

b) Trường hợp tập đoàn, tổng công ty có nội dung thực hiện chưa đầy đủ theo quy định của nhà nước thì cơ quan giám sát có văn bản yêu cầu tập đoàn, tổng công ty phải thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước. Văn bản phải nêu rõ nội dung yêu cầu và thời hạn thực hiện;

c) Trường hợp tập đoàn, tổng công ty có nội dung thực hiện sai quy định của Nhà nước thì cơ quan giám sát có văn bản yêu cầu tập đoàn, tổng công ty phải lập tức hủy bỏ và sửa đổi, bổ sung các nội dung không đúng quy định và có giải pháp khắc phục hậu quả của việc tổ chức thực hiện không đúng quy định. Đồng thời thông báo việc sai phạm và kiến nghị với cơ quan liên quan có các hình thức kỷ luật thích hợp hoặc đề nghị cơ quan điều tra truy tố trước pháp luật theo mức độ sai phạm đối với người đứng đầu và người xây dựng, ban hành và thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước.

Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan giám sát

1. Đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Chủ trì, phối hợp với chủ sở hữu giám sát, kiểm tra định kỳ đối với công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty nhà nước xếp hạng đặc biệt, công ty mẹ - tổng công ty nhà nước vận dụng xếp hạng, xếp lương theo tổng công ty hạng đặc biệt;

b) Thông qua báo cáo của công ty mẹ nêu tại điểm a, Khoản 1 Điều này để giám sát, kiểm tra các công ty con của tập đoàn, tổng công ty;

c) Tùy theo yêu cầu giám sát, lập kế hoạch kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện của tập đoàn, tổng công ty và đề nghị chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu phối hợp thực hiện hoặc yêu cầu tập đoàn kinh tế, tổng công ty và chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu báo cáo bổ sung theo từng nội dung cụ thể;

d) Phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát việc khắc phục hậu quả sau giám sát của tập đoàn, tổng công ty;

đ) Định kỳ trước ngày 30 tháng 6 hằng năm, tổng hợp, phân tích, đánh giá, giám sát chung đối với công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước chi phối và các công ty con của tập đoàn, tổng công ty; kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách về lao động, tiền lương và các chính sách khác đối với người lao động và viên chức quản lý cũng như các giải pháp khắc phục việc thực hiện không đúng quy định (nếu có) của tập đoàn, tổng công ty.

2. Đối với Chủ sở hữu

a) Chủ trì tổ chức giám sát, kiểm tra định kỳ đối với công ty mẹ - tổng công ty nhà nước;

b) Thông qua báo cáo của công ty mẹ - tổng công ty nhà nước để giám sát, kiểm tra các công ty con của tổng công ty;

c) Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giám sát, kiểm tra công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty nhà nước xếp hạng đặc biệt, công ty mẹ - tổng công ty nhà nước vận dụng xếp hạng, xếp lương theo tổng công ty hạng đặc biệt;

d) Tùy theo yêu cầu giám sát, lập kế hoạch kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện của tập đoàn, tổng công ty hoặc yêu cầu tập đoàn, tổng công ty báo cáo bổ sung theo từng nội dung cụ thể;

đ) Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan giám sát việc sửa đổi, bổ sung và khắc phục hậu quả đối với việc thực hiện không đúng quy định của tập đoàn, tổng công ty;

e) Định kỳ trước ngày 31 tháng 5 hằng năm, tổng hợp tình hình giám sát các tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi quản lý và số liệu theo biểu mẫu số 5 ban hành kèm theo Thông tư số 18/2013/TT-BLĐTBXH; biểu mẫu số 6, 7 và số 8 ban hành kèm theo Thông tư số 19/2013/TT-BLĐTBXH ngày 9 tháng 9 năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (trong đó sửa lại tên chỉ tiêu ở các cột trong biểu mẫu số 6, 7 và số 8 như sau: “thực hiện năm trước” sửa thành “kế hoạch năm trước”, “kế hoạch năm nay” hoặc “kế hoạch” sửa thành “thực hiện năm trước”, “thực hiện năm nay” hoặc “thực hiện” sửa thành “kế hoạch năm …”) và biểu mẫu số 4 và số 5 ban hành kèm theo Thông tư này, gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để giám sát chung, tập hợp báo cáo Chính phủ.

3. Đối với Đại diện chủ sở hữu

a) Chủ trì tổ chức giám sát, kiểm tra định kỳ đối với công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước chi phối;

b) Thông qua báo cáo của công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước chi phối để giám sát, kiểm tra các công ty con của tập đoàn, tổng công ty;

c) Định kỳ trước ngày 31 tháng 5 hằng năm, tổng hợp tình hình giám sát tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi đại diện vốn và số liệu theo biểu mẫu quy định tại điểm e, Khoản 2 Điều 7 Thông tư này, gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hội để giám sát, tập hợp chung báo cáo Chính phủ.

4. Đối với người đại diện vốn

Người đại diện vốn nhà nước yêu cầu công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chi phối; Người đại diện vốn của công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chi phối yêu cầu công ty con do công ty mẹ nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối lập báo cáo giám sát theo điểm b, Khoản 1 và điểm b, Khoản 2, Điều 8 Thông tư này để báo cáo cơ quan giám sát trước ngày 01 tháng 3 hằng năm theo quy định.

Điều 8. Trách nhiệm của tập đoàn, tổng công ty

1. Đối với công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty nhà nước

a) Định kỳ trước ngày 31 tháng 3 hằng năm, lập báo cáo giám sát đối với công ty mẹ và tổng hợp số liệu theo biểu mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư số 18/2013/TT-BLĐTBXH, biểu mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư số 19/2013/TT-BLĐTBXH ngày 9 tháng 9 năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và biểu mẫu số 1, 2 và số 3 ban hành kèm theo Thông tư này, gửi về cơ quan giám sát theo quy định.

b) Chủ trì tổ chức giám sát đối với công ty con do công ty mẹ làm chủ sở hữu và công ty con do công ty mẹ nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối (thông qua người đại diện vốn), trong đó yêu cầu công ty con lập báo cáo giám sát và tổng hợp số liệu theo biểu mẫu quy định tại điểm a, Khoản 1 Điều 8 Thông tư này, gửi về công ty mẹ trước ngày 01 tháng 3 hàng năm.

c) Định kỳ trước ngày 31 tháng 3 hằng năm, tổng hợp tình hình giám sát các công ty con và số liệu theo biểu mẫu quy định tại điểm e, Khoản 2 Điều 7 Thông tư này, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Chủ sở hữu để giám sát chung, tổng hợp báo cáo Chính phủ.

2. Đối với công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước chi phối

a) Định kỳ trước ngày 31 tháng 3 hằng năm, lập báo cáo giám sát đối với công ty mẹ và tổng hợp số liệu theo biểu mẫu quy định tại điểm a, Khoản 1 Điều 8 Thông tư này, gửi người đại diện vốn nhà nước và Đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước;

b) Chủ trì tổ chức giám sát đối với công ty con do công ty mẹ làm chủ sở hữu và công ty con do công ty mẹ nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối (thông qua người đại diện vốn), trong đó yêu cầu công ty con lập báo cáo giám sát và tổng hợp số liệu theo biểu mẫu quy định tại điểm a, Khoản 1 Điều 8 Thông tư này, gửi về công ty mẹ trước ngày 01 tháng 3 hằng năm.

c) Định kỳ trước ngày 31 tháng 3 hằng năm, tổng hợp tình hình giám sát các công ty con và số liệu theo biểu mẫu quy định tại điểm e, Khoản 2 Điều 7 Thông tư này, báo cáo Đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước và người đại diện vốn nhà nước để giám sát chung theo quy định.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2015.

2. Các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu là công ty hoạt động độc lập thuộc phạm vi quản lý xây dựng báo cáo tình hình thực hiện tuyển dụng, sử dụng lao động, tiền lương, tiền thưởng theo quy định tại Thông tư này và tổ chức giám sát theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ, trên cơ sở đó lập báo cáo giám sát chung gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, tổng hợp chung.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để hướng dẫn bổ sung kịp thời./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Minh Huân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.