• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 21/06/2012
QUỐC HỘI
Số: 26/2012/QH13
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Bình, ngày 21 tháng 6 năm 2012

NGHỊ QUYẾT

Về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách,

pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

_________________

 

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội số 05/2003/QH11;

Căn cứ Nghị quyết số 15/2011/QH13 về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo kết quả giám sát số 160/BC-UBTVQH13 ngày 31 tháng 5 năm 2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1

Quốc hội tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc thực hiện chính sách, pháp luật và bố trí tăng nguồn vốn đầu tư công hàng năm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nâng cao năng suất, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, diện mạo nông thôn từng bước thay đổi theo hướng hiện đại.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần sớm khắc phục. Văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này còn thiếu ổn định, chưa đồng bộ, có những quy định chồng chéo, chưa sát thực tế. Mặc dù được Nhà nước quan tâm nhưng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội. Vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, lãng phí, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao. Chất lượng quy hoạch còn hạn chế, thiếu sự liên kết, thống nhất giữa các loại quy hoạch, chưa gắn kết chặt chẽ với nguồn lực thực hiện. Việc lồng ghép các chương trình, dự án còn nhiều vướng mắc. Các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn chậm đổi mới. Các chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn.

Điều 2

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tập trung thực hiện một số nội dung sau:

1. Sớm ban hành Luật đầu tư công, mua sắm công, Luật quy hoạch, Luật thủy lợi, Luật thú y, Luật việc làm. Sửa đổi, bổ sung Luật đất đai, Luật hợp tác xã, Luật dạy nghề, Luật thủy sản. Rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, đấu thầu, đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bảo hiểm nông nghiệp, dạy nghề, nhà ở, vệ sinh môi trường, hoạt động giám sát.

2. Tăng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa X, đảm bảo vốn 5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước. Tăng vốn đầu tư công phát triển nông nghiệp, nông thôn cho các vùng trọng điểm, các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao, đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia, các tỉnh nghèo, tỉnh miền núi, những địa phương khó có điều kiện thu hút đầu tư từ các nguồn vốn khác, các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và Chương trình 135 của Chính phủ.

3. Các mục tiêu ưu tiên:

Tập trung đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến sau thu hoạch, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản. Sớm hoàn thiện cơ bản hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng, phục vụ tưới tiêu chủ động cho diện tích lúa hai vụ, các vùng cây công nghiệp và nguyên liệu, nuôi trồng thủy sản tập trung; xây dựng và củng cố hệ thống đê sông, đê biển, đê bao, khu neo đậu, tránh bão, các công trình ngăn mặn, xả lũ, giữ ngọt, tiêu úng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hoàn thiện hệ thống cảnh báo thiên tai trong cả nước; phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nông thôn bảo đảm kết nối với đầu mối giao thông chung của cả nước và các trung tâm kinh tế lớn; phát triển hạ tầng điện cung cấp đủ cho sản xuất và sinh hoạt khu vực nông thôn. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cho việc phát triển vùng nguyên liệu rừng, đầu tư trồng và bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn; rà soát lại quỹ đất của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng sử dụng chưa hiệu quả để có kế hoạch giao cho các doanh nghiệp và người dân trồng rừng tạo động lực mới trong việc bảo vệ và phát triển rừng.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách thu hút đầu tư, nhất là về thu tiền sử dụng đất, thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp có dự án, công trình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các dự án đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư phát triển công nghệ chế biến các sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị gia tăng cao. Thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế vào một số dự án hiện còn dựa nhiều vào ngân sách nhà nước như dự án cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, dự án cảng cá, bến cá, dự án cấp nước sạch, nước sinh hoạt nông thôn, xử lý môi trường. Tập trung các nguồn vốn, huy động nội lực trong nhân dân xây dựng nông thôn mới; thực hiện lồng ghép các nguồn lực, các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Rà soát, điều chỉnh một số tiêu chí nông thôn mới và các chương trình mục tiêu khác cho phù hợp với thực tế, điều kiện kinh tế - xã hội ở các vùng, miền khác nhau.

Phát triển mạng lưới tín dụng nông thôn, tăng thêm các điểm giao dịch của ngân hàng thương mại trên địa bàn nông thôn. Khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay vốn với cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhất là tăng mức và kỳ hạn cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất của từng đối tượng, từng loại cây, con. Tiếp tục cải tiến thủ tục để các đối tượng vay tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Tăng thêm nguồn vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội để tăng mức cho vay nhất là cho chăn nuôi gia súc, gia cầm; mở rộng đối tượng hộ cận nghèo được vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, phát triển thêm các ngành nghề ở nông thôn.

Có chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ cao làm việc trong ngành nông nghiệp, đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, trình độ đến công tác ở nông thôn; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là lực lượng cán bộ trực tiếp thực hiện ở cơ sở. Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, từng vùng và sát với nhu cầu, gắn với giải quyết việc làm. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là cho vùng sâu, vùng xa, vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Nghiên cứu, đổi mới chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm giảm nghèo bền vững. Bảo đảm vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, xác định rõ mục tiêu cần hỗ trợ, ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước phát triển cơ sở hạ tầng. Có chính sách đặc biệt ưu đãi đối với khu vực biên giới, hải đảo để người dân yên tâm sinh sống, giữ gìn đất đai vùng biên cương của Tổ quốc.

Khuyến khích mọi đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tiếp tục hỗ trợ cho hộ cận nghèo, mở rộng việc hỗ trợ cho đối tượng có thu nhập thấp ở nông thôn tham gia bảo hiểm y tế theo lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Tiến hành sơ kết chủ trương thí điểm bảo hiểm nông nghiệp để rút kinh nghiệm, thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

4. Đổi mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý, thực hiện đầu tư công:

Việc phân bổ vốn đầu tư theo định hướng khung kế hoạch hoặc kế hoạch 3-5 năm và trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; ưu tiên cho các công trình trọng điểm về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội có tác động lớn đến phát triển các ngành, lĩnh vực và một số địa phương thuộc quy hoạch giữ 3,812 triệu ha đất trồng lúa, các dự án cấp bách phòng chống, khắc phục và giảm nhẹ hậu quả thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

Rà soát các Chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung đầu mối quản lý ở trung ương và phân cấp tối đa cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ban hành quy chế phối hợp, lồng ghép xác định rõ các đối tượng thụ hưởng, các hoạt động chủ yếu, cách thức quản lý, cơ quan chủ trì, phối hợp thực hiện, cơ chế theo dõi, giám sát và đánh giá.

Mở rộng phân cấp, giao quyền chủ động cho địa phương phân bổ vốn theo từng dự án, công trình cụ thể theo tiêu chí quy định. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát triển khai các dự án đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm trong lĩnh vực đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thiết lập hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công, thực hiện công khai, minh bạch thông tin về hoạt động đầu tư công, trong đó có hoạt động đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Điều 3

Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thực hiện Nghị quyết và đến 2015 hàng năm báo cáo Quốc hội .

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn tham gia giám sát và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012.

Chủ tịch Quốc hội

(Đã ký)

 

Nguyễn Sinh Hùng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.