• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/09/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 31/12/2024
BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: 23/2015/TT-BCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Bình, ngày 13 tháng 7 năm 2015

THÔNG TƯ

Quy định trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện theo hình thức hợp đồng

Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao

____________________

 

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức công tư;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng,

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (sau đây gọi tắt là BOT) trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Đối tượng áp dụng của Thông tư này gồm các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động liên quan đến việc đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện theo hình thức hợp đồng BOT.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Hợp đồng BOT là hợp đồng được ký giữa Bộ Công Thương và chủ đầu tư BOT để xây dựng nhà máy nhiệt điện trên lãnh thổ Việt Nam; sau khi hoàn thành nhà máy, chủ đầu tư được quyền kinh doanh nhà máy trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, chủ đầu tư chuyển giao cho Bộ Công Thương.

2. Dự án BOT nhà máy nhiệt điện (sau đây gọi tắt là Dự án BOT NMNĐ) là dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

3. Nhà đầu tư BOT là các tổ chức, cá nhân có văn bản chính thức bày tỏ sự quan tâm, tham gia góp vốn phát triển dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

4. Chủ đầu tư BOT là nhà đầu tư BOT đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao phát triển Dự án BOT NMNĐ.

5. Doanh nghiệp BOT là doanh nghiệp do Chủ đầu tư BOT thành lập để thực hiện Dự án BOT NMNĐ.

6. Nhà thầu EPC là nhà thầu thực hiện gói thầu thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp Dự án BOT NMNĐ.

7. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (sau đây gọi tắt là QHĐLQG) là quy hoạch chuyên ngành điện lực đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

8. Biên bản ghi nhớ phát triển Dự án BOT NMNĐ (sau đây gọi tắt là MOU) là biên bản được ký kết giữa Chủ đầu tư BOT và Bộ Công Thương.

9. Báo cáo nghiên cứu khả thi (sau đây gọi tắt là FS) là tài liệu trình bày các nội dung nghiên cứu về sự cần thiết, tính khả thi và hiệu quả của Dự án BOT NMNĐ.

10. Hợp đồng nguyên tắc (sau đây gọi tắt là PA) là thỏa thuận được ký kết giữa Tổng cục Năng lượng và Chủ đầu tư BOT.

11. Hợp đồng mua bán điện (sau đây gọi tắt là PPA) là hợp đồng được ký kết giữa Doanh nghiệp BOT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

12. Hợp đồng thuê đất (sau đây gọi tắt là LLA) là hợp đồng được ký kết giữa Doanh nghiệp BOT và cơ quan có thẩm quyền tại địa phương nơi có Dự án BOT NMNĐ.

13. Hợp đồng cung cấp than (sau đây gọi tắt là CSA) là hợp đồng được ký kết giữa Doanh nghiệp BOT và Nhà cung cấp than.

14. Hợp đồng vận chuyển than (sau đây gọi tắt là CTA) là hợp đồng được ký kết giữa Doanh nghiệp BOT và Nhà vận chuyển than.

15. Hợp đồng cung cấp khí (sau đây gọi tắt là GSA) là hợp đồng được ký kết giữa Doanh nghiệp BOT và Nhà cung cấp khí.

Chương II

LỰA CHỌN CHỦ ĐẦU TƯ BOT VÀ TỔ CHỨC ĐÀM PHÁN

CÁC TÀI LIỆU DỰ ÁN

Mục 1

LỰA CHỌN CHỦ ĐẦU TƯ BOT

Điều 3. Việc lựa chọn Chủ đầu tư BOT được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Điều 4. Đấu thầu quốc tế áp dụng cho các trường hợp sau:

1. Các dự án thuộc danh mục của QHĐLQG được Thủ tướng Chính phủ quy định phải đấu thầu quốc tế;

2. Các dự án thuộc danh mục của QHĐLQG chưa xác định chủ đầu tư, có từ hai Nhà đầu tư BOT trở lên đăng ký tham gia sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định hình thức lựa chọn Chủ đầu tư BOT.

Điều 5. Chỉ định Chủ đầu tư BOT áp dụng cho các trường hợp sau:

1. Các dự án thuộc danh mục của QHĐLQG được Thủ tướng Chính phủ chỉ định Chủ đầu tư BOT;

2. Dự án thuộc danh mục của QHĐLQG chỉ có một Nhà đầu tư BOT đăng ký tham gia và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chỉ định Chủ đầu tư BOT;

3. Dự án do Nhà đầu tư BOT đề xuất, không thuộc danh mục của QHĐLQG và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục 2

TỔ CHỨC ĐÀM PHÁN CÁC TÀI LIỆU DỰ ÁN

Điều 6. Biên bản ghi nhớ và kế hoạch triển khai dự án

1. Trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ có văn bản giao Chủ đầu tư BOT phát triển Dự án BOT NMNĐ, Tổng cục Năng lượng gửi dự thảo MOU và hướng dẫn Chủ đầu tư BOT chuẩn bị đàm phán, ký kết MOU. Nội dung MOU bao gồm:

a) Cơ sở pháp lý;

b) Mô tả chung về Dự án BOT NMNĐ;

c) Vai trò, trách nhiệm của Chủ đầu tư BOT;

d) Vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương;

đ) Tiến độ tổng thể phát triển Dự án BOT NMNĐ;

e) Thời hạn hiệu lực của MOU;

g) Trách nhiệm của Chủ đầu tư BOT đối với chi phí phát triển dự án; thanh toán chi phí lập FS, chi phí thẩm định FS dự án; chi phí thuê Tư vấn pháp lý hỗ trợ phía Việt Nam trong quá trình đàm phán và triển khai dự án.

2. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ khi nhận được dự thảo MOU, Chủ đầu tư BOT phải có ý kiến về dự thảo và kế hoạch đàm phán MOU.

3. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến chính thức bằng văn bản của Chủ đầu tư BOT, Tổng cục Năng lượng tổ chức đàm phán MOU. Quá trình đàm phán MOU không được kéo dài quá 30 ngày.

Sau khi thống nhất các nội dung của MOU, Tổng cục Năng lượng trình Bộ trưởng Bộ Công Thương thông qua để tổ chức lễ ký MOU.

4. Việc ký kết MOU được thực hiện giữa đại diện Bộ Công Thương với đại diện hợp pháp của Chủ đầu tư.

5. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày ký MOU, Chủ đầu tư BOT phải lập kế hoạch chi tiết triển khai dự án gửi Tổng cục Năng lượng để xem xét, thống nhất.

6. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được kế hoạch chi tiết, Tổng cục Năng lượng có ý kiến trả lời bằng văn bản.

7. Nội dung kế hoạch chi tiết triển khai dự án bao gồm:

a) Lập và phê duyệt Quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm điện lực (nếu có): Ngày trình Quy hoạch; ngày phê duyệt Quy hoạch;

b) Lập và phê duyệt FS, bao gồm: Ngày trình FS; ngày phê duyệt FS;

c) Kế hoạch đàm phán Hợp đồng BOT và các tài liệu liên quan, bao gồm: ngày đàm phán PA; ngày ký PA; ngày dự kiến bắt đầu đàm phán vòng 1; ngày dự kiến kết thúc đàm phán vòng 1; ngày dự kiến bắt đầu đàm phán vòng 2; ngày dự kiến kết thúc đàm phán vòng 2; lịch trình đàm phán các tài liệu liên quan: PPA, LLA, Hợp đồng gói thầu thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp dự án và các hợp đồng cung cấp nhiên liệu; ngày ký kết thỏa thuận đầu tư; ngày nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; ngày ký chính thức các tài liệu Hợp đồng BOT;

d) Ngày đóng tài chính;

đ) Khởi công và xây dựng, bao gồm: Ngày khởi công chính thức dự án; ngày vận hành thương mại từng tổ máy; ngày vận hành thương mại toàn bộ nhà máy.

Điều 7. Lập, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm điện lực

1. Việc lập, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm điện lực (sau đây gọi tắt là Quy hoạch TTĐL) được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 43/2014/TT-BCT ngày 19 tháng 11 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch TTĐL.

2. Chi phí lập, thẩm tra, thẩm định Quy hoạch TTĐL được bố trí từ nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư dự án.

Điều 8. Lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi

1. Trong thời hạn mười hai (12) tháng kể từ ngày ký MOU, Chủ đầu tư BOT phải trình Tổng cục Năng lượng Hồ sơ FS dự án kèm theo ý kiến của các Bộ, ngành liên quan và của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án.

Hồ sơ FS dự án phải được lập bởi đơn vị Tư vấn chuyên ngành điện có giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực tư vấn nhà máy nhiệt điện, có kinh nghiệm lập FS dự án nhà máy nhiệt điện với quy mô tương đương trở lên.

2. Nội dung của Hồ sơ FS dự án được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và các văn bản pháp lý liên quan.

3. Trình tự thẩm định FS dự án được thực hiện theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và các văn bản pháp lý liên quan.

4. Bộ Công Thương chỉ phê duyệt Hồ sơ FS khi đã nhận được Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Chi phí lập, thẩm tra và thẩm định Hồ sơ FS do Chủ đầu tư BOT chi trả.

Điều 9. Tư vấn pháp lý hỗ trợ Bộ Công Thương đàm phán các tài liệu dự án.

1. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày ký MOU, Tổng cục Năng lượng đề xuất phương thức lựa chọn Tư vấn pháp lý hỗ trợ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trình Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định để tổ chức thực hiện.

2. Trách nhiệm của Tư vấn pháp lý:

a) Hỗ trợ Bộ Công Thương dự thảo và đàm phán chi tiết Hợp đồng BOT, Bảo lãnh Chính phủ (sau đây gọi tắt là GGU), Xác nhận và Chấp thuận của Bộ Công Thương (sau đây gọi tắt là MOIT’s A&C);

b) Hoàn thiện bộ Hợp đồng dự án (gồm: Hợp đồng BOT, GGU, A&C, PPA, LLA và CSA hoặc GSA) đảm bảo tính pháp lý, tính chính xác và đồng bộ về nội dung, câu chữ sẵn sàng cho việc ký kết;

c) Các công việc khác được quy định trong Hợp đồng tư vấn.

3. Tổng cục Năng lượng tiến hành lựa chọn Tư vấn pháp lý và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt cùng với dự toán chi phí cho Tư vấn pháp lý hỗ trợ đàm phán.

4. Chi phí thuê Tư vấn pháp lý hỗ trợ Bộ Công Thương đàm phán các tài liệu dự án được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước. Trường hợp nguồn ngân sách Nhà nước chưa bố trí kịp, Bộ Công Thương và Chủ đầu tư có trách nhiệm thỏa thuận về nguồn chi phí thuê Tư vấn pháp lý để đảm bảo tiến độ phát triển dự án.

Điều 10. Nhóm công tác liên ngành

1. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày ký MOU, Tổng cục Năng lượng trình Bộ Công Thương thành lập Nhóm công tác liên ngành.

2. Thành phần của Nhóm công tác liên ngành bao gồm:

a) Trưởng nhóm và một số thành viên của Bộ Công Thương;

b) Thành viên của các Bộ, ngành bao gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi có dự án BOT NMNĐ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) (đối với dự án sử dụng than trong nước), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) (đối với dự án sử dụng khí trong nước).

3. Nhiệm vụ chính của Nhóm công tác liên ngành:

a) Thống nhất kế hoạch đàm phán với Chủ đầu tư BOT;

b) Tổ chức và tham gia đàm phán Hợp đồng BOT, GGU và MOIT’s A&C;

c) Tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đàm phán thực hiện dự án.

4. Phân công nhiệm vụ và phương thức làm việc của Nhóm công tác liên ngành:

a) Trưởng nhóm công tác liên ngành là người chủ trì đàm phán;

b) Thành viên đại diện các Bộ, ngành và địa phương chịu trách nhiệm các nội dung liên quan đến lĩnh vực mình quản lý và hỗ trợ người chủ trì đàm phán theo chức năng nhiệm vụ được phân công;

c) Nhóm công tác liên ngành làm việc theo cơ chế kiêm nhiệm.

5. Chi phí hoạt động:

Chi phí hoạt động của Nhóm công tác liên ngành được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước.

6. Thời gian hoạt động của Nhóm công tác liên ngành tùy thuộc vào yêu cầu thực hiện dự án BOT NMNĐ và do Bộ Công Thương quyết định.

Điều 11. Tổ chức đàm phán

1. Việc đàm phán PA, Hợp đồng BOT, GGU và MOIT’s A&C chỉ được tiến hành khi đáp ứng các điều kiện sau:

a) Hồ sơ FS đã được Bộ Công Thương phê duyệt;

b) Bộ Công Thương đã tuyển chọn được Tư vấn pháp lý;

c) Thời điểm bắt đầu đàm phán phù hợp với tiến độ nêu trong MOU.

2. Tổng cục Năng lượng điều phối việc đàm phán các tài liệu dự án với Chủ đầu tư BOT bao gồm:

a) Nhóm công tác liên ngành: Tổ chức đàm phán Hợp đồng BOT, GGU và MOlT’s A&C.

b) EVN tổ chức đàm phán PPA và văn bản Xác nhận và Chấp thuận của EVN.

PPA chỉ được thông qua sau khi Tổng cục Năng lượng có ý kiến bằng văn bản về Hợp đồng cung cấp nhiên liệu dài hạn cho dự án và kết quả lựa chọn Nhà thầu EPC của dự án.

c) TKV tổ chức đàm phán CSA và văn bản Xác nhận và Chấp thuận của TKV (đối với dự án sử dụng than trong nước).

d) PVN tổ chức đàm phán GSA và văn bản Xác nhận và Chấp thuận của PVN (đối với dự án sử dụng khí trong nước).

đ) Địa phương nơi có dự án tổ chức đàm phán LLA và Văn bản Xác nhận và Chấp thuận của địa phương.

EVN, TKV, PVN và địa phương phải thống nhất kế hoạch đàm phán với chủ đầu tư BOT và báo cáo Tổng cục Năng lượng.

3. Chủ đầu tư BOT chịu trách nhiệm đàm phán song song các tài liệu dự án (gồm: Hợp đồng BOT, GGU, MOIT’s A&C; PPA; CSA; CTA; GSA va LLA) với các đối tác Việt Nam liên quan để bảo đảm tiến độ dự án.

4. Đàm phán PA, Hợp đồng BOT, GGU và MOIT’s A&C:

a) Đàm phán PA

Khi đủ điều kiện tại Khoản 1 Điều này, trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc, Tổng cục Năng lượng gửi dự thảo PA cho Chủ đầu tư BOT.

Dự thảo PA bao gồm các nội dung chính sau: Các định nghĩa cơ bản, thời hạn của hợp đồng, tiến độ tổng thể của dự án, ngày vận hành yêu cầu, luật áp dụng, giải quyết tranh chấp, cơ chế phân chia rủi ro, chế độ thuế, cơ cấu giá điện, hợp đồng thuê đất và cung cấp nhiên liệu, các nguyên tắc cơ bản của GGU.

Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được dự thảo PA, Chủ đầu tư BOT phải có ý kiến về nội dung dự thảo gửi Tổng cục Năng lượng.

Việc đàm phán PA chỉ được tiến hành sau mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của Chủ đầu tư BOT.

Tổng cục Năng lượng và Chủ đầu tư BOT tổ chức ký PA sau khi hai bên đã thỏa thuận các nội dung chi tiết của PA.

b) Đàm phán Hợp đồng BOT, GGU và MOIT’s A&C

Quá trình đàm phán được chia thành 02 vòng, mỗi vòng gồm 03 phiên, mỗi phiên diễn ra tối đa trong ba (03) ngày.

Mỗi vòng đàm phán chỉ kết thúc khi đã đàm phán qua toàn bộ các điều, khoản của hợp đồng. Những nội dung chưa thống nhất, để lại vòng đàm phán tiếp theo.

Trước mỗi vòng đàm phán, Tổng cục Năng lượng gửi dự thảo Hợp đồng BOT, GGU và MOIT’s A&C cho Chủ đầu tư BOT.

Trong thời hạn sáu mươi (60) ngày kể từ ngày nhận được dự thảo, Chủ đầu tư BOT phải gửi Tổng cục Năng lượng ý kiến về nội dung dự thảo Hợp đồng BOT, GGU và MOIT’s A&C. Việc đàm phán chỉ được tiến hành sau ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được ý kiến của Chủ đầu tư BOT.

Kết thúc mỗi vòng đàm phán, Bộ Công Thương gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan để làm cơ sở cho vòng đàm phán tiếp theo.

Nhóm công tác liên ngành tiếp tục đàm phán với Chủ đầu tư BOT về ý kiến của các Bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo Hợp đồng BOT, GGU và MOIT’s A&C.

5. Kết thúc 02 vòng đàm phán, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả các bên đã đạt được và những nội dung chưa thống nhất, cần có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm công tác liên ngành sẽ tiếp tục đàm phán với Chủ đầu tư BOT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc đàm phán chỉ kết thúc khi phía Việt Nam và Chủ đầu tư BOT đã thống nhất tất cả các nội dung của các tài liệu dự án.

6. Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đàm phán, Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ thông qua để tổ chức ký kết thỏa thuận đầu tư với Chủ đầu tư BOT.

Điều 12. Hoàn tất các tài liệu dự án và ký kết thỏa thuận đầu tư

1. Sau khi Hợp đồng BOT, GGU và MOIT’s A&C đã được hai bên thống nhất, Tư vấn pháp lý hỗ trợ Bộ Công Thương phải có văn bản xác nhận về tính pháp lý, tính chính xác về nội dung, câu chữ trong các tài liệu Dự án để Bộ Công Thương ký kết thỏa thuận đầu tư với Chủ đầu tư BOT.

2. Chủ đầu tư BOT phải phối hợp với các bên liên quan, hoàn thiện dự thảo, ký tắt các tài liệu dự án khác như: PPA, CSA (hoặc GSA), CTA, LLA và báo cáo Bộ Công Thương đã ký tắt.

3. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày hai bên thống nhất tất cả các nội dung của Hợp đồng BOT và GGU, Bộ Công Thương tổ chức ký kết thỏa thuận đầu tư với Chủ đầu tư BOT về Hợp đồng BOT, GGU và MOIT’s A&C.

Chương III

CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ,

KÝ KẾT CÁC TÀI LIỆU DỰ ÁN

Điều 13. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

1. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày ký kết thỏa thuận đầu tư, Chủ đầu tư BOT phải trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hồ sơ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

2. Hồ sơ, trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được thực hiện theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức công tư.

3. Chủ đầu tư BOT có trách nhiệm phối hợp với các bên liên quan phía Việt Nam để giải trình các ý kiến theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 14. Ký chính thức Hợp đồng BOT và các tài liệu dự án

1. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ đầu tư BOT phải thành lập Doanh nghiệp BOT và có trách nhiệm hoàn chỉnh các nội dung cần bổ sung nêu trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để ký chính thức các tài liệu dự án.

2. Tổng cục Năng lượng tổ chức lễ ký chính thức các tài liệu dự án giữa Chủ đầu tư BOT và Doanh nghiệp BOT với các bên liên quan, bao gồm:

a) Ký Hợp đồng BOT và GGU với Bộ Công Thương;

b) Ký PPA với EVN;

c) Ký CSA với TKV (đối với dự án sử dụng than trong nước);

d) Ký GSA với PVN (đối với dự án sử dụng khí trong nước);

đ) Ký LLA với địa phương, nơi có dự án.

3. Doanh nghiệp BOT chịu trách nhiệm trình hồ sơ xin cấp Ý kiến pháp lý của Bộ Tư pháp theo quy định tại Nghị định số 51/2015/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về cấp ý kiến pháp lý.

Điều 15. Giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thu xếp tài chính

Tổng cục Năng lượng phối hợp với Chủ đầu tư BOT giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thu xếp tài chính. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 16. Cấp A&C

Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án và EVN cấp các A&C cho Doanh nghiệp BOT theo các điều khoản quy định tại Hợp đồng BOT, LLA và PPA.

Chương IV

KIỂM TRA, GIÁM SÁT THỰC HIỆN DỰ ÁN

Điều 17. Giám sát thực hiện hợp đồng dự án và chất lượng công trình

1. Việc giám sát thực hiện hợp đồng dự án thực hiện theo quy định tại Điều 47 của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức công tư và các văn bản pháp lý liên quan.

2. Việc giám sát chất lượng công trình thực hiện theo quy định tại Điều 48 của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức công tư và các văn bản pháp lý liên quan.

3. Tổng cục Năng lượng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và các văn bản pháp lý liên quan.

4. Tổng cục Năng lượng giám sát việc tuân thủ các nghĩa vụ của Chủ đầu tư, Doanh nghiệp BOT theo tiến độ triển khai dự án và các điều khoản quy định tại bộ hợp đồng BOT.

Điều 18. Chế độ báo cáo

1. Báo cáo tháng

Trong quá trình xây dựng nhà máy, Doanh nghiệp BOT có trách nhiệm lập báo cáo tháng gửi Tổng cục Năng lượng và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền liên quan vào ngày 05 hàng tháng. Nội dung báo cáo tháng bao gồm:

a) Tiến độ công việc đã thực hiện tính đến thời điểm báo cáo;

b) Các vấn đề tồn tại và đề xuất, kiến nghị (nếu có);

c) Kế hoạch dự kiến tháng tiếp theo.

2. Báo cáo quý, năm

Doanh nghiệp BOT hoàn thành báo cáo quý vào ngày 05 các tháng 4, tháng 7, tháng 9; hoàn thành báo cáo năm vào ngày 05 tháng 01 hàng năm gửi Tổng cục Năng lượng và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền liên quan.

3. Báo cáo đột xuất

Trong trường hợp xảy ra sự cố, thiên tai, hỏa hoạn hoặc theo yêu cầu của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Doanh nghiệp BOT có trách nhiệm gửi báo cáo kịp thời về Tổng cục Năng lượng và các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2015.

2. Các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động liên quan đến việc đầu tư các dự án nhà máy nhiệt điện theo hình thức Hợp đồng BOT trên lãnh thổ Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Điều 20. Quy định chuyển tiếp

1. Các dự án đã và đang triển khai trước ngày Thông tư này có hiệu lực được thực hiện theo quy định tại Điều 72 của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

2. MOU của dự án được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành không phải ký lại theo quy định của Thông tư này.

3. PA của dự án được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành không phải ký lại theo quy định của Thông tư này.

Điều 21. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục Năng lượng có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương, Nhà đầu tư BOT, Chủ đầu tư BOT và các doanh nghiệp liên quan gửi ý kiến về Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương để được hướng dẫn./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Hoàng Quốc Vượng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.