NGHỊ ĐỊNH
Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban dân tộc và miền núi
_________________________________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30-9-1992;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Miền núi và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ;
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Uỷ ban Dân tộc và Miền núi là cơ quan của Chính phủ, có chức năng quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực công tác dân tộc và miền núi trong phạm vi cả nước, đồng thời là cơ quan tham mưu cho Trung ương Đảng và Chính phủ về chính sách chung và chính sách cụ thể đối với miền núi có các dân tộc thiểu số
Điều 2. Uỷ ban Dân tộc và Miền núi có nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Xây dựng trình Chính phủ ban hành hoặc để Chính phủ trình Trung ương Đảng, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành về các chủ trương, chính sách, luật pháp về kinh tế - xã hội miền núi và dân tộc.
Phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức hữu quan, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch 5 năm, hàng năm, các chính sách cụ thể về dân tộc, kinh tế - xã hội ở miền núi trình Chính phủ và phối hợp với các ngành, các địa phương trong việc thực hiện kế hoạch, chính sách đó.
2. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ các Uỷ ban nhân dân địa phương thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, luật pháp và các quy định của Nhà nước về dân tộc và miền núi; các dự án chương trình kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số
3. Trình Chính phủ xét duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án về miền núi và dân tộc do Uỷ ban trực tiếp phụ trách.
Trực tiếp tổ chức thực hiện chương trình định canh, định cư đồng bào dân tộc
4. Tham gia với các cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan trong việc xây dựng, quản lý nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn viện trợ Chính phủ, phi Chính phủ đầu tư cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của Chính phủ; hướng dẫn việc kiểm tra sử dụng nguồn vốn viện trợ nhân đạo của các tổ chức phi Chính phủ trợ giúp đồng bào miền núi và các dân tộc theo địa chỉ.
5. Đón tiếp, giải quyết hoặc phối hợp với các cơ quan để giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số theo chế độ, chính sách, luật pháp quy định.
Điều 3. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Miền núi là người đứng đầu và lãnh đạo toàn bộ hoạt động của Uỷ ban.
Các Phó Chủ nhiệm Uỷ ban là người giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban được phân công chỉ đạo một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban.
Điều 4. Tổ chức bộ máy của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi gồm có:
1. Văn phòng
2. Vụ Tổng hợp
3. Vụ Chính sách dân tộc và miền núi
4. Vụ Tổ chức - Cán bộ
5. Vụ Hợp tác quốc tế
6. Cục Định canh định cư (được tổ chức trên cơ sở ban định canh định cư từ Bộ Lâm nghiệp chuyển sang).
Điều 5. Tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc và miền núi ở địa phương do Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Miền núi.
Điều 6. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Bãi bỏ Quyết định số 147-CT ngày 11-5-1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập Văn phòng Miền núi và Dân tộc.
Điều 7. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.