Sign In

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH

Hướng dẫn xác định bảo toàn vốn đến thời điểm 1-1-1992

Thi hành Chỉ thị số 138/CT ngày 25-4-1991 "Về việc mở rộng diện tích trao quyền sử dụng và trách nhiệm bảo toàn vốn SXKD cho "đơn vị cơ sở quốc doanh" và Quyết định số 332/HĐBT ngày 23-10-1991 của Hội đồng Bộ trưởng "Về bảo toàn và phát triển vốn kinh doanh đối với các doanh nghiệp Nhà nước", Bộ tài chính đã có những văn bản hướng dẫn:

Thông tư số 31/TC-CN ngày 27-5-1991 hướng dẫn chế độ bảo toàn và phát triển vốn.

Thông tư số 82/TC-CN ngày 31-12-1991 hướng dẫn bổ sung và sửa đổi thông tư 31/TC-CN nói trên về chế độ bảo toàn và phát triển vốn sản xuất - kinh doanh đối với các doanh nghiệp Nhà nước;

Công văn số 156/TC-CN ngày 27-1-1992 của Bộ Tài Chính quy định tỷ giá ngoại tệ làm căn cứ xác định hệ số điều chỉnh giá trị TSCĐ để thực hiện chế độ bảo toàn vốn.

Thông tư này hướng dẫn cụ thể việc xác định số vốn cố định và vốn lưu động phải bảo toàn ở từng doanh nghiệp Nhà nước tính đến thời điểm 1-1-1992.

 

I. BẢO TOÀN VỐN CỐ ĐỊNH

1. Đối với những TSCĐ có giá trị gốc bằng đôla Mỹ và đa được xác định nguyên giá theo tỷ giá thời điểm kiểm kê đánh giá lại TSCĐ 0 giờ 1-1-1990 là 3900đ/USD thi nay phải nhân với hệ số điều chỉnh 2,56 lần.

2. Đối với những TSCĐ có giá gốc bằng Rúp chuyển nhượng và đã được xác định nguyên giá theo tỷ giá thời điểm kiểm kê đánh giá lại TSCĐ 0 giờ 1/1/1990 là 2400đ/R thì nay phải nhân với hệ số 4,16 lần.

Những TSCĐ trước đây nhập của các nước XHCN tính bằng RCN, nay đã lạc hậu về kỹ thuật, nếu nhân với hệ số 4,16 lần mà không phù hợp với giá hiện hành thì phải xác định hệ số hao mòn vô hình để điều chỉnh theo quy định ở điểm "6" dưới đây.0

3. Đối với những tài sản cố định nhập từ sau 1-1-1990 thì xác định hệ số điều chỉnh giá trị trên cơ sở tỷ giá 10.000đ/USD và 10.000đ/RCN so với tỷ giá thực tế đã hạch toán vào thời điểm nhập khẩu TSCĐ.

Những TSCĐ nhập khẩu đã hạch toán theo tỷ giá thực tế lúc nhập cao hơn 10.000đ/USD thì giữ nguyên theo giá đã hạch toán, không phải điều chỉnh giảm xuống.

4. Đối với những TSCĐ là máy móc, thiết bị sản xuất trong nước thì hệ số điều chỉnh được xác định trên cơ sở mức tăng giá bán thực tế loại tài sản cố định đó tính đến thời điểm 1-1-1992. Trường hợp tài sản không còn phải xuất và mua bán trên thị trường thì căn cứ mức tăng giá của loại tài sản tương tự hiện đang có mua bán trên thị trường để xác định hệ số bảo toàn vốn.

5. Đối với TSCĐ là nhà cửa, kho tàng, vật kiến trúc đang hạch toán theo giá kiểm kê 0 giờ 1-1-1990 thì nay phải nhân với hệ số 1,76 lần.

6. Hệ số hao mòn vô hình được áp dụng từ 0,5 - 0,9 đối với mọi loại tài sản cố định nếu có bị lạc hậu kỹ thuât, không phù hợp với mặt hàng giá hiện hành sau khi nhân với các hệ số điều chỉnh nói trên. Hệ số cụ thể đối với những loại TSCĐ có hao mòn vô hình của từng doanh nghiệp Nhà nước do các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt quyết toán năm xem xét quyết định, trên cơ sở kết quả giám định điều tra và đề nghị của doanh nghiệp.

7. Các hệ số nói trên áp dụng tương ứng cho nguyên giá TSCĐ, vốn cố định (giá trị còn lại) và hao mòn TSCĐ.

 

II. BẢO TOÀN VỐN LƯU ĐỘNG

Các doanh nghiệp tự bảo toàn vốn lưu động trên cơ sở mức tăng (giảm) giá tài sản lưu động thực tế kho của doanh nghiệp ở thời điểm có thay đổi về giá.

Đối với vật tư nguyên vật liệu nhập khẩu, mức chênh lệch giá để bảo toàn vốn được xác định trên cơ sở mức tăng (giảm) giá gốc nhập khẩu (tính băng ngoại tệ) và mức tăng (giảm) tỷ giá đồng ngoại tệ.

Đối với vật tư nguyên vật liệu trong nước, mức chênh lệch giá xác định trên cơ sở mức tăng (giảm) giá thực tế của vật tư đó ở thời điểm có thay về giá.

Số vốn lưu động phải bảo toàn xác định như hướng dẫn tại Thông tư số 31-TC/CN ngày 27-7-1991 và thông tư số 82-TC/CN ngày 31-12-1991 của Bộ Tài Chính.

 

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở các hệ số quy định nói trên, bộ chủ quản (Sở chủ quản đối với doanh nghiệp địa phương) cùng với Bộ (Sở) Tài chính xét duyệt mức vốn cố định và vốn lưu động phải bảo toàn tính đến thời điểm 1-1-1992 cùng với việc xét duyệt quyết toán năm 1991 cho các doanh nghiệp Nhà nước.

Cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính cần cử các tổ chuyên viên thẩm tra số liệu quyết toán và tính toán số vốn phải bảo toàn đến thời điểm 1-1-1992 trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền nói trên xét duyệt.

Việc xét duyệt mức bảo toàn vốn cùng với việc xét duyệt quyết toán năm 1991 cần phải hoàn thành trước ngày 1-7-1992.

2. Để bảo đảm việc thu tiền sử dụng vốn được kịp thời theo mức vốn phải bảo toàn từ đầu năm 1992, và trách nhiệm thu dồn vào 6 tháng cuối năm, các Cục thuế cùng với các doanh nghiệp Nhà nước tạm xác định mức vốn bảo toàn từ đầu năm 1992 để tạm tính mức thu từ đầu năm 1992 đối với vốn cố định: hệ số bình quân không dưới 1,7 và đối với vốn lưu động: hệ số bình quân không dưới 1,2 tính từ thời điểm 1-1-1992.

Mức thu chính thức từ đầu 1992 sẽ được xác định sau khi xét duyệt quyết toán năm 1991 cho các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp nhà nước không phải nộp tiền sử dụng vốn đối với phần vốn ngân sách đã tự bảo toàn được cao hơn mức vốn phải bảo toàn.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký và áp dụng để tính bảo toàn vốn từ thời điểm 1-1-1992.

Đối với ngành tín dụng ngân hàng có hướng dẫn riêng.

Những quy định trái với thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, cần phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính để có ý kiến giải quyết.

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lý Tài Luận